Thông tin

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ CHƠN TÂM VÀ THIỀN

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ CHƠN TÂM VÀ THIỀN

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 

 

Hiện nay, sự sống của chúng ta đang được duy trì và tiếp diễn, có nghĩa là mạng căn của chúng ta đang đặt trên đương niệm và niệm niệm sanh diệt, sanh khởi không cùng mà trong phần đầu chúng ta gọi là tâm thức.

Đức Phật Thích Ca từng dạy, do một niệm bất giác mà chúng ta luân hồi điên đảo trong thiện ác thị phi. Từ đó đến nay chúng ta chưa một ngày an ổn và cũng chưa một lần nghĩ đến phải thoát ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn.

CHƠN TÂM

Trong những bài viết trước, chúng tôi đã khái quát về Vô thường - Thường - về cái tâm điên đảo và cách nhìn để tường tận cái tâm điên đảo ấy; nay chúng tôi xét thấy cần có đôi dòng về cái tâm trong sáng, hồn thiện, minh mẫn của mỗi chúng ta. Phật gia gọi đó là “Bản Thể”, “Chơn Như”, “Chơn Tâm”, “Chơn Tánh”, là “Chơn Không Diệu Hữu”, là “Như Lai Thường Trụ”… Cũng xin nói thêm, ở đây chúng tôi cố tránh đi những khái niệm to tát, những tô vẽ không cần thiết về cái gọi là “Chơn Tâm” ấy, mà cốt chỉ củng cố niềm tin và phấn khích động viên mọi người nên quay về sống trong niềm chân hạnh phúc, an lạc luôn sẵn có nơi mỗi người mà thôi.

Như ban đầu đã nói, khi nhìn vào cái tâm vắng lặng đó, chúng ta đã tin rằng đó chính là cái tâm điên đảo vọng tưởng chứ không đâu khác. Vậy thì cái tâm trong sáng minh mẫn mà chúng ta đang bàn đến nó ở đâu, có thể mô tả được chăng? Thật tình trong hết thảy chúng ta, chẳng ai dại gì mong muốn kéo dài thêm thời gian hụp lặn trong cái tâm điên đảo đó, do vậy chúng tôi chỉ vắn tắt đôi dòng về cái gọi là “Chơn Tâm” đã được Đức Phật Thích Ca gói gọn trong Bát Nhã Tâm Kinh:“… Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô Khổ - Tập - Diệt - Đạo; vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Muội Tam Bồ Đề…”. Trong Thiền tông, thiền sư Hoài Hải - Bá Trượng chỉ về nó: “… Linh quang độc chiếu, thoát hẳn căn trần, thể lộ chơn thường, chẳng kẹt văn tự, tâm tính vô nhiễm, vốn tự viên thành, hễ lìa vọng duyên tức như chư Phật”.

Thiền sư Vân Môn khi được một vị Tăng hỏi: “Lá rụng cành trơ thì thế nào?” thì người đáp rất “thơ”: “Thân bày gió thu!”… Đó là chỗ thấy và cách giải bày về cái “Chơn Tâm” của các bậc đại thiền sư đã triệt ngộ; còn chúng ta, những người đang sống trong vọng tưởng điên đảo, thấy biết hẹp hòi, tâm tánh nhỏ nhen, thử hỏi có đạo lý nào để mà bàn? Tuy nhiên, với tâm niệm hướng về chơn tâm và trong sự cố gắng, chúng tôi chỉ biết ghi lại cảm nhận sâu lắng của mình về những gì liên quan đến cái tâm hồn thiện, trong sáng, bao la, thênh thang đó và cũng chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta cũng thường mang những tâm trạng buồn vui, sướng khổ; những tâm trạng buồn vui, lo lắng, sung sướng, hồi hộp, sợ hãi... nó đến rồi nó đi, nó lặp đi lặp lại trong sự sống nơi tự thân mỗi người; tâm hồn chúng ta lúc thăng hoa bay bổng, lúc trì trệ u tối; tâm lực lúc thì mệt mỏi, lúc sung mãn dồi dào; tâm trí khi thảnh thơi, khi thì đa đoan bận rộn; nhìn chung dòng tâm thức con người đã biến hiện ra không biết bao nhiêu là cảnh giới ở nội tâm. Tuy nhiên, con người chỉ chợt nhớ đến nó khi có vấn đề xảy ra đến với mình, chẳng hạn khi buồn da diết hay khi vui sướng tột cùng thì con người mới để ý đến mình thông qua những tâm trạng vui buồn đang diễn biến trong tâm. Thế nhưng, khi không buồn cũng chẳng vui, có nghĩa là khi con người không gặp phải biến cố gì hay không có tâm trạng gì ấn tượng cho lắm, thì con người thường tự bỏ rơi mình, đánh mất mình; dòng tâm thức, niệm niệm cứ chảy dài trong cuộc sống, nhưng để nhớ về mình, nghĩ về mình thì con người chẳng mấy ai quan tâm. Do vậy, cần phải nhớ đến mình, hiểu về mình, thì chúng ta nên chú ý đến những niềm vui nỗi buồn và hãy cảm nhận về nó một cách sâu lắng tinh tế nhất.

Trên niềm vui nỗi buồn, cái “ta” của con người hiện lên rõ nhất, cái bản ngã con người càng lộ diện rõ hơn khi gặp nhiều nghịch cảnh, trắc trở trong cuộc sống, và lạ lùng thay, ẩn tàng đâu đó, bao trùm lên trên nỗi khổ đau, vui buồn, thương ghét đó, phảng phất vẫn còn có một tâm hồn thênh thang, chan chứa, xúc cảm mênh mông, dạt dào, luôn sáng suốt, bao dung, độ lượng, luôn tự biết mình sai hay là đúng…

Thật ra cái “chơn tâm” chẳng khó chạm, vì tánh chân thật bất hư nơi mỗi chúng ta không ở đâu xa, nó luôn hiện hữu trên những nỗi niềm vui buồn sướng khổ của con người, rời những vui buồn sướng khổ ấy, thật khó mà cảm được “chơn tâm”; về điều này Lục Tổ Huệ Năng từng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” - Phật pháp không rời thế gian mà giác ngộ cũng nhằm chỉ về điều này.

Nhưng “chơn tâm” đó không phải dễ thấy và làm sao thấy được, vì “chơn tâm” ở ngay “đó”, nhưng “đó” không phải là  “chơn tâm” mà chỉ là bóng dáng được vẽ ra bởi tình thức. Thật ra “chơn tâm” chính là tự ngã, vì chỉ có “ta” mới cảm nhận trọn vẹn những vui buồn sướng khổ của phận người, ngoài “ta” ra không ai có thể thay ta vui buồn sướng khổ của riêng ta được. Nhưng nếu nhận niềm vui nỗi buồn đó là “ta” thì không khác gì chúng ta nhận giặc làm con. Vẽ bóng về “chơn tâm” như vậy chúng tôi nhận thấy đã quá nhiều lời, điều quan trọng là ở cảm nhận nơi mỗi chúng ta; cảm nhận cái tâm vọng tưởng điên đảo dấy khởi, theo đó cảm thọ bao nhiêu buồn vui sướng khổ trên mỗi phận người thì dễ, nhưng cảm nhận cái chơn tâm rỡ ràng vắng lặng nơi mỗi chúng ta quả là không dễ. Oái ăm thay, cái chơn tâm rỡ ràng trong sáng ấy vẫn cứ ẩn tàng, vẫn cứ phảng phất dưới lớp sương mù dày đặc của dòng thức tâm điên đảo và điệp trùng bụi phấn trần lao vọng tưởng đã sản sinh ra mớ bòng bong rối bời, tạo nên cuộc sống đầy khổ đau hệ luỵ trong kiếp phù du ngắn ngủi này. Tuy nhiên, nếu chúng ta từng một lần lắng lòng cảm nhận những tâm trạng vui buồn thương ghét vốn không thật có, vốn sanh diệt vô thường, đều từ vọng tưởng điên đảo sanh ra, thì việc cảm và nhận ra cái tâm trong sáng hồn thiện nơi mỗi chúng ta luôn vật vờ len lỏi ra vào trong từng hơi thở, trên từng nỗi niềm vui buồn sướng khổ của thế giới con người, nếu biết cách dụng tâm, chúng tôi chủ quan cho rằng cũng không phải là không tiếp cận được. Với tinh thần hướng thượng, chánh niệm tỉnh giác bằng ý chí kiên định thì chân tâm sáng suốt rỡ ràng ấy sẽ dần dần lộ diện…

THIỀN

 

 

Những gì có tên, có tuổi, có hình, có tướng, kể cả những gì không tên, không tuổi, không hình, không tướng mà đã được con người đặt để, bàn đến, tức là nó đã “có” trong cái thế giới này rồi. Nói rằng “có” tức là nó đã được con người hoặc biết đến, hoặc tạo ra, như vậy chúng ta cũng có thể nói khác đi rằng, tất cả những cái thuộc về cái “có” đó đều là pháp sinh diệt, đến đi qua lại phát xuất từ bản thể con người.

Đã nói là “có”, đã được con người đặt tên, chỉ tướng, thì không có một trường hợp ngoại lệ nào gọi là tối thắng, tối thượng, tối tôn mà không từ con người sinh ra cả; thiền cũng vậy, cũng là do con người vọng hướng đặt tên, nên cũng không ra ngoài trường hợp này.

Tuy nhiên, trên đời có những cái “có” đã giúp cho con người nhờ đó mà no ấm, như gạo cơm, vải vóc; có những cái "có" như lời hay ý đẹp, văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho con người trau dồi đạo đức, tinh thần được thăng hoa bay bổng. Bên cạnh đó, còn những cái “có” khác đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho con người, gây nên phiền muộn rối rắm cho đời sống cộng đồng xã hội, chẳng hạn như ma tuý, mại dâm làm cho cả thể chất lẫn tinh thần con người suy sụp, băng hoại, hủy diệt đời sống con người một cách ác liệt nhất và ma tuý được xem là cực kỳ nguy hiểm không gì có thể sánh bằng.

Trên mặt tích cực, chúng tôi gọi những cái “có” mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người là “thiện”; những cái “có” gây tai họa cho con người và xã hội chúng tôi gọi đó là “ác”.

Ở đời, con người thường hay ham thích làm điều lợi ích, tức điều thiện, tuy nhiên, dù ưa thích điều thiện, làm được nhiều điều có lợi nhưng hạnh phúc thật sự trong đời sống mỗi người thật sự chẳng đáng là bao. Trong đời sống có người rất ghét những điều gây ra tai họa và chẳng ai muốn làm điều ác, nhưng trên thực tế, con người vẫn phải đối mặt với khổ đau triền miên trong cuộc sống. Như vậy, sự khổ đau hiện có, không đơn thuần là do làm điều ác chối bỏ điều thiện, hay làm thiện và tránh ác, mà sự khổ đau bất hạnh này đã có từ rất lâu xa, nó đã kết thành khối, đã thâm căn cố đế trong sự sống nơi mỗi con người. Ấy là từ rất lâu xa, con người đã sai lầm khi nhận thức về một thế giới an bình ở bên ngoài, cũng như sự lầm lẫn của con người khi tìm kiếm sự bình an của nội tâm trong vọng tưởng điên đảo, hoặc con người đã lầm lẫn khi tự sửa sai mình bằng hàng loạt cách thức khắc phục bản thân một cách vô phương hướng. 

Chúng ta đã nói về thiền, thì thiền cũng là một cái “có”, tuy nhiên sự hiện diện của thiền sẽ giúp con người không chỉ để tránh ác làm thiện, tu tâm sửa tánh, trau giồi hạnh kiểm, mà là giúp con người nhận ra bản chất của những cái “có” khác; nói rõ hơn, thiền sẽ giúp chúng ta nhận ra bản chất của “Thiện” và “Ác”. Thiền sẽ giúp con người siêu việt lên trên Thiện và Ác, mục đích tối thượng của thiền là giúp con người siêu thoát trong đời sống tâm linh. Thiền mang một ý nghĩa lớn lao và tác dụng vô cùng trong đời sống tâm linh nơi mỗi sự sống như vậy, chúng ta có thể hiểu về “Thiền” như thế nào đây?

Thiền là gì? Thật ra đã có quá nhiều khái niệm về thiền với nghìn lẻ một kiểu, phát xuất từ nghìn lẻ một kiểu hiểu biết khác nhau, thậm chí có người còn chủ quan khi định nghĩa thiền là thế này, thiền là thế nọ và điều thường xãy ra là khi bàn đến thiền người ta thường phô trương sự hiểu biết về thiền, hơn là nhiệt tâm gợi mở về những điều hết sức tế nhị mà thiền len lõi trong từng hơi thở, dàn trải trong từng thi vi động niệm từ sự sống nơi mỗi con người. Những hý luận vẽ bóng trong bài viết này tuy không mới, nhưng ít ra cũng sẽ gợi mở đôi điều giúp người đọc cảm nhận phần nào về thiền như một cái “có” rất độc đáo, chúng tôi tin rằng mọi người với chánh niệm và tỉnh giác có thể nương vào cái “có” này mà tự tin vững bước trên đường về cố quận…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6111409