Thông tin

MÙA XUÂN MIÊN VIỄN

MÙA XUÂN MIÊN VIỄN

 

TUỆ QUÁN

 

 

Dưới cội Bồ đề, qua bao ngày đêm tư duy, thiền định,… Khi sao Mai mọc, Đức Gotama chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Choáng ngợp trong cảnh giới bất khả tư nghì, Ngài thốt lên: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tướng Như Lai, chỉ vì chấp trước mà không tự chứng đắc”. Với tâm từ bi vô lượng, và trong khoảnh khắc bất ngờ, Ngài hé lộ bí mật Pháp giới, mở ra cho tất cả chúng sanh một mùa xuân miên viễn, ánh sáng Giác ngộ soi sáng khắp nơi nơi, xóa tan bóng tối vô minh phủ trùm nhân loại từ vô lượng kiếp.

Như vậy Đức Phật đã xác quyết: Chúng ta ai cũng đầy đủ đức tướng Như Lai, cũng đầy đủ tám đức của Tự Tánh: Linh, Minh, Diệu, Trạm, Đỗng, Triệt, Thường, Hằng. Tuy mang danh tự chúng sanh, thấy như luân chuyển trôi lăn trong lục đạo luân hồi, kỳ thật vẫn Thường Lạc Ngã Tịnh trong Niết bàn chưa từng sanh diệt. Qua lời Phật, mọi người tự tin mình chưa từng thiếu vắng ánh sáng tự tâm, lặng lẽ chiếu soi tự thuở nào. Sau này, cách Phật khoảng 1.200 năm, Lục Tổ Huệ Năng  khi chứng ngộ cũng thốt lên:

Đâu ngờ  tự tánh vốn không sanh diệt!

Đâu ngờ tự  tánh vốn tự thanh tịnh!

Đâu ngờ  tự tánh vốn tự đầy đủ!

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động!

Đâu ngờ tự tánh hay sinh muôn Pháp!

Phật rồi đến các Chư Tổ khi tỏ ngộ đều thấy rằng tất cả mọi người ai cũng sẵn một gương tâm vằng vặc tự ngàn xưa. Vậy tại sao mọi người đều đau khổ, phiền não, chưa tự nhận lại bổn tâm? Chưa từng biết đến một mùa xuân an lạc? Phật vì thương xót nên mở bày phương tiện: Chỉ vì chấp trước nên không tự chứng đắc.

Mọi người vì quên mất bổn tâm, huân chứa tập nghiệp sâu dày, nhiều lớp chấp nặng nề gọi là vô minh che đậy. Lời đầu tiên Đức Thế Tôn khi thành đạo thốt lên đã hàm chứa giáo pháp Đốn Tiệm rõ ràng: Trước đốn ngộ trực nhận bổn tâm, sau thứ lớp tiệm tu giải trừ tập nghiệp. Nhưng để đảm đương diệu pháp của Như Lai, chẳng phải căn khí tầm thường đến được:

Pháp viên đốn vượt tình thường,

Mọi niềm ngờ vực quyết không vương.

(Chứng Đạo Ca)

Kinh nói: Vì mê nên chấp. Từ chấp thô đến chấp tế; chấp thân cho đến chấp tâm, chấp pháp. Chấp ở đâu thì khổ ở đó; chấp thân này là thật của mình nên những gì đụng chạm đến thân này hay sở hữu của nó đều gây nên sân hận tạo nghiệp rồi đau khổ, phiền não. Từ bản thân, gia đình cho đến xã hội, chấp thân chấp ngã nên va chạm quyền lợi, đụng chạm bản ngã, cái tôi mà hận thù chém giết gây biết bao nhiêu khổ đau. Chấp thân thì đau khổ, chấp tâm thì cản trở con đường trở về Đạo. Người khi chưa được Thiện tri thức hướng dẫn, chưa tỏ ngộ thì thường chấp rằng thân này là ta, hoặc thân này là của ta, hoặc có ta trong thân thể này, hoặc thân thể này trong ta. Rồi lại chấp cảm thọ là ta hay của ta; chấp tư tưởng là ta hay của ta. Đó là đang chấp kẹt vào ngã kiến; chính vì chấp có cái ta thật sự, nên mới có cái chấp ta là cái này hay ta không phải là cái này, ta ở trong cái này, hay cái này ở trong ta,… Từ ngã kiến đó mà sinh ra sáu mươi hai luận chấp ngoại đạo mà Đức Phật chỉ ra trong kinh Phạm Võng. Đức Phật dùng ẩn dụ thân cây chuối để nói về chấp ngã, từng lớp từng lớp bao bọc, thật ra bên trong không có lõi cứng, không chắc thật.

Hãy xem những vị Thiền sư, cũng sống cuộc đời ăn uống ngủ nghỉ như mọi người, nhưng ung dung tự tại, tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha, mọi hành dụng đều vì lợi ích mọi người. Như ngài Triệu Châu nói:

“Ta ra đời gặp đứa bé bảy tuổi hơn ta, ta học nó. Gặp ông già bảy mươi tuổi không rõ, ta dạy họ”. Rất là bình đẳng, nào chấp kẹt gì đâu!

 Người đời thì chấp danh chấp lợi, người tu học đạo cũng chấp thấy mình kiến giải cao hơn, đọc hiểu nhiều kinh luận hơn,… vẫn là những lớp chấp mê mà thành kiêu mạn.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn có nói về vị tăng tên Pháp Đạt đến lễ Lục Tổ mà đầu không sát đất, Tổ mới quở rằng: Đãnh lễ mà đầu chẳng sát đất bằng như chẳng lễ, trong tâm ngươi chắc có chất chứa một điều gì, ngày thường tu hạnh gì? Pháp Đạt đáp rằng đã niệm kinh Pháp Hoa hết ba ngàn bộ. Tổ nói: Dù ngươi tụng hết mười ngàn bộ, nếu ngộ được ý kinh mà chẳng tự cho là thù thắng mới đồng một hạnh với ta. Nay ngươi tự phụ cho đấy là sự nghiệp mà chẳng biết lỗi. Vị tăng vì chấp trong lòng cho rằng khó ai tụng nhiều được như vậy sinh sanh tâm ngã mạn, đến trước Tổ vẫn tự phụ sở đắc của mình, bị Tổ quở trách là tên Pháp Đạt nhưng chưa từng đạt pháp, tụng kinh chất chứa lấy số lượng nhiều mà chẳng rõ nghĩa kinh. Vị tăng sám hối và cầu chỉ dạy.

Cuộc đời này, một chữ chấp gây ra bao nhiêu đau khổ, phiền não. Có những người làm cha mẹ áp đặt lên con cái phải theo ý mình một cách rất cực đoan, lý luận chấp là con mình do mình sanh ra, nuôi nấng nên buộc phải theo đúng ý mình, kết cục dẫn đến đa số là khổ sở cả đôi bên. Vợ chồng ràng buộc một tờ hôn thú rồi vô tình áp đặt lên nhau, anh là chồng tôi, cô là vợ tôi, thì phải như vậy, như kia, tình chấp quá nặng nề không ai chịu ai, dẫn đến cả hai dù đang sống sung túc mà như đang trong địa ngục. Người làm chức lớn, có địa vị cũng thường chấp nặng, đi ra lỡ gặp người nhỏ hơn quên hỏi quên chào là phiền não ngay. Một ông chủ chấp thì nhân viên lỡ làm sai một chút cũng quát tháo om sòm, một thầy trụ trì chùa làng cũng từng la hét một chú điệu quên trời quên đất,… Đó là những chấp thô, dễ thấy những vẫn khó phá, khó bỏ.

Đến việc xuất gia, lìa bỏ gia đình, danh vọng thế gian, vẫn kẹt chấp nơi tâm, nơi pháp. Thiền sư Đức Sơn ngày trước, từng giảng kinh Kim Cang nổi tiếng, nghe nói thiền phương Nam thịnh hành, lấy làm bất bình, liền nói: Người xuất gia ngàn kiếp học oai nghi của Phật, muôn kiếp học tế hạnh của Phật còn chẳng được thành Phật. Bọn ma phương Nam dám nói: “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Ta sẽ về ruồng tận hang ổ, dẹp sạch dòng giống của chúng để đền ơn Phật. Trên đường về Nam, may gặp Tổ Long Đàm khai thị, sáng tỏ yếu chỉ, mới biết việc chấp trước đây là nông nổi. Ngài đem bộ sớ sao luận giảng kinh Kim Cang mà trước đây ngài từng trân trọng yêu quý, ra trước pháp đường cho một mồi lửa đốt sạch, nói rằng: “Tột cùng những biện luận huyền diệu như một sợi lông đặt trong hư không; những cơ mưu trọng yếu nhất đời dường như một giọt nước ném vào vực lớn”.

Vào cõi thần thánh cũng nhiều lớp mê chấp chưa xong. Giai thoại về Thiền sư Phá Táo Đọa dẫn đệ tử đi ngang qua một ngôi miếu, thấy mọi người cúng tế tấp nập, nào mâm heo mâm gà, nghe đồn rằng thần miếu linh hiển lắm. Ngài đi vào miếu chỉ thấy ba cục đá lớn chụm lại. Ngài dùng gậy hất đổ đi, nói rằng: “Linh gì mà linh! Chỉ là gạch đá hợp thành, lại bắt người ta giết hại cúng tế nhiều như vậy!”. Mọi người ai cũng xanh mắt lo sợ. Ngài bỏ đi và lát sau thần miếu đến đảnh lễ tạ ơn nhờ Ngài khai thị mà thoát khỏi mê chấp nương gá nơi ba cục đá làm mình, hễ ai kính trọng thì hãnh diện ban phước, ai coi thường thì nổi giận giáng họa, lẩn quẩn loanh quanh nơi miếu mà gây bao nghiệp xấu ác. Ngẫm lại, hình như đa số chúng ta cũng giống ông thần Táo này, tứ đại duyên hợp thành mà chấp cho là mình nên nương gá vào đó mà kiêu hãnh, sát sanh hại vật, hoặc muốn được cung phụng đủ điều, ban phước giáng họa tạo nghiệp. Nhưng mấy ai may mắn được gặp Thiện tri thức khai ngộ, và đủ sức tỏ ngộ pháp vô sanh, phá chấp để không còn mắc kẹt.

Từng lớp chấp, mê lầm, từng lớp mề - đay, nhãn hiệu qua thời gian càng được gắn nhiều hơn. Dễ gì dám buông bỏ đi một phen sạch sành sanh để trở thành người vô sự. Học Phật lại chấp vào danh tự ngôn ngữ, ôm chặt không dễ gì gỡ bỏ, ví như câu chuyện ngài Đơn Hà đốt tượng Phật để phá chấp cho vị trụ trì, hay như ngài Triệu Châu có người hỏi ngài có niệm Phật không thì Ngài bảo: “Ta mà niệm một chữ Phật phải súc miệng bảy ngày”, đều là lời khai thị phá chấp cho từng đối tượng, để gỡ niêm tháo chốt cho họ mà thôi, tuyệt không có ý cao ngạo hay ngông cuồng cố chấp.

Có giai thoại thú vị về Tế Điên Hòa thượng đang tắm, nghe thầy trụ trì ngâm bài kệ:

Trời tạnh đêm qua trăng sáng tỏ

Có người hiểu được đốt đèn lên

Bỗng nhiên nhớ lại việc năm ấy

Mới hay Đại Đạo quá ngang bằng.

Rồi hỏi đại chúng: “Ai từng ‘nhớ lại việc năm ấy’, bước ra trình xem”. Đại chúng nhìn nhau ngẩn ngơ, hồi lâu không ai đáp được. Tế Điên khi ấy đang tắm, chưa kịp mặc y, quấn vội chiếc khăn, chạy ra nói rằng: “Thưa thầy con đáp được”. Thầy bảo trình xem. Tế Điên lộn nhào, trồng cây chuối trước mọi người, chiếc chăn tắm quấn vội lật ngược, lộ nguyên hình. Mọi người cười ồ. Riêng Hòa thượng trụ trì chỉ nói: “Thật giống con cháu nhà ta”.

Trong nhà Thiền, đây là cách trình cơ khéo léo và ông thầy đã thầm chấp nhận tâm cơ của học trò, người ngoài khó dò được. Tập nghiệp sâu dày từ vô lượng kiếp nhiều lớp chất chứa, cần rũ sạch, trả lại nguyên vẹn ban sơ như nó là. Chân lý  đôi khi quá thật và trần trụi mà đa số mọi người không dễ gì chấp nhận. Kinh nói: “Chạm mắt là Bồ đề”, ai ai cũng chưa từng thiếu cái chạm mắt ấy, mà sao vẫn ngẩn ngơ khi hỏi về tánh Bồ đề?! Sự thật có khi quá gần, quá đơn giản nên lại khó thấy. Ví như lông mi sát ngay trước mắt lại mấy ai thấy được. Tập nghiệp sâu dày cũng cản trở khó thấy Đạo.

Sư tử hống thuyết vô úy,

Thương thay ai vẫn mê mờ rối.

Mảng e tội chướng lấp Bồ đề,

Chẳng được Như Lai mở kho bí!

(Chứng Đạo Ca)

Cho nên, Đức Phật ra đời là một Đại sự nhân duyên như vậy, ai đầy đủ tâm cơ, duyên lành thì nhận ra, thứ lớp buông xả, trở về nguồn, được niềm vui an lành của Mùa Xuân  Miên Viễn. Ai chưa được thì gieo nhân lập địa vào pháp hội Như Lai, qua thời gian hội đủ duyên lành, gặp bậc Thiện tri thức khai thị, trở lại Nguồn Chơn, đầy đủ niềm tin để không lầm chấp theo lý luận ngoại đạo cho rằng Phật Tổ ra đời trên hai ngàn năm, tại sao thế gian này vẫn còn nhiều đau khổ?

Dưới cội Bồ đề

Khi sao Mai mọc

Sa môn Cồ Đàm

Chứng Vô Thượng Giác

Tâm từ rộng lớn

Tiết lộ nguồn cơn

Giáo pháp Đốn Tiệm

Khai thị Trời Người

Rúng động cung ma

Ba Tuần hoảng sợ

Từ đây Giáo pháp tỏa khắp nơi

Phiền não vô minh tan biến rồi

Đêm trường tăm tối bừng cơn mộng.

Sanh tử Niết bàn một giấc chiêm bao…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6712306