Thông tin

MÙA XUÂN VÀ HOA SEN

MÙA XUÂN VÀ HOA SEN

 

CHÚC TRỌNG

 

 

Một năm với bốn mùa xuân hạ thu đông, thì mùa xuân được xem như là mùa của sự khởi đầu, mùa của những tươi mới, của ánh bình mình đang lên sau màn đêm tịch tịnh. Một mùa xuân bắt đầu cho những cành hoa đâm chồi nảy lộc, của những cành mai vàng rực rỡ hay cành đào thắm tươi khoe trong nắng mới. Mùa xuân thường bắt đầu cho những dự định, những kế hoạch cho một năm nhiều điều phúc, mùa của những lễ hội để cầu may cho một năm an lành. Mùa xuân tiết trời như thay áo mới, thoáng hơn, trong hơn và ánh nắng dường như vàng hơn, mùa của đoàn tụ sum vầy sau một năm bôn ba tứ xứ….

Tôi chợt nghĩ đến hoa sen khi xuân về, sen tượng trưng cho sự vượt lên khỏi bùn đen, hình ảnh đóa sen vươn mình khỏi mặt hồ, vươn lên trước gió, nở ra khoe sắc với sắc hồng tươi mát, tỏa ngát mùi thơm dịu kỳ. Trong đạo Phật, sen được dùng để ví cho sự tỉnh thức trọn vẹn, sự tỏa ngát hương của bậc trí giác ngộ, ấy vậy mà chư Phật hay các bậc Bồ tát được người đời tạc tượng, vẽ tranh thường đứng hay ngồi trên hoa sen, hoa sen cũng tượng trưng cho chúng sanh vượt mọi khổ đau, sống trong khổ đau mà không bị chìm vào đau khổ, cũng như những đóa sen thơm ngát, không có bùn đen tanh hôi thì làm sao có nhưng bông sen khoe sắc, sen không thể lớn lên và ngát hương trên lớp đất trải đầy kim cương, châu báu hay nước thơm tinh khiết, sen luôn từ bùn đen mà vượt lên, sống với bùn và được bùn nuôi dưỡng nhưng không bị dính bùn nhơ làm tanh hôi và làm thay đổi bản chất tinh khiết của những cánh hồng tươi thắm, bởi sen là sen, mà bùn là bùn, bởi trong những đóa sen luôn chứa đựng mầm sống tinh khôi trong sạch, trong sen luôn hiện diện bản tánh thanh cao thơm ngát dịu kỳ, nhưng sen không thể tách khỏi bùn hay mọi người chúng ta đây, hiện diện trên đời này không thể tách rời khỏi sự khổ đau, sinh, lão, bệnh, tử, nhưng bản tánh giác ngộ, tinh khôi của mọi người đều có sẵn trong mình, Đức Phật chúng ta đã nói: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành” đấy sao. Phật ở đây là giác ngộ, giác ngộ trọn vẹn, chánh đẳng chánh giác, cho dù chúng ta chưa giác ngộ hay giác ngộ một phần nào đó thôi, thì nếu quay về tỉnh thức, ta cũng có cũng thể giác ngộ trọn vẹn, chánh đẳng chánh giác như đức Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta bốn chân lý của cuộc đời và tám điều giác ngộ của bậc tỉnh thức. Ngài chỉ ra sự khổ đau và con đường thoát khổ. Ngài chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc để có những giây phút an lạc thảnh thơi như mùa xuân tươi mát, nhưng Ngài không bảo chúng ta chối bỏ khổ đau, chạy trốn đau khổ, chạy trốn khỏi lão, bệnh, tử mà thấy khổ đau, thấy lão, bệnh, tử là động lực cho sự tu tập, thấy vô thường mà bừng tỉnh ra cái bản ngã vô thường mà bấy lâu nay ta luôn chấp vào cho là bất diệt, rồi tự mình giác ngộ, tự mình tìm con đường từ những xúc chạm gây nên những lo buồn, đau khổ trong cuộc sống hàng ngày và bằng trí tuệ chánh niệm trong từng sát na qua từng hơi thở để chính mình vượt mọi chướng ngại trong cuộc sống đó sao?

Mùa xuân đến, cành cây đâm chồi nảy lộc sau bao tháng trơ trọi cành lá trong mùa đông giá lạnh; nếu không có trơ trọi lá vàng, rụng hết lá đi, thì làm sao có những chồi non xanh mướt? Sen cũng vậy, nếu không được nuôi lớn trong bùn, thì chắc hẳn không có những cánh sen hồng tươi khoe trong nắng mới, thơm ngát mùi hương. Bậc thiện trí thức cũng vậy, sống trong đời nhiều ràng buộc của tham, sân, si nhưng không bị đắm chìm trong ba con rắn độc này, không chìm trong bể khổ mênh mông, mà lấy đó làm đối tượng để ta thấy ra con đường tỉnh thức, lấy đó là nguyên liệu để thức tỉnh, để nhận ra tánh giác tròn đầy của chính mình trọng cuộc sống thường ngày.

Đã sanh ra đời, điều có những xúc chạm ít hay nhiều với cuộc sống, lấy thân này để thức tỉnh, để học đạo giác ngộ, cũng như xuân đến ta biết xuân đến, sen nở vẫn thấy mùi thơm của hương sen tỏa ngát một khoảng trời, và với thân tâm trọn vẹn với chánh niệm trong từng phút từng giây, người con Phật không bị vướng vào bi lụy ràng buộc của thế gian, không lặn hụp trước cảnh vật thay đổi của cuộc đời, không tham đắm trước gió xuân mát mẽ, và không nao núng trước mọi cảnh vô thường, vì “chư hành luôn vô thường”, có sinh thì có diệt, vạn vật luôn đổi thay, tâm mình luôn sống trong cảnh thanh tịnh vắng lặng của chơn tâm, thì lúc nào cũng có gió xuân trước mắt. Ấy vậy mà Thiền sư Phật Nhãn có bài thơ về Xuân rất hay, đầy ý nghĩa và thiền vị, mọi thứ đến đi đều thênh thang, đều thanh tịnh:

Xuân nhật xuân sơn ly

Xuân sự tận giai xuân

Xuân quang chiếu xuân thủy

Xuân khí kết xuân vân

Xuân khách tình xuân động

Xuân thi xuân cánh tận

Duy hữu thức xuân nhân

Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.

Dịch thơ:

Ngày xuân, xuân trong núi,

Việc xuân thảy đều xuân.

Hồ xuân ánh xuân chiếu,

Khí xuân kết mây xuân.

Khách xuân lòng xuân động,

Thi xuân, xuân càng tươi.

Chỉ có người biết xuân,

Muôn kiếp một mùa Xuân.

                                      (HT Thích Thanh Từ dịch)

Ý thơ hay quá, xuân đến ta biết xuân, xuân đến trong núi cho cây xanh tươi mát, xuân qua núi đồi, làng mạc cho hoa lá chim muôn đón gió mới hân hoan, nhưng rồi cái lẽ thành trụ hoại diệt luôn là chân lý, xuân đến rồi xuân đi, xuân đi thì ta vẫn biết, xuân trong lòng hay xuân của chơn tâm thanh tịnh thì còn mãi trong ta, vì bản tánh “biết” luôn có trong mỗi chúng ta, bản chất của sen là tinh kiết, do đó tánh giác không bị chi phối bởi ngoại cảnh nếu ai biết quay về nơi chơn tâm thường trú. Mùa xuân và hoa sen luôn là bài học tỉnh thức, của ý thức chánh niệm, là tiếng chuông phá tan giấc mộng, là ánh sáng xua tan màn đêm tăm tối… Ngồi nơi đây, hít thở một hơi thật trọn vẹn để thấy gió xuân đang về và đọc thầm bài thơ Pháp Cú:

Tám chánh, đường thù thắng

Bốn câu, lý thù thắng

Ly tham, pháp thù thắng

Giữa các loài hai chân

Pháp nhãn, người thù thăng”.

Xin chúc cho mọi người, mọi nhà một mùa xuân an lành bằng con mắt Pháp thù thắng trên con đường học đạo tỉnh thức.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 77
    • Số lượt truy cập : 6712409