Thông tin

MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN

MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN

MINH HIỀN

Thiền sư Sùng Sơn

“Muốn tỏ ngộ là một sai lầm lớn” là đề tựa của cuốn sách “Wanting Enlightenment is a big mistake”. Đây là công trình sưu tập của Thiền sư Huyền Giác về những câu chuyện giảng dạy, các cuộc pháp thoại và thỉnh vấn của những thiền sinh đối với Đại thiền sư Sùng Sơn, là một trong những thiền sư vĩ đại của thế kỷ XX. Thiền sư Sùng Sơn là người Hàn Quốc, đến Hoa Kỳ từ năm 1972 để hoạt động quảng bá Phật pháp. Khi mãn duyên hóa độ, ngài trở về lại quê hương những ngày tháng cuối đời và nhập diệt vào ngày 30 tháng 11 năm 2004, trụ thế 77 tuổi, tăng lạp 56, kế thừa đạo nghiệp. Tông phong Tổ vị 55 năm.

Giáo sư Tiến sĩ Kabat Zinn tác giả cuốn “Coming to Our Senses” đã viết về ngài:

“Một nhân vật quan trọng trong việc truyền tải thiền tông đến phương Tây, đó là Đại Thiền sư Sùng Sơn, được biết ngài với phong cách giáo hóa trực tiếp thiền đốn ngộ, làm ngạc nhiên và thường là hài hước. Ngài dạy rằng Thiền không phải là việc ham muốn đạt được sự tỏ ngộ, mà là thực hành từ “Tâm không biết”. Nó có “Trước khi suy nghĩ”,” phát lòng từ bi chân thật và giúp đỡ người khác một cách tự nhiên”.

Người sưu tập là Thiền sư Huyền Giác, một người Mỹ học tại Đại học Yale và tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông xuất gia làm đệ tử của Thiền sư Sùng Sơn năm 1992. Cuốn sách này cũng được sư Thích Giác Nguyên dịch tiếng Việt xuất bản năm 2014.

Đề tựa cuốn sách với nội dung giải thích là đề tài hướng dẫn rất ích lợi cho người tu thiền, những thiền sinh trên đường tu tập, nó liên quan đến các kinh điển Phật giáo như kinh Bát nhã, thuyết Bất nhị, kinh Kim cang… Nó cũng giải thích chỉ bày thêm hữu ích trên đường Thiền tìm đạt đến chân tánh. Mỗi vị thiền sư đều có phương cách của mình mà chúng ta lần lượt tìm hiểu qua các vị thiền sư thời nay khi nói về con đường chứng ngộ tìm đến chân tánh như của Thiền sư OSHO trong “Phật: Trái tim trống rỗng” (1). AchaapChah - Thiền sư Thái Lan trong “Tâm tĩnh lặng”, AJAHN BRAHM - Thiền sư người Anh trong “Phúc lạc của Thiền” và PATRIJI - Thiền sư Ấn Độ trong tác phẩm “Thiền định và tâm trí diệu kỳ”… Chủ đề hướng đến chân tánh này được Thiền sư Sùng Sơn lặp đi lặp lại, giảng dạy nhiều lần cho các môn sinh. Đây là cách ông khai thị chân lý là “trước khi suy nghĩ”, “chỉ giữ tâm trong sáng”, “cố gắng, cố gắng liên tục không ngưng nghỉ” hoặc “Từng khoảnh khắc nhất tâm cho vấn đề đó” để mà “Không ham muốn bất cứ điều gì, không tạo ra bất cứ thứ gì, không nắm giữ bất cứ chuyện gì, không dính mắc với bất cứ việc gì”. Quan trọng chính yếu của vấn đề này là khởi tâm “Muốn”.  Muốn tỏ ngộ là một sai lầm lớn. Hay nói cách khác “Muốn đắc đạo là một sai lầm lớn”.  Người tu thiền khi “vô niệm” là kiến tánh là nhận biết bản lai chân thật của mình, nhưng khởi niệm muốn đạt vô niệm thì đã dính mắc niệm “Muốn” rồi thì chẳng thể nào thấy “tánh” hay “bản lai” được. Khi khởi niệm “có” thì lập tức có đối đãi “không”. Tốt – xấu, Giác – mê, Phật – chúng sanh…

Một câu chuyện về Tỏ ngộ của Thiền sư Sùng Sơn: Có một thiền sinh đến hỏi Thiền sư Sùng Sơn:

- Tỏ ngộ là gì?

Sư đáp:

- Tỏ ngộ chỉ là một cái tên. Nếu bạn tạo ra “tỏ ngộ”, sau đó tỏ ngộ tồn tại. Nhưng nếu tỏ ngộ tồn tại, thì vô minh cũng tồn tại. Và như thế đã tạo ra một thế giới đối lập. Tất cả chỉ là suy nghĩ đối lập của riêng bạn. Nhưng chân lý thì tuyệt đối có trước bất kỳ mọi suy nghĩ hoặc đối lập xuất hiện. Vì vậy, nếu bạn tạo ra một cái gì đó, bạn sẽ nhận được nó và nó trở thành một chướng ngại. Nhưng nếu bạn không tạo tái bất cứ điều gì, bạn sẽ nhận được tất cả mọi thứ.

Thiền sinh tiếp tục hỏi:

- Nhưng thưa Thầy, tỏ ngộ thực sự chỉ là một cái tên ư? Như vậy, không có một thiền sư nào có thể có được trải nghiệm của sự chứng ngộ trước khi trở thành Thiền sư sao?

- Tâm kinh nói rằng: “Không đạt được, vì không có gì để đạt được”. Nếu tỏ ngộ có chứng, có đắc, đó không phải là chân giác ngộ. Muốn tỏ ngộ đã là một sai lầm lớn.

- Nhưng sao có nhiều người đã tỏ ngộ?

Sư cười và nói:

- Bạn có hiểu ý nghĩa “không đạt được” chăng?

- Dạ không.

- Không đạt được tức là thấu rõ sự thật. Vì vậy, tôi đã nói với bạn về Tâm kinh “Không đạt được, vì không có đối tượng để đạt được”. Bạn phải đạt được cái “Không đạt”. Bạn hiểu không?

Thiền sinh vò đầu: “Con nghĩ rằng con hiểu…”.

- Bạn hiểu ư? Vậy, tôi hỏi bạn đạt được cái gì? Có cái gì để đạt được?

Thiền sinh trả lời: Tánh không

Đại Thiền sư hỏi:

- Tánh không ư? Nhưng thực sự trong tánh không, không có tên và không có hình thức. Vì vậy, lấy cái gì đạt được? Ngay khi bạn mở miệng để giải thích nó, bạn đã sai lầm. Nếu bạn nói “Tôi đã đạt được chân không” tức là bạn đã sai rồi.

Thiền sinh im lặng một lúc và đặt câu hỏi:

- Thầy có thể nhìn thấy đôi mắt của Thầy không?

Sư đáp: Vâng tôi có thể.

Thiền sinh nói:

- Bằng cách Thầy nhìn vào tấm gương chứ gì!

Sư đáp: “Nếu nói như vậy thì đó không phải đôi mắt của bạn, mà chỉ là sự phản ánh đôi mắt của bạn. Vì vậy, đôi mắt bạn không thể nhìn thấy đôi mắt của bạn. Nếu bạn cố gắng để nhìn thấy đôi mắt của bạn, điều đó đã là một sai lầm lớn. Nói về sự tỏ ngộ cũng như thế, nó giống như đôi mắt của bạn cố gắng để nhìn thấy chính đôi mắt của bạn.

Thiền sinh im lặng.

- Được rồi, thêm một thử nghiệm nữa. Giả sử trước mặt chúng ta có một ít mật ong, một ít đường, và một quả chuối. Tất cả chúng đều ngọt. Bạn có thể giải thích sự khác biệt giữa vị ngọt của mật ong, vị ngọt của đường và vị ngọt của chuối không?

Thiền sinh tỏ ra bất ngờ, lúng túng.

- Nhưng mỗi thứ có vị ngọt khác nhau, phải không? Làm thế nào bạn có thể giải thích nó cho tôi?

Thiền sư tiếp tục: Vâng, bạn có thể nói với tôi, đây là mật ong, đây là đường và đây là chuối. Vì vậy, nếu bạn muốn hiểu tỏ ngộ tức là tạo ra một cái gì đó rồi. Đừng tạo ra bất cứ điều gì, từng sát na, chỉ cần làm điều đó. Đó đã là Tỏ ngộ rồi, vì vậy việc đầu tiên phải làm là bạn phải thấu rõ con người thật của bạn.

Đến đây, nhờ sự hướng dẫn và chỉ đường của Thiền sư Sùng Sơn, người tu thiền biết cách vượt qua một trong những chướng ngại trên đường thực hành hướng đến chân lý, để tỏ ngộ, đây là điều mà những người tu thiền trong đời có lần tỏ ngộ, nhưng “muốn có” lại mất cả 5 năm hay 10 năm chẳng đạt được. Nhưng không phải “biết” mà phải “làm” mới nhận được. Phải làm “giữ tâm trong sáng” phải luôn tinh tấn. “Cố gắng, cố gắng liên tục không thôi nghỉ” phải đạt định “Từng khoảnh khắc, nhất tâm cho vấn đề đó” và buông bỏ hoàn toàn không dính mắc bất cứ chuyện gì, không khởi niệm muốn gì để có được sự tỏ ngộ.

Chúng ta bước thêm bước nữa vào con đường tiến đến sự tỏ ngộ thì là gì? Qua tác phẩm “Phật: Trái tim trống rỗng” của tác giả Thiền sư Osho.

(còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 74
    • Số lượt truy cập : 6345987