Thông tin

MUỐN

MUỐN

 

THÍCH LIÊN PHƯƠNG

 

 

 

“MUỐN" là sự hình thành ba trong một của Lượng tử... từ tâm chuyển thành vật. Có những góc độ hay cách nhìn không chính xác, người ta không hiểu biết tâm và vật. Từ cách nhìn không minh bạch, làm đảo ngược thị kiến, thành ra sự vận dụng không hiệu quả.

Không biết từ đâu sự kiện và tâm lý có sự tương tác của vật làm cho "Mắt bị mờ" hay "Thói quen" của mắt làm cho vật trở thành tâm! (và tâm thành ra từ, Danh từ).

Có "Một vật chưa sinh ra", có sự chuyển động mà tôi chưa nhìn thấy! Mắt tôi chạm vào một cái gì đó: "Cái sanh trong không tên", vật trước mắt tôi "trở thành Hỉ" (1) Như thoáng chớp, nó rõ hơn giữa chủ và khách (2). Tôi trở thành quyết định! Đây là "Ý", là "Cái muốn".

Nếu tôi muốn biết "Thực tại", tôi phải "Tự thấy". Trong "Tự thấy" tôi biết  "Cái Muốn cũng là Ý".

"Ý" là chủ đạo của sự sống, ý đưa tôi đến hạnh phúc hay khổ đau. Ý có thể điều động thế giới. Ý đưa đến độc tài.

Nhiều tỷ người trên hành tinh, có hạnh phúc hay bất hạnh đều không ngoài Ý mà có được.

Ý có trước lời nói, trước Âm và Từ, nó ở sau “Cái biết”, sau cái "Không tên".

Cái "Muốn" cũng là cái vô ngôn, cái vô ngôn trong "Khả thể" là tiền nghiệm mà dự báo là cái Muốn tỏ ngộ. Như một tấm lụa tơ tằm, Muốn là bề trái, Ngộ là bề mặt. Tôi không thể muốn cái gì mà trong lòng tôi không có! Tôi không tin có Phật tánh, tôi không thể thành Phật.

Từ Thanh Tĩnh thấy ra lý tướng của Tâm gọi là Tỉnh Thức.

Từ trong sai biệt của Tướng thấy cái không Tướng thì gọi là "Ngộ" là thấy được cái không giới hạn mà không có: "Cái không ý" là giác ngộ.

Muốn là một năng lượng Vô Ngã (ở trong cái đang là nó không có chủ thể tĩnh).

Muốn cũng là năng khiếu của người nghệ sĩ, Muốn là lực tiềm ẩn trong động năng đời sống. Nếu không muốn gì thì người ta sẽ không hành động.

Trong hành động là ứng dụng đa chiều của cái "Muốn". Nếu cái "Muốn" bị diệt thì thế giới cũng sẽ đứng im.

Nếu tôi tự hỏi Sống là gì? Thì tôi sẽ thấy có trăm ngàn câu trả lời! Và hãy tự liệt kê một số câu trả lời vắn tắt sau:

1/ Sống là đang có sự hiểu biết.

2/ Sống là đang hiểu biết một cái gì.

3/ Sống là đang nghĩ ngợi suy tư.

4/ Sống là đang tưởng những bóng hình quá khứ, mong đợi chuyện tương lai.

5/ Sống là đang nói, tự cho mình nói điều quan trọng, tự cho mình nói có biện chứng, triết lý cao siêu!

6/ Sống để quảng cáo và được quảng cáo; rất tâm đắc, rất tự hào.

7/ Sống để hưởng thụ; thất vọng, khổ đau, muốn chết.

8/ Sống là bắt chước, tạo tác, xây dựng và hủy diệt.

9/ Sống để tập luyện, tạo mẫu, duy trì tồn tại, chiến tranh và hưởng thụ.

10/ Sống để từ thiện, để chờ lên thiên đàng.

11/ Sống là để chờ chết và được chết.

Điều quan trọng ở đây không cần thiết phải rung lên những âm từ trong bài đọc này mà ta cần có được sự thực hiện "cái đang là" của từ Cái ta được biết đúng đắn cẩn thận là "Trạng thái Tâm". Trạng thái tâm được "bắt gặp rõ ràng". Được "bắt gặp" những trạng thái sai biệt mà không định tâm trong phân biệt, không nhị nguyên thì ta sẽ biết được điều "chưa từng có". 

Giác ngộ là ở trong tâm, Tâm không phải là "Không". Vì các trạng tướng không có phân biệt nên nó trở thành vô hạn. Những từ: Không, Có, Đúng, Sai, Tướng không còn chỗ đứng.

Thấy cái không giới hạn, trong hiện tượng không thấy cái "Không sai biệt trong sai biệt" . Thấy cái thấy ngang tầm cái "Không Thấy". Đây gọi là THẤY TÍNH.

Thấy Tính thường gọi là "Kiến Tính", không phải là thấy tính trong Ta mà thấy cái không có thấy. Thấy cái không có trong ngoài, không còn trong giới hạn, trong tất cả mọi hiện tượng tâm vật. 

Cái dục, muốn và không muốn bao gồm tất cả trạng thái tâm...

Như vậy cái muốn và không muốn đều không có thực tánh giống như mây đen hay trắng không có tự khác, ánh sáng thì không khác. Vì ánh sáng không có sắc nên mây không có sự khác biệt.

Hiện tượng sinh tử không khác biệt, nên không có tự tính thấy sai khác. Tự tính thấy không sai khác nên sanh tử tự tại.

Chủ đề của bài này là MUỐN.

Muốn có nghĩa là dục.

Dục là năng lượng, là mũi nhọn để thành tựu mọi mặt. Nếu không có Dục như ý túc, sẽ không có tư duy như ý túc, không có tinh tấn như ý túc; thì trong pháp của bậc chiến thắng không có TỨ THẦN TÚC.

Điều mà chúng ta làm không phải là đánh giá, khai trừ loại bỏ, hay che đậy và làm biến thải nó, hoặc là tránh né, trốn chạy hay xác nhập một cách mù quáng.

Tất cả chúng ta đều biết "Đường thẳng là đường gần nhất". Ở đây động từ "Trực kiến" hay "Trực chỉ" là thích hợp nhất. Trong chân lý thì không thể dùng "thời gian" hay khoảng cách không gian, vì thời gian là khúc xạ của không gian hình tượng. Ví như khi nhìn một vật thể (hay con người) ta phát lên danh xưng gánh vào nó thì chúng ta không thấy được như chính nó, đôi khi chúng ta có được sự trực kiến hay trực chỉ mà chúng ta không tự biết. Trong cách nhìn vào mọi hiện tượng chúng ta đều bị "quy định" hay quy chiếu vào ký ức mình hơn là thấy "cái như thật". Chúng ta có thể nghe nhìn theo "dạng nhớ ở trong tâm", như thế thì chẳng những chúng ta không thấy tâm, mà cũng không thấy ngoài tâm. Tôi còn nhớ cách đây hơn bốn mươi năm, tôi được đọc một bài thi cổ: KENA UPANISHAD. Tuy bài này không phải là chân lý mà tôi muốn tìm kiếm, nhưng nó rất gần gũi trong tầm sâu của những "thợ lặn" chuyên ngành, tôi nghĩ có nhiều bạn chưa gặp hay chưa đọc đến những dòng bí ẩn này:

Tai sau tai, thức truyền của thức

Lời sau lời, sinh của khí sinh

Mắt nhìn sau, mắt vô hình

Hiền nhân đạt đạo thênh thênh thoát vòng

 

Là cái ấy vô biên lời lẽ

Chẳng diễn thành mà đẻ ra lời

Cái ấy chẳng nghĩ bằng phàm thức

Mà thức phàm chịu sức quán đây

 

Cái ấy chẳng ngắm bằng con mắt

Mà ảnh hình qua mắt được hay

 

Cái ấy chẳng nghe bằng tai nọ

Mà sự nghe nhờ đó được hay

 

Cái ấy chẳng thở bằng hơi thở

Mà khí sinh vạn ngã nhờ tay

Chính là phạm thể không hai

Cái này chẳng phải kiếm hoài trần gian.

 

Bài KENA có đến 34 đoạn 136 câu.

Toàn văn nhóm ý như một dòng chảy vào biển sâu của cái vô hạn.

Từ tiền nghiệm đến thực nghiệm bực thang không phải là sự hoàn hảo. Không có sự khởi hành và đến đích theo giới hạn mà nó giống như một cú nhảy vọt trong mộng du, rồi bừng tỉnh! Không có gì.

Dục (Muốn) như một khối đá (nước đá) tan chảy vào nước (thực tại, chân lý) thì không để lại dấu vết gì.

Tối hay sáng là từ cái thấy chứ không phải có không gian tối, không gian sáng.

Tôi chấp nhận không phải từ sự sai biệt mà từ bằng lòng. Bạn đạt đến chân lý, không phải vì con người mà vì sự thật, vì nó là chân lý, là thực tại.

Như thế thì Thế giới là Phật tính, là Thế giới tính là Vũ trụ tính là "Tính không hai". Tính bất nhị không phải từ nhị nguyên mà vì nó không từ đâu.

Năng lực là hạt tử nếu có sự biến đổi nó trở thành lạnh. Vượt qua cảm xúc của lạnh nó là sinh lực nhiệt. Sức nhiệt có thể trở thành gió và trong thực tánh của hiểu biết (cái sáng không màu sắc) thì Vô minh hay giác ngộ đều không còn có sự xác định.

Tóm lại, cái Muốn (Dục) không phải là tội lỗi. Trong cái Muốn có hàm súc nhân quả. Trong nhân quả có khổ, lạc. Vì cố tránh khổ lạc mà thành cái Muốn.

Con người nắm được đạo như con rắn ngậm cái đuôi của nó. Nó có thể quay tít bằng với vận tốc ánh sáng, hay nó tự mệt mỏi rồi bung ra.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116094