Thông tin

NĂNG LƯỢNG CHỮA TRỊ CÁC NỖI KHỔ NIỀM ĐAU

NĂNG LƯỢNG CHỮA TRỊ CÁC NỖI KHỔ NIỀM ĐAU

                                     

THÍCH NỮ HƯƠNG NHŨ

 

 

Ai cũng hiểu một điều quan trọng là khi cuộc sống vật chất nghèo nàn cũng có thể dẫn đến nguyên nhân của khổ đau. Do vậy, với tư cách là những nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu về tâm lý, những nhà trị liệu tâm lý, những nhà hoạt động xã hội và đặc biệt là những tu sĩ Phật giáo… chúng ta vô cùng hạnh phúc khi được cùng với xã hội thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, giúp đỡ người khuyết tật mù lòa, người già neo đơn, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường, xây dựng nền hòa bình… Những điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc đạo đức Phật giáo mang lại phước đức lớn thông qua tứ vô lượng tâm: metta, từ; karuna, bi; mudita, hỷ và upekkha, xả (buông xả).

Có một thời, những căn bệnh về tâm xảy ra chủ yếu trong xã hội phồn thịnh của phương Tây, nhưng ngày nay nhiều loại tâm bệnh dường như đang lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Một thế giới phát triển ở đỉnh cao về công nghệ viễn thông và một ngành công nghệ quảng cáo luôn tích cực tìm kiếm nhằm khuyến khích lòng tham ái cao độ.

Tìm hiểu đạo Phật sẽ thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thân và tâm. Đạo Phật luôn luôn thừa nhận nguyên nhân chính của khổ đau (dukkha) là tham ái (trishna). Cuộc sống hiện nay lại luôn phát triển theo chiều hướng kích động lòng tham ái như một phương tiện tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng và họ cho rằng càng tiêu dùng nhiều thứ bao nhiêu thì xã hội càng phát triển bấy nhiêu, nhưng thật ra một xã hội của vật chất đã tạo ra quá nhiều hệ lụy và sự khổ đau cho cuộc sống.

Đức Phật là một bậc đạo sư về tâm lý. Ông đã giải quyết vấn đề khổ đau do tham ái bằng các phương pháp chánh niệm (sati), thiền tập mà nhiều nhà tâm lý phương Tây đã ứng dụng có hiệu quả trong điều trị tâm bệnh. Các phương tiện khéo (upaya) được đức Phật khuyến khích để xoa dịu nỗi khổ niềm đau.

Nhiều xã hội phồn vinh ở phương Tây vẫn cho rằng giàu sang là thước đo thực sự duy nhất của thành công. Thật ra chính chúng ta là những người hiểu rõ vấn đề này. Trạng thái tâm an lạc là chìa khóa của an lạc trong cuộc sống. Đức Phật luôn khẳng định rằng chính là tâm hỷ xả khoan dung độ lượng sẽ hóa giải tâm tham, mà điều này mang lại lợi ích cho cả người cho lẫn người nhận.

 Tôi muốn nhắc lại lời của đức Phật trong kinh Tăng Chi Bộ (Angutarra-nikāya): “Này các Tỳ kheo, có hai loại bệnh. Hai loại bệnh đó là gì? Tâm bệnh (bệnh tinh thần) và thân bệnh (bệnh thể xác). Dường như vẫn có những người muốn thoát khỏi thân bệnh thậm chí trong một năm hoặc hai năm… ngay cả một trăm năm hoặc hơn nữa. Nhưng, này các Tỳ kheo, điều hiếm thấy trong đời này là những người muốn thoát khỏi tâm bệnh thậm chí trong giây lát, ngoại trừ những người giải thoát khỏi phiền não cấu uế, những bậc A La hán”.

Theo phân tích của đức Phật, nếu các hành động của chúng ta bị ba yếu tố độc hại tham, sân và si chi phối, thì con người phải nhận chịu khổ đau từ tâm bệnh, theo cái nhìn Phật giáo, thì đó vẫn là chứng điên loạn.

Đứng trên quan điểm của Phật giáo, đau khổ không phải do những sự kiện khổ não bên ngoài, mà do chính tâm ta, tâm thức định hình nhận thức của chúng ta và đưa đến hành động. Kinh Pháp cú số 1, Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp, Tâm làm chủ ý tạo, Nếu tâm ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe theo vật kéo”.

Trong cuộc đời đức Phật, Ngài đã dùng vô số loại phương pháp trị liệu tâm bệnh. Như câu chuyện của Kisagotami – một bà mẹ trẻ vừa mất đứa con trai bé nhỏ. Sự giáo hóa của đức Phật đã giúp bà phát sinh nội quán tỉnh thức và ý nghĩa của sự chết.  Bà nhận ra sự chết là một hiện tượng phổ biến và giải thoát sự khổ đau.

Đức Phật cũng thường dùng Phương pháp như Socrates - một triết gia phương Tây thời Hy Lạp cổ đại để giáo hóa qua sự vấn đáp với học trò của mình trong sự tìm cầu chân lý. 

Khi tên sát nhân Vô Não hét lên, gọi đức Phật dừng lại vì muốn hãm hại Ngài. Đức Thế Tôn đã quay lại và nói Vô Não rằng Đức Phật đã dừng lại rồi, và Vô Não hãy làm như thế.  Lòng từ bi vô hạn và đạo lực của đức Thế Tôn khiến cho Vô Não vất gươm và phát nguyện xuất gia.

Patachara là một thiếu phụ trẻ phát sinh một sự phản ứng căng thẳng kịch liệt khi cô chứng kiến cái chết của người chồng, hai đứa con và cha mẹ của cô ta. Cô đến với đức Phật khóc lóc vơi sự khổ não vô biên. Câu chuyện của Patachara biểu lộ một trường hợp nghiên cứu tuyệt diệu về cố vấn chấn thương tâm lý.   Đức Phật đã giúp cô ta thoát khỏi nỗi đau khi nhận chân ra được sự vô thường và nhân quả nghiệp báo trong kiếp sống con người.

Rõ ràng, có những sự tương tự trong vấn đề trị liệu qua thái độ của đức Phật và sự thấu cảm của nhà tâm lý học Carl Roger.  Carl Roger đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển Phương pháp trị liệu “Vấn tâm Bệnh nhân” và ông là một trong những người có công thiết lập phong trào tâm lý học trị liệu cho nhân loại đã đi lại con đường đức Phật đã đi, đó là quan tâm tích cực không điều kiện đến tất cả những con người có thể chết vì đau khổ.

Thấu cảm là một khả năng quan trọng để con người có thể phát triển mối quan hệ với người khác trong sự hiểu biết và yêu thương.

Tôi lại muốn đề cập đến Robert Carkhuff – một trong những nhà tiên phong của Phương pháp Vấn tâm Trị liệu nghiên cứu và hoạt động với Carl Rogers.  Ông phát hành một quyển sách nổi tiếng về Tâm Lý học Trị Liệu thông qua sự khuyên bảo vào năm 1967.  Robert Carkhuff giới thiệu bảy điều kiện hỗ trợ như thấu cảm, tôn trọng, cụ thể, chân thành, tự hiển hiện, đối diện, và thân cận trực tiếp. Trong tâm lý trị liệu, thân cận trực tiếp là vấn đề sống còn. Tất cả những điều kiện ấy, đức Phật đã thực hiện gần 3.000 năm trước với trí tuệ và tình thương chúng sanh vô tận.

Đặc biệt là sự giảng dạy về thiền quán của đức Phật có một vị trí vô cùng quan trọng và thiết yếu. Thiền quán Phật giáo là một tiến trình tịnh hóa tinh thần, hóa giải các nỗi đau và kế đến là phát triển trí tuệ - sự nhận thức đúng đắn và chân chánh. Phật giáo cho chúng ta một sự thể chứng về vô thường, khổ và vô ngã.  Từ bi quán giúp giảm thiểu sân hận, là một phương pháp toàn thiện để kiểm soát chính mình thường bị tham sân si chi phối trực tiếp. 

Cụ thể hơn, thiền quán hỗ trợ giảm thiểu căng thẳng và lo lắng. Ngày nay, những trung tâm tâm lý trị liệu ở phương Tây và phương Đông dùng thiền quán như một kiểu mẫu tâm lý trị liệu thành công (xin hội chúng tán thán điều này).

Thiền quán làm rõ mục tiêu của phương pháp “trị liệu hiện sinh”, phương pháp giúp con người trở nên chân thành hơn với chính mình, hiểu về chính mình và thế giới chung quanh, để tìm ra sự trong sáng để tiến hành thế nào trong tương lai trong khi tiếp nhận những bài học từ quá khứ và để tạo nên những điều gì đấy đáng giá để sống trong hiện tại.  Cũng thế, nó hỗ trợ để khám phá những không gian xã hội, vật lý, tâm lý và tâm linh của bệnh nhân.

Đức Phật là một nhà tâm lý trị liệu vô song.  Phương pháp trị liệu của Ngài đã giúp cho hàng triệu người qua bao nhiêu thế kỷ. Ngày nay, thế giới phương Tây đã nhận ra cốt lõi tâm lý của Phật giáo.  Nhiều hệ thống tâm lý trị liệu ở phương Tây phát sinh từ giáo thuyết của đức Phật.  Đức Thế Tôn biểu lộ sự công nhận thấu cảm và không phán xét đến mỗi người đến với Người.

Vấn đề này chúng tôi đã từng ứng dụng đối với những người mù lòa, khuyết tật trong các khóa tu tại chùa Thiên Quang. Nguyên tắc của từ thiện và hoằng pháp chính là hiểu biết, yêu thương. Chính nhờ tình thương và sự hiểu biết sẽ tạo ra “healing power” – năng lượng chữa trị rất tuyệt vời.

Như nhiều bệnh nhân ngoài đời, họ không cảm thấy có trách nhiệm đối với sự tức giận của mình, nhưng lại đổ lỗi cho thời thơ ấu, cha mẹ là những người đã gây nên sự đau khổ mà anh ta tin tưởng đó là nguyên nhân ban đầu gây nên sự cuồng nộ của anh ta. Hiện nay, áp dụng lời Phật dạy đối với trường hợp này sẽ trở nên rõ ràng và dễ hiểu. Thay vì đắm mình trong tức giận, bệnh nhân của chúng ta sẽ được khuyên hãy yêu thương và tha thứ, thậm chí là cha mẹ mình. Hãy nuôi dưỡng từ bi và lòng yêu thương cũng như tập giữ bình thản trong thái độ cư xử của mình với người khác.

 Phương pháp trị liệu không nên quá đặt nặng vào việc nhấn mạnh sự thật đau khổ, mà nó chỉ thành công khi tạo ra một môi trường đầy ắp yêu thương.

Thông qua thiền minh sát, ngay cả bản ngã của hành giả cũng được nhận biết là vô thường, chứ không phải bằng cách đắm mình trong kết quả nhập định kéo dài, nhưng bằng cách quán chiếu trực tiếp rằng bản ngã xuất hiện và biến mất qua sự chú tâm. Các kỹ thuật thiền Phật giáo đang chứng minh rằng chúng là những công cụ trị liệu có hiệu quả cao trong việc chữa bệnh trầm cảm, lo âu và suy sụp tinh thần.

Thiền tập góp phần rất lớn đối với việc điều trị tâm bệnh cho hôm nay và cả ngày mai. Nhưng có một điều rất quan trọng, Tâm lý học trị liệu Phật giáo phải bao gồm điều gì đó lớn hơn là kỹ thuật thiền quán. Các nhà trị liệu thường xuyên nhận thấy bệnh nhân của họ đắm mình trong các trạng thái tâm vô cùng bất thiện, điều thường xuyên dẫn tới những hoàn cảnh cuộc sống bị tổn hại trên mặt đạo đức. Ví dụ như bạo lực, trộm cướp, lừa dối, tình dục, bia rượu, cờ bạc...

Liệu pháp niềm tin – chánh tín, hãy tin tưởng vào Phật (Buddha), Pháp (dharma), Tăng (sangha) một cách vững chắc và trưởng dưỡng niềm tin như một nét đặc trưng nguyên vẹn của sự thực tập về liệu pháp tâm lý.

Triết học và Tâm lý học của Phật giáo đều có một thứ “khuynh hướng trị liệu” (Therapy oriented). Triết học Phật giáo định hướng cho chúng sanh hóa giải tâm bệnh tham sân si, còn tâm lý học Phật giáo thì cung cấp phương pháp trị liệu về sự nhiễu loạn của tình cảm.

Trên thực tế, những quốc gia có nền công nghiệp hóa và đã đang phát triển cao độ thì những tâm trạng như hoang vắng, trống rỗng, lãnh cảm, sự thiếu sót về mặt hướng đạo nhân sinh trong lòng nhân loại, đều là khái niệm và mục tiêu của tâm lý trị liệu ngày nay. Phật giáo thuyết minh rằng tâm cảnh khó khăn, xung đột, bất mãn, nóng nảy, lo lắng, tham lam, ghét hận, mê chấp, v.v… của nhân sinh đều có thể cho là phù hợp với thông bệnh của con người hiện đại; nhưng, Phật giáo còn có khả năng chỉ dạy cho mọi người hướng đến con đường lớn huy hoàng đại giải thoát, tối cực phúc lạc, đó là cảnh giới Niết bàn.

Những gì chúng ta đã và đang làm những điều tốt đẹp đều nhằm làm sáng tỏ ra con đường chân chánh mà đức Phật đã đề ra, ngay như bản thân tôi, một tu sĩ đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm đó là giáo hóa và giúp đỡ người mù lòa và các bạn trẻ bằng trái tim chân thành nhất bằng con đường Thánh đạo bằng phương pháp trị liệu của Phật giáo. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu trước đây, mục đích phân tích tâm lý của Sigmund Freud ở chỗ chữa trị bệnh tâm để có thể đạt đến một thân xác khỏe mạnh và một trạng thái tâm có hạnh phúc hữu hạn, thì Phật giáo đã đề ra một con đường chân chánh nhắm vào lãnh vực tâm linh và đạo đức – một sự hạnh phúc do giác ngộ và giải thoát mang lại. Và tất nhiên, để có thể đi trên đạo lộ hướng đến giải thoát ấy, chúng ta phải tinh tấn, tinh tấn bất thối chuyển để có được sự tu tập an lạc, đời sống an lạc và giúp được nhân thế bằng trái tim của một vị Bồ tát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6712289