NGÀI MOGOK VÀ PHÁP HÀNH MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
NGÀI MOGOK VÀ PHÁP HÀNH MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
LIÊN HIẾU
Mùa hè vừa rồi, chúng tôi có duyên hành thiền tại Thiền viện Shwe-war-win, phía Nam thành phố Yangon. Đây là một trong những trung tâm thiền thuộc trường phái Mogok, thực hành theo pháp Mười hai nhân duyên. Thực tế, giáo lý Mười hai nhân duyên đã được Đức Phật giảng dạy trong Kinh Tương Ưng, nhưng tại Miến Điện, giáo lý này được nhiều người biết đến và có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày chính là nhờ những bài pháp thoại về Mười hai nhân duyên của Ngài Mogok. Vì vậy, tại Miến Điện mỗi khi dạy về Mười hai nhân duyên, các vị giảng sư thường nhắc đến Ngài Mogok; và khi nói đến Ngài Mogok, mọi người lại liên tưởng đến giáo lý Mười hai nhân duyên.
Ngài Mogok, sanh năm 1899, tại làng U Yin Daw, thị trấn Amarapura, thành phố Mandalay, miền Trung Miến Điện. Năm 9 tuổi, Ngài được cha mẹ đưa vào chùa xuất gia với pháp danh là Vimala (thanh tịnh, trong sạch). Tuy nhiên, rất ít người biết đến pháp danh này của Ngài, mọi người quen gọi Ngài là Mogok Sayadaw.1 Ngài được gọi như vậy vì khi mới xuất gia cũng như sau ngày ra hành đạo, Ngài được các Phật tử tại thị trấn Mogok hộ trì về tứ vật dụng (vật thực, y áo, phòng xá và thuốc thang). Ngài là người có nhiều phước báu, căn tánh lại thông minh nên lúc còn là sa-di, Ngài được các bạn đồng tu đặt cho những biệt hiệu như ‘sa-di Si-va-li’, vì Ngài luôn nhận được những phẩm vật cúng dường nhiều hơn những vị khác, hay ‘sa-di Xá-lợi-phất’ vì trí tuệ siêu việt so với tuổi tác của Ngài. Sau ngày thọ giới Tỳ-kheo không lâu, Ngài vân du khắp các tỉnh thành để thuyết pháp. Ngài đặc biệt nổi tiếng về môn tâm lý học Phật giáo (Vi Diệu Pháp). Ngày nọ, Ngài nhận thấy bản thân giống như người chăn bò, mỗi ngày cứ lo giữ đàn bò nhưng lại không thể uống được sữa bò. Cũng vậy, mỗi ngày Ngài giảng dạy giáo pháp nhưng lại không có cơ hội thưởng thức hương vị ngọt ngào của Pháp bảo. Vì vậy, Ngài tạm dừng việc giảng dạy và chuyên tâm vào pháp hành. Sau những tháng ngày ẩn cư chuyên tu, cuối cùng chí nguyện của Ngài được thành tựu: thông pháp học, giỏi pháp hành2.
Theo quan điểm của Ngài Mogok, pháp học hỗ trợ cho pháp hành, đặc biệt là kiến thức Vi Diệu Pháp hay Thắng Pháp. Vì vậy, Ngài thường khuyến khích các vị đệ tử nỗ lực học hiểu những lời Phật dạy, sau đó thực hành những điều mình đã học, và giai đoạn thứ ba là thành tựu những điều đã học, đã tu. Nói cách khác, cách giảng dạy của Ngài dựa trên ba yếu tố: Pháp học, Pháp hành và Pháp thành.3 Có thể nói điểm nổi bật nhất trong pháp hành của ngài Mogok là áp dụng giáo lý Mười hai nhân duyên. Những nhân tố hình thành nên một chúng sanh với những vui buồn sướng khổ. Pháp hành này dựa trên mô hình một vòng tròn và được giải thích theo lý Nhân và Quả. Vô minh và Hành là nhân mà chúng ta đã gieo trong quá khứ nên đưa đến quả hiện tại chính là thân năm uẩn hay còn gọi là thân danh sắc, gồm có năm chi pháp là: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ. Nhân quá khứ đã gieo, chúng ta không thể thay đổi được, điều chúng ta có thể làm là thay đổi thái độ sống của mình trước mọi hoàn cảnh chứ không phải thay đổi hoàn cảnh đó. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể cắt đứt được vòng xoay sanh tử, vượt thoát khổ đau, tự tại an lạc giữa những thăng trầm trong cuộc sống.
Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy rõ trong chuỗi Mười hai nhân duyên Vô minh và Hành là nhân quá khứ (Tập đế) đưa đến quả hiện tại là Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc và Thọ, còn gọi là thân năm uẩn (Khổ đế). Thân năm uẩn này lại gây ra nhân ở hiện tại là Ái - Thủ và Hữu (Tập đế) và đưa đến một kiếp sống ở tương lai là Sanh và Già Chết (Khổ đế). Như vậy, con người cứ mãi xoay vần trong vòng sanh tử khổ đau. Ở đây, vô minh chính là nhân ở quá khứ đưa đến khổ đau hiện tại và tham ái chính là nhân hiện tại đưa đến khổ ở tương lai. Theo cách trình bày của Ngài Mogok, mắc xích được xem là lối thoát khỏi vòng xoay sanh tử chính là thọ hay cảm giác, tiếng Pāli là Vedanā. Vì cảm thọ chính là nhân đưa đến tham ái, tiếp sau ái là thủ, hữu (nghiệp hữu), rồi lại sanh và già chết ở một kiếp sống trong tương lai. Vì vậy, muốn dứt trừ tham ái, nguyên nhân đưa đến khổ đau ở đời này và đời sau, mỗi người cần phải hiểu biết về cảm thọ.
Thọ hay cảm thọ là một mắc xích trong Mười hai nhân duyên, là một trong năm yếu tố tạo nên một con người (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), là một trong bảy tâm sở biến hành (xúc, thọ, tưởng, tác ý, nhất tâm, mạng căn, chú ý), và là một trong bốn đề mục để quán niệm (niệm thân, thọ, tâm và Pháp).4 Trong cuộc sống hằng ngày, cảm thọ xuất hiện khi mắt chúng ta thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý suy nghĩ. Trong Kinh Tương Ưng về Cảm thọ, Đức Phật liệt kê cảm thọ theo nhóm: nhóm thứ nhất chỉ có một là khổ thọ, nhóm thứ hai có hai là thọ thuộc về thân và thọ thuộc về tâm, và nhóm cuối cùng có tất cả 108 cảm thọ.5 Dù cảm thọ được phân chia thành nhiều loại, nhưng tựu trung có ba loại cảm thọ căn bản nhất đó là thọ lạc (sukha), thọ khổ (dukkha) và thọ xả (upekkhā).
Khi mắt chúng ta nhìn thấy một hình sắc nào đó, nếu cảnh tượng ấy mình thích ý vừa lòng thì thọ lạc khởi sanh. Trái lại, nếu cảnh sắc đó chúng ta không muốn nhìn, không muốn nó hiện hữu thì lúc đó cảm thọ là buồn, là khó chịu, là khổ và không vui. Trường hợp thứ ba là cảnh trí đó không có chút ấn tượng nào với mình cả, có nhìn cũng như không nhìn, chúng ta không có một chút cảm xúc nào, cảm thọ lúc này là lãnh đạm, thờ ơ hay còn gọi là thọ xả (xả của phàm phu là không quan tâm, xả của bậc trí là không phân biệt). Cũng thế ấy, khi tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi…, tùy vào đối tượng mà thọ lạc, thọ khổ hay thọ xả sanh khởi. Thông thường, chúng ta bị dẫn dắt bởi thọ lạc vì chúng ta thích cảm giác đó, chúng ta muốn nắm giữ mãi cảm giác đó, do đây mà tham ái và chấp thủ sanh khởi. Đối với thọ khổ, chúng ta hay có thái độ phản ứng và muốn xua đuổi nó, do đây tâm sân sanh khởi. Kết quả là tâm chúng ta thường xuyên bị dao động khi lên lúc xuống, khi vui thì vui ngất, lúc buồn thì buồn thiu… Bao lâu mà tâm chúng ta vẫn còn tham và sân thì chúng ta vẫn còn tạo các hành động bất thiện, và như vậy vòng xoay Mười hai nhân duyên hay thân năm uẩn của chúng ta vẫn mãi trôi lăn vô định…
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ trơ lì không có chút cảm xúc nào khi mắt thấy, tai nghe… Cảm thọ hay cảm xúc sanh khởi là do sự vận hành tự nhiên của các pháp. Nói cách khác, khi căn, trần và thức tiếp xúc với nhau thì cảm thọ sanh. Chúng ta không thể can thiệp vào sự vận hành tự nhiên của các pháp, điều cần làm là điều chỉnh thái độ của mình khi tiếp nhận một đối tượng. Ngài Trúc Lâm Đại sĩ trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú đã chỉ rõ thái độ sống giữa đời thường vô sầu vô ưu, nghĩa là biết sống tùy duyên thuận pháp, Ngài dạy: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, hễ đói thì ăn mệt ngủ liền”. Câu cuối của bài phú chính là điều chúng tôi muốn đề cập đến, đó là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Chữ “vô tâm” ở đây không có nghĩa là không có tâm, cũng không phải là không để ý hay không chú ý đến những việc xảy ra quanh mình, mà “vô tâm” có nghĩa là không có tâm phân biệt hay tâm không phản ứng với cảnh trái ý nghịch lòng.
Thông thường, khi không có sự cẩn trọng chú tâm quan sát thì tâm chúng ta thường bị thay đổi theo đối tượng, nếu đối tượng mình thích thì tâm vui, nếu đối tượng không thích thì tâm bực mình. Nên vấn đề ở đây không phải là do đối tượng mà là do thái độ sai lầm của chúng ta khi tiếp nhận đối tượng. Đối tượng chỉ là đối tượng, nếu chúng ta có tâm phân biệt thích hay không thích thì khổ đau sẽ sanh khởi. Theo sự vận hành của nhân quả, các pháp cứ đến đi theo quy luật của chúng chứ không phải theo ý muốn của chúng ta, chúng ta không thể nào mong mọi điều tốt đẹp đến với mình và những điều bất như ý đừng xảy ra với mình, chúng ta cũng không thể nào tránh né khi duyên đã đủ quả đã sanh. Càng cố tránh né chúng ta lại càng khổ đau vì điều mình mong muốn mà không được như ý. Trong bài Pháp đầu tiên, Đức Phật đã khẳng định “cầu bất đắc khổ”, nghĩa là muốn mà không được là khổ. Do vậy, nếu chúng ta biết thực tập “vô tâm” theo lời Ngài Trúc Lâm hay không có tâm phân biệt hơn thua, phải quấy… thì chúng ta được an vui dù cho đối tượng đó mình thích hay không thích. Và khi tâm không phân biệt thì cảm thọ chỉ là cảm thọ, tham ái không có cơ hội phát sanh. Ngay tại đây, chúng ta đã rẽ sang một lối khác, lối sống đưa đến bình an, hạnh phúc.
Cuộc sống của mỗi con người là những chuỗi dài thăng trầm được mất, hơn thua, thành bại, vinh nhục... Nếu không thể áp dụng những lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày thì tâm của chúng ta cứ mãi dao động, xuống lên theo chuỗi thăng trầm của cuộc sống. Khi gặp cảnh thích ý vừa lòng thì tâm chúng ta hân hoan sung sướng, nhưng khi đối diện với những trái ý nghịch lòng thì tâm trạng chúng ta chán nản, buồn bực, thất vọng, khổ đau. Sự việc cứ đến đi, chúng ta không thể can thiệp vào sự vận hành của pháp, điều chúng ta có thể làm là thay đổi thái độ sống của mình. Nếu chúng ta luôn thận trọng, chú tâm, quan sát những sự việc xảy ra quanh mình với một thái độ không bình luận, không phê phán, không mong cầu nó ‘phải là’ hay ‘sẽ là’ thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn, sẽ ít gặp rắc rối và ít khổ đau hơn, và như vậy chúng ta đã chặt đứt được vòng xoay Mười hai nhân duyên. Giáo lý Mười hai nhân duyên thậm thâm vi diệu nhưng đã được Ngài Mogok giảng dạy với những ngôn từ giản dị, đặc biệt là có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, đem lại giá trị sống đích thực cho những ai hữu duyên thực hành theo.
1. Sayadaw là danh xưng dùng để gọi một vị Hòa thượng, Thượng tọa hay vị trụ trì một ngôi chùa tại Miến Điện. Danh xưng này đôi khi cũng được dùng để gọi những vị Sư trẻ nhằm biểu lộ lòng kính trọng. Danh từ Sayadaw có thể được đặt trước hoặc sau pháp danh của một vị Tăng, ví dụ Mogok Sayadaw, Mahasi Sayadaw, Sayadaw Sīlānanda, v.v.
2. U Kyaw Thein, The Biography and Practice of The Mogok Sayadaw (Myanmar: Society for the Propagation of Vipassanā, 1994), 313; U Than Daing, The Doctrine of Paṭiccasamuppāda (Myanmar: Society for the Propagation of Vipassanā, 1999), xxv; U Sway Tin, trans. The Mogok Sayadaw (Yangon: U Aung Chi Published, 2000), 1f.
3. Ashin Sumana, Basic Paticcasamuppada - A Discourse on Cause and Effect, trans. U Hla Myint (Yangon: U Myint Than of Athaing Awaining Sarpay Publisher, 1998), 2; Jack Kornfield, Living Dharma (USA: Shambhala Publishions, 1996), 210.
4. Nyanatiloka, Buddhist Dictionary (Myanmar: Religious Affairs Department Press, 1998), 189-190.
5. Bhikkhu Bodhi, trans. The Connected Discourses of the Buddha, vol. II (Boston: Wisdom Publication, 2000), 1280.
Tài liệu tham khảo
1. Bodhi, Bhikkhu, trans. The Connected Discourses of the Buddha, vol. II. Boston: Wisdom Publication, 2000.
2. Daing, U Than. The Doctrine of Paṭiccasamuppāda. Myanmar: Society for the Propagation of Vipassanā, 1999. Kornfield, Jack. Living Dharma. USA: Shambhala Publishions, 1996.
3. Myint, U Hla, trans. Basic Paticcasamuppada - A Discourse on Cause and Effect. Yangon: U Myint Than of Athaing Awaining Sarpay Publisher, 1998.
4. Nyanatiloka, Venerable. Buddhist Dictionary. Myanmar: Religious Affairs Department Press, 1998.
5. Thein, U Kyaw. The Biography and Practice of The Mogok Sayadaw. Myanmar: Society for the Propagation of Vipassanā, 1994.
6. Tin, U Sway, trans. The Mogok Sayadaw. Yangon: U Aung Chi Published, 2000.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết