Thông tin

NGÀY RA ĐỜI MỘT VỊ THẦY VĨ ĐẠI

NGÀY RA ĐỜI MỘT VỊ THẦY VĨ ĐẠI

 

NGUYÊN CẨN

 

 

Chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 2.562 Đản sanh đức Phật. Người mà có lúc có nơi được tôn vinh  như Đấng sáng tạo, sở hữu quyền năng siêu việt đến nỗi người ta đi chùa lễ Phật, cầu lộc mang về, mong buôn may bán đắt, công việc hanh thông, giải hạn(?). Thiền sư Nhất Hạnh đã từng kêu gọi “Hãy trả đức Phật về ngồi dưới cội bồ đề, đừng tôn ngài lên ngôi vương vị, lên chúa tể vũ trụ. Đừng gán sau lưng ngài những nhãn hiệu mà chính ngài không thừa nhận Ngài là giáo chủ của một tôn giáo vì ta đã tôn thờ Ngài qua lòng sùng kính của một tín đồ, không phải bản ý của Ngài là muốn làm giáo chủ. Ngài là một nhà văn hóa vì ta đã nhìn Ngài bằng cặp mắt của một nhà văn hóa. Ngài là một nhà triết học bởi vì ta đã tìm hiểu Ngài qua kiến thức triết học của ta. Thực ra, ta chỉ có thể nói rằng Ngài là người đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của một xã hội - đáp ứng một cách toàn vẹn, nhờ kiến thức giác ngộ, nhờ đức độ vô biên, nhờ ý chí bất khuất của Ngài. Ngài đã tìm ra nguyên lý của cuộc đời, của sự sống” (TNH - Đạo Phật ngày nay).

Phật là ai?

 Có người lại xem Phật như bậc thầy vĩ đại của muôn đời vì đã chỉ ra con đường thoát khổ.

Chúng ta đều biết 2.562 năm trước, Hoàng hậu Mahamaya đã hạ sanh Thái tử Siddharta (có nghĩ là “hoàn thành mọi ước nguyện”), người dự kiến trị vì một vương quốc nhỏ nhưng độc lập và thịnh vượng. Và dù được bảo bọc, nuôi dưỡng trong tinh thần và phương pháp giáo huấn của hoàng gia, thái tử vẫn có ước muốn hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài Hoàng cung, và rồi chàng đã lần lượt chứng kiến đủ các giai đoạn mà đời người trải qua trong những lần đi dạo ngoài thành: sanh, lão, bệnh, tử, cũng như chứng kiến sự phù phiếm của sắc đẹp và danh vọng quanh mình, chàng quyết định lên đường tìm chân lý.

Lìa xa Hoàng cung, chàng bắt đầu đầy hứng khởi với nhiều lời dạy từ các vị đạo sư nhưng không ai đem lại chân lý tối hậu cho chàng. Thêm nữa, phương pháp tu khổ hạnh khiên chàng kiệt sức và trong lúc gần như bất tỉnh, chàng được một thôn nữ dâng lên chén sữa. Tỉnh lại, chàng quyết định từ bỏ lối tu hành ép xác không đem lại hiệu quả cho sự giác ngộ. Đó là lý do khởi xướng thuyết Trung đạo. Trung đạo cũng đem lại một cái nhìn trực tiếp, không nhị nguyên, đạo Phật nhìn mọi vấn đề không qua những thái cực: thường, đoạn, hữu, vô,… mà thấy mọi vật trong mối quan hệ tương tức tương sinh, tương dung tương nhập… hệt như cây cỏ tồn tại nhờ mưa, nhờ nắng trời, rồi khi nó trở thành thức ăn, trở về đất lại bón cho cây; hay mây sinh ra mưa, mưa xuống đất khiến cây cỏ đâm chồi, rồi mưa lại bốc hơi thành mây... cứ thế duyên khởi trùng trùng, vạn vật tương sinh… Cuộc đời chúng ta là những con sóng, không phải đại dương, nhưng chúng ta là một với đại dương, nơi tất cả đòng sông và cơn mưa đều về đấy. Sau khi giác ngộ, đức Phật thuyết giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, gần Benares, Người dạy năm vị Tỳ khưu như sau:

"Hỡi nầy các Tỳ khưu, có hai cực đoan (anta) mà hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh:

1. Sự dễ duôi trong dục lạc - là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích.

2. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh - là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích.

Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Ðạo (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan (cakkhu) và tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu (abhinnãya), giác ngộ (sambhodhaya) và Niết bàn.

Hỡi các Tỳ khưu, con đường Trung Ðạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết bàn là gì?

Chính là Bát Chánh Ðạo (con đường có tám chi) - là Chánh Kiến (samma ditthi), Chánh Tư Duy (samma samkappa), Chánh Ngữ (samma vaca), Chánh Nghiệp (samma kammanta), Chánh Mạng (samma ajiva), Chánh Tinh Tấn (samma vayama), Chánh Niệm (samma sati), và Chánh Ðịnh (samma samadhi). Hỡi này các Tỳ khưu, đó là con đường Trung Ðạo mà Như Lai
đã chứng ngộ.

Hỡi này các Tỳ khưu, bây giờ, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự Khổ (dukkha - ariya - sacca, khổ thánh đế):

Bây giờ, hỡi này các Tỳ khưu, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Nguồn Gốc của Sự Khổ (dukkha-samudaya-ariya-sacca, tập khổ thánh đế):

Bây giờ, hỡi này các Tỳ khưu, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự Diệt Khổ (dukkha-nirodha-ariya-sacca, diệt khổ thánh đế):

Bây giờ, hỡi này các Tỳ khưu, đây là Chơn Lý về Con Ðường dẫn đến Sự Diệt Khổ (dukkha-nirodha-gamini-patipada-ariya-sacca, đạo diệt khổ thánh đế)”.

Và Phật dạy về Tứ diệu đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo.

 Phật dạy theo phương pháp nào?

Người ta đã tranh luận nhiều về việc Phật giáo có phải là một tôn giáo theo lăng kính đức tin, nhất là đức tin vào một năng lực siêu nhiên hay thần linh; một hệ thống giáo lý, những mẩu chuyện thiêng liêng hay nghi lễ, thì theo kinh tạng Pali, Phật giáo không phải là một tôn giáo. Thượng tọa Thích Tâm Minh viết: “Mệnh đề Phật giáo là một tôn giáo hay triết học là sản phẩm tranh luận của nhiều thập kỷ trước, mà ngày nay ít ai còn chú ý tới, mặc dù khó xếp Phật giáo vào một hình thái nào đó của tôn giáo hay triết học, người Tây phương thường gọi Phật giáo là “vô thần” (athestic), một tôn giáo không biết đến Thượng đế (God) hay một đường hướng giáo dục đề cao vị trí tối thượng của con người trong vai trò tự hoàn thiện “(TTM - Trung đạo -
Con đường chắc thật đưa đến Niết bàn
).

Phật pháp chính là giáo dục. Có luận sư giải thích rằng tôn giáo mang nghĩa hạn hẹp, không thể bao quát cho Phật pháp. Phật pháp là một trường đại học hoàn chỉnh bao gồm cả triết học và tôn giáo. Chả thế mà chúng ta gọi người là Bổn sư, người đầu tiên sáng lập ra nền giáo dục này. Chúng ta, vì thế, không nhìn nhận Phật như thần linh vì mục tiêu giáo dục nhà Phật chính là “trí tuệ rốt ráo viên mãn” (vô thượng chánh đẳng chánh giác). Nói như Phật “Các con là Phật sẽ thành”. Kinh Hoa nghiêm viết: “Tất cả chúng sanh đều có đủ đức, tướng, trí tuệ của Như Lai”. Vấn đề ở đây là vì nhiều vọng tưởng, chấp trước, chúng ta chìm đắm trong tham, sân, si nên không thể chứng đắc.

Phật là một vị Thầy vĩ đại và phương pháp giáo dục của Người cũng đáng để hậu thế thế học tập và noi theo vì cho đến nay vẫn rất… hiện đại. Người không cần hay không bắt môn đệ ghi chép nhiều, những câu chuyện mà người kể (thường sau này ghi lại trong  kinh sách) và trong nhiều tình huống, Người thường sử dụng những dẫn chứng hay ví dụ. Phương pháp của Người không áp chế, thực nghiệm (tự mình kiểm chứng), và cảm nhận trong thực tại (ngôn ngữ hiện đại gọi là real-time), luôn thực tiễn, cũng như hết sức minh triết và dựa trên nền tảng từ bi.

 Người áp dụng cái mà ngày nay ta gọi la “thân giáo”, dùng bản thân mình làm phương tiện thiện xảo (upaya) hướng dẫn tín đồ. Những điều Người trình bày luôn sáng tỏ, rạch ròi và nhất là giản dị,  trọn vẹn, thực tế, mang tính thuyết phục và trình bày bằng tất cả sự tận tụy. Chúng ta còn nhớ câu chuyện người phụ nữ tên Kisa Gotami, khi hạ sinh được đứa con với bao khó nhọc để làm hài lòng gia đình nhà chồng, nhưng rồi đứa trẻ không may qua đời. Nàng nghe nói đức Phật là một đấng giác ngộ, chắc nhiều thần thông, có thể cải tử hoàn sinh cho nó, và nàng ẵm xác con nàng tìm đến Phật khẩn cầu giúp đỡ.

 Đức Phật ân cần đón tiếp nàng với tất cả từ tâm, khiến nàng dấy lên bao hy vọng, và tin vào năng lực phi phàm của Người sẽ làm sống dậy đứa con yêu. Phật nói: “Nhưng trước khi ta có thể làm gì, nàng hãy đi vào làng lân cận và đem về cho ta một ít hạt mù tạc. Nhưng phải chắc chắn rằng hạt ấy phải từ ngôi nhà nào mà trước nay chưa hề có ai chết mới được”. Và thế là nàng đi vào làng, gõ cửa từng nhà. Nhà thứ nhất, gia chủ rất sẵn lòng đưa hạt cho nàng nhưng khi nghe yêu cầu thứ hai của đức Phật, họ liền nói: Rất tiếc, vì cha chúng tôi vừa mới qua đời… Cứ thế, nàng gõ cửa hết nhà này đến nhà khác và kết quả vẫn như trước. Nàng đành quay trở về bạch Phật, và nói rằng cái chết hiện diện ở mọi nhà. Nàng xin chôn cất đứa con và nghe giảng Pháp. Tuyệt vời ở chỗ người không bảo nàng hãy quên nỗi buồn đi ngay khi vừa gặp mà chỉ ra nguyên nhân và bản chất tan - hợp của kiếp người, cách vượt qua nỗi buồn khi nhận chân sự thật, sau sự mất mát ấy là tính chất vô thường phổ quát của mọi vật.

 Đức Phật dùng những ẩn dụ, chuyện ngụ ngôn và cả sự yên lặng để giảng dạy. Người dùng những hình ảnh sinh động. Giảng về pháp, Người ví như chiếc bè, qua sông rời thì bỏ lại phía sau, hay phân biệt ngón tay chỉ mặt trăng với mặt trăng. Đôi khi, Người trả lời những câu hỏi sâu sắc và hóc búa cũng chỉ bằng một ví dụ. Ví dụ, Phật nói các người hỏi ta rằng vũ trụ khởi thủy từ đâu, vô biên hay giới hạn thì có khác nào một người trúng tên tẩm độc nhưng không chịu đưa đến thầy thuốc trừ khi biết được câu trả lời rằng ai bắn mũi tên đó và loại thuốc độc gì hay quy trình mũi tên làm ra như thế nào, v.v.

 Có lần người sử dụng sự yên lặng để giáo huấn. Đó là trường hợp có người hỏi những câu hỏi không đưa đến sự thể nghiệm bản thân. Có môn đồ hỏi về Thượng đế, hay linh hồn có bất tử không? Hay hồn và xác là một hay là hai? Đức Phật không hẳn là không biết trả lời những câu hỏi trên vì là Người đã giác ngộ, Người hoàn toàn có thể giải đáp tính chất vô biên của vũ trụ, sự quảng đại thần thông của tâm thức, nhưng Người im lặng là vì Người muốn đệ tử đừng sa vào những cái bẫy ngôn từ hý luận và những quan điểm triết học không cần thiết, ví dụ như người ta thích tranh luận về tính siêu hình trong nguồn gốc của lửa mà không nhận ra mình đang ở trong một căn nhà đang cháy.

Trong lúc giáo huấn, Người luôn dùng phương pháp vấn đáp, để môn đồ tự tìm ra lời giải. Ví dụ, trong kinh Kim cang.

Chương 5.

"Này Tu Bồ Đề! Ý ông ra sao, có thể nào nhìn thân tướng mà thấy Như Lai không?"- “Không, Bạch Thế Tôn, không thể nhìn thân tướng mà thấy Như Lai được". - “Vì sao vậy?" - “Vì theo ngài dạy, thân tướng đó không phải là thân tướng chân thật". Phật bảo Tu Bồ Đề rằng: "Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy rõ các tướng đó không phải là chân tướng, tức là thấy được Như Lai".

Chương 19:

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, nếu có người đem đồ thất bảo đầy cả ba ngàn thế giới mà bố thí, người ấy làm nhân duyên thế, có được nhiều phúc đức không?

- Bạch Thế Tôn! Như thế, người đó nhờ nhân duyên ấy được phúc đức rất nhiều.

- Này Tu Bồ Đề! Nếu phúc đức có thực, thì Như Lai đã không nói rằng phúc đức nhiều. Vì phúc đức không có, cho nên Như Lai mới nói là được phúc đức nhiều".

 Phật khuyến tấn chúng đệ tử học Phật theo nguyên tắc Văn - Tư - Tu.

- Văn là học hỏi. Đọc tụng kinh điển, nghe giáo lý và pháp đàm là thực tập văn học. Học Phật nên có tinh thần cởi mở, muốn hiểu thấu và chịu thực hành. Nếu nghe pháp chỉ để đem đàm luận, phê phán, chỉ trích, hay chất chứa kiến thức để khoe khoang, để tranh cãi đúng sai, thì đó không phải là văn.

- Tư là suy ngẫm, tư duy, quán chiếu những điều mình nghe. Ngay những điều Phật dạy cũng phải suy nghĩ và thẩm xét cho kỹ rồi đem ra ứng dụng cho đúng. Vì Phật không dạy chúng ta tu mù quáng, vô điều kiện, chỉ nhắm mắt nghe lời Phật dạy. Cách tốt nhất trong lúc đọc, tụng kinh hay nghe pháp Phật, không nên tư duy, chỉ định tâm đọc tụng và lắng nghe. Khi đã đọc và nghe xong rồi hãy quán chiếu, suy nghĩ.

Tu, là thực tiễn hành trì theo giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy, hoặc hành trì những điều đã học hỏi thấy nghe được từ các bậc thánh nhân, thầy tổ, v.v… mà vận dụng tư duy, phản tỉnh sửa đổi ba nghiệp thân - khẩu - ý mình từ những điểm hư xấu, bất thiện, bi quan bế tắc trở thành trong sáng thiện mỹ, lạc quan. Tu có nhiều hình thức như khổ tu, lạc tu, chơn tu, nội tu, cộng tu, tự tu…

Trong tất cả các pháp môn của Phật đều nói đến Tín - Giải - Hành - Chứng. Phật dùng pháp hữu vi làm phương tiện giúp chúng sanh phát khởi Tín tâm (Tín) và có kiến thức (Giải) để hiểu biết về pháp môn mà mình tu. Một khi Tín - Giải đã vững vàng rồi, thì phải Hành. Hành trong Phật giáo tức là ‘Buông Xả’: buông xả tất cả các pháp, buông xả tự tư tự lợi, vọng tưởng phải quấy, nhân ngã, thị phi, v.v… Ngay đến Phật pháp cũng phải buông bỏ xuống, thì Tự tánh thanh tịnh viên minh thể mới hiện tiền. Khi đó ta gọi là chứng đắc, tức là ‘minh tâm kiến tánh’.

Lời dạy cuối cùng

Cuối cùng thì người cũng đến lúc ra đi. Tăng chúng lo sợ không biết nương vào ai để tu học. Người đã trấn an họ, nói rằng: “Giáo pháp chính là vị thầy tốt nhất. Cho dù ta có sống hàng nghìn năm, ta cũng sẽ phải xa các con một ngày nào đó vì tan hợp là quy luật. Hội ngộ rồi chia tay”. Người đã qua đời cũng theo cách mà người đã sống, một bậc thầy tâm linh mẫu mực.

 Cuộc đời đức Phật là một bức tranh phong phú sắc màu: bản thân bức tranh ấy là một bài học. Cho dù các bạn có thể tin hay không tin những giai thoại về ngày Đản sinh của Người một cách trọn vẹn, thì bạn vẫn phải tin giáo pháp của Người một cách tuyệt đối và toàn diện. Vì chúng ta cũng như Đức Phật đã sinh ra sẵn có một đời sống bình yên, hạnh phúc, với tình yêu, lòng nhiệt thành luôn vươn đến sự ưu việt. Khả năng sống hạnh phúc ấy là một món quà mà chúng ta như đã nói ở phần đầu, vì vô minh và chấp trước mà phí hoài viên ngọc mani trong tay áo ấy, nên suốt đời loay hoay như gã cùng tử bỏ nhà đi tìm hạnh phúc, chẳng biết rằng nó có sẵn trong ta. Tiếc thay!

Hãy hướng về Bổn sư với tất cả tâm nguyện chí thành trong Đản sinh của Người!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6061106