Thông tin

NGÀY XƯA CÒN NHỚ?

NGÀY XƯA CÒN NHỚ?

                                                                                

HÀNG CHÂU

 

Chùa Bồ Đề - Vũng Tàu

 

Quyển Album loại quyển sổ tay nhỏ đặt trên bàn được mở ra với bức ảnh - một vị tu sĩ trẻ áo vàng với nụ cười thật tươi, từng bước thong dong trên con đường mòn đất đỏ, hai bên là rừng cây xanh cao vút mát rượi. Có lẽ thời tiết đang vào xuân với nắng ấm dịu dàng. Nhìn bên tay phải vị tu sĩ, bóng dáng một thiếu nữ với chiếc áo dài trắng phất phơ điểm hàng bông tím rơi rơi trong gió, tay cầm chiếc nón vành màu vàng nhạt đính một đóa hoa hồng vải lụa với vóc dáng của một cô sinh viên.

Khu rừng mênh mông trên đồi cao thoai thoải hình thành một ngôi chùa với tên gọi Phước Sơn. Ngày ấy, nơi đây vùng đất này chỉ có rừng với con đường đất sẫm màu làm phương tiện đi lại giữa xã này sang huyện nọ.

Đi vài cây số rẽ phải xa thật xa, đổ mồ hôi mới ra đến con đường quốc lộ, xe nườm nượp nối đuôi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu hoặc ngược lại.

Quyển album được lật sang trang kế tiếp, hình ảnh ngôi chùa Thích Ca Phật Đài thật uy nghi, người tu sĩ trẻ cùng với hai vị khác, cộng thêm Thúy và Hạnh chụp chung một bức ảnh lưu niệm.

Ba người tu sĩ, hai người độ tuổi trên 30, người còn lại độ 20. Gương mặt người nào cũng ánh lên nét hiền hòa, riêng Thiện Minh - vị sư 20 tuổi có nụ cười vô tư tuyệt đẹp, phảng phất sự hồn nhiên của tuổi học trò.

Hạnh nhìn hai bức ảnh ghi hình lâu lắm rồi, thời gian hai mươi năm qua đi, thật xa vời đối với tuổi trẻ. Ngày ấy tóc xanh mượt, còn bây giờ lấm tấm những sợi trắng pha sương, cố chen lấn áp giành chỗ của màu thanh xuân tươi trẻ. Hạnh nghĩ nếu có dịp gặp lại người tu sĩ ấy, không biết chị có còn nhận ra không? Thời gian làm cho con người điềm đạm ưu tư. Những trải nghiệm của va chạm cuộc sống họ trở nên thâm trầm sâu lắng, những biến đổi từ nội tâm toát ra bên ngoài qua cử chỉ, ánh mắt xa xôi vời vợi.

Hạnh được quen biết sư Chánh Minh qua lễ hội dâng y ở một ngôi chùa tọa lạc vùng Bàn Cờ. Chùa nầy được xây dựng gần thế kỷ. Nghe kể lại, Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ độ 300 ngàn dân, các ngôi nhà được xây dựng kiểu phố nhỏ đơn sơ, mái lợp tôn, rải rác có nơi còn vũng nước sình lầy.

Lần đầu tiên chị đi dự lễ, Phật tử đến rất đông nên khuôn viên ngôi chùa trở nên nhỏ bé gần như không đủ sức dung nạp những người thành tâm với Đạo

Hạnh nhớ, lúc còn là cô gái nhỏ, thường theo bà nội đi chùa, nhìn thấy mọi người thành kính lễ Phật, cô bé nhìn theo từng cử chỉ của người lớn, cũng chắp tay quỳ gối, miệng lâm râm niệm Phật A Di Đà. Đến khi qua cấp hai, lên cấp ba, rồi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, mải miết với con chữ, hân hoan với những khám phá biến thiên vũ trụ của các nhà khoa học, chị ít khi vào chùa nữa, đó là chưa kể dòng đời xô đẩy lao theo cuộc sống thường ngày.

Hôm có dịp cùng đi với các vị sư ở chùa Bàn Cờ ra chùa Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu, có duyên gặp lại sư Chánh Minh, trong tâm, cứ mỗi lần nhìn thấy các tu sĩ trẻ là Hạnh cứ ngạc nhiên, tuổi thanh xuân phơi phới mà tại sao các vị lại can đảm xuống tóc, khoác áo màu vàng lặng lẽ của nhà tu?

Hạnh khẽ hỏi:

- Tại sao sư lại đi tu vậy?

Ánh mắt sư Chánh Minh nhìn xa xôi ra biển khơi mênh mông, từng nhịp sóng lượn lăn tăn nhấp nhô ập vào bờ tung cả một vùng bọt trắng xóa. Hình ảnh người đời có khác chi đâu, lúc thì êm đềm, lúc thì mưa giông bão tố. Cái tâm biến đổi không ngừng, nếu ta không làm chủ kiềm giữ nổi. Đi tu, tại sao lại đi tu ư? Đi tu là để tự sửa mình với bản thân, thường cái "TA" nó trổi dậy, đôi khi nó điều khiển cả cái Tâm, cả cái trí.

Năm 19 tuổi, Chánh Minh xiết đổi vui mừng nhận văn bằng tốt nghiệp tú tài, anh nghĩ sẽ bước chân vào ngưỡng cửa đại học, con đường mở rộng thênh thang. Nhưng ngày đó, khói lửa ngập tràn nhuốm cả quê hương, Chánh Minh bị bắt buộc cuốn trôi vào cơn bão tố đó. Rồi như được cơ may của đất trời, người thanh niên ấy được giải thoát.

Cuộc đời mỗi người như được an bài bởi số mạng. Sau ngày đất nước được bình yên, tôi tham gia làm việc ở phường xã. Một thời gian ngắn sau, tôi trở về nhà giúp cha mẹ trong việc áo cơm. Thời kỳ ấy, gia đình nào cũng khó khăn, chật vật trong buổi đất nước ổn định xây dựng ban đầu. Hạnh có biết không? Tôi phải dùng sức trẻ của mình lao động cực nhọc dãi nắng dầm mưa với những người cùng khổ, làm hồ, khiêng gạch, xây nhà, rồi có lúc chuyển sang làm mộc, ngày nghỉ thì đi móc sen ở các đầm lầy, ao hồ.

Cuộc sống đó làm cho chàng thanh niên trở nên ưu tư, lặng lẽ. Niềm an ủi của anh là vào chùa nghe thuyết pháp, càng hiểu rõ chân lý của kiếp người, rồi với tiếng tụng kinh êm ả làm cho cái tâm dìu dịu bình yên. Lúc 11 tuổi, hình ảnh cậu bé thường qua chùa Phước Hải gần nhà nghe sa di Thiện Tâm kể chuyện cuộc đời của Đức Phật, một vị hoàng tử quyền quý cao sang mà dám từ bỏ ngai vàng vào rừng ẩn tu tìm ra qui luật sinh, lão, bệnh, tử của kiếp nhân sinh. Cậu kính phục rồi tập ăn chay vào ngày rằm và ngày ba mươi cuối tháng.

Trời về chiều, ánh nắng nhạt nhòa lùi xa rồi như tắt hẳn, vùng trời bao phủ một màu xám nhạt. Bãi tắm chỉ còn rải rác đôi ba người liêu xiêu về muộn. Chánh Minh lặng lẽ ngồi trên mõm đá cao, tiếng sóng vỗ rì rầm lao xao...

Gia đình anh từ đời ông bà lập nghiệp tại vùng đất Vũng Tàu, ngày qua ngày, sinh sống bằng nghề mua bán nhỏ. Tuổi ấu thơ của Chánh Minh gắn liền với biển. Anh là người con hiếu thảo, học hành siêng năng. Chánh Minh rất hiểu, cuộc đời mỗi người đều gắn liền với xã hội. Có lẽ do nghiệp từ kiếp trước nên có người kiếp này gặp thuận lợi, may mắn, có người vất vả chân lấm tay bùn.

Chánh Minh lặng nhìn đàn chim trời vỗ cánh đảo lượn điệu đàng ngoài khơi, không biết đã qua bao nhiêu giây phút. Lan man bỗng anh nhớ ngày ông ngoại đi xa, nhìn ông an giấc ngàn thu, anh bùi ngùi thấm giọt nước mắt. Trời ơi! Đời người sinh, lão, bệnh, tử, thật vô thường, không ai thoát khỏi. Một trăm năm, tưởng như dài vô tận, nhưng thoáng qua thì tóc đã bạc màu.

Bầu trời tối hẳn, Chánh Minh từng bước chân chậm rãi dọc theo bãi cát với những dòng suy nghĩ miên man.

Chiếc xe máy xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 6 giờ sáng đi thẳng ra Vũng Tàu, mười giờ mới bắt đầu vào khu trung tâm. Cứ mỗi một ngã ba, ngã tư, hỏi thăm con đường mang tên Vi Ba - phường Một. Chiếc xe đời cũ như con ngựa kiên trì, uốn lượn theo triền núi dọc bờ biển, xa ơi là xa, rồi cũng đến ngôi chùa Bồ Đề. Trên con đường hơn 100 cây số, tâm trí Hạnh cứ miên man, đi tìm trăm người tu sĩ đã qua 20 năm trước, không biết chị có còn nhận ra người xưa không? Chắc chắn là gương mặt in đậm nét thời gian hơn ngày ấy. Ngược lại với Hạnh, sư Chánh Minh nhìn, có cảm nhận được không?

Con đường dốc cao quanh co, chiếc xe ngừng trước cổng ngôi chùa mái cong chạm trổ với chữ "Chùa Bồ Đề", Hạnh xuống xe, chậm rãi từng bước lên dốc thoai thoải. Người tu sĩ đứng trước sân nhỏ nơi cổng chánh điện. Hạnh nhìn sững, cố nhớ lại gương mặt người quen hai mươi năm trước. Thật lâu - trong lòng như reo lên, đúng rồi! Nụ cười nhẹ trên môi, rồi gương mặt phảng phất chữ điền. Đó là người bạn ngày xưa! Vừa đến bậc thềm, người tu sĩ khẽ gật đầu chào

Hạnh thấy vui vui trong lòng:

- Sư có nhận ra ai không?

Sư Chánh Minh khẽ nở nụ cười:

- Không khác xưa mấy!... Làm sao mà Hạnh biết địa chỉ này?

Hạnh nhỏ nhẹ:

- Hỏi thăm ngôi chùa Bàn Cờ!

Tiếng nói như thì thầm:

- Mình vào chùa thấm thoát đã 34 năm rồi. Thời gian qua mau thật!

Hạnh khẽ nhìn vóc dáng người tu sĩ trẻ ngày nào. Những năm tháng của đời người triền miên để lại biết bao hình ảnh đẹp của cuộc sống, của niềm thương và nỗi nhớ. Người ta cảm nhận hạnh phúc chan hòa với những điều thi vị đó.

- Bây giờ thì Hạnh, chắc không còn hỏi - Vì sao tôi xuống tóc? Có gì đâu, tim tôi tràn nhựa nóng. Mảnh vườn đời, ươm hạt giống vô ưu, người giúp đời, cả nguồn tim khối óc. Tôi tặng đời, lời thánh thiện ôn nhu.

Hai con đường cùng đi đến mục đích tuyệt đẹp để trái đất này đầy trái ngọt hoa thơm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6057602