Thông tin

NGÀY XUÂN ĐI CHÙA LỄ PHẬT

NGÀY XUÂN ĐI CHÙA LỄ PHẬT

 

NGUYỄN HOÀNG DUY

 

 

 

Ở khắp 53 tỉnh thành trong toàn quốc, nơi nào cũng có những chùa thờ Phật được công nhận là di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng. Từ xa xưa, các mái chùa cổ kính đã góp phần tô điểm cho làng quê Việt Nam. Cây đa bến nước, mái đình, mái chùa với làng xóm Việt Nam là không thể tách rời trong tâm trí, kỷ niệm của mỗi người xa quê hương, nhớ tới tổ tiên, ông bà, nhớ tới nơi chôn nhau cắt rốn. Tiếng chuông chùa vang lên trong  buổi hoàng hôn đã đi vào nhịp sống thường nhật của mỗi người dân Việt Nam. Trong những ngày đầu xuân thong thả, lên chùa vãn cảnh và lễ Phật không phải chỉ là việc làm của các Phật tử mà là của nhiều người khác, trong đó có nam nữ thanh niên. Loại trừ những động cơ mê tín dị đoan, lên chùa lễ Phật thực sự là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa tinh thần của nhiều người dân Việt. Đối với bản thân người lên chùa lễ Phật, là một sinh hoạt tinh thần, thuộc cõi tâm linh, trước hết nó giúp người ta gác lại mọi lo toan nhọc nhằn của đời thường hoặc những sầu não về tinh thần hay vật chất của cuộc đấu tranh sinh tồn… Những giây phút lên chùa lễ Phật ngày xuân đem lại cho con người những phút thanh thản, hướng tới cái chân, thiện, mĩ của cuộc sống mà Phật là người đã luôn nêu cao tinh thần hỉ xả, từ bi, khuyên răn những điều thiện. Tâm hồn con người khi được tiếp xúc với điều thiện sẽ có những khát khao trong sáng hơn để làm chủ bản thân tránh mọi biểu hiện của thú tính. Trong mỗi lĩnh vực, việc vươn lên là không giới hạn. Chỉ có sự hài hòa giữa tri thức và tâm hồn, đạo đức, tình cảm, con người mới dần tự hoàn thiện mình và vượt lên, thánh thiện hơn. Trong xã hội phát triển văn minh, luật lệ dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể ngăn ngừa được tội phạm, và lại có biết bao điều ác mà con người chưa phạm tội thì điều gì giúp cho con người, Việt Nam xóa dần những điều ác để làm điều thiện. Một vấn đề cơ bản của nhân sinh là tính người: “Nhân chi sơ tính bản thiện” như Mạnh Tử nói hay “tính bản ác” như Tuân Tử nói, đó là một thực tế đặt ra cho mỗi xã hội mỗi thời kì cần phải giải quyết. Việt Nam là một xã hội ở phương Đông, từ mấy chục thế kỉ nay, dân tộc chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo, những yếu tố tích cực của Nho giáo và Phật giáo còn tồn tại lâu dài trong đời sống văn hóa của dân tộc, là những di sản văn hóa của dân tộc, đã có tác dụng không nhỏ đến việc xây dựng một xã hội phát triển văn minh. Chúng ta không quan niệm một xã hội phát triển văn minh chỉ có về mặt vật chất kĩ thuật, về tổng sản lượng quốc dân,về mức thu nhập bình quân… mà một xã hội phát triển văn minh cần phải phát triển cả về mặt những giá trị tinh thần, nhân bản cao quý. Ở Việt Nam, bên cạnh yếu tố tích cực của Nho giáo, những yếu tố tích cực, giá trị nhân bản của Phật giáo đã thấm sâu trong nhân dân cũng cần được khơi dậy, phát huy trong đời sống thường ngày: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngày ngày làm việc thiện”, đó là điều xã hội ta mong muốn. Biết bao nhiêu điều thiện cần làm! Biết bao nhiêu điều ác trong đời sống hàng ngày, đối với bạn bè, hàng xóm, láng giềng, trong cơ quan, đối với cấp dưới, trên đường đi, trong chợ búa, trong buôn bán giao dịch… dưới muôn hình vạn trạng, cần được đẩy lùi. Tất cả những điều ác đó chỉ có thể đẩy lùi nếu như chúng ta biết phát huy tổng hợp những di sản bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện nay. Trong mỗi con người cần được khơi dậy tính thiện một cách tích cực, tự nguyện, điều mà  khó có một ai có thể “lên lớp” cho người khác. Chính vì vậy, trong những ngày xuân, lên chùa lễ Phật để hướng tới những điều thiện.

Lên chùa lễ Phật trong những ngày xuân còn để cảm nhận lấy cái đẹp Việt Nam. Chùa Việt Nam nào cũng có một vẻ đẹp riêng. Cái đẹp của chùa trước hết gắn liền với cái thiện và cái chân. Mỗi ngôi chùa đều gắn với lịch sử xa xưa của một làng, một vùng, ở đó những người sống trong chùa và ngoài chùa đã bằng công sức trí tuệ và mồ hôi của mình, xây dựng nên những giá trị tinh thần, vật chất của non sông đất nước này. Có người đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước Đại Việt như Vạn Hạnh, Huyền Quang, Khuông Việt… Nhiều người đã dốc cả cuộc đời vì cái thiện, vì chân lý là những tấm gương về tính thiện cho dân chúng cả vùng noi theo. Đã có thời kì, chùa là trường học, là nơi truyền bá văn hóa trong vùng, ngày nay ở vùng đồng bào Khmer (Nam Bộ), chùa vẫn là trường học, chùa và trường là một. Cái đẹp mà người lên chùa tìm thấy nữa là ở kiến trúc của mỗi ngôi chùa, mỗi chùa được xây dựng, có một vẻ đẹp riêng rất dân tộc. Cái đẹp ở chùa còn thể hiện rất rõ ở những pho tượng Phật với nhiều tư thế khác nhau. Nghệ thuật điêu khắc được thể hiện đẹp ở tượng Phật bà Quan Âm và các tượng La hán. Vẻ đẹp nhân bản của những pho tượng  này đã thể hiện tâm hồn của những nghệ nhân dân gian, dù họ có phải tạo theo một công thức nào đó. Mỗi người lên chùa sẽ tìm thấy ở trong hàng chục pho tượng những vẻ đẹp tinh thần và nghệ thuật tùy theo cảm hứng của tâm hồn mình. Cái đẹp bên trong của chùa kết hợp với cái đẹp bên ngoài của hình dáng kích thước kiến trúc cụ thể, với cảnh quan môi trường xung quanh, sẽ được cảm nhận ở mỗi người tùy theo sự lĩnh hội, đó là cái hữu thể và cái phi vật thể của văn hóa, văn hóa Việt Nam.

Ngày Xuân, lên chùa lễ Phật để cảm nhận cái Chân - Thiện - Mỹ, góp phần nâng cao tâm hồn con người Việt Nam, chính là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6130456