Thông tin

NGHỆ AN RẠNG NGỜI ÁNH SÁNG CHÁNH PHÁP

 

TT.TS. THÍCH KIÊN ĐỊNH*

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng bạch Chư tôn Thiền đức,

Kính thưa quý vị Quan khách và quý Đại biểu,

Kính thưa Quý liệt vị!

Hai từ “xứ Nghệ” được đúc thành hai câu ca dao rất gần gũi, thân thương, chân tình và mộc mạc đã thấm sâu vào tâm thức của người dân vùng này. Đến nay vẫn còn lưu truyền và đòng vọng như muốn phổ cập cho du khách thập phương lưu tâm và đặt chân đến vùng đất hứa để chứng kiến quang cảnh của Nghệ An và thưởng thức những điệu hò trên sông Lam, những lời ru êm đềm với những ca dao rất trữ tình,đậm nét văn hóa và triết lý hiện sinh. Chúng ta hãy cùng nghe:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Hai câu ca dao[1]đó đã được người dân vùng này ưa chuộng hơn là các danh xưng khác thay đổi qua từng giai đoạn lịch sử mà hai từ xứ Nghệ được lưu truyền từ thời vua Lê Thánh Tông, thời Hậu Lê. Nghệ An ngày nay đã mang một gương mặt mới, gương mặt của thời đại Hồ Chí Minh. Việc tổ chức Tuần Văn Hóa Phật Giáo và Hội thỏa khoa học Văn hóa Phật giáo là thiện duyên lớn và cũng là một trong những ưu thế đặc thù nhằm củng cố và xây dựng Phật giáo Nghệ An từng bước phát triển vững chắc và rạng ngời trong ánh sáng chánh pháp. Thành tâm kính chúc Chư tôn Thiền đức pháp thể khinh an, quý Đại biểu vô lượng an lành và kính chúc Hội Nghị được thành công tốt đẹp.

Ngưỡng bạch Chư tôn Thiền đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Trong công cuộc xây dựng Phật giáo Nghệ An chắc hẳn sẽ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn và nhiều bất cập trong hiện tại và tương lai, nhưng với ưu thế và đà tiến trong hiện tại thì Phật giáo Nghệ An sẽ có thể khắc phục và vượt qua mọi gian nan thử thách. Nam Đàn – Nghệ An nơi đã khai sinh ra nhà Cách mạng thiên tài của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh danh của Người đã được nhân dân Việt Nam và nhân dân cách mạng trên thế giới hàm ân và ngưỡng mộ. Thời đại ngày nay là thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ Phật giáo phát triển, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế. Tân Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An đã được thành lập vào tháng 9 năm 2011, đó là bước ngoặt lịch sử quan trọng trong sự chuyển mình và phát triển đối với Phật giáo tỉnh nhà.

 

 

(Hình 1,2 & 3 Bia chuông chùa Bảo Quang và nền đất chùa - Đoàn khảo sát khuôn viên đất tại bổn tự.)

 

1. Vài nét khảo lược

Với diện tích 16.487km²“Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh, nằm cách thủ đô Hà Nội 291 km về phía nam”.[2]Theo thống kê năm 2009, tỉnh này có 3.113.055 người, với năm sắc tộc: Việt, Khơ-mú, Thái, Thổ, H’Mông. Những chứng tích của Phật giáo Nghệ An xưa vẫn còn nhưng chỉ một số ít được bảo toàn, phần lớn số còn lại không còn nguyên dạng cấu trúc như trước. Vấn đề này lịch sử Việt Nam đã không thể phủ nhận. Trước kia có khoảng 500 ngôi chùa tọa lạc ở Nghệ An nhưng nay chỉ còn chưa tới 50 ngôi. Trong số 50 ngôi chùa này, khoảng 10 ngôi còn được bảo lưu lại nét kiến trúc xưa, số còn lại chỉ là mảnh đất trống với cỏ cây hoang dại, hoặc có nơi chùa chỉ còn lại văn bia chuông và còn mảnh chùa thì người dân trồng cây bạch đàn (hình 1,2 & 3). Có nơi chỉ còn lưu lại cổng Tam quan (xem hình 4) và bia ký của chùa với một bảo tháp cao 3m và cái khánh bằng đá. Có nơi đất đai của chùa bị dân chiếm làm nhà ở hoặc phân xưởng, như chùa Củ chỉ còn lại cổng Tam quan mà phần trên Tam quan có ghi “Diệc Tùng Lâm Cổ” (hình 5 & 6), bia ký chùa (hình 7) hiện còn và nhiều bảo tượng được tôn trí thờ tự tạm bên trong căn chòi có mái tôn che để tránh mưa xoan nắng táp. Có chùa còn nhiều pháp khí, đại hồng chung mà đặc biệt là tượng Phật sơ sinh cổ (Hình cuối).

 


(Hình 4 Cổng Tam quan)

 

Nguyên do vì ở đây không có Tăng sĩ trông coi và bảo trì. Nguyên nhân chính là tại Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung đã bị các thế lực ngoại xâm quấy nhiễu, đất nước lâm vào cảnh nội chiến và binh biến ly loạn, chùa chiền bị phá hủy, hàng Tăng sĩ mai một, các hoạt động Phật sự nơi đây bị gián đoạn. Ngoại trừ chùa Cần Linh có một vài Sư Cô kiên nhẫn bám trụ cùng với quý thiện nam tín nữ Phật tử làm công tác từ thiện, lo hương khói và kinh kệ sớm hôm. Gần bốn thập niên kể từ ngày đất nước thống nhất, nay Phật giáo Nghệ An mới được hồi sinh. Đó là sau lễ ra mắt Tân Ban Trị sự vào tháng 11.2011, năm nay Tuần Văn Hóa Phật giáo và Hội nghị Khoa học Phật giáo được tổ chức, chừng đó đã thấy được ánh sáng đã đang và sẽ chói sáng ở tỉnh nhà.

2. Ôn cố tri tân

Tìm hiểu sử xưa là để học hỏi, am tường và kế thừa những tài trí của tiền nhân; biết xu hướng thời nay là để rà soát, củng cố và bổ sung những ưu khuyết cho thích ứng. Luôn phát huy và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa, đồng thời bày tỏ hàm ân đối với sự cống hiến những công tâm và tài trí vì quốc gia dân tộc của chư vị tiền bối hữu công. Phận làm con cháu Nghệ An vô lẽ lại hững hờ với những bậc cổ đức; vì Bác Hồ đã từng khuyên rằng “dân ta phải biết sử ta, xứng danh con cháu nước nhà Việt Nam”. Nghệ An có truyền thống chống ngoại xâm, giàu lòng yêu nước thương dân, lòng căm thù giặc sâu sắc, có khí phách anh hùng tự chủ và luôn phất cao cờ đại nghĩa. Nghệ An xưa nay là nơi đã phát sinh nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước, là cứ địa trấn ngự và phòng thủ vững chắc nhờ núi đồi hiểm trở, là nguồn tiếp quản và cung ứng lực lượng cho nhiều chiến công oanh liệt và hiển hách.

Với lòng yêu nước thương dân, không chịu làm nô lệ dưới ách thống trị của nhà Đường, Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan hay Mai Huyền Thành) là người anh hùng dân tộc, kêu gọi dân quân đắp lũy xây thành Vạn An ở Sa Nam (Nam Đàn), đã lãnh đạo nông dân phất cao cờ đại nghĩa, quyết chống lại ách thống trị của nhà Đường vào thế kỷ thứ 8.

Đến thế kỷ thứ 13, Nghệ An là nguồn tiếp viện lực lượng và góp phần vào trận đại thắng Nguyên Mông hiển hách trong lịch sử Việt Nam dưới sự chỉ huy của Trần Nhân Tông, Phật giáo thời nhà Trần.

Hơn một thế kỷ sau (1424), Nghệ An là cứ địa phòng ngự được Lê Lợi lập làm đại bản doanh trấn thủ 4 năm để luyện tập quân binh chống lại quân xâm lược nhà Minh.

 

 

(Hình 5,6 & 7 Cổng Tam quan chùa Cũ, phần trên của cổng Tam quan và văn bia của chùa.)

 

Hơn ba thế kỷ sau, Nghệ An là nơi tiếp viện quân và củng cố lực lượng, Nguyễn Huệ sau khi duyệt 10 vạn binh đã chỉ huy năm đạo quân thần tốc tiến ra Thăng Long, đánh tan nát 29 vạn quân Thanh - do kẻ bán nước Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh - lập nên trận đại thắng lẫy lừng vào mồng 7 Tết mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) tại Ngọc Hồi Đống Đa.

Nghệ An, nơi “địa linh” đã hội tụ, nung nấu và un đúc nên những “nhân kiệt” ưu tú cho đất Việt vào đầu thế kỷ 20. Mở đầu công cuộc vận động cách mạng cứu dân thoát khỏi thế lực giặc ngoại xâm, Phan Bội Châu đã ra hải ngoại tìm đường cứu nước. Tuy chưa hoàn tất được sứ mệnh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị nhưng chính Sào Nam Phan Bội Châu đã gây nên tiếng vang, kêu gọi nhân dân hãy vùng lên giành lại chủ quyền độc lập. Chính Ông đã tác động, kích thích và vực dậy khí thế đấu tranh, mở đầu cho cao trào cách mạng chống giặc giữ nước.

Nhận thấy và biết rõ được những ưu khuyết điểm qua cuộc vận động cách mạng trong nước và nước ngoài mà Cụ Phan Bội Châu trước đó, cùng với sự chắt lọc và tiêu hóa những quan điểm và đường hướng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đồng thời khảo sát lại những tinh hoa và sự trải nghiệm của những bậc minh quân tài đức lưỡng toàn của những thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, và đặc biệt thẩm thấu được ân đức dựng nước của vua Hùng trước kia,… tất cả được kết tinh và hội tụ thành khí phách oai linh đã hòa quyện, nung nấu và thôi thúc tâm linh Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước để sớm lo cho quốc gia xã tắc và sưởi ấm lại hồn dân tộc. Đáp theo tiếng gọi của tổ quốc thiêng liêng để giành lại chủ quyền độc lập trên toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã thành công rực rỡ trong sứ mệnh kế thừa và phát huy sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã không thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử vĩ đại, một thiên tài cách mạng nổi bật, nhà chính trị lỗi lạc và chói sáng trên mặt trận giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, một nhà giáo dục sáng suốt và tuyệt vời, người chiến sĩ cán bộ ưu tú và cũng là một thi sĩ tài hoa đậm chất nhân văn và giàu lòng yêu nước thương dân. Nghệ An có được một gương mặt mới như hôm nay và từng bước chuyển mìnhphát triển vững chắc, phần lớn là nhờ vào ý chí và nghị lực, trí tuệ và lòng yêu nước nông nàn và thương dân sâu sắc của Bác Hồ. Chính Ngườiđã đưa dân tộc Việt Nam sang một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh trên mọi lãnh vực.

 



Ngày nay, Việt Nam trong thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế, thời đại bùng nỗ thông tin toàn cầu hóa, những ưu điểm trong đối tác song phương, đa phương với các nước phát triển trên thế giới đã chứng tỏ tài trí, tiềm lực và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trên diễn đàn thế giới. Thế nhưng lợi bất cập hại, đó cũng chính là “con dao hai lưỡi”; vì thời nay đầy dẫy những tệ nạn xã hội, đạo đức con người bị biến chất và trở nên vô nhân tính, do sự ảnh hưởng và tác động mạnh của nhiều loại hình phim ảnh phản cảm và phi văn hóa từ nước ngoài ồ ạt và tràn ngập thị trường Việt Nam. Vào Trang Pháp luật của các loại báo chí trên internet, thì sẽ thấy những khổ tâm của lực lượng chiến sĩ Công an, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát hành sự, những đội trinh sát đã ngày đêm vất vả, lao tâm lao lực, và Tòa Án Nhân Dân đã từng “thắt lưng và buộc bụng”, “nhói tim và đắng cổ” khi tuyên án (tử hình) và xử phạt tù (chung thân) đối với các tội phạm.

Tựu trung, công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh không thể lơ là đối với sự nghiệp của tổ tiên. Mục đích kế thừa và tôn vinh những di sản văn hóa của chư vị tiền bối hữu công là nhằm nỗ lực thực hiện nếp sống văn hóa truyền thống bản địa, văn hóa thiêng liêng của Phật giáo, tốt đời đẹp đạo.Với đà tiến của công nghệ khoa học tối cao và hiện đại, việc phát huy cùng tột tiềm năng con người để cống hiến trí tuệ cho xã hội là vấn đề quan yếu trong mọi thời đại ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

3. Công tác tư tưởng – phát huy Chánh kiến

Mô hình xây dựng cho Phật giáo Nghệ An từng bước phát triển có lẽ đã được Chư tôn đức của Giáo hội phác họa, hoạch định và từng trăn trở quan tâm. Tuy nhiên, công tác tư tưởng vẫn luôn là chiến lược hàng đầu; do đó, phổ biến quan điểm “Chánh kiến” và quảng bá “Tứ bất hoại tín” (tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới) là tư tưởng chủ đạo, là yết hầu vô cùng quan trọng làm nền tảng kiên cố để hoạch định đường hướng xây dựng Phật giáo Nghệ An đúng theo chánh pháp. Có chánh kiến thì mới thấy được giá trị của con người là trên tất cả, con người là hạt nhân chính, là trung tâm của vũ trụ; vì việc làm Phật hay làm Thánh cũng đều phải trải qua làm người. Không làm người mà có thể làm Phật làm Thánh thì sự kiện này khó có thể xảy ra.

Lại nữa, người có chánh kiến thật sự là người biết “sợ nhân” vì thấy rõ như thật rằng “nhân lành” sẽ gặt hái được “kết quả lành”; còn “nhân xấu ác” sẽ chiêu cảm và lãnh thọ “quả báo xấu ác” trong đời này hoặc đời sau. Có chánh kiến thì mới thật sự thấy biết và bảo toàn được những di sản văn hóa thiêng liêng của chư vị tiền bối hữu công, biết phát huy nếp sống văn hóa truyền thống bản địa, nếp sống văn hóa Phật giáo thiêng liêng và mầu nhiệm, nhằm kết hợp toàn dân cùng chung lo việc nước và lo giữ gìn trật tự trị an nơi công cộng, làm tốt vấn đề an sinh xã hội.

Với chánh kiến, con người có thể thấy rõ được giá trị của văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể bao gồm những báu vật, pháp khí, chùa chiền, bảo tháp, lăng miếu, cung điện, đền đài… ; và văn hóa phi vật thể dung thông với thế giới tâm linh bất diệt, có giá trị vượt cả thời gian và không gian, như hai từ “xứ Nghệ” – dù từ thời vua Hùng đến nay đã thay đổi rất nhiều tên gọi khác nhau – xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tông (1490), thời Hậu Lê. Với chánh kiến như thật, con người hẳn thấy biết rõ những gì có hình tướng đều bị tàn phá theo chiếc búa thời gian. Như trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, những gì có hình tướng đều là luống dối, hư vọng, chỉ là giả có, không thật, không nên tham đắm chấp trước. Tránh ý niệm bi quan và quan điểm tiêu cực, nhằm đề cập và nhấn mạnh đến định luật vô thường, nên trong cùng kinh này, Phật đã dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”, tất cả các pháp hữu vi, như mộng mị, huyễn hóa,ảo ảnh, như bọt nước, bong bóng nước, như sương cũng như điện chớp hoặc như tiếng vang, nên quán chiếu và thấy biết rõ lẽ vô thường của các pháp như vậy, không nên chấp thủ.

Chánh kiến nếu được thiết lập và hiện hữu trong tâm người dân xứ Nghệ thì lo gì ánh sáng của chánh pháp không rạng ngời tỏa chiếu, lo gì giới luật của Phật chế và pháp luật của nhà nước không được thi hành, và lo gì những tệ nạn và những căn bệnh thời đại xảy ra, lo gì lầm đường lạc lối hoặc bị đọa lạc vào tà kiến, và cũng chẳng lo gì lúc thân hoại mạng chung không được thác sanh vào cảnh giới an lành. Ngay khi Chánh kiến có mặt thì tâm bồ-đề cũng có mặt. Chánh kiến chính là đầu máy kéo theo những toa tàu Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; vì Chánh kiến đi hàng đầu và tiên quyết cho mọi hậu tố. Nếu mỗi người dân xứ Nghệ ai ai cũng đều tưới tẩm hạt giống tâm linh bằng cách phát huy và ứng dụng Chánh kiến vào cuộc sống hằng ngày thì chắc hẳn sẽ giảm dần những tệ nạn xã hội và những căn bệnh thời đại, như: AIDS/HIV, nạo thai phá noãn, trộm cắp cờ bạc, đâm thuê chém mướn, giết người cướp của, buôn hàng quốc cấm… Hễ ai sống theo tà kiến sớm muộn gì cũng rơi vào con đường tội lỗi, là phi đạo đức, phi nhân tính, là tưới tẩm thêm dầu vào lửa tệ nạn xã hội, Nói chung, “Chánh kiến đi hàng đầu”; do đó, nếu phát huy được Chánh kiến trong tâm thì mỗi người sẽ có thể tự thẩm định được bí quyết và phương châm hành đạo ở bất kỳ nơi đâu. Như trong kinh Trung Bộ đức Phật dạy: “Giáo pháp của Ta không phải đến để tin mà đến để thấy và để thực hành”. Nếu thật sự thấy được lý Nhân quả, hiểu rõ giáo pháp Tứ Diệu đế (như thật tri Khổ, như thật đoạn nhân khổ, như thật chứng ngộ sự diệt khổ và như thật tu Đạo diệt khổ), biết hành Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ), thấy rõ lý duyên sinh thì có đủ công năng và phẩm chất, tu nhân tích đức, gieo trồng cội phúc, lợi đời ích đạo. Muốn hành các Phật sự thì phải phát tâm bồ-đề; nếu quên tâm bồ-đề thì dù làm các thiện pháp cũng đều là hành động của ma như kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Vong thất bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Tâm bồ-đề là tâm giác ngộ, là trí tuệ hay tuệ giác tỏ ngộ và như thật thấy biết các pháp đều do duyên sinh, không có thật ngã, chóng vánh vô thường, không sinh tâm tham đắm, chấp trước.

4. Xây đắp niềm tin - Phát tâm Bồ đề

Niềm tin hay đức tin là mối “tâm giao” tiên quyết. Niềm/đức tin trên cơ sở chánh kiến nếu được ứng dụng vào cuộc sống thì trong gia đình và dòng tộc chắc hẳn sẽ có con hiếu, cháu ngoan, dâu hiền, rễ quý; ở học đường sẽ có trò chăm ngoan, học sinh giỏi, sinh viên tốt, nghiên cứu sinh có khoa học, có đạo đức, có công tâm; ngoài xã hội sẽ có người dân biết tôn trọng trật tự trị an, sống hài hòa, hiếu khách và khiêm cung, thanh nhã và lịch sự, đề cao nếp sống văn hóa văn minh lành mạnh; với Gia đình Phật tử sẽ có các anh chị em sống theo Năm điều luật của GĐPT và nêu cao tôn chỉ Bi-Trí-Dũng; với đạo tràng đoàn chúng nam nữ Phật tử thì sẽ có hội viên sống theo Tín-Hành-Nguyện; với Tăng Ni thì tu trì Giới-Định-Tuệ. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn, thoát ly sinh tử xuất mê lưu, trực vãng Niết-bàn vô thượng đạo”. Ý nói rằng đức tin đối với đạo là mẹ của cội nguồn công đức, nuôi lớn tất cả các căn lành, vượt khỏi sinh tử, ra khỏi dòng mê, thẳng đến Niết-bàn vô thượng. Cùng ý này, Tổ Long Thọ cũng dạy:“Phật pháp như đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ”. Phật pháp rộng như biển cả,có đức tin thì có khả năng vào được biển giáo pháp ấy, có trí tuệ thì có khả năng vượt qua dòng sinh tử luân hồi. Như vậy, xây đắp hay thắp sáng niềm tin trên cơ sở chánh kiến chính là gieo trồng căn lành để cùng nhau xây dựng con người văn hóa đạo đức; xã hội được trật tự, hài hòa, dân chủ, công bằng, hạnh phúc và văn minh; quốc gia dân tộc thành một khối đại đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh, “độc lập, tự do, hạnh phúc”, công bằng, tiến bộ và xã hội văn minh.

Khi còn là một vị Bồ-tát, đức Thế Tôn nơi “A Tỳ Ngục Tốt” mà phải “Sơ phát thiện tâm”, huống gì là những phàm nhân ư! Hễ có chánh kiến là có đức tin đúng chánh pháp, có đức tin thì mới phát tâm bồ-đề. Người phát tâm bồ-đề là người có trí tuệ, là người nhất tâm hộ trì Tam bảo, hộ trì chánh pháp, nguyện cho thế giới hòa bình, đạo pháp trường tồn, chúng sanh an lạc. Như vậy, chánh kiến thắp sáng niềm tin chánh pháp và khuyến phát tâm bồ-đề. Người phát tâm bồ-đề là người không xem “thân này là ta” -‘diệt Si mê’; không xem “thân này là của ta” – ‘đoạn Tham lam’; và không xem “thân này là tự ngã của ta” – ‘trừ Sân hận’, như thật thấy biết rõ thân này là vô thường, các pháp là vô thường, những gì vô thường thì cái đó là khổ, những gì khổ thì cái đó không có thật ngã, không đáng để vướng mắc, mê đắm, chấp trước hoặc chấp thủ nơi thân này. Lại nữa, vị ấy thấy rõ “Tam giới bất an, do như hỏa trạch”, ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc) không an tợ như nhà lửa mà đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Hoa. Cốt yếu nhấn mạnh rằng cuộc đời này là vô thường, thân này là vô thường, không có thật “ngã” và không có “ngã sở” nhằm khuyến hóa chúng ta tích cực tu hành, chứ không bi quan, tiêu cực hay chán đời.

Với chánh kiến thì có thể thấy các pháp đúng theo lý duyên sinh, đức Phật dạy: “Thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô, thử sanh cố bỉ sanh, thử diệt cố bỉ diệt”. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Việc xây dựng Phật giáo Nghệ An cũng không ngoài nguyên lý duyên ấy; vì duyên sinh tổng nhiếp các pháp. Cứ vào lý duyên sinh, Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An có mặt thì các nhân và duyên tố khác lần lượt sẽ có mặt. Đó là Phật giáo sẽ đồng hành cùng nhân dân ở tỉnh này; do đó, việc xây dựng trụ sở Ban Trị sự, quan tâm đến cuộc sống của đồng bào Phật tử các giới, đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Khơ-mú, Thái, Thổ, H’mông, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, những người già neo đơn... Các duyên tố khác lần lượt thực hiện, như xây dựng: trường mẫu giáo, lớp học tình thương, nhà dưỡng lão hay trại tế bần, phục hồi những Cổ tự, Tu viện, Tự viện, Niệm Phật đường, phục hồi các di tích văn hóa v.v… để có nơi chiêm ngưỡng lễ bái và tu học.

Ngoài ra, phải mở lớp hàm thụ giáo lý, lớp Tu học Phật pháp, thành lập Gia đình Phật tử, lập các đạo tràng đoàn chúng, nam nữ Phật tử, v.v… xa hơn nữa thì hoạch định xây Trường Cơ Bản Sơ Trung Cấp để đào tạo Tăng Ni tài đức cho giáo hội, hướng dẫn Phật tử tu học theo chánh pháp, thực hiện nếp sống an sinh, tốt đời đẹp đạo. Nhìn chung, xây đắp niềm tin và phát tâm Bồ-đề là vấn đề then chốt và cốt lõi không thể thiểu trong mỗi cá nhân. Đó là cơ sở là nền tảng ban đầu đối với việc tham gia các công tác Phật sự mà vị ấy muốn góp phần công sức của mình để xây dựng Phật giáo Nghệ An ngày thêm kiên cố. Tương tự việc này, việc xây chùa tháp cũng vậy.Trước khi xây chùa, tu viện thì phải xây trong lòng mình một ngôi chùa hội đủ niềm tin với Tam bảo, Thánh giới và phải phát tâm Bồ-đề… như vậy thì mới hợp với nếp sống chánh pháp, việc xây chùa mới thành tựu.

5. Hành Bồ tát đạo

Vấn đề an sinh xã hội là trách nhiệm chung của toàn dân, là hoạt dụng của Bồ-tát đạo. Nhiều nơi dân trí còn thấp, nạn thất học, thất nghiệp, đói nghèo, thiếu tinh thần tự giác, thiếu ý thức và thiếu văn hóa, cho nên dễ rơi vào những thói hư tật xấu và tệ nạn thời nay. Vấn đề an sinh xã hội là bài toán vô cùng hóc búa, khiến cho tầng lớp lãnh đạo nhức đầu và trằn trọc thao thức để tìm giải pháp cứu dân nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Đối với vấn đề an sinh xã hội, Nghệ An khả quan hơn so với các tỉnh khác ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng về kinh tế thì Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn; vì theo “bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 của Việt Nam, tỉnh Nghệ An xếp ở vị trí 49/63 tỉnh thành” trong cả nước. Giải quyết kinh tế ở tỉnh Nghệ An đã là vấn đề vô cùng nan giải; do đó, cho đến khi nào giải quyết được kinh tế thì nạn thất nghiệp sẽ dần dần ổn định, tuy hiện nay đã có đáp án nhưng còn bất cập. Vậy thì Phật giáo có thể giúp gì về kinh tế? Phật giáo cũng chỉ trực thuộc trong guồng máy hoạt động của chính quyền nhà nước, cho nên chỉ lên tiếng kêu gọi những nhà hảo tâm và vận dụng giải pháp “lá lành đùm lá rách”, hay “thương người như thể thương thân”, kẻ góp công, người góp của để san sẻ cho đồng bào nghèo được cơm no áo ấm, được học hành và giúp cho họ có công ăn việc làm. Tuy nhiên, đó chưa phải là giải pháp cụ thể và ưu việt. Trên thực tế, đó là một trong những phương thức bố thí tài vật theo tinh thần của Bồ-tát đạo, cần phải phát đại thừa tâm, hành Bồ-tát hạnh. Thà ‘có còn hơn không’, dù ‘của ít lòng nhiều’ cũng bày tỏ được phần nào đạo tâm đạo tình, lòng thương, hiểu và thông cảm đối với những người bất hạnh khác.

Phổ Biến cách sống “Thiểu dục, tri túc” (muốn ít và biết vừa đủ) thì có phần nào khả quan đối với thời đại ngày nay. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng do vi an lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý”. Nghĩa là người biết vừa đủ thì tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc; còn người không biết chừng nào là vừa đủ thì dù có ở trên thiên đường vẫn thấy chưa vừa ý. Quan điểm này chúng ta cũng đã từng nghe rằng “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc? Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”, ý nói rằng “Biết đủ, khéo đủ, đợi đủ, thì đến thời nào mới đủ? Biết nhàn, khéo nhàn, đợi nhàn, thì đến lúc nào mới nhàn?” là ý ở đây vậy.

6. Thọ trì giới luật

Nếu tuân thủ đúng theo pháp luật mà nhất là tự mình phát tâm thọ trì và hành theo những giới luật của Phật dạy thì sẽ trở thành một người công dân hữu ích cho xã hội, một người Phật tử biết sống đúng theo chánh pháp, lợi lạc chúng sanh.

“Pháp luật” là phép tắc của đất nước được phổ biến để giữ vững an ninh và bảo đảm trật tự trị an trong xã hội thì bắt buộc người dân phải tuân theo. Trái lại, với giới luật của Phật dạy cho người Phật tử tại gia như Ngũ giới, Thập thiện giới, hoặc Bồ tát giới thì chỉ khuyến hóa mỗi người tự phát tâm Quy y, lãnh thọ và hành trì giới cấm của Phật, chứ không bắt buộc. Tính chất Pháp luật của Nhà nước là bắt buộc tuân theo; còn phẩm chất Giới luật của đức Phật dạy là tự nguyện, tự phát tâm, hoặc do người khác khuyên và thuyết phục thì mới thấy biết được những lợi ích đời này đời sau, lúc ấy họ mới tự nguyện.

Như khuyên người nào chưa Quy y và thọ Ngũ giới (1. Không sát sanh, 2. Không trộm cướp, 3. Không tà hạnh các dục, 4. Không nói dối, và 5. Không uống rượu) thì nên phát tâm quy y và lãnh thọ. Được vậy thì về sau mới có cơ sở để phát tâm thọ Thập thiện giới, hay Bồ-tát giới.Việc khuyến hóa người dân phát tâm lãnh thọ và hành trì giới cấm của đức Phật đã dạy thì lại càng không phải dễ dàng và đơn giản mà phải cần hội đủ nhân duyên. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn và rộng hơn, thì sẽ thấy rằng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”không hoàn toàn khách quan, cũng không hoàn toàn do thiên định mà tất cả đều do con người quyết định. Thiện duyên không từ trên trời rơi xuống, cũng chẳng phải từ đất mọc lên mà tất cả đều do con người tự tạo; vì “nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do tâm tạo; “vạn pháp duy thức” muôn pháp đều do thức biến, hóa hiện. Phật giáo Nghệ An có phát triển hay không cũng đều do tâm tạo; vì tâm tợ như bậc thầy về kiến trúc, hay bậc thầy về họa sĩ, ý này cũng được Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm răng: “Thí như công họa sư, họa chủng chủng vật”, ‘ví như người họa sĩ, vẽ ra những thứ vật’; còn làm theo mô hình kiến trúc ấy, hay bức danh họa ấy là những làm theo, hoặc những người tháp tùng theo, những công thợ, hay người lao động hằng ngày mà thôi.

Giáo pháp của Phật là linh dược thiêng liêng có công năng điều trị được bá bệnh. Tuy nhiên, có tác dụng hiệu quả và hữu ích cho con người và đất nước hay không là tùy vào sự dụng nhiều hay ít, sâu hay cạn mà thôi. Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy: “Giáo pháp của Ta không phải đến để tin mà đến để thấy và để thực hành”. Cốt tủy của linh dược điều trị bá bệnh mà đức Phật đã dạy trong kinh luật, không chỉ đơn thuần lãnh thọ mà còn phải cố gắng hành trì. “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”, như người uống nước, lạnh hay nóng tự biết. Vì sao? Vì việc lãnh thọ giới pháp là pháp học; còn tuân thủ và thọ trì là pháp hành, tức là lãnh thọ giới thì phải một lòng tôn kính trân trọng và hành trì. Ai dõng mãnh tôn trọng và hành trì giới luật đã lãnh thọ thì chính người ấy đã uống linh dược, không còn lo gì những căn bịnh thời đại và không còn đọa lạc vào những tệ nạn hủ lậu trầm kha của xã hội đương thời.Nếu chỉ có pháp học, không có pháp hành thì sẽ thành đảy đựng sách; có pháp hành mà không có pháp học thì sẽ "xúc sự diện tường" (đối diện với tường vách - tức là khi gặp những nghi vấn không trả lời được), gặp khó khăn trong việc hoằng pháp và khó giải tỏa những nghi vấn của số đông khi ra làm các công tác Phật sự. Vừa có pháp học vừa có pháp hành thì lo gì Phật giáo Nghệ An không rạng ngời ánh sáng chánh pháp.   

Trên tất cả, lực lượngkinh tế là hai nhân tố quan trọng mà bất kỳ một tổ chức nào cũng đều phải hội đủ thì mới có thể thực hiện mọi chiến lược và các hoạch định khác. Thiếu một trong hai yếu tố này thì sẽ khập khiểng và khó thành. Để định hướng đúng chánh pháp và từng bước phát triển vững chắc trong thời kỳ khoa học công nghệ tối cao, thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế thì phần lớn phải nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt và sự quan tâm của chính quyền các cấp Trung ương và địa phương, song hành với sự tận tâm phụng đạo giúp đời của Giáo hội Trung ương và Tân Ban Trị sự tại địa phương cũng như đồng bào Phật tử các giới trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và từng bước phát triển vững chắc cho Phật giáo Nghệ An trong hiện tại và tương lai. Triết gia Hégel phát biểu rằng “Triết lý của một dân tộc nào, chính là đời sống có ý nghĩa tôn giáo của dân tộc ấy”. Đất nước nào không có văn hóa thì sớm muộn gì cũng sẽ bị diệt vong; đất nước nào nếu không có tôn giáo thì nếp sống tâm linh sẽ bị hụt hẫng và trống vắng; tôn giáo nào nếu không có tính chất triết học và không có tính khoa học thì sẽ khó tồn tại và ít được quảng bá vì không được tầng lớp trí thức ủng hộ và khó được hàng thiện tri thức quan tâm ngưỡng mộ.



* Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế

[1]Ca dao dân gian là một thể loại văn học mang đậm tính chất triết lý khẩu truyền có giá trị vượt cả thời gian và được phổ biến rộng trong nhân gian.

[2]Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 99
    • Số lượt truy cập : 6736996