Thông tin

NGHỆ SĨ VÀ CÁI TÔI

NGHỆ SĨ VÀ CÁI TÔI

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Trong Duy thức, Mạt na thức đứng sau Ý thức và trước A lại da thức (Tàng thức). Mạt na thức là thức thứ 7 có chức năng xác lập quyền sở hữu (chấp pháp) và quyền sử dụng (chấp ngã). Nó có khả năng vượt khỏi giới hạn cuộc đời trôi dạt theo vòng sinh tử luân hồi và trở thành căn nguyên nảy sinh các chứng tham, sân, si, mạn, ngã, kiến…

1. Cảm thức về cái tôi

Trong văn hóa phương Đông, Đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với nghệ thuật. Trong thi ca, hội họa từng xuất hiện trào lưu nghệ thuật Thiền. Nhiều hình thái tín ngưỡng luôn đi kèm với hoạt động nghệ thuật. Đạo trước khi suy xét dưới góc độ tín ngưỡng đã lọt vào lĩnh vực triết học. Những tác phẩm kinh điển, như: “Đạo đức kinh”, “Nam hoa kinh”, “Ba la mật đa tâm kinh”… đều không hề nhuốm màu sắc tôn giáo. Yếu tố này dường như đã phủ lên sau khi triết học tách ra khỏi tôn giáo. Xét ở khía cạnh sáng tạo, tác giả của các trước tác trên quả là những bậc thầy về nghệ thuật.

Tôn giáo từng là dòng chủ lưu trong xã hội loài người. Nó không chỉ đóng vai trò giải thích thế giới mà còn kiến tạo giá trị cho cuộc sống. Ngoài ra, tôn giáo thiết lập môi trường giả tưởng hay hiện hữu cho nhiều loại hình nghệ thuật nương nhờ. Ở nước ta, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài… đều gắn liền với những loại hình nghệ thuật tương ứng. Nho giáo từng giữ địa vị chính thống thời kỳ phong kiến; Phật giáo có lúc thịnh, suy, còn Đạo giáo giống như mạch nước ngầm lặng lẽ chảy trong đời sống văn hóa. Và điểm hội tụ của các tôn giáo khi đi qua địa hạt thẩm mỹ, đó chính là quan niệm về cái tôi.

Khổng Tử bước vào tuổi lục tuần tự hào rằng mình đã đạt tới cảnh giới “Vô tư”. Đạo Phật phủ nhận cái tôi thật có, theo quy luật thường biến, nó thực sự “Vô ngã”. Đạo giáo phủ định cả hành vi tạo tác (Vô vi), từ đó dẫn cái tôi đến gần bản thể vũ trụ, hòa điệu cùng với Đạo.

Nghệ sĩ đứng trước khoảnh khắc sáng tạo đều không tồn tại cái tôi sở kiến, chấp ngã. Trạng thái vô tư, vô ngã, vô vi hồn nhiên đã lấp đầy nội giới. Khi đó, họ đạt tới cảnh giới của cái tôi bị đánh cắp. Nó tồn tại như nguồn năng lượng chờ giải phóng bằng sức sáng tạo. Trường xúc cảm hoạt động với các xung lực khác nhau đẩy cái tôi ra khỏi ngôi nhà thể xác và hoàn toàn đi vắng trong tâm hồn sáng tạo. Nhờ vậy, nghệ sĩ trở về bản tính hồn nhiên, trong trẻo, thơ ngây, cảm thức ngỡ ngàng trước những thay đổi vi tế nhằm thực hiện cuộc hành trình di chuyển sâu vào nội giới.

Cái tôi vốn giả tạm. Nhờ tính chất giả tạm, nghệ sĩ di dời nó từ bên trong ra bên ngoài, ký thác lên sản phẩm sáng tạo nhằm kiến tạo cái tôi nghệ sĩ. Như vậy, trung tâm của cái tôi không nằm trên cá thể mà xác lập bởi tính chất độc đáo của cá tính sáng tạo sau khi đã được chủ thể thẩm mỹ khách thể hóa bằng sản phẩm. Trong trạng thái cái tôi bị đánh cắp, ý thức không thể tham gia vai trò giám sát nhằm tìm kiếm sự thay đổi mà phải lặng lẽ đi bên cạnh xúc cảm. Nếu ý thức làm xúc cảm giật mình, cái tôi vô vi (nghệ sĩ) biến mất và nhường chỗ cho cái tôi hữu vi thế tục bước ra thực hiện công việc bằng thao tác kỹ thuật thuần túy.

Nghệ thuật bắt đầu khi kỹ thuật kết thúc. Giống như Thiền pháp, kỹ thuật là ngồi thẳng lưng, khoanh chân, hít thở đan điền, quán chiếu… nhưng Nhập định là cảnh giới Thiền, nghệ thuật của Thiền. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và kỹ thuật giống như trò chơi ú tim, tìm trăng dưới nước, hoa trong gương… Sự thực, tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng hướng mục tiêu tới ám chỉ hay sở chỉ ý nghĩa xác thực. Ví dụ như tác phẩm “Biển” của nhà soạn nhạc người Pháp C.A. Debussy. Nếu chúng ta tìm kiếm hình ảnh phóng dụ, phỏng chiếu bên ngoài nghệ thuật sắp xếp âm thanh thì không thể tìm thấy bất cứ hình ảnh nào khế hợp với những gì tác giả thể hiện. Vì, “Biển” của Debussy chẳng hề soi bóng trên đại dương mênh mông của nước Pháp. Nó chính là hiện thân của thế giới quan thẩm mỹ ký thác trên thực thể âm thanh do tác giả sắp đặt. Tương tự như thế, tác phẩm Sonate “Ánh trăng” của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V. Beethoven chẳng phải “Đoàn quân tuần hành dưới đêm trăng” như nhà phê bình âm nhạc vẽ lên. Cả hai hiện thực đều huyền ảo phảng phất trên chiều không gian và thời gian của nghệ thuật âm thanh.

Tựu trung, nghệ thuật là một hiện tượng thẩm mỹ tồn tại dựa trên bản thể, xuất phát từ nguyên do nội tại và đạt tới cứu cánh tự thân. Người ta khó thể ép buộc một tác phẩm, đặc biệt như nghệ thuật âm nhạc xuất phát từ mục tiêu ngoại tại, phi bản thể. Công trình kiến trúc đồ sộ được tạo dựng có thể xuất phát bởi công năng (chỉ tính hữu dụng, chứ chưa đề cập tới tầng biểu ý, tượng trưng với hàm nghĩa sâu xa), còn đối với tác phẩm âm nhạc, trước hết và sau cùng vẫn đi tắt qua hai đầu Không. Con người không có khả năng sở hữu tác phẩm nghệ thuật như đối với vật thể, ngược lại, trong khoảnh khắc biến điệu của âm thanh, tâm hồn chúng ta đã bị âm thanh xâm chiếm để gây nên những triệu chứng xúc cảm thẩm mỹ khác nhau. Nghệ thuật thời gian mang trong mình giá trị hiện hữu thay vì sở hữu như loại hình không gian. Người tiếp xúc nằm ở đầu cầu nối tiếp làm nên vòng tuần hoàn khép kín của chu trình sáng tác - biểu diễn - cảm thụ nghệ thuật.

 

 

2. Cuộc hành trình trong cái tôi đơn độc

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội” vô tình tiết lộ, cuộc hành trình đơn độc của nhạc sĩ là: “Tìm âm thanh mới”. Nói cách khác, sáng tạo âm nhạc là quá trình tìm kiếm miệt mài cách thức biểu hiện, có người tìm mà gặp, có người tìm nhưng không gặp, rồi lại có người gặp được “âm thanh mới”, song không gặp được thời đại mới dẫn tới những số phận nghệ sĩ khác nhau. Thật may mắn cho nhiều nghệ sĩ ở ta, tuy tài năng “Thường thường bậc trung”, thậm chí “Tàng tàng bậc thấp” đã sớm nổi danh, tận hưởng lợi ích từ cả danh lẫn lợi. Trong khi lịch sử âm nhạc từng chứng kiến biết bao nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất chúng sống dở chết dở vì nghiệp dĩ. Không thiếu nhạc sĩ chịu cảnh hàn vi, túng quẫn, chỉ được hưởng “sướng” sau khi di trú sang thế giới bên kia, như nhà soạn nhạc người Đức J.S Bach chết trong sự túng thiếu, nhọc nhằn; Mozard bị chôn vùi trong nghĩa trang công cộng; Paganini chết chưa kịp rửa tội… Tất cả tên tuổi trên đều gặp nhau ở tài năng tột cùng và số phận nghiệt ngã tột độ. Theo quy luật phát triển, mọi sự vận hành theo xu hướng ngày càng hợp lý hơn, song, khi chưa đạt đến chiều hợp lý của xu hướng tất yếu, nghệ sĩ đã bị hút vào ma lực của một bối cảnh văn hóa bất thường một cách bình thường. Sự dễ dãi của đám đông cộng thêm chiều kích tạo tựu cho sự xuống dốc của nhiều nghệ sĩ cùng những tác phẩm xa rời căn nguyên trong hoạt động sáng tạo.

Vô ngã chẳng phải trạng thái hôn mê, bất tỉnh nhân sự hay mất hết lý trí, mà là sự chuyên chú cao độ, sự thăng hoa khiến cho bản thân hòa vào âm thanh và cái tôi bị đánh cắp, chiếm hữu. Trong nghệ thuật, kỹ thuật và nghệ thuật chưa bao giờ tách rời nhau. Kỹ thuật là biện pháp, còn nghệ thuật chính là đích đến. Biên giới mong manh giữa nghệ thuật và kỹ thuật không phải lúc nào cũng dễ dàng bóc tách. Trên cơ sở nhận thức, nghệ thuật mang tính khuynh hướng của kỹ thuật và nghệ thuật chỉ bắt đầu khi kỹ thuật kết thúc. Điều này cần hiểu dưới cấp độ của những tiến trình giao nhau và nương nhờ vào nhau. Sự quên lãng hay đánh mất "bản ngã” kỹ thuật trong nghệ thuật âm nhạc tuồng như là một sự giải phóng năng lực sáng tạo, giây phút thăng hoa. Trong khoảnh khắc “nhập định” của hoạt động thẩm mỹ, chủ thể một mặt tạo ra sản phẩm theo ý tưởng của mình, mặt khác cũng bị “chiếm hữu” bởi sản phẩm do chính mình tạo ra. Mối quan hệ này hình thành tương tác hai chiều giữa chủ thể và sản phẩm sáng tạo. Đến lượt tác phẩm lại tiếp tục hình thành mối quan hệ rối rắm với người thưởng thức. Tác phẩm âm nhạc tồn tại vừa không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người thưởng thức, vừa không tách rời thế giới tri giác của người thưởng thức xê dịch. Tính kỹ thuật và nghệ thuật đòi hỏi sự gia nhập tích cực của các bên tham gia. Đối với bất cứ loại hình âm nhạc nào cũng đều có đối tượng thưởng thức tương ứng. Những thành phần, đối tượng này chính là người đã được điều kiện hóa để tiếp nhận sản phẩm. Âm nhạc Cổ điển sau thời gian dài thăng trầm, các giải pháp phục hưng cho thấy không mấy đạt hiệu quả, chính xuất phát bởi cơ tầng văn hóa của đối tượng thưởng thức, chứ không phải điều kiện vật chất, hiểu là thiết chế văn hóa nhằm phục vụ cho hoạt động nghệ thuật, mặc dù yếu tố này không kém phần quan trọng. Trên những tọa độ và điều kiện văn hóa cụ thể, cơ tầng tiếp nhận tiếp tục làm hình thành các vấn đề mới với nhiều mức độ khác nhau. Dù rằng, việc “điều kiện hóa” đối tượng thưởng thức âm nhạc đôi khi chỉ thuộc vấn đề kỹ thuật, nhưng nhờ đó mà giá trị nghệ thuật ở tác phẩm âm nhạc càng thêm được khẳng định. Loại hình âm nhạc nào cũng cần tới hành vi tham gia tích cực, thậm chí sáng tạo trong quá trình tiếp xúc. Nhạc Cổ điển đã vậy, trào lưu nhạc Hiện đại, Hậu hiện đại, Đương đại càng cần như vậy hơn. Giống như hội họa hiện đại, bao gồm những trào lưu khá đại chúng như Nghệ thuật sắp đặt, không chỉ cần tới sự sắp đặt trong phạm vi “nghệ thuật”, mà còn “sắp đặt” cả người thưởng thức. Đó là những vấn đề kỹ thuật, nhưng rất cần trong hoạt động sáng tạo.

Chủ nghĩa thực dụng trong xã hội hiện đại có khuynh hướng làm cho nghệ thuật biến chất, ngày một xa rời bản thể. Đó là một trong nhiều nguyên nhân giết chết cái tôi nghệ sĩ. Giống như nghệ sĩ sân khấu, cái tôi nghệ thuật chỉ xuất hiện cùng với sự biến mất của cái tôi thế tục. Cái tôi thế tục rút vào sau cánh cửa nội giới để nhường chỗ cho cái tôi thẩm mỹ bước ra, hóa thân trong vai trò giả tưởng. Nói cách khác, cái tôi thế tục đã hy sinh cho cái tôi nghệ sĩ. Nhân vật sống chính là nghệ sĩ sống với ý nghĩa mới mẻ, hóa thân qua nhiều số phận, kiếp người. Đó chính là khoảnh khắc thăng hoa, vượt thoát khỏi cái tôi giả tạm bám víu trên thực tại nhằm vươn tới tinh cầu sáng tạo trong cái tôi cô đơn.

3. Ý nghĩa thật có của cái tôi nghệ sĩ

Trong âm nhạc, ý nghĩa (nội dung) của sự Thể ngiệm và hệ thống biểu trưng (symbol) của Biểu hiện hòa tan vào cách thức thể hiện. Thể hiện là tổng hòa của ý chỉ, ý có thể chỉ (nội dung) và hệ thống biểu trưng.

Vô ngã trong âm nhạc đem đến cho nghệ sĩ sự hồn nhiên như trẻ thơ, không mảy may thực dụng, vì khi ta ý thức về mình, trạng thái xúc cảm sẽ tan biến. Việc thể hiện cái gì khác với đặt mình vào tình huống tương ứng. Ở đây không phủ nhận tác dụng của tiên nghiệm và trải nghiệm trong quá trình đi tìm phương thức thể nghiệm. Khi tìm ra phương thức biểu hiện rồi lại phải biến nó thành kỹ năng, từ kỹ năng đi tới chỗ giải phóng, thoát khỏi sự ràng buộc của kỹ thuật để hóa thân vào hình tượng và xúc cảm nghệ thuật. Lúc này, những yếu tố biểu hiện thoát xác trở thành giá trị tượng trưng. Còn nghệ sĩ sống trong biên giới mong manh giữa hai đầu nút biểu hiện và tượng trưng.

Từ xúc cảm nghệ thuật đi tới sáng tạo đòi hỏi một quá trình tìm kiếm miệt mài giữa nội giới và ngoại giới, trong quá khứ và hiện tại cộng với năng lực siêu việt, luôn vượt lên và phủ định lại chính mình. Theo chủ thuyết Vô ngã, Vô thường của một tôn giáo lấy vũ trụ Vô cùng làm thế giới quan là Phật giáo, cái tôi không hề tồn tại riêng rẽ, thường hằng. Cái tôi không hề có tự tánh và chịu sự chi phối bởi luật Vô thường, do vậy, nhìn sự vật, hiện tượng ở chiều không gian ta thấy Vô ngã, ở chiều thời gian sẽ thấy Vô thường. Cái tôi vốn là sản phẩm của tư duy, hành vi bám chấp vào những điều giả tạm. Trên cơ sở đó, cái tôi nghệ sĩ phân làm hai thực thể: Một tồn tại trên cá thể và một nằm ở sản phẩm sáng tạo. Cái tôi cá thể có ở mọi thực thể, còn cái tôi nghệ sĩ nằm trong sản phẩm sáng tạo. Cái tôi thế tục chịu tác động bởi luật Vô thường, ngay tại không gian, thời gian hiện hữu. Còn cái tôi nghệ sĩ sống chết theo quy luật sáng tạo và tận hưởng trường không gian rộng lớn hơn của văn hóa - thế giới kiến tạo bởi giá trị, biểu trưng, nội hàm, ý nghĩa… theo cái nhìn quán chiếu từ mong muốn chủ quan, vươn tới hiện thực khách quan và mang tính cộng thông giữa nhiều cá thể. Từ đó cho phép nhiều giá trị giả tạm trở nên ổn định suốt chiều dài lịch sử, dài hơn kiếp người. Bởi vậy, có những cái tôi nghệ sĩ không chết đi theo quy luật cuộc đời mà vươn tới bất tử trong thế giới loài người. Vẫn biết cái tôi là giả tạm, nhưng cái tôi cũng có Phật tính, nên tự thân đã vượt thoát khỏi sự hữu hạn của cuộc đời vươn tới trường tồn trong thế giới sự vật giả tạm trong văn hóa con người.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6059373