NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC CỔ Ở CHÙA PHẬT TÍCH
MỘT DI CHỈ VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC
NCS. ĐINH VIẾT LỰC*
Thế kỷ XI, vương Triều Lý, một trong những vương triều hùng mạnh trong lịch sử nước ta đã để lại một dấu ấn lịch sử về kết quả của sự đồng lòng, chung lưng, góp sức của nhân dân lao động và giai cấp thống trị. Đó là sự phát triển mạnh và đồng đều về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa của dân tộc, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo - nghệ thuật điêu khắc đá hội tụ ở quần thể kiến trúc chùa Phật Tích cũng là một trong những ví dụ rất cụ thể.
Nhìn lại đương thời từ Á sang Âu để mà đối chiếu, chúng ta thấy ở nước Pháp có nhiều thánh đường mọc lên, tinh hoa nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cũng hội tụ ở gác chuông nhà thờ Sác tơ rơ, đầu tượng Chúa ở nhà thờ Ma đơ-len đơ va dơ lay, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo ở đền Coóc đu (Tây Ba Nha), đền thờ Ô rít xa ở phía tây Ấn Độ, nghệ thuật gốm đời Tống ở Trung Hoa và nửa thế kỷ sau lại mọc lên công trình kiến trúc, điêu khắc đá nổi tiếng ở Campuchia đó là Ăng Co Vát… đối chiếu khái lược như vậy để chúng ta cùng nhau nhận thấy nghệ thuật điêu khắc thời Lý của chúng ta rất xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử điêu khắc của nhân loại.
Thời Lý, “Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật”[1], “Chỗ nào có núi cao, cảnh đẹp đều mở mang để lập chùa chiền”[2].
Theo sử gia Lê Văn Hưu: Thời Lý “Trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Nho thần Lê Quát trong bia chùa Thiện Phúc thì “Chỗ nào có người ở tất có chùa thờ Phật”, văn bia chùa Linh Xứng ghi: “Hễ có cảnh đẹp, núi non thì không nơi nào là không xây dựng chùa chiền”.
Tiếc thay, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc Phật giáo đó phần lớn chúng ta chỉ biết được qua sử sách cũ, phần còn lại thì là phế tích…
Số tượng Phật giáo ít ỏi thời Lý còn lại đến hôm nay là tượng Phật Adiđà, tượng Kim Cương, tượng nửa người, nửa chim, tượng các con vật tả thực như voi, ngựa, trâu (chùa Phật Tích), tượng khỉ (tháp Chương Sơn, Nam Hà), tượng Phật Adiđà ở chùa Ngô Xá (Chương Sơn, Nam Định) và chùa Một Mái (Hà Tây cũ).
Trong di sản điêu khắc Phật giáo cổ Việt Nam, tại chùa Phật Tích, chúng ta thấy:
1. Tượng Phật Adiđà
Bài văn khắc trên tấm bia Vạn Phúc đại thiền tự[3] có đoạn nói: “Vua thứ ba triều Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (tức năm 1057) cất cây tháp quí cao ngàn trượng, lại dựng lập pho tượng mình vàng cao 6 xích”. Pho tượng đó chính là pho tượng Phật Adiđà bằng đá hiện nay đang thờ tại chùa Phật Tích. Có điều, pho tượng mình vàng ấy, nguyên văn trong văn bia ghi là Kim Thân (Nghĩa là mình vàng) theo chúng tôi, có lẽ đây là lối gọi tôn quí chứ không có nghĩa là pho tượng mình bằng vàng.
Pho tượng bằng đá xanh thể hiện Đức Phật Adiđà, vị giáo chủ cõi Tây phương cực lạc. Tượng ngồi trên tòa sen, hai chân xếp bằng (Gọi là ngồi kiết già), hai tay để ngửa trong lòng, mình mặc áo pháp. Bức tượng khá lớn, tượng cao 1m87, kể cả bệ là 2,77m. Đầu tượng có khối u nổi trên đỉnh, tóc hình xoắn ốc, dái tai rất dài, cổ cao ba ngấn… là những quí tướng thường thấy nói trong kinh Phật.
Trong ba pho tượng Phật Adiđà bằng đá thời Lý còn lại đến ngày nay là tượng ở chùa Một Mái (Hà Tây cũ), tượng chùa Ngô Xá (Chương Sơn, Nam Định) và tượng ở chùa Phật Tích là pho tượng đẹp nhất, tuy có nhiều người cho rằng đây không phải là tượng Adiđà.
Trong bài Tượng Phật chùa Phật Tích[4], TS Ngô Văn Doanh đã đưa ra những luận cứ để khẳng định “Tất cả những nét, những yếu tố của tượng Phật ở Phật Tích đều là những đặc trưng, biểu tượng tiêu biểu cho hình tượng Adiđà”. Chúng tôi cũng đồng tình với những cơ sở khoa học này.
Đây là pho tượng Phật rất đẹp, với đôi mắt nhìn xuống, dọc mũi thẳng, cao, thanh, miệng hơi mỉm cười tạo cho khuôn mặt thanh tú, vừa trầm tư vừa rạng rỡ. Tổng thể các hình khối và đường nét điêu khắc đá đã được nghệ nhân xử lí hết sức lưu loát và tinh tế để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo có tiếng nói nội tâm sâu sắc.
Phần bệ của tượng trong sách L’ art Vietnamien, Ed. De L’Union Fransaise, Paris 1954, tr 148, ông Bơ-da-xi-ê khi nghiên cứu về pho tượng này cho rằng “Cái bệ không phải là của pho tượng”.
Bệ tượng tám cạnh, hình tháp, trên có đài sen nở rộng dần ra. Ở phần bệ, đồ án điêu khắc đá là những hình trang trí hoa dây, sóng nước, hình rồng rất tinh tế, nhịp điệu rất điển hình của nghệ thuật thời Lý. Ở phần đài sen, chúng tôi cho rằng có thể được tạo tác vào thời kỳ muộn hơn (Như ông Bơ-da-xi-ê đã đề cập tới).
Đây là pho tượng duy nhất còn lại gần như nguyên vẹn của nền nghệ thuật thời Lý ở nước ta, nó hội tụ những chuẩn mực điển hình về cái đẹp của nghệ thuật tạo tác tượng Phật Adiđà và mang dấu ấn lịch sử của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thời Lý.
2. Tượng Kim Cương:
Tượng Kim Cương (Vajrapani) bao giờ cũng có tám vị, gọi là "Bát đại Kim Cương". Bài văn trên tấm bia đá (Mang niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ thứ II - 1121) ở chùa Long Đọi có câu "Tầng dưới đặt tám vị tướng khôi ngô, có thần nhân chống gươm ủng hộ". Như vậy là tám pho tượng Kim Cương để diễn đạt Bát Bộ Kim Cương hộ trì pháp Phật. Hiện nay ở chùa Long Đọi đã bị mất hai pho.
Chùa Phật Tích đến nay mới chỉ tìm thấy một pho nhưng không được bảo tồn tại chùa mà đang trưng bày tại bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Bức tượng duy nhất còn lại này cũng thật đáng tiếc là không còn nguyên vẹn. Pho tượng bị mất đầu, mất hai chân, mất gươm, trên thân thể bị nhiều sứt mẻ. Tuy nhiên khi đem đối chiếu với tượng Kim Cương chùa Long Đọi ta có thể thấy được nó còn được gần như lúc còn nguyên vẹn.
Pho tượng Kim Cương này cao khoảng 1,6m, đứng chống gươm trước bụng, phục sức theo lối võ quan, lá chắn phía trước áo giáp được trang trí hình hoa, hình xoắn tỉ mỉ. Thân áo có rải rác những bông hoa nhỏ nhiều cánh rất quen thuộc của nghệ thuật thời Lý mà chúng ta thường gặp. Trên cán gươm trang trí hình hoa cúc dây, loại họa tiết điển hình của nghệ thuật thời Lý. Phía trước của vạt áo giáp tạo nếp, hệt như phong cách có trong pho tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích.
3. Tượng nửa người nửa chim :
Pho tượng này cao chừng 0,4m, hiện cũng được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng lịch sử Việt Nam. Nhiều người cho rằng, pho tượng này la thành tố trang trí trong tổng thể kiến trúc ngôi tháp nơi đặt pho tượng Phật Adiđà. Tượng tạc bằng đá có nửa trên là hình người, hai tay bồng cái trống trước ngực. Nửa dưới là hình chim, thân có cánh, chân có móng và đuôi có lông, tượng bị sứt mẻ khá nhiều. Khi nhìn nghiêng ta vẫn quán xuyến thấy hình tổng thể của nó là hình một nửa lá bồ đề. Phong cách tạo tác rất nhất quán với phong cách tạo tác tượng Phật Adiđà. Với khuôn mặt đẹp trầm tư, dịu dàng và rạng rỡ, mắt nhìn xuống, môi khép lại mà hơi cười, mũi đã bị vỡ nhưng vẫn thấy mũi rất đẹp, cao và thẳng. Mái tóc được thắt bằng một dải có điểm hoa, rất trang trí.
Tượng nửa người, nửa chim đến nay chúng ta mới chỉ phát hiện được ba pho tại ba địa điểm đó là: Phật Tích, Long Đọi và Chương Sơn. Phải chăng loại tượng này là thành tố của kiến trúc tháp Phật giáo thời kỳ này chăng? Ở đây nó cũng giúp ta gợi mở một vấn đề nữa là vai trò nhạc công - yếu tố âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo đương thời?
4. Các tảng đá kê chân cột có hình chạm khắc:
Loại hình này ở chùa Phật Tích còn lại cũng khá nhiều, làm giống nhau, mặt trên chạm hình hoa sen đang nở, mỗi cánh hoa là một khung nền của đôi rồng. Các mặt bên chạm hình các đôi nhạc công đang múa hát rất sinh động, nhịp nhàng, nhịp điệu.
5. Một số gạch, trụ đá, đất nung khác có chạm rồng, hình tháp, sóng nước:
Đây là những di vật quí hiếm gợi ý cho ta về họa tiết và hình thức của mỹ thuật thời Lý nói chung và báu vật của chùa Phật Tích nói riêng đang còn rải rác khắp cả khu vực di chỉ chùa Phật Tích mỗi khi chúng ta có nhu cầu khai quật, xây dựng đều bắt gặp.
6. Chân móng của tháp đá, mười tượng thú nằm trên bệ sen bằng đá gồm năm loại sư tử, voi, trâu, tê giác, ngựa và ba lớp nền bằng phẳng bó đá: Là những di chỉ quí hiện còn lại cho tới ngày nay.
Tất cả những gì còn lại ở chùa Phật Tích hôm nay là những di sản vô giá về các giá trị điêu khắc, kiến trúc mỹ thuật của dân tộc ta. Nó đã mang đậm dấu ấn nghệ thuật lịch sử và triết học Phật giáo Việt Nam thời Lý, một giá trị tinh thần dân tộc độc đáo cần được bảo tồn.
Chùa Phật Tích nay đang từng bước được khôi phục dần. Nên chăng, trong qui hoạch tổng thể, ta nên dành riêng một không gian trưng bày các giá trị cổ vật mang tính chất bảo tàng cổ vật. Những tác phẩm này không những rất quí hiếm đối với nhân dân ta mà còn có những đóng góp nhất định vào kho tàng văn hóa và triết lý Phật giáo của nhân loại.
* NCS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[1] Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội. Tập I, tr 61.
[2] Việt Sử Lược. Nxb.Văn Sử Địa. Hà Nội 1960. tr 127; 146.
[3] Niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (Tức năm 1687)., Bia đã bị gãy, hiện còn ở chùa Phật Tích
[4] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học. "Phật giáo và văn hóa dân tộc”. Thư viện trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Quán Sứ Hà Nội, Thư viện Phật học xuất bản. Tr 80.
Bình luận bài viết