Thông tin

NGHĨ VỀ ĂN MÀY CỬA PHẬT

NGHĨ VỀ ĂN MÀY CỬA PHẬT

 

VU GIA

 


 

Ở đời, có rất nhiều người tự huyễn hoặc mình, tự cho rằng mình thừa đạo hạnh để độ hóa chúng sinh, khiến vạn vật sinh linh đều hướng thiện. Nếu chỉ dựa vào vài ba cuốn kinh có thể độ hóa được chúng sinh thì cõi Ta bà này đã trở thành miền Cực lạc lâu rồi.

Ăn mày tức là xin của bố thí để sống, nhưng người sống ở đời không chỉ người nghèo khó mới đi ăn mày. Người giàu thì mong sẽ giàu hơn, người nghèo thì mong mình được như người giàu, người chưa có chức phận thì mong có chức phận, người có chức phận rồi thì muốn có chức phận cao hơn… nên họ tìm về chốn tâm linh để cầu xin được như ý nguyện, gọi là ăn mày cửa Phật, ăn mày cửa Thánh.

Công bằng hay không, tự ở lòng người

Từ cổ chí kim, con người luôn luôn không bằng lòng với hiện tại và luôn nghĩ ông trời bất công. Người thì giàu nứt đố đổ vách, người thì chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, thậm chí đói xanh da vàng mắt; người thì quyền to chức trọng, người thì suốt đời bị khinh khi; người thì sao đào hoa chiếu rạng ngời ngời, người thì một mảnh tình vắt vai không có, v.v… Nhìn kỹ lại, người người đều giống nhau, ai ai cũng có đầu mình và tứ chi, vậy tại sao người thì có vợ đẹp con ngoan, người thì vợ suốt ngày ngồi mòn chiếu bạc, con thì nghiện ngập ngáp ngắn ngáp dài… Không bất công là gì?

Công bằng hay không, tự ở lòng người. Tại sao cùng xuất thân như nhau, cùng học một lớp, cùng ra trường một ngày… mà chỉ qua một thời gian, người ta có những thành đạt nhất định, còn mình cứ than trời trách đất?

Làm người phải hướng về phía trước. Mọi chuyện không vui trước đây phải tin tưởng nó sẽ phai nhạt theo thời gian. Giống như hồi nhỏ nghịch ngợm, trên người xuất hiện mấy vết sẹo, máu tươi đầm đìa vô cùng đáng sợ, nhưng sẽ có một ngày vết sẹo kín miệng, vết thương lưu lại cũng mờ dần theo năm tháng. Nó cũng là một quá trình đi cùng với sự trưởng thành, cho nên quá khứ chính là quá khứ, càng ôm trong lòng càng khổ chính mình, dẫu ngày ngày đến ăn mày cửa Phật cũng khó mà hết khổ.

Mỗi người đều có cơ duyên của mình, mới nhìn thì tưởng giống nhau, nhưng thực ra mỗi người đều là duy nhất. Đối với người này là cơ duyên, nhưng đối với người khác có khi là đại họa. Phúc họa căn bản tương y. Và cũng chính vì thế mà người ta đến ăn mày cửa Phật, dẫu Phật chưa hề nói: “Ta cho con cái này… Ta ban con cái kia…”, mà chỉ dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi”.

Đừng lãng phí thời gian

Không thấy người giết cá, giết côn trùng… là độc ác, là không công bằng, bởi vì con người đứng ở tầng cao nhất trong chuỗi động vật, cho rằng giết như thế là chuyện đương nhiên. Xem truyền hình, thấy dã thú lớn ăn thú nhỏ sẽ bảo dã thú đó tàn nhẫn, nhưng không ngẫm lại con người còn tàn ác hơn dã thú nhiều. Vậy làm gì có công bằng?

Chuyện bình đẳng của chúng sinh chỉ là một nguyện vọng tốt đẹp mà thôi. Dê nên bị sói ăn không? Chuyện này đã không có gì nói công bằng hay không công bằng rồi. Dê không biết nói, nó chỉ biết nỗ lực cố gắng. Sự kỳ diệu của tạo hóa chính là ở đây, ai cũng có tài năng của chính mình. Nếu cứ một lòng đòi hỏi công bằng, chỉ lãng phí thời gian, đến khi tóc bạc mới tỉnh ngộ là chuyện đã rồi. Tuổi trẻ không cố gắng, già tất bi thương. Cố gắng thường giống nhau. Dù ở đâu, thân phận gì, nỗ lực không khi nào là lãng phí. Nhưng ở đời có lắm chuyện truyền kỳ. Cái gọi là truyền kỳ, chính là một người bình thường, thậm chí có chỗ thiếu hụt, nhưng nhân duyên tốt, hoặc đi ăn mày cửa Phật mà trải qua được một đoạn phấn khích, nên dân gian thường truyền rằng chẳng thà tin còn hơn không, hoặc có thờ có thiêng, có kiêng có lành…

Các đế vương, quân chủ của các triều đại trước kia, khi họ thành công rồi thì ai còn thèm để ý đến trước đó người ấy có từng trộm gà, từng nhìn lén cô hàng xóm nào đó đang tắm, hay đã từng cướp đoạt thứ gì đấy của người khác. Cho dù biết đi nữa thì cũng là những câu chuyện làm quà trong lúc trà dư tửu hậu, chứ chẳng có hình phạt nào cả.

Cả ngàn, cả vạn người bỏ học giữa chừng ra ngoài làm ăn, nhưng tên tuổi Bill Gates đứng hàng đầu… Cho đến bây giờ, người ta chỉ lấy ưu khuyết điểm để bàn luận đúng sai, mà không phải căn cứ vào đúng sai để nói về ưu khuyết. Đây là một hiện tượng quái dị trong xã hội loài người.

Tiểu lưu manh mà trộm gà thì sẽ bị chủ gà đuổi theo, thậm chí bị nhiều người cùng rượt đuổi chạy bở hơi tai, bị chửi cho tối mặt tắt mũi, bị mọi người khinh bỉ tới cực điểm, thậm chí nếu bị bắt cũng dễ dàng ngồi gỡ lịch một thời gian. Thế nhưng, nếu nhắc tới chuyện hoàng đế khai quốc từng đi trộm gà, bảo đảm mọi người sẽ chỉ cười ha ha. Lúc ấy, mọi người sẽ chỉ cảm khái rằng anh hùng cũng có lúc bất đắc dĩ! Ngoài ra, mọi người còn đồng tình lý giải rằng lâm vào tình trạng như thế thì cũng chỉ có hành động như thế!

Hai người đều trộm gà, nhưng sao người trước lại bị chỉ trích, trong khi người sau lại nhận được sự cảm khái, thậm chí là thở dài đồng ý? Đây là đạo lý gì? Có công bằng không? Nguyên nhân cực kỳ đơn giản, chỉ có một… là sau đó, họ thành công! Chỉ có thành công! Chỉ cần thành công thì khuyết điểm sẽ trở thành ưu điểm. Nghe thoáng qua có vẻ vớ vẩn, song đó là sự thật!

Muốn được như vậy, không phải ai muốn cũng được, bởi ngoài khả năng hiện hữu của phàm nhân. Đã là phàm nhân thì ai cũng muốn được như thế, nên lắm người phải đi ăn mày cửa Phật. Gần đây, báo chí phê phán những hiện tượng này, dư luận chê bai cũng dữ, nhưng khó mà cản được vì vấn đề này thuộc về lĩnh vực tâm linh. Họ không đến những cơ sở tâm linh cầu khấn, thì họ khấn cầu ở nhà, cầu khấn trong lòng, không ai có thể quản được. Nhà Phật gọi sự khấn cầu ấy là niệm lực, tức là niệm tụng chi lực, ngoài miệng niệm, trong lòng nghĩ, thì sẽ tự nhiên hình thành.

Phúc đến thì lòng cũng sáng ra

“Tay làm hàm nhai”, có làm mới có ăn, nhưng đã là con người thì không ai muốn chấp nhận những gì mình đang có, nên luôn muốn những điều mình không có. Từ đó, dẫn đến chuyện cầu xin. Cầu xin được thì tốt, không được thì chẳng mất mát chi. Nhiều người đến ăn mày cửa Phật biết rõ ở đời, có rất nhiều người tự huyễn hoặc mình, tự cho rằng mình thừa đạo hạnh để độ hóa chúng sinh, khiến vạn vật sinh linh đều hướng thiện. Nếu chỉ dựa vào vài ba cuốn kinh có thể độ hóa được chúng sinh thì cõi Ta bà này đã trở thành miền Cực lạc lâu rồi. Biết thì biết, nhưng làm vẫn làm, bởi họ muốn tâm được yên. Phúc đến thì lòng cũng sáng ra. Nhưng không thể vơ đũa cả nắm. Đã là Như Lai Sứ Giả, ai cũng muốn truyền pháp, phát huy bản tính Phật môn phổ độ chúng sinh. Nhưng mỗi người một tâm tư và cũng cực kỳ phức tạp làm sao có thể độ hóa hết được. Hơn nữa, mỗi người đều có cơ duyên, có vận mệnh riêng, tự họ quyết định chứ ai mà độ được. Một số người tiêu cực cho rằng giáo lý Phật môn có vấn đề. Bỏ đao xuống đất, lập tức thành Phật ư? Một tên giết người tội ác tày trời, làm sao vứt đao đi có thể thành người tốt luôn được chứ? Ở cõi Ta bà này, thật sự không có ai vô tội cả.

Nghĩ thì nghĩ thế, song nhiều người vẫn ủng hộ Phật môn, bởi lòng người vốn hướng thiện, theo đuổi những thứ tốt đẹp. Nếu có thể độ hóa người ác về con đường thiện cũng coi như làm được công việc tích đức rồi. Và không phải ai đến ăn mày cửa Phật đều cầu xin những thứ mình không có, cầu xin những thứ cao hơn, sang hơn… Trong những người này, không thiếu người muốn sống thẳng thắn, thành thật một chút, nhưng áp lực của thẳng thắn, thành thật thật sự rất lớn, nên muốn tìm nơi thả cái neo tinh thần xuống biển đời vô tận.

Không thiếu người cày cực cả một đời, hết ăn mày cửa Phật đến ăn mày cửa Thánh, không có thủ đoạn nào không dùng, khi gối mỏi chân run mới biết rằng mình hái hoa trong gương, vớt trăng đáy nước, ảo ảnh trong mơ, tất cả đều thành vô ích. Nhưng đường là do mình chọn, nếu ta đi tới bước hôm nay là “quả” của ngày hôm qua, không có gì phải thương cảm.

Một khi đã chết, rõ ràng mọi thứ trong tương lai đều không thể thấy được, mà đã như vậy thì cần gì phải để ý sau khi mình chết đi, thế giới này rốt cuộc sẽ như thế nào? Cái chết nào cũng là chết dẫu phải viện ra những mỹ từ như bảo vệ sự vinh quang của mình, bảo vệ sự tôn nghiêm của mình… Tất cả đều láo hết! Nhiều anh bị vợ cắm sừng, vội vội vàng vàng đi bảo vệ sự tôn nghiêm của mình bằng cái chết có khác gì với cái chết được viện tới những từ đao to búa lớn?

Người quý ở tự mình hiểu lấy, đáng tiếc người như vậy lại không nhiều lắm. Nhà Phật cho rằng pháp thân đều là hư không, vô sinh vô diệt, giống như trăng trong nước, có mà không thể nắm bắt, không phải sinh không phải diệt, sinh chưa từng sinh diệt chưa từng diệt, tự nhiên không có đạo. Tâm ở bên ngoài là pháp, tên ở ngoại đạo, ngộ ra bản tâm, tức là Niết bàn. Niết bàn diệu tâm, vô sinh bất diệt. Khi “Tâm không tham luyến/ Ý không điên đảo” (Từ Vân sám chủ), thì sinh tử và Niết bàn không có ngăn cách, chỉ là một ý niệm.

Thiên hạ nhốn nháo vì lợi. Thiên hạ sôi trào vì hướng lợi. Ai mà không sống vì dục vọng của mình, vì sự truy cầu mà không tiếc sát hại và hy sinh kẻ khác. Trên đời này, lắm lúc không có phân đúng sai, chỉ có thực lực cao thấp. Người thắng là đúng, kẻ bại là sai. Mỗi người đều có tín niệm của mình và chiến đấu vì tín niệm ấy nên không thể nói ai đúng ai sai. Và đã là con người thì ai cũng muốn tìm cho mình một thứ bảo bối. Vậy cái gì là bảo bối? Đối với người đói xanh da, thứ ăn được, nhét đầy bao tử chính là bảo bối. Đối với người bệnh, khỏe mạnh chính là bảo bối. Đối với người sắp chết, thời gian chính là bảo bối. Nói chung, ai cần cái gì nhất, thì cái đó chính là bảo bối. Và, nhìn ở góc độ nào đó, ăn mày cửa Phật cũng là thứ bảo bối những mong cho tâm được yên nhằm vui vẻ sống hết quãng đời còn lại. Lắm lúc, đơn giản vậy thôi!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6129640