Thông tin

NGHĨ VỀ CHỮ HIẾU

NGHĨ VỀ CHỮ HIẾU

VU GIA

 

Ở vào thế kỷ XXI này, xã hội Việt Nam vẫn lấy chữ hiếu làm chuẩn mực, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người, lấy hiếu để buộc tính người với người. Hiếu vốn là một nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, đó là “Nết đầu trong trăm nết”.

Thuở ê a học vần, tôi còn nhớ bài “Quạ con mớm mẹ”. Bài học này chỉ có mấy câu: Hôm nay, quạ mẹ đã già/ Quanh quẩn trong nhà chẳng dám đi đâu/ Quạ con vào tận rừng sâu/ Mổ mít trụi đầu về mớm mẹ ăn. Thầy giáo trường làng của tôi dạy rằng con quạ còn biết thương mẹ như thế thì con người không thể tệ hơn con quạ. Do vậy, khi còn nhỏ, các em phải nghe lời cha mẹ; khi cha mẹ già, các em phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Đó là đạo làm con. Đó là đứa con có hiếu. Làm người mà thua con vật thì không xứng đáng gọi là con người và sẽ bị bà con xóm làng khi dể.

Lời dạy của ông giáo làng đơn giản như thế, nhưng ghi mãi trong trí nhớ của tôi. Và chữ hiếu ấy chỉ có ở dân tộc ta hay là thuộc tính của con người? Theo ngày tháng, tôi đọc nhiều, nghĩ nhiều về chữ hiếu. Và từ sức đọc của mình, tôi thấy Việt Nam không phải là nơi sản sinh ra một loại tôn giáo nào, nhưng tôn giáo nào đến Việt Nam cũng từng bước hòa trộn với tín ngưỡng bản địa hình thành nên văn hóa Việt Nam. Và Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo (còn gọi là Đạo giáo. Đạo giáo là tôn giáo thờ vị Nguyên Thủy Thiên Tôn là Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử, do Trương Đạo Lăng đời nhà Hán dựng lên) từng bước được bản địa hóa rồi dung hợp gọi là tam giáo đồng nguyên.

Theo lịch sử nước nhà, khi dẹp xong 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (968), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh Ấp về Hoa Lư, bắt đầu dựng đô, đắp thành hào, xây cung điện, đặt triều nghi, trong đó Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được làm Sùng chân uy nghi… Điều này cho thấy tam giáo đã có đại diện trong triều đình để cùng với hoàng đế chăm sóc muôn dân; song đến đời vua Trần Thái Tông mới có khoa thi thông tam giáo đầu tiên trong lịch sử nước nhà (1227), nhằm chọn những người thông tuệ cả Nho, Phật, Lão để bổ làm quan. Nhưng đọc Đạo đức kinh của Lão Tử, tôi thấy ông quan niệm về chữ hiếu không giống với các tôn giáo khác. Với Lão Tử: “Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung” (Chương 18).

Theo Lão Tử thì loài người bẩm sinh có lòng yêu cha mẹ, yêu con, yêu đồng loại, tôn trọng bề trên… cũng như loài chim, loài nai chẳng hạn, không loài nào không nuôi nấng, che chở cho con khi con còn nhỏ, không quyến luyến với mẹ; đạo và đức khiến như vậy. Những tình cảm đó hồn nhiên, trong sạch, không suy tính. Nhưng theo thời gian, con người để mất tình cảm hồn nhiên, không giữ được sự chất phác vốn có nên mới đặt ra nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, trung; bảo phải hành động ra sao mới là nhân, nghĩa, hiếu, trung, là đã không thành thật nữa, là cố ý nhắm tới một mục đích uốn nắn lại, sửa chữa lại những cái mà con người thấy trái với bản tính thuần lương vốn có ở mỗi con người; nếu lại bắt buộc người ta làm như ý mình, thì đâu còn là đạo đức nữa, mà là sa đọa, dùng trí xảo, trọng sự lòe loẹt, đầu mối của hỗn loạn...

Chương 19, Lão Tử viết: “Dứt thánh, bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo, bỏ lợi, không có trộm giặc”. Đó là “đạo” mà ông mong muốn. Nhưng Lão Tử hiểu gì về “đạo” ấy? Mở đầu Đạo đức kinh, Lão Tử báo trước với chúng ta: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Với ông, đạo là một cái gì rất huyền vi, chính ông không hiểu rõ được và loài người không có ngôn ngữ gì diễn tả được, cho nên ông không thể giảng cho ta được, chỉ gợi ý để ta tự tìm hiểu lấy. Vì thế, chữ hiếu trong Đạo đức kinh, một vài lời khó thể nói hết. Nhưng qua hàng ngàn năm lịch sử, ai ai cũng nhận thấy Nho giáo - một học thuyết chính trị, đạo đức ảnh hưởng đến rất nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nho giáo là học thuyết chính trị, đạo đức chủ trương dùng "lễ trị", "đức trị" để quản lý xã hội. Với Nho giáo, vấn đề “tề gia” là gốc của nước và thiên hạ, nên đối với mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, chữ hiếu không chỉ được đề cao mà còn được nhấn mạnh. Gia đình Việt Nam từ xa xưa rất đề cao mối quan hệ này, coi “hiếu” không chỉ là trách nhiệm mà còn là phẩm chất lớn nhất của đạo làm con, đạo làm người. Tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo đề cập dày đặc chữ hiếu. Bài Lục nga trong Kinh Thi có một đoạn khá xúc động: “Phụ hề sinh ngã/ Mẫu hề cúc ngã/ Phủ ngã súc ngã/ Trưởng ngã dục ngã/ Cố ngã phục ngã/ Xuất nhập phúc ngã/ Dục báo chi đức/ Hạo thiên võng cực” (Cha sinh ra ta, mẹ nuôi dưỡng ta, trông nom vỗ về ta, nuôi ta lớn khôn, dạy dỗ cho ta, nâng đỡ cho ta, ra vào bồng bế ta. Muốn báo đền ơn đức đó, trời xanh không cùng).

Khi Phật giáo vào Việt Nam, chữ hiếu của đạo Phật cũng được hòa quyện, tô thắm thêm nền văn hóa Việt. Kinh sách Phật giáo nói rất nhiều về chữ hiếu. Kinh Nhẫn nhục, viết: “Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều cực ác là bất hiếu vậy”. Kinh Tứ thập nhị chương: “Thờ cúng trời đất quỷ thần chẳng bằng hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ là hai vị thần sống cao tột vậy”. Kinh Đại tập, viết: “Gặp đời không có Phật, nếu biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy”. Kinh Bổn sự, viết: “Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo, cơm, thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ”, v.v.

Khi Ki-tô giáo vào Việt Nam, đọc Cựu ước, ta thấy trong Mười điều răn của Chúa, có bảy điều tín đồ không được làm và ba điều phải làm. Trong ba điều phải làm, có điều bắt buộc là “Phải thảo hiếu với cha mẹ”. Điều răn thứ 4 là điều răn được viết trên hàng đầu tiên của bia đá thứ hai mà Chúa viết cho Mô-sê trên núi Sinai: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ như Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi”.

Sang thời Tân ước, Đức Giêsu đã yêu cầu sống đạo hiếu không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động: "Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó".

Hồi giáo cũng vào Việt Nam khá sớm ở các tỉnh phía Nam. Theo Giáo sư Ceasar Ferrah (Đại học Minnesota, Hoa Kỳ), tác giả cuốn Islam, 6th edition 2000, Barron's (trang 275-276), thì hiện nay Việt Nam có 55.000 tín đồ Hồi giáo. Ông cho biết: “Đọc kinh Koran, chúng ta sẽ thấy những nhân vật quan trọng của hai đạo Do Thái và Ki-tô được Muhammad thường xuyên nhắc tới. Kinh Koran là một tổng hợp những kiến thức tôn giáo đã tiềm tàng sẵn trong đại khối các dân tộc Ả Rập. Sự tổng hợp đó được gọi là Islam, có nghĩa là sự tuân phục tuyệt đối vào Thiên Chúa. (Islam means the absolute submission to God). Người Trung Quốc phiên âm "Islam" thành "Hui" (Hồi) và gọi đạo này là "Hui-jao" tức Hồi giáo. Kinh Koran trở thành Thánh Kinh (The Holy Book) hoặc sách Mặc khải (Book of Revelation) của Hồi giáo.

Đáng lẽ ra đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi đều cùng thờ chung một Chúa thì phải có chung một Kinh Thánh duy nhất mới phải. Trong thực tế, mỗi đạo đều có Thánh Kinh riêng và đạo nào cũng tự cho Thánh Kinh của mình mới là chân lý tuyệt đối. Cả 3 đạo đều tự cho Thánh Kinh của mình là những "sách Mặc khải"”.

Như thế, chữ hiếu của đạo Hồi cũng nằm trong chữ hiếu của đạo Kitô. Và dân tộc ta tiếp nhận nhiều tôn giáo, từng bước bản địa hóa, chữ hiếu càng được đề cao. Đến nay, hầu như không người dân Việt Nam nào không ghi nhớ: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con; Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu; Đêm đêm khấn nguyện Phật trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con;…

Điều này chỉ ra rằng chữ hiếu không phải là “đặc sản” của dân tộc nào, tôn giáo nào mà là thuộc tính của nhân loại. Nhưng thế nhân đâu phải ai ai cũng cùng một hoàn cảnh, cùng một điều kiện sống, cùng một sự hiểu biết như nhau. Nếu trên thế gian này chỉ có thánh nhân và những người lương thiện thì không cần dùng bất cứ thủ đoạn gì cũng có thể khiến mọi cho người hướng tới chân – thiện – mỹ. Do đó, con người mới đặt ra luật pháp, có những tiêu chuẩn về pháp luật để mọi người hiểu rõ, để quản thúc mọi người nhằm giúp cho mọi người có lúc nào đó phần “con” trỗi dậy, quên đi phần “người”, thì vội nhớ lại mà trấn áp phần “con”, khơi mạch phần “người”; sau khi trấn áp được phần “con” mới nói đến nhân nghĩa, đạo đức, lễ nhạc…

Vì thế, từ thời xa xưa, chữ “hiếu” ở xã hội Việt Nam đã được pháp luật hóa, chính sách hóa. Trong Điều 2, Chương đầu tiên của Lê Triều Hình Luật đã quy định bất hiếu là một trong “thập ác” (mười tội ác), tội thứ 7 ghi: “Tội bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ mình, ông bà, cha mẹ chồng, cũng như ông bà, cha mẹ còn sống khi đã phân chia ô riêng, hoặc là nuôi nấng không đầy đủ, hoặc là đang để tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, hoặc là cứ hát xướng làm trò vui, bỏ áo mặc thường. Nghe tin cha mẹ, ông bà mất mà giấu không phát tang hoặc nói dối là ông bà, cha mẹ đã chết”. Điều 90 cũng đã dành mấy trang để bàn luận về gia đình, trình bày cụ thể nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, ông bà: “Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được thiếu thốn, cũng không được bắt buộc cha mẹ làm việc khó nhọc mới cấp cho ăn uống. Việc tế tự và thọ tang thì phải căn cứ vào lễ cúng, như thế mới hết đạo làm con”. Ngoài ra, trong bộ luật này cũng quy định con cháu không được lăng mạ, chửi mắng ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm thì cũng bị xử phạt: “Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài, đánh thì xử lưu châu xa, đánh bị thương thì xử thắt cổ; vì lầm lỡ mà làm chết thì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh”…

Đến triều Nguyễn, Hoàng Việt Luật lệ cũng có những quy định về chữ hiếu. Điều 2, xem bất hiếu là một trong những tội ác bị xử phạt nghiêm khắc: “Con cháu chưa được phân chia tài sản thừa kế trong thời kỳ để tang ông bà, cha mẹ. Nghe thấy tang ông bà, cha mẹ mà giấu không khóc, có tang cha mẹ mà làm giá thú, vui chơi ăn mặc như thường là can tội bất hiếu”. Trong Hoàng Việt Luật lệ còn quy định: Đánh, mắng nhiếc ông bà, cha mẹ đều bị xử giảo quyết, nếu chết thì xử bêu lăng trì, hoặc có những hành động xâm phạm mồ mả tổ tiên ông bà, cha mẹ đều bị khép vào “mười điều ác”. Chính nhờ vào những quy định của pháp luật cộng với tính thiện lương vốn có của dân tộc mà chữ hiếu ở thời nào, đời nào cũng rực sáng, dẫu đây đó vẫn còn những vụ việc không vui.

Ở vào thế kỷ XXI này, xã hội Việt Nam vẫn lấy chữ hiếu làm chuẩn mực, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người, lấy hiếu để buộc tính người với người. Hiếu vốn là một nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, đó là “Nết đầu trong trăm nết”. Đạo hiếu hình thành lâu đời trong những phong tục của người Việt như: thờ cúng tổ tiên, kính trọng người già, kính trọng cha mẹ… Thú thật tới nay, tôi không biết loài quạ có giống như bài học thuở còn để chỏm của tôi không, nhưng ít ra nó cũng nhắc tôi hành xử việc đời không thể kém hơn loài quạ. Và mùa Vu lan mỗi năm cũng nhắc nhở mọi người về chữ hiếu. Với tôi, mùa Vu lan – mùa báo hiếu là nét đẹp văn hóa của dân tộc, dù người đó là Phật tử hay không phải Phật tử. Nhân đây, tôi xin chép lại lời Phật dạy để kết thúc bài viết này: “Nếu có người muốn được vua Phạm thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh hiền và Phật đều ở trong nhà” (Kinh Tạp bảo tạng).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6796080