Thông tin

NGHĨ VỀ CHUYỆN ĐẠO, CHUYỆN ĐỜI

NGHĨ VỀ CHUYỆN ĐẠO, CHUYỆN ĐỜI

 

VU GIA

 

 

 

Theo tinh thần Đại thừa, ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục? Nếu như anh có thể đem mỗi một chuyện phát sinh trên người mình làm thành một cuộc tu hành, một cuộc lịch lãm, như vậy sẽ không có gì phiền não.

Ai cũng biết tu là sửa, sửa chữa những lỗi lầm của mình. Ở thế gian này, nếu mọi người đều hoàn thiện, hoàn mỹ thì chẳng cần có tôn giáo, không cần có nhà nước pháp quyền. Đối với Phật giáo Việt Nam, không thiếu cao tăng đắc đạo, song cũng không thiếu tu sĩ làm cho thế nhân không vui, thậm chí có chút bất an. Trong văn chương bác học có nhiều thơ văn phản ánh sự bất an nầy, và văn chương bình dân cũng không ít. Chẳng phải vô duyên vô cớ, dân gian có cụm từ “sư hổ mang”. Một bài ca dao vui, tôi nghĩ nhiều người còn nhớ: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về, sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu/ Ai làm cho dạ sư sầu/ Cho ruột sư héo như bầu đứt dây”… Những sự việc như thế xảy ra, tất nhiên có người chê, có kẻ trách, song cũng không thiếu người có tấm lòng rộng mở cho rằng cái duyên cái
nghiệp của họ như thế, may mà họ đi tu mới còn như thế, chứ nếu không tu thì sẽ tồi tệ hơn. Tha thứ hay trách hờn chỉ là nhất niệm.

Một lần đi du lịch ở Myanmar, tôi hỏi những tu sĩ mà họ ngày ngày cúng dường ấy có ai phạm giới không, và những người phạm giới ấy có đáng nhận được sự cúng dường ấy không? Tôi gặp câu trả lời rất đạo mà cũng rất đời. Một người phụ nữ nói với tôi là họ cúng dường chiếc y vàng của tu sĩ. Bản thân tu sĩ có phạm giới hay không thì tự họ biết. Đời này họ gieo nhân gì thì kiếp sau sẽ nhận được quả ấy, người cúng dường không phải bận tâm. Cúng dường hôm nay chính là bón phân tưới nước cho ruộng phước của mình để đời sau được hưởng thành quả từ ruộng phước ấy, chứ chẳng mất đi đâu mà lo. Nhưng dẫu rằng mất, thì cũng chẳng có gì phải buồn vì đời nầy mình tìm được niềm vui khi được chia xẻ miếng cơm, tấm áo với người khác.

Suy nghĩ ấy cũng buộc tôi phải suy nghĩ.

Theo cuốn Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư (Hòa thượng Thích Hành Trụ dịch), trong kinh Di Giáo, lúc Phật sắp nhập niết bàn, có dặn các đệ tử: “Người giữ gìn tịnh giới không được mua bán đổi chác, sắp đặt ruộng vườn, nuôi chứa nhân dân, tôi tớ, súc sanh, tất cả sự trồng tỉa và các của cải, đều phải xa lánh, phải cẩn thận như lánh hầm lửa, không được đốn chặt cỏ cây, cuốc vào đất cát, bào chế thuốc thang, xem tướng tốt xấu; ngửa xem tinh tú, thôi bộ dinh hư, xem lịch số, tính quẻ, đều không nên làm, phải tiết kiệm mà ăn (ăn có chừng có đỗi), tự nuôi sống thân này một cách được thanh tịnh!”.

Ngày nay, nếu ai tu theo lời dạy này chắc không được. Và ai chiếu theo lời dạy này để “soi” vào các vị tu sĩ thì chắc chắn cho họ tu… sai đường. Hãy mở lòng ra mà cảm thông vậy. Đất trời còn thay đổi huống gì lời dạy cách nay hơn hai ngàn năm. Ánh sáng văn minh đã soi rọi khắp hoàn cầu. Thế giới hiện nay như một cái làng nhỏ. Đầu làng lớn tiếng, cuối làng đã hay. Đạo mà không có đời chắc gì đạo còn tồn tại. Đời mà không có đạo, khó mà khơi dậy mạch thiện trong con người. Do vậy, không nên cực đoan. Khoa học kỹ thuật đương nhiên hữu dụng, có tác dụng rất lớn đối với cuộc sống con người. Điều này, không thể nghi ngờ, không ai có thể phủ nhận. Nhưng không phải cái gì không thể hoặc chưa thể giải thích được vội cho nó là phi khoa học, và chụp cho nó cái mũ mê tín là… xong!

Có nhiều thứ tồn tại cũng là tồn tại, không nên cố ý cho nó không tồn tại, cũng không cần tận lực bài xích nó. Sức người có hạn, có một số việc ta không tiếp xúc đến, không có nghĩa là trên thế gian này liền không có. Có một số việc ta không hiểu rõ, không có nghĩa là nó sai lầm hoặc không hợp lý.

Nhờ chút cơ duyên may mắn, tôi gặp nhiều vị tu sĩ và cũng lắm lần “lựa thời lựa thế” trao đổi chuyện đạo, chuyện đời. Có người nói với tôi, xã hội có phân công, Phật môn cũng giống như vậy. Dù sao cũng phải có người đi làm chuyện tục khí. Những người này dễ bị người đời xem thường, kể cả không ít người trong cuộc. Nhưng không có họ, thì những tu sĩ kia có thể yên tâm lễ Phật, tụng kinh? Có sơn môn nào chỉ dựa vào mấy đồng nhang đèn của khách thập phương mà đảm đương được cuộc sống tu hành, yên tâm đảnh lễ để đợi ngày giải thoát? Do đó, lăn lộn vào đời, giành phần tục khí về mình cũng là loại tu hành. Không phải tự dưng mà dân gian có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa.

Tu là cắt ái lìa gia, nói thế chưa hẳn đã đúng. Cái gọi là khám phá hồng trần, hiểu rõ cuộc đời ảo huyền xuất gia, thực ra chính là một loại lừa mình dối người. Không môn cũng là nhân thế. Ở nhân thế tựu không thoát được thế tục hồng trần. Thực ra, ai xuất gia đầu Phật cũng không nghĩ mình lãnh phần tục khí ấy, cũng không mấy ai nghĩ tới một ngày lập địa thành Phật, mà muốn được làm người tốt hơn, muốn được giúp đỡ được nhiều người hơn. Nhưng khi đã chọn phần tục khí để tu, thì không thiếu người có cảm giác thỏa mãn là có thể đem năng lượng của mình phát huy một cách tốt nhất để tốt đạo đẹp đời.

Tôi không khỏi rơi vào trầm tư. Những lời nói kia không phải là không có đạo lý. Người lính mà không nghĩ tới một ngày mình là vị chỉ huy thì không thể nói là người lính tốt, không nghĩ tới ngày nào đó leo lên đỉnh phong tìm một loại cảm giác thỏa mãn là tự dối mình. Việc chọn phần tục khí để tu, nói như ngôn ngữ ngày nay là thực hiện giá trị tự thân. Phải không? Tôi khó tìm được câu trả lời chính xác.

Đọc kinh Phật, nhìn nhân thế và hiểu theo cách của mình, lắm lúc tôi cứ dặn lòng mắt nhắm mắt mở, tìm cái vui, cái tích cực để đời thêm vui. Khám phá, để xuống, tự tại. Đã là con người thì không thể dứt tâm sự, phiền não là tự tìm, tâm sự cũng là mình áp đặt cho mình. Phóng hạ đồ đao nào có dễ, có khi phóng xuống nhằm vào chân mình chứ chẳng chơi. Trong lòng mỗi người đều có con dao, nó có thể giết người cũng có thể giết mình. Sự giết chóc ấy không phải là sinh mệnh mà là nhân sinh của mỗi con người. Tâm sự chưa dứt chính là nhìn không ra, phải đợi đến thời điểm nào đó mới phá được, lúc ấy sẽ thấy nhẹ nhàng, không có gì để lo, không có gì phải để ý… Nhưng đến bao giờ? Hãy tập buông xả. Buông xả từ từ. Buông một chút, xả một chút, lâu ngày chầy tháng tưởng ít lại hóa nhiều. Phải vậy thôi. Tu sĩ cũng là con người. Nói như người phụ nữ mà tôi đã gặp, đã trao đổi ngắn ở Myanmar là “Cúng dường chiếc y vàng của tu sĩ”. Với tôi, người phụ nữ ấy đã phá được bức màn u minh trước mắt mình, đã nhìn ra cái tâm sự đăng đăng đê đê của mình. Hạnh phúc thay!

Mới đầu, tôi cứ tưởng một khi đã cắt ái lìa gia thì sống, chết không còn phân biệt. Nhưng có một vị tu sĩ nói với tôi vì nhìn không ra cái tâm sự đăng đăng đê đê của mình, nên con người tình nguyện sống. Chết tử tế không bằng sống leo lắt. Một nhóm người uống rượu, nếu ta không uống, người khác nhất định cho ta là thanh tĩnh. Nếu như ta cũng uống; tửu lượng ta mạnh gấp trăm, gấp ngàn lần họ, nhưng ta nói ta say, ai nấy cũng đều tin.

Hiểu đó mà lại chẳng hiểu chi, và rồi… tôi không hiểu lắm vì dường như trong lời nói ấy có nhiều thiền ý. Vị tu sĩ ấy lại nói tiếp:

- Theo tinh thần Đại thừa, ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục? Nếu như anh có thể đem mỗi một chuyện phát sinh trên người mình làm thành một cuộc tu hành, một cuộc lịch lãm, như vậy sẽ không có gì phiền não. Nhân sinh ngắn ngủi bất quá trăm năm, cần gì cố kỵ quá nhiều? Làm việc chỉ cầu không làm thất vọng chính mình, những thứ khác đều không trọng yếu.

Cố kỵ quá nhiều chắc gì đã tốt. Cây cỏ sinh trưởng sẽ bị dê, bò ăn. Ở cỏ cây mà nói, đây là hủy diệt, nhưng đối với dê, bò mà nói là sinh mệnh được kéo dài. Dê bò gặp phải lang sói, gặp phải cọp đói hoặc những loài mãnh thú khác tập kích, thì dê, bò sẽ tử vong, mà sinh mệnh các loài mãnh thú kia được kéo dài…

Nghe vậy, trong lòng tôi không ngừng chuyển biến về sự sống và cái chết, về sáng tạo và hủy diệt. Có người động viên rằng người sống tựu không khả năng ngang hàng, chết rồi tự không có gì khác nhau. Tôi không mấy tin. Người xưa nói: Sinh vi tướng, tử vi thần, chứ không ai nói khi sống làm ăn mày, khi chết được làm thần cả. Do đó, hãy mở rộng tấm lòng nhân ái của mình, đắp bồi ruộng phước để hưởng niềm vui trước mắt là thiết thực nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6130385