Thông tin

NGHĨ VỀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

NGHĨ VỀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Phật giáo phải chăng là một thành tựu văn hóa hay một hệ thống giáo dục, hay một hệ thống triết lý, tín ngưỡng  hay tôn giáo? Dĩ nhiên, xưa nay theo quan niệm chung, Phật giáo được coi là một trong các tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng Phật giáo dứt khoát không như một tôn giáo theo khái niệm thông thường, cũng không chỉ là một hệ thống triết lý. Vì người Phật tử bác bỏ thuyết sáng tạo, không chấp nhận thần quyền mê tín. Người Phật tử không thấy có một thiên đàng nào ở thế giới nầy. Thiên đàng hay địa ngục đều do con người tạo ra. Ngược lại, người Phật tử phải nỗ lực hoàn thiện nhân cách đoạn diệt phiền não, chứng sở tri kiến để tự giải thoát, thể nhập bản thể thanh tịnh của pháp thân. Phật giáo là một giáo pháp của đức Phật dạy. Vậy cũng có thể nói Phật giáo là một hệ thống giáo dục. Vì một trong mười danh hiệu của Phật là Thiên nhân sư.

Các nền giáo dục hiện đại trên thế giới đều chủ trương ba phương diện của giáo dục là trí dục, đức dục và thể dục. Đức Phật tuy không thiết lập ba phạm trù như ngôn ngữ hiện đại, nhưng nội dung giáo dục của đức Phật đã bao gồm đầy đủ trên hai nghìn năm trước. Có điều Trí dục trong giáo dục Phật giáo không dạy con người rong đuổi truy cầu cái thế giới hiện tượng, coi đó là thế giới khách quan rồi đem tâm phân biệt chấp trước, cóp nhặt lại thành một số hiểu biết theo thế gian trí mà gọi là trí tuệ. Trí dục Phật giáo thoát ra ngoài phân biệt tự tha, chủ khách. Tất cả là ở nơi ta, ngoài ra không có một pháp nào khác. Đức Phật do tâm ái hộ chúng sinh đã dạy các Tỳ-kheo phải sắm đãy lọc nước. Phật đã dạy có thế này, có thế giới khác, có vô lượng thế giới. Phật đã dạy tu chứng lục thông thì có được thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông. Phật nói: “Ta bấm ngón chân rung động ba nghìn thế giới”. Phật dạy có bốn loài sinh là: sinh trứng, sinh thai, sinh do hơi ẩm ướt, sinh do chuyển hóa. Phật dạy vạn vật đều có 4 yếu tố tạo thành, đó là đất, nước, gió và lửa. Và bao điều Phật dạy mà ngày xưa cho là khó tin nhưng mỗi ngày con người dần dần tìm được chứng minh trong sự thực.

Có người sẽ hỏi rằng nếu vậy sao đức Phật không cho đệ tử biên tập thành những lý thuyết và phương pháp nghiên cứu  các phát minh ấy, hay đào tạo các đệ tử thành những nhà khoa học cho nhân loại sớm văn minh hạnh phúc, rút ngắn thời kỳ tăm tối? Đức Phật không làm thế vì mục đích giáo dục của Phật không nhằm đào tạo chính trị gia, khoa học gia, nhà văn hóa, thầy thuốc hay thợ thủ công. Mục đích của đức Phật như đã nói trong Kinh Pháp Hoa “Ta vì nhân duyên việc lớn xuất hiện ở đời”.

Sự xuất hiện Thích-ca Mâu-ni và giáo lý của Ngài trong bối cảnh đó có thể coi như một cuộc cách mạng về tư tưởng xã hội. Bài pháp đầu tiên của Thích-ca Mâu-ni đã phủ nhận cái gọi là chúa tể sáng tạo của nhất thần giáo, những luận điệu mơ hồ của phiếm thần giáo và đa thần giáo. Đạo lý nhân quả trong Tứ diệu đế được giải thích bởi 12 nhân duyên, cắt nghĩa sự hình thành tồn tại của vũ trụ vạn vật mà không lâm vào ngõ bí của nguyên nhân đầu tiên. Thuyết nhân quả của Thích-ca Mâu-ni đã trả lại  cho con người cái giá trị đích thực mà từ xưa đã bị tư tưởng hữu thần tước đoạt. Theo đó, con người tự trách nhiệm đối với hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính mình chứ không do may rủi, không do định mệnh hay do thần linh thưởng phạt. Vì thế, sau khi giác ngộ, Phật dạy 8 con đường hành động để cải thiện đời sống cho đời này và mai sau.

Thuyết nói về 4 chân lý và 8 con đường hành động còn phủ nhận huyền thoại về sự phân chia giai cấp đã ngự trị xã hội Ấn Độ từ khi dân tộc Aryan thu phục xứ nầy. Trong kinh Tiện Dân (Nipata) một bản kinh giải thích về sự hạ tiện hay tôn quý của dân chúng có đoạn như sau: “Con người sinh ra không ai là tiện dân không ai là Bà-la-môn mà do hành vi mà khiến họ trở thành tiện dân hay Bà-la-môn”.

Để thực hiện cuộc cách mạng xã hội, Thích-ca Mâu-ni một Đông cung Thái tử dòng Sát-đế-lị đã bỏ vương triều cầm cái bát của kẻ ăn xin. Thích-ca Mâu-ni đã tổ chức đời sống tăng đoàn theo 6 pháp hòa hợp. Đây là mô hình sinh hoạt của một xã hội không còn đấu tranh vì đã xóa sạch mâu thuẫn. Gotami, theo Tiểu Phẩm Luật là phụ nữ đầu tiên được Thích-ca Mâu-ni cho xuất gia tu học hành đạo với đầy đủ phương diện như nam giới. Nếu gọi đây là quyền bình đẳng, quyền con người thì ngoài Phật giáo, trong nhiều tôn giáo lớn người phụ nữ vẫn chưa được cái quyền nầy.

Đạo Phật còn nhằm đào tạo một mẫu người lý tưởng dấn thân phụng sự xã hội. Đó là con người Bồ-tát đa hạnh, và dù hạnh nguyện nào, con người Bồ-tát cũng được khuyến khích học hỏi 5 điều sáng tỏ, tức là ngũ minh để làm việc lợi ích cho đời như phương tiện độ sinh. Năm phương tiện đó là: 1- Nội điển, 2- Lý luận, 3- Ngôn ngữ, 4- Y thuật, 5- Kỹ thuật. Đây là sự ngạc nhiên to lớn cho những ai nghiên cứu giáo dục khi phát hiện ra những điều này trong đạo Phật

Đức Phật không dừng lại việc giáo dục, xây dựng con người đạo đức vô nhiễm, mà còn  hướng đến việc lập giáo khai tông, trước tiên đức Phật chọn năm nhà hiền triết có tâm hồn giải thoát để dạy dỗ. Điều đặc biệt, bước đầu tuy thiếu người nhưng đức Phật không vội đào tạo tràn lan, tốn công vô ích. Dưới sự giáo hóa của đức Phật chỉ trong thời gian ngắn, năm nhà hiền triết ở Lộc Uyển đã đắc quả vị La-hán nghĩa là có đạo đức thánh thiện. Sau đó, đức Phật dạy họ 4 chân lý, họ liền hiểu được và đem ứng dụng trong cuộc sống, quét sạch tội lỗi vô minh trở thành bậc Thánh trí. Được phước đức trí huệ, kế tiếp đức Phật dạy họ việc truyền đạo, tức hoằng pháp.

Chỉ với nhóm nhỏ 5 người, trong một thời gian ngắn, các vị đệ tử của đức Phật đã mở rộng giáo đoàn một cách nhanh chóng, số người lên đến 1.250 vị. Rõ ràng với tư cách thánh thiện tuyệt vời mới thành tựu được việc hoằng pháp siêu tuyệt như vậy. Với sự hiện hữu của giáo đoàn, đức Phật bắt đầu xây dựng sinh hoạt tu học theo 3 pháp quy y. Đó là tuyên ngôn đầu tiên của đức Phật. Ai không tôn trọng 3 pháp quy y không phải là đệ tử Phật.

Quy y Phật là phát huy tánh sáng suốt hay trí tuệ; Quy y Pháp là sống theo chân lý; Quy y Tăng là sống hòa hợp với tập thể. Trong 3 pháp quy y, đức Phật nhấn mạnh đến sự hòa hợp là việc quan trọng nhất. Thật vậy, Ngài dạy rằng tội lớn nhất là tội phá hoại sự hòa hợp của chư Tăng. Phá hoại Phật thì Tăng cứu được, nhưng phá hoại Tăng thì Phật không cứu. Sau đó, Phật còn dạy thêm 6 pháp hòa kỉnh. Đó là 6 nguyên tắc sống chung mà đức Phật đưa ra để xây dựng giáo đoàn thanh tịnh, hòa hợp an vui, luôn nghĩ đến tập thể và quyền lợi chung, nên tạo được sức mạnh đoàn kết trong Tăng đoàn. Sức sống tốt đẹp như vậy đã khiến những tổ chức hay nhóm tôn giáo khác trong thời Đức Phật tại thế phải kính trọng giáo đoàn do Đức Phật lãnh đạo và cuối cùng các bậc vua chúa đương thời cũng phải tùy thuận theo. Các giáo chủ của hàng ngoại đạo nổi tiếng thời ấy là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ba anh em Ca Diếp cũng đã được cảm hóa v.v...

Thích-ca Mâu-ni từ khi đứng dậy dưới cây Pippala cho đến khi nằm xuống trong rừng Sala một đêm trăng sáng, ròng rã 45 năm không mệt mỏi đi khắp miền bán đảo Ấn Độ giảng dạy từ vương hầu tể tướng, Bà-la-môn, cư sĩ, thương nhân cho đến người Paria đều được hóa độ không phân biệt riêng ai. Những lời vàng ấy đã được kết tập thành tạng giáo bằng Pali, Sanskrit và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có tác dụng như ngọn gió mát trong lành thổi vào sinh hoạt con người suốt từ hai ngàn năm cho đến thế kỷ XXI đầy sôi sục và bất trắc nầy là điều có thể phủ nhận được sao?

Với phương pháp giáo dục và hoằng pháp như vừa nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Phật đã thực hiện được mục tiêu là làm an lạc cho số đông, cho chư Thiên và loài người. Tuy nhiên, sau khi Phật nhập Niết-bàn, một số luận sư đã theo kiến giải của ngoại đạo hay của thế gian, họ coi trọng cách giáo dục và hoằng pháp theo hướng mới, nên quên mất phần căn bản giác ngộ theo Phật. Từ đó, họ lý luận tranh chấp nhau, đưa đến việc sản sinh ra các bộ phái Phật giáo không thể nào chấp nhận nhau. Kết quả thảm hại tất yếu của phương cách hoằng pháp sai lầm và chống phá giữa các bộ phái là làm suy yếu Phật giáo.

Có phải những lý do trên mà làm ảnh hướng đến sự hoằng pháp và sự nhận thức của các vị lãnh đạo và Phật tử nước ta hay còn một lý do nào khác mà nhiều năm qua mỗi khi Tết đến xuân về các hệ thống truyền thông lẫn các tin tức truyền miệng trong nhân dân đều lên tiếng, cho rằng Phật giáo nước ta đang trên đà xuống cấp. Đó là những lễ hội ở chùa luôn thấy những hình ảnh không đẹp xảy ra ở khắp nơi. Có phải từ những tranh chấp không chấp nhận nhau, ai cũng muốn quyền giữ quyền lợi mình, giữ địa vị mình, quyết nắm bắt không buông bỏ, luôn muốn được lòng Phật tử, nên tùy duyên (chiều chuộng) hay dùng phương tiện (đánh lừa) chân thành ngụy, ngụy thành chân dẫn đến sự mê tín tràn lan, tranh giành cướp Ấn lung tung khiến người dân lẫn giới Phật tử vô cùng bức xúc. Tu mà mê tín không buông bỏ thì làm sao thấy Phật? Tu không dứt phiền não, nghiệp chướng tăng thêm thật uổng công vô ích còn làm nguy hại đến sự tồn vong Phật giáo. Tội nầy rất sâu dày khó mà có cửa giải thoát.

Trong khi chờ đợi giải pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự tiếp tay chấn chỉnh của chánh quyền, các Tăng sĩ nên  phát huy tinh thần Tứ đế, Bát Chánh Đạo, sáu kỉnh pháp đoàn kết xây dựng chánh pháp phát huy tư tưởng tốt đẹp của đạo Phật để xây dựng đạo đức xã hội ngày càng lành mạnh, đúng như lời Phật dạy. Riêng Phật tử nên sống chánh pháp không mê tín dị đoan, sống lành mạnh, đó cũng là cách làm tốt cho mình và không góp phần vào sự nhập nhằng xã hội.

Trong số những Tăng ni, Phật tử đi ngược lời Phật dạy cho cái tôi mình quá lớn, rồi luôn tranh giành được mất về vật chất mà quên đi điều to lớn Phật dạy, tin rằng bên cạnh cũng còn có những cá nhân hay nhóm Tăng sĩ, Cư sĩ âm thầm làm công việc Phật sự ở nhiều lãnh vực không bao giờ có sự vụ lợi cũng không chờ đợi được sự bảo trợ từ đâu đến. Đó mới là con đường Chánh pháp trên cầu đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đã chánh pháp thì những hoạt động phù phiếm, hư huyễn, mê tín dị đoan chắc không còn chỗ tồn tại. Mong sao mọi người Phật tử đồng hộ niệm để cho tinh thần đạo Phật hòa vào công cuộc giáo dục con người, xã hội và trên thế mỗi giới ngày một nhân lên xóa tan mê mờ đêm tối, trở về tu hành chân chánh như lời Phật dạy để đem lại sự an lạc và hòa bình hạnh phúc cho nhân loại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6059224