Thông tin

NGHĨ VỀ LỜI DI HUẤN TỔ KHÁNH HÒA

 

Tỳ kheo THÍCH HÂN KIẾN*

 

Tổ Khánh Hòa với công hạnh tràn đầy những gì còn lại để gởi gấm cho các thế hệ mai sau, phải chăng lời ký thác của ngài, dựa trên nền tảng ngày xưa Phật dạy “Muốn Phật pháp được trường tồn thì việc trước tiên tăng già phải hòa hợp với niệm đoàn kết và thanh tịnh”.

Năm 1904, ngài Khánh Hòa nhập Hạ đầu tiên ở chùa Long Hoa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, được sự khuyến khích của chư tôn đức, ngài đã giảng giải Kinh1 Kim Cang Chư Gia, rất được các vị pháp sư và đại chúng các trường Hạ quý mến. Từ đó về sau, mỗi lần nhập Hạ ngài đều có giảng kinh nhờ đó mà pháp hiệu Khánh Hòa đã được mọi người biết đến.

Với tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh ngài đã cảm nhận rõ về kiếp sống của một con người mặc dầu trong hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng ngài vẫn biết tự vươn lên, lấy “Tu, học, hoằng pháp” làm nền tảng luôn biết quý trọng chiếc thân tứ đại, không bỏ phí thời gian.

Năm 1916, lúc đang trụ trì ở chùa Tuyên Linh, tỉnh Bến Tre, với trình độ giáo lý thâm đạt, với đức tính ôn hòa, ngài luôn trăn trở trước viễn cảnh của ngôi nhà chánh pháp có nguy cơ sụp đổ, ngài thường than: “Phật pháp suy đồi, tăng già thất học và không đoàn kết” với quyết tâm thống nhất Phật giáo, chỉnh đốn tăng già, kể từ năm 1920 đến năm 1947, ngài đã tự thân đi vận động các tổ đình kêu gọi ba vấn đề:

1- Chỉnh đốn tăng già.

2- Kiến lập Phật học đường.

3- Diễn dịch và xuất bản kinh sách tiếng Việt.

***

Từ bục giảng sư với kiến thức của mình, đã biến thành sức mạnh của hành động tạo nên mối liên kết một cách rõ nét trong khoảng thời gian 12 năm với một quá trình rong ruổi không hề khó nhọc, dấu chân của ngài đã in dấu đến các chốn Tổ đình thâm nghiêm, các ngôi cổ tự, ngài đã gõ cửa những người cũng có niềm thao thức, trăn trở như chính nỗi lòng của ngài để từ khi khoác lên mình bộ Tăng bào mang sứ mệnh hạnh nguyện Như Lai lên đường không mệt mỏi. Trong số những người đầu tiên đưa ra để chia sẻ sự đồng cảm và nhận cùng trách nhiệm với ngài phải kể đến Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961), Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956); Hòa thượng Pháp Hải (1895-1961)…

Để có cơ sở mang tính pháp lý việc đầu tiên là ngài tổ chức cuộc họp tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh (cùng năm Quý Hợi 1923 thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp) nhằm tiến tới mục đích chính là thành lập một hội Phật giáo toàn quốc, để làm cơ sở tổ chức công cuộc chấn hưng Phật giáo. Một trong những vị tăng trẻ đầy nhiệt huyết lúc bây giờ, xuất thân từ môi trường tân học, được ngài giao nhiều trọng trách đó là Giáo thọ Thiện Chiếu (1898 - 1974). Năm Đinh Mão 1927, sư Thiện Chiếu được giao phó trách nhiệm ra miền Bắc để mở rộng và tranh thủ sự liên kết. Tại đây, sư Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các chốn Tổ đình như Linh Quang, Hồng Phúc ở Hà Nội rồi lên chùa Tiên Lữ (chùa Hang) ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên… nhưng gặp rất nhiều trở ngại.

Trong phong trào chấn hưng trong những năm đầu bên cạnh nhiều thuận duyên và sự chia sẽ đồng cảm cũng có vô vàn những chướng ngại lẫn thất bại, nhưng ngài đã cố gắng vượt qua để đạt đuộc những thành quả mà hôm nay chúng ta nhắc tới. Cụ thể, như:

- Ngày 31 tháng 8 năm 1929, ngài xuất bản tập san Phật học bằng chữ quốc ngữ, lấy tên là Pháp âm (trụ sở đặt tại chùa Xoài Hột Mỹ Tho, nay là chùa Linh Thứu tỉnh Tiền Giang).

- Năm 1931, ngài cùng nhiều chư tôn đức và cư sĩ thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đặt tại Hội quán chùa Linh Sơn Sài Gòn và cho xuất bản tạp chí Từ bi âm, số ra đầu tiên ngày 01 tháng 2 năm 1932, tồn tại được 14 năm, 235 số (1932 – 1945), mặc dù Chủ nhiệm tạp chí Từ bi âm có thay đổi nhưng Hòa thượng vẫn là người có công rất lớn trong việc sáng lập.

- Năm 1934, ngài cùng chư tôn đức kiến tạo Hội Lưỡng Xuyên Phật học, với mục đích đào tạo tăng tài, hoằng dương chánh pháp, hội thỉnh Đại Tạng Kinh và Tục Tạng Kinh để làm tài liệu nghiên cứu (do cụ Ngô Trung Tín và huyện hàm Huỳnh Thái Cửu thỉnh cúng cho hội) và xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học để làm cơ quan hoằng pháp. Năm 1935, Hội mở Phật học đường Lưỡng Xuyên để đào tạo tăng ni, làm nền tảng cho việc phát triển xây dựng cho Phật giáo sau này.

Những thành quả của ngài trong giai đoạn này nếu nhìn kỹ đây là những thành quả rất lớn, phải là một con người có ý chí và nghị lực, là một bài học dấn thân tiến thủ không ngừng, mỗi lần thất bại là mỗi lần đứng lên, cương quyết không nản chí, suốt đời hy sinh hiến thân cho đạo pháp, không sợ gian lao không từ khó nhọc, không màng đến danh lợi quyền tước và danh vọng, thân nhiều bệnh nhưng ý chí không già lúc nào cũng lạc quan trong mọi công việc

***

Năm 1947, ngài trở lại chùa Tuyên Linh tịnh dưỡng, cảm nhận được sức khỏe của mình ngài đã ghi lại những lời Di chúc đầy tha thiết:

“Phật giáo đang hồi suy vi, nước nhà vào cảnh loạn ly, mà tôi không làm được việc gì nên sau khi viên tịch rồi, chỉ tẩn liệm tôi với bộ y hậu vải thường, không nên dùng gấm lụa, đừng làm long vị sơn son thếp vàng, vì cần phải tiết kiệm để bố thí cho người nghèo. Còn ngôi chùa tôi khai sáng thì phải giao cho thầy Tỳ kheo có đủ tài đức, giới hạnh trang nghiêm trụ trì kế nghiệp. Bao nhiêu tài sản của chùa, phải đem ra nuôi chúng tăng tu học, không được dành làm của riêng. Đệ tử nào không y theo lời di chúc thì không phải là môn đồ của Phật giáo”. Năm ấy, ngài viên tịch vào ngày 19-6 năm Đinh Hợi (1947), hưởng thọ 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo.

Lời Di chúc của Tổ với cụm từ “Phật giáo đang hồi suy vi, nước nhà vào cảnh loạn ly” nghe sao mà đau lòng, nếu chỉ cần để tâm đọc lại những lời dạy của Phật trước khi ngài vào đại định Niết bàn thì chúng ta sẽ vô cùng thấm thía với bảy pháp bất thối2 như sau:

1- Chúng Tỳ kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.

2- Chúng Tỳ kheo giải tán và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết.

3- Chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành.

4- Chúng Tỳ kheo tôn sùng, kính trọng đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ kheo thượng thọ, niên cao lạp trưởng và nghe theo lời dạy của những vị này.

5- Chúng Tỳ kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác.

6- Chúng Tỳ kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh.

7- Chúng Tỳ kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí, chưa đến muốn đến ở và đã đến ở được sống an lạc.

Phật dạy khi nào chúng Tỳ kheo duy trì bảy pháp này giữa các vị Tỳ kheo thì Hội chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh và không bị suy giảm.

Tổ Lê Khánh Hòa với công hạnh tràn đầy những gì còn lại để gởi gấm cho các thế hệ mai sau, phải chăng lời ký thác của ngài, dựa trên nền tảng ngày xưa Phật dạy “Muốn Phật pháp được trường tồn thì việc trước tiên tăng già phải hòa hợp với niệm đoàn kết và thanh tịnh”. Nếu thiếu hòa hợp đoàn kết với niệm không thanh tịnh thì thành trì Phật pháp sẽ đổ vỡ.

Với câu nói “Tôi không làm được việc gì” đó là lời nói khiêm cung, một lời nói thâm tình trước vận mệnh lớn của dân tộc và đạo pháp và ngài cũng thầm cảm ơn trao gởi những người đồng chí hướng với ngài trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, đó là sự nghiệp của cả một tập thể tăng đoàn với niềm thiết tha mong sao mọi người hãy đoàn kết chung sức một lòng xây dựng ngôi nhà chánh pháp.

Về bản thân mình, khi xử lý thân tứ đại ngài rất minh mẫn và sáng suốt dựa trên nguyên tắc giới luật, lấy cái thân của mình dạy cho hàng hậu học ngày sau “chỉ tẩn liệm tôi với bộ y hậu vải thường, không nên dùng gấm lụa, đừng làm long vị sơn son thếp vàng vì cần phải tiết kiệm để bố thí cho người nghèo. Còn ngôi chùa tôi khai sáng thì phải giao cho thầy Tỳ kheo có đủ tài đức, giới hạnh trang nghiêm trụ trì kế nghiệp. Bao nhiêu tài sản của chùa, phải đem ra nuôi chúng tăng tu học, không được dành làm của riêng. Đệ tử nào không y theo lời di chúc thì không phải là môn đồ của Phật giáo”. Ngài đã hiểu rất rõ về đạo lý kiếp sống của một con người “với thân là bất tịnh, với thọ là khổ đau, với tâm là vô thường, với các pháp là vô ngã” với ý chí kiên định trước khi ngài xả báo thân, ngài vẫn lấy sự giải thoát làm nền tảng, lấy Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) ngài không muốn đệ tử mình phạm giới do phô trương bên ngoài, trong tang lễ của ngài sự tiết kiệm làm bớt đi sự nhọc nhằn về kinh tế của của tín đồ. Ngoài ra việc tài sản của Tam bảo, là giáo sản chung, phải chọn người đủ tài đức nuôi dạy tăng ni đây có thể được xem là một ý tưởng mới cho đến ngày nay vẫn còn. Ngày nay, từ nền tảng của công cuộc chấn hưng Phật giáo, các tổ chức Phật giáo, Giáo hội và các trường Phật học thừa kế công cuộc chấn hưng Phật giáo của ngài để lại và đồng thời cần phải tìm hiểu rõ lời di huấn của ngài để Phật giáo được trường tồn tiến bộ hanh thông xa rời những điểm xấu phát triển những đức tính cao đẹp.

***

Suốt cả cuộc đời cống hiến trí tuệ và công sức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, Tổ Lê Khánh Hòa là người có công đầu thắp lên ngọn đuốc trí tuệ cho hàng tăng sĩ, trong những giai đoạn khó khăn cũng như trong giai đoạn hòa bình thấy rõ sự thất bại hay thành công đều xuất phát từ yếu tố con người. Với tấm lòng yêu nước và đạo pháp thiết tha bằng những hành động cụ thể thiết thực mang tính ôn hòa, tạo sức bật cho Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh, cuộc đời của Tổ là một tấm gương cao đẹp với tinh thần yêu nước, tấm lòng vị tha cho hàng vạn tín đồ Phật giáo học hỏi và noi theo.

 


* Tên gọi: Tô Hoằng Dự

1. Tạp chí Duy tâm Phật học, năm thứ nhất, 1935 trang 25.

2. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Đạt Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, trang 547.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6112145