Thông tin

NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN

NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN

                                                                  

VU GIA

 

 

Những ngày này, nhiều người thờ Phật trong nhà; ngày rằm, ngày vía đi chùa lạy Phật, tụng kinh, song tôi tin không mấy người hiểu rõ yếu lý Phật giáo. Họ đến với Phật theo cội nguồn dân tộc và có thể tụng thuộc lòng một vài bộ kinh, song chưa chắc họ hiểu lời kinh nói gì…

Trải qua thời gian cả ngàn năm đạo Phật vào Việt Nam, nên văn hóa truyền thống của dân tộc có nhiều nét tương đồng với giáo lý Phật giáo. Tôi nghĩ, bất cứ tôn giáo nào, chủ thuyết nào dù hay đến đâu khi đưa vào thực tế cuộc sống của một dân tộc nào đó, thì phải nương theo truyền thống văn hóa của dân tộc đó mới có thể tồn tại và phát triển. Từ đó, những lời hay, những điều phải từ kinh sách Phật giáo thông qua các vị tu sĩ từng bước thấm dần vào mạch nguồn dân tộc, làm giàu cho đời sống tinh thần của dân tộc; nhiều đời sau nghĩ đó là truyền thống văn hóa của dân tộc chứ không phải văn hóa ngoại lai.

Phật qua lăng kính dân gian

Ngày xưa, ông cha ta không mấy người đọc được kinh sách, nên thờ Phật, kính Phật, hướng về Phật theo cách nghĩ, cách cảm của họ. Sau này, gọi đó là Phật giáo dân gian. Những ngày này, nhiều người thờ Phật trong nhà; ngày rằm, ngày vía đi chùa lạy Phật, tụng kinh, song tôi tin không mấy người hiểu rõ yếu lý Phật giáo. Họ đến với Phật theo cội nguồn dân tộc và có thể tụng thuộc lòng một vài bộ kinh, song chưa chắc họ hiểu lời kinh nói gì. Với họ, Phật là đấng quyền năng phép cả, có thể giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, giúp họ mua may bán đắt, giúp con cái hoặc bản thân họ công thành danh toại,...

Từ thực tế ấy, tôi nghĩ, nhiều người đến với Phật trên tinh thần Phật giáo dân gian là chính. Trong cuộc sống thường ngày, dân gian hay nói đến "Quả báo nhãn tiền", song lắm người không biết đó là thuyết nhân quả của nhà Phật. Bao đời, qua truyền miệng, trong chúng ta chắc đã không ít lần nói, hoặc nghe câu nói: "Đạo trời báo ứng", "Gieo gió gặt bão", "Cha ăn mặn, con khát nước", "Có lửa mới có khói", v.v. Đây cũng từ thuyết nhân quả mà ra, hoặc là sự tương thích giữa truyền thống văn hóa bản địa và giáo lý Phật giáo. Cha mẹ dạy con, thường nói: "Những phường ăn ở bất nhân/ Rồi ra sẽ chịu trăm phần khổ đau" hoặc dạy con nên ăn ở hiền lành, không tham lam, không trộm cắp, không dối trên lừa dưới. Với quan niệm dân gian: Ở hiền gặp lành, Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách,… không mất mát đi đâu. Nhịn miệng tiếp khách đường xa/ Cũng như của gởi chồng ta đi đường; Ở đời sinh sự sự sinh/ Đeo chi phiền não, bất bình khổ thân, v.v…

Ca dao, tục ngữ luôn có vần có vè dễ nhớ, nên dễ dàng truyền qua nhiều thế hệ, và đại bộ phận nhân dân ta lấy đó làm hành trang vào đời. Sau này, tìm hiểu đạo Phật, tôi biết đó là tinh thần buông xả của nhà Phật. Trong kinh Tứ thập nhị chương có kể câu chuyện khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt một câu hỏi cho một vị Sa môn là: "Tuổi thọ của con người dài trong bao lâu?". Vị Sa môn đã trả lời: "Chỉ dài bằng một hơi thở". Đức Phật nói: "Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo".

Thế đấy, cuộc đời có dài lắm đâu mà suốt ngày "sinh sự sự sinh" để "đeo phiền não, bất bình khổ thân". Trong kinh Kinh Cang, tôi cũng thấy viết: "Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng ảo bào ảnh". Bào ảnh là bọt nước và cái bóng. Câu kinh này cho ta biết tất cả mọi việc trên đời như một giấc chiêm bao, một cái bọt nước, một cái bóng. Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều cũng có câu: "Sóng cồn cửa bể nhấp nhô/ Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh". Chính vì không biết cuộc đời là cái bào ảnh ấy, nên con người cứ mãi tranh danh đoạt lợi một cách vô đạo, mãi muốn làm những việc lợi mình hại người, tức là muốn đeo phiền não, bất bình mới đâm ra khổ, mới bị "lô xô gập ghềnh".

Dân gian còn có câu liên quan đến chuyện này rất thú vị: "Bến mê bát nhã độ nhân/ Xa lìa hắc ám lại gần Tây phương". Với nhân dân lao động, ý của câu này "cao" quá, nhưng vẫn có người thuộc, vẫn truyền đời và… vẫn hiểu. Cái hiểu ở đây, theo tôi, phần lớn người ta chỉ cần hiểu, cần nhớ "xa lìa hắc ám" là đủ. Xa lìa hắc ám tức là xa lìa những điều đen tối, những mưu đồ đen tối, những thế lực đen tối, thế là sẽ đến được Tây phương. Hồi nhỏ, tôi từng hỏi Tây phương ở đâu, bà nội tôi chỉ tuốt trên trời, và cho biết nơi ấy có cuộc sống vui vẻ, không làm cũng có ăn mà không ai trách mắng, giận hờn, không có đòn roi. Nghe vậy đã thấy sướng và tôi tự dặn lòng cố gắng "xa lìa hắc ám" để khỏi bị trách mắng, nhất là khỏi bị đòn roi. Lớn lên không còn lo sợ la rầy, đòn roi nữa, nhưng thấy sự hắc ám đúng là phải cần xa lìa, không nên dính vào, bởi dính vào nó chẳng khác nào dính vào chiếc chìa khóa cổng lao tù. Và với tính hiếu tri, tôi tìm hiểu, biết bát nhã là trí tuệ sáng suốt, thông hiểu được mọi lẽ, diệt được những tư tưởng đen tối và không thể nào làm việc quấy được. Chuyện này thật quá sức tôi, nên dặn lòng cứ cố gắng tới đâu hay tới đó, chứ không mơ làm người trí tuệ sáng suốt, thông hiểu được mọi lẽ; còn cõi Tây phương, hầu hết những người theo đạo Phật đều biết, vì sách vở nói rồi, trong những buổi thuyết pháp, các pháp sư đã giảng rồi; nhưng tôi thì chưa đến nơi ấy nên không dám luận bàn có đúng như sách viết, như lời giảng hay không.

Hành trang truyền đời

"Bè từ rước kẻ trầm luân/ Khỏi sa địa ngục thung dung Niết bàn". Những người theo đạo Phật, hiểu giáo lý thì mới biết bè từ là thuyền từ của nhà Phật dùng cứu vớt những người say đắm trong bể khổ, được giác ngộ để thoát cảnh trầm luân, khỏi sa vào nghiệp chướng; còn Niết bàn là cõi Tây phương Cực lạc, ăn cơm châu mặc áo ngọc… Trong lúc đó, trong dân gian lắm người không biết bè từ là gì, Niết bàn ra sao, nhưng rất sợ địa ngục với những câu chuyện kể truyền đời, như khi còn sống trên dương gian mà làm những điều ác, điều xấu thì khi chết xuống địa ngục sẽ tùy theo tội mà bị cắt lưỡi, cưa hai nấu dầu, ôm thân cột lửa đang rực đỏ như than hầm, v.v… nên nghe "khỏi sa địa ngục" là sướng, là vui và khi còn nhỏ thì tự dặn lòng, khi có con cháu thì dạy lại con cháu nên làm lành lánh dữ, tránh xa cái ác, cái xấu, đừng có "sân si", bởi no mất ngon, giận mất khôn… Mấy câu tục ngữ này cũng sát với triết lý nhà Phật. Đó là tham, sân, si. Kinh Tương ưng bộ có ghi: Tham là ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, ưng được thỏa mãn, mong được khoái lạc, danh vọng,...; Sân là chán ghét, giận dữ, thù hận, nóng nảy, chống trả,...; Si là ngu dốt, đần độn, lầm lạc, thành kiến, giáo điều, cuồng tín, mê tín,... Đây là những nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não và ưu tư cho con người, cần phải tiêu diệt. Phật dạy cách diệt của Phật là cho chúng ta ba pháp không tham, không sân, không si - những yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành. Dân gian dạy theo cách diệt của dân gian. Về cái Tham, dân gian quan niệm: "Của làm để trên gác, của đánh bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ"; "Cơm mình ăn ngon, con mình dễ khiến"; "Của thiên trả địa"; "Tham thì thâm"… nên đừng tham. Về cái Sân, dân gian quan niệm: "Một sự nhịn là chín sự lành"; "Hại người người hại"; "Ghét của nào, trời trao của đó"; "Chưa đánh được người mặt đỏ như gang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ"… nên sân chẳng có lợi gì. Về cái Si, dân gian quan niệm: "Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường biết lắm kẻ giòn hơn ta"; "Cha hát bội, con khen hay"; "Khi thương thương hết cả nhà/ Lúc ghét thì mượn người ta ghét dùm"; "Hồi thương, trái ấu nói tròn/ Hồi ghét trái bồ hòn cũng méo"… vì thế hãy dẹp cái si đi. Với hành trang truyền đời ấy, họ đến với Phật, chứ không phải từ kinh sách của Phật, họ đến với Phật.

Trời và Phật

Từ xa xưa, con người chỉ biết có ông Trời, nhưng ông trời bao la quá, mông lung quá, xa xôi quá… Khi có ông Phật đến, họ thấy ông Phật hiền lành quá lại cũng con người như họ chứ không phải một ông trời theo trí tưởng tượng của mỗi người. Và họ xếp ông Phật có mặt mũi, tay chân như họ ngang với ông Trời trong tâm tưởng. Khi gặp phải hoạn nạn, Phật và Trời đều là nơi con người hướng vọng cầu xin: "Cúi đầu vái lạy Phật Trời/ Xin cho cha mẹ sống đời với con"; hoặc "Cúi đầu van vái Phật Trời/ Con nay gặp nạn xin Người cứu cho"…

Trời và Phật trong quan niệm người Việt ngày xưa, không có ranh giới phân biệt. Ca dao có câu: "Ở hiền thì ắt gặp lành/ Những người nhân đức Trời dành phúc cho". Trời ở đây cũng là Phật. Ngay cả việc xuất gia cũng có câu: "Miệng Nam mô A Di Đà Phật/ Nguyện cùng Trời chùa chật cũng tu". Bây giờ, trong giao tiếp thường ngày, chắc chắn trong nhiều Phật tử, kể cả một số vị tu sĩ Phật giáo, không thiếu người nói: "Trời cho ai nấy hưởng"; "Trời kêu ai nấy dạ". Đây là do ảnh hưởng Phật giáo dân gian, bởi đó là văn hóa bản địa thấm đẫm trong mỗi người dân Việt, khó mà dứt bỏ được.

"Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người", hoặc "Dù xây chín cửa phù đồ/ Không bằng lượm một cái gai giữa đường" (phù đồ: bảo tháp thờ Phật). Phù đồ hay Phật đồ là phiên âm của chữ Stupa (Sanskrit), Hán và Việt dịch đồng nghĩa là tháp. Ở Ấn Độ, rất nhiều bảo tháp được dựng lên để tôn thờ xá lợi của Phật và các bậc A la hán. Phù đồ có nghĩa là tháp, con số chín trong câu vừa nêu là con số cực đại, hoàn mỹ trong quan niệm toán học cổ. Xây tháp chín tầng ở đây còn chỉ cho việc thực hiện một thiện sự viên mãn, ngoài ra, “xây chín bậc phù đồ” trong câu nói trên có ý nghĩa rộng hơn, khái quát là làm các việc phước đức như cứu người, giúp người trong cơn khốn khó, xây chùa, đúc chuông, tạo tượng… hay cúng dường Tam bảo, làm phước nói chung. Theo Phật giáo, cúng dường Tam bảo tạo ra phước báo to lớn cho người phát tâm trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, cứu người vượt thoát bệnh tật, hoạn nạn; giúp con người được an lạc, hạnh phúc là việc làm có phước báo lớn nhất. Do vậy, câu “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người” chỉ là câu nói truyền miệng trong dân gian song chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật giáo. Nói nôm na mà khá cụ thể là: “Dẫu xây chín bậc phù đồ”… xem ra cũng chẳng thiết thực bằng việc “làm phúc cứu cho một người”, và nếu ai nghiên cứu kinh sách Phật giáo sẽ thấy việc cứu người hay “vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” là tôn chỉ của Phật giáo.

Thấy việc gì tốt thì cứ làm

Kinh Lăng nghiêm có câu: "Tương thử tâm thân phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân". Câu này, ta có thể hiểu rằng: Ai dốc lòng phụng sự cõi thế gian, tức là đã đền đáp, báo ân Phật. Vậy còn câu: "Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng lượm một cái gai giữa đường"? Bản thân tôi, thấy câu này dễ áp dụng hơn câu "cứu cho một người". Thấy người uống nước dưới sông, tôi không biết bơi thì chỉ còn biết la làng gọi người đến cứu, nếu không có ai đến thì coi như đứng nhìn người ta chết. Hoặc có lần tôi nghe chùa Xá Lợi bị kẻ trộm vào khoắng hết tiền bạc. Chúng ta đều biết lúc ấy, chùa mới vừa xây dựng nhà hậu Tổ không biết đã trả đủ tiền chưa, lại đang tiếp tục làm lại tất cả cửa kính của chùa bằng kính màu không phai, độ bền vĩnh cửu thì sự mất của ấy đáng thương lắm, đáng xót lắm song bản thân tôi còn đang "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" thì làm sao "cứu"? Thương vay khóc mướn chăng? Với tôi, chẳng thiết thực. Đạo Phật vào Việt Nam với những tư tưởng cao tót vời, thì người dân Việt Nam chuyển hóa ra cái cụ thể hơn cái trừu tượng, chuộng hành động cụ thể hơn lý thuyết suông. Câu "Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người", hoặc "lượm một cây gai giữa đường" là cái cụ thể. "Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối" là cái cụ thể.

Dẫn vài ví dụ như vậy để thấy việc "lượm một cây gai giữa đường" dễ hơn. Và việc này, tôi làm từ nhỏ đến tận ngày nay. Hồi nhỏ, ở quê, đường làng đầy gai tre, gai mắt ó, mà dân quê thì luôn đi chân trần. Khi đạp phải cây gai thì đau lắm, phải ngồi xuống lể lấy cây gai ra khỏi bàn chân mới tiếp tục đi được, thế mà nhiều người còn bị làm độc, nghỉ lao động những mấy ngày. Mà nghỉ lao động thì ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của cả nhà. Do đó, tôi thường nhặt gai giữa đường, ném vào bờ tre, bờ giậu khi phát hiện. Ở thành phố khi thấy những cây đinh, những ốc vít nằm ở tư thế có thể đâm xuyên qua giày dép hoặc bánh xe, tôi cũng lượm; những miếng mảnh chai cũng được tôi “mời” về nằm trong giỏ rác. Thế nhưng khi lớn tuổi, tôi lại nghĩ khác. Cái cây gai trong câu "Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng lượm một cây gai giữa đường" không chỉ là cây gai tôi thường lượm mấy chục năm qua, mà còn là "sự khó khăn" của con người ở cõi Ta bà này, trong đó có người thân của mình, bạn bè mình. Khi tuổi đã qua một vòng hoa giáp, nhìn lại thấy mình đã "lượm không ít sự khó khăn ấy", nên trong lòng có chút gì đó vui vui. Nói điều này để thấy việc gì tốt, ta cứ làm dù việc ấy chẳng quan trọng gì so với việc cứu người sắp chết đuối, cứu người đang bị tai nạn trên đường, cứu người đang bị biển lửa phủ đầy, kể cả những người cờ giong trống giục đi làm từ thiện tiền triệu tiền tỷ, song từ những việc nhỏ ấy trở thành thói quen, thành tập quán thì thực tế trong cuộc sống ta sẽ có được những việc làm có ích mà ta không nhớ, và có thể nhờ vậy mà ta thấy cuộc đời đáng yêu hơn.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6712145