NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO THỜI LÊ SƠ (tt)
NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO THỜI LÊ SƠ (tt)
PHẠM THỊ CHUYỀN
b) Thực hành Phật giáo thời Lê sơ
Về thực hành nghi lễ Phật giáo thời Lê sơ, hiện chưa có những công trình đề cập cụ thể. Tuy nhiên, có hai nhà nghiên cứu là Nguyễn Tài Thư và Hà Văn Tấn đã phát biểu một cách khái quát về nghi lễ Phật giáo của thời Trần, Lê, Nguyễn. Hà Thúc Minh [106, tr.272] tổng hợp lại thành “Sinh hoạt tinh thần và văn hóa của Phật giáo suốt từ thời độc tôn, qua sử liệu, phần lớn tập trung vào những việc đoán điềm, giải mộng, cầu tự cho có con nối dõi, cầu sống lâu, đảo vũ cầu mưa, phù phép chữa bệnh”. Hà Văn Tấn [104, tr.28] qua kết quả thám sát ở chùa Đậu và những minh chứng khác nhận định về Phật giáo Trần, Lê, Nguyễn là đã có “một sơn môn riêng (sơn môn Dâu) mang đậm sắc thái Việt Nam bao gồm Phật điện riêng (các tượng tứ Pháp và tượng Thạch Cuông), một hệ thống kinh kệ riêng (kinh Tứ Pháp), một nghi thức cúng tế riêng (nghi lễ rước các tượng Tứ Pháp cầu mưa)”. Đây là những luận điểm hữu ích cho nghiên cứu Phật giáo thời quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, tuy nhiên, với nghiên cứu nghi lễ Phật giáo thời Lê sơ thì cần có những bằng chứng xác thực hơn và một sự tìm hiểu chuyên sâu.
Về vấn đề xây dựng và trùng tu cơ sở thờ tự Phật giáo thời Lê sơ, Nguyễn Duy Hinh và Lê Đức Hạnh [94, tr.532-580] đã có sự tổng kết trên cơ sở so sánh Phật giáo thời Lê với Phật giáo thời Lý -
Trần: “Thời Lê nói chung là thời Nho giáo. Văn miếu, văn chỉ và bia tiến sĩ thay vì chùa tháp. Chùa tháp vẫn còn đó, thậm chí xuất hiện chùa tháp mới trong dân gian nhưng không còn sôi động như thời Lý - Trần”. Tuy nhiên, năm 2002, nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn [104, tr.218] đã có những luận điểm khác với Nguyễn Tài Thư. Ông cho rằng: “Các công trình kết trúc Phật giáo của thời kỳ trước như Bối Khê, chùa Thầy, Chùa Dâu... không ngừng được tu bổ, mở mang. Nhiều công trình Phật giáo có quy mô to lớn đã được xây dựng bằng tiền của của vương hầu quý tộc và của thập phương như: chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian, chùa Mía (Hà Tây), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), chùa Phẩm (Hải Dương)…”. Vấn đề đặt ra là Nguyễn Tài Thư dựa trên sử liệu của chính sử, Hà Văn Tấn dựa trên kết quả khảo sát cơ sở thờ tự, vậy trên nguồn tư liệu khác như văn chương, bi ký có thể cho những luận điểm nào khác không? Điều này đặt ra những vấn đề nghiên cứu cho những người kế tiếp.
c) Đặc trưng niềm tin Phật giáo thời Lê sơ
Về sự đa dạng trong niềm tin Phật giáo của con người thời quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, từ năm 1984, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu [96, tr. 110] đã có nhận định: “Trong một số người – kể cả Nho sĩ và người dân, họ chịu chi phối của tư tưởng Nho giáo, nhưng về mặt con người, về đạo đức, tính người, cách sống nhiều khi họ chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo còn nhiều hơn”. G.Condominas [88, tr.31-38] phân tích cụ thể hơn nữa: “Một công dân hay một cá nhân, anh ta theo lời dạy của Khổng Tử, nhưng khi đối diện với số phận, anh ta quay sang khái niệm của Đạo giáo. Thậm chí, nếu Phật giáo Đại thừa đã có ảnh hưởng đến các mối quan hệ của anh ta với thế giới khác, cách ứng xử cá nhân của anh ta sẽ còn thấm đậm chất Đạo giáo. Thực tế này là chứng cứ cẩn trọng của anh ta nhằm tuân theo sự hài hòa của vũ trụ để quan tâm đầy đủ đến nguồn gốc và dòng chảy năng lượng khắp trong vũ trụ. Những mối quan tâm ở đây được khuếch đại trong sự mong muốn của anh ta lui về sống với thiên nhiên cũng như sự trông cậy của anh ta vào phép địa bốc và các thủ tục bói toán đa dạng khác, thậm chí là phép thuật. Tuy nhiên, chủ yếu là Khổng giáo và Phật giáo ảnh hưởng đến ứng xử luân lý của anh ta”. Trong trường hợp Việt Nam thời Lê sơ, niềm tin Phật giáo hỗn dung với các niềm tin khác được nghiên cứu với trường hợp Lê Thánh Tông. Mai Xuân Hải [92] khi nghiên cứu về thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông đã có nhận định: “Lê Thánh Tông cũng tin vào quỷ thần, cho rằng con người có thể "xin" quỷ thần tạo ra mây mưa giúp cuộc sống con người. Trong tư tưởng triết học của mình, Lê Thánh Tông cũng ảnh hưởng quan điểm của Lão giáo và Phật giáo. Ông cho rằng núi sông, thành quách là do quỷ thần tạo ra. Trong quá trình trị vì, Lê Thánh Tông nhiều lần thực hiện cũng như sai các quan cầu đảo, tế âm hồn”. Quan điểm này được Doãn Chính [86, tr.494] kế thừa trọn vẹn. Doãn Chính nhấn mạnh Lê Thánh Tông lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống trên phương diện chính trị, nhưng trên phương diện chính trị đạo đức, ông tiếp thu ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo và Đạo giáo.
Vai trò của Phật giáo thời Lê sơ
Vấn đề vị trí và vai trò của Phật giáo thời Lê sơ đã được đề cập trong những công trình nghiên cứu của Nguyễn Tài Thư, Bùi Thanh Chương, Thiên Chí Từ, Chu Quang Trứ, Nguyễn Thừa Hỷ, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Đức Sự, Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Đại Doãn, Lê Văn Quán, Trần Đình Hượu, Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng, Phạm Thị Thùy Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Duy Hinh. Những luận điểm khu biệt về hai nhóm. Nhóm thứ nhất bàn tới vấn đề Phật giáo trong đời sống cá nhân. Nhóm thứ hai bàn luận nhiều về vấn đề Phật giáo trong đời sống chính trị - xã hội.
Nhóm thứ nhất bàn về Phật giáo trong đời sống cá nhân thời Lê sơ có hai tác giả là Nguyễn Tài Thư và Bùi Thanh Chương. Nguyễn Tài Thư [106, tr.286] qua nghiên cứu tác phẩm văn chương của Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông đã có nhận xét rằng, một điều nữa được chứng tỏ là Phật giáo bị loại khỏi ảnh hưởng và vị trí xã hội thì lại sống trong tâm tư tình cảm và thể hiện trong nhiều tác phẩm bác học cũng như dân gian. Sau đó, Bùi Thanh Chương [87, tr.28-34] nhấn mạnh, “nhiều nhà tư tưởng và chính Lê Thánh Tông ngoài việc sử dụng Nho giáo như công cụ hữu hiệu để quản trị đất nước trên phương diện chính trị đất nước, vẫn không bỏ qua đời sống tâm linh của mình, của con người. Về phương diện này, Phật giáo và Đạo giáo có ưu thế hơn cả”. Hai tác giả này nhìn nhận Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và nhiều nhà tư tưởng khác thời Lê sơ có hai phương diện đời sống của bản thân là con người chính trị và con người cá nhân. Khi họ làm chính trị, họ cần những ưu điểm của Nho giáo, nhưng khi lui về với đời sống cá nhân họ cần tới những ưu điểm của Phật giáo và Đạo giáo mà Nho giáo không đáp ứng được.
Nhóm thứ hai bàn về Phật giáo trong đời sống chính trị - xã hội thời Lê sơ gồm những tác giả còn lại. Trong nhóm này đã phân thành hai quan điểm tương đối khác nhau. Phân nhóm thứ nhất cho rằng Phật giáo thời Lê sơ không chỉ “vắng bóng trên sân khấu tư tưởng của thời đại” (Nguyễn Đức Sự [103, tr.54]) mà còn bị đả kích tới mức phải trở về “nương náu và lan tỏa trong quần chúng bình dân” (Nguyễn Thừa Hỷ [97, tr.300]), “ngày càng đi xuống, phân tán về những vùng nông thôn làng xã” (Nguyễn Hùng Hậu [93,, tr.233]), thậm chí “Phật giáo thời Lê sơ còn kém hơn Đạo giáo Lê sơ” (Đinh Khắc Thuân [107, tr.52]). Về tăng sĩ Phật giáo thời Lê sơ, “thế lực của nhà sư về mọi mặt – kinh tế, chính trị, văn hóa – bị sa sút hẳn” (Phan Huy Lê – Trần Quốc Vượng [99, tr. 173-174]), thậm chí “đã thành những tay sai đáng thương hại của vua quan hoặc các nhà có tiền khi muốn cầu tự, cầu tài, mặc dầu bề ngoài như tưởng họ vẫn tôn kính” (Mật Thể [105, tr.174]). Cơ sở cho những luận điểm trên là triều đình Lê sơ chủ trương “độc tôn” Nho giáo, hạn chế Phật giáo.
Phân nhóm thứ hai nghiêng về quan điểm cho rằng tự thân Phật giáo vẫn có những ưu thế đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và tình cảm của con người thời Lê sơ. Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng [91, tr.152 – 155] cho rằng “Phật giáo bị thất sủng nơi cung đình, nhưng do tinh thần cởi mở, hòa hợp và từ bi của Phật giáo cho nên dòng chảy Phật giáo dân gian thời Lê sơ vẫn không ngừng tuôn chảy”. Trong khi đó, Lê Văn Quán [101, tr.222] thấy rằng “Phật giáo không được thịnh hành như ở thời Lý - Trần nữa, nhưng quần chúng nhân dân vẫn âm thầm đi theo Phật giáo. Bởi vì, họ tin rằng Phật sẽ phù hộ, độ trì cho họ sống lâu, ấm nó và giàu sang”. Từ nghiên cứu về văn bia, Phạm Thị Thùy Vinh [113, tr.33] nhận định “dù triều đình Lê sơ khi ấy có ngăn cấm Phật giáo thì trong dân gian vẫn có một dòng chảy âm thầm để nuôi dưỡng tâm Phật, dân chúng vẫn mộ đạo Phật và hướng về đạo Phật”. Vì thế, Phật giáo thời Lê sơ tuy không làm nền tảng tư tưởng của xã hội, nhưng “không mất đi vai trò của nó” (Hà Văn Tấn [104, tr.186]), cũng như Đạo giáo “vẫn còn ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân” (Trần Đình Hượu [96, tr. 108]), “vẫn phát triển và gắn với dân” (Chu Quang Chứ [110, tr. 461-463]). Nguyễn Duy Hinh [95, tr. 333] nhấn mạnh hơn nữa “Phật giáo thế kỷ XV, XVI tiềm ẩn chứ không phải bị tiêu diệt hay tiêu vong”. Nguyễn Thanh Tuấn [112, tr.60] thêm một vế nữa “Phật giáo vẫn phát triển trong nhân dân và tồn tại như một lực lượng xã hội không nhỏ”. Cuối cùng, Nguyễn Thừa Hỷ [97, tr.301] tổng kết lại “Phật giáo thời Lê sơ tuy đã bị hạn chế, tách khỏi nhà nước, mất đi tính quan phương trong hệ tư tưởng, nhưng vẫn tiếp tục phát triển thầm lặng, trở thành một tôn giáo phi chính thống, đậm tố chất dân gian”. Khác với phân nhóm thứ nhất, phân nhóm này dựa trên cơ sở những ưu điểm của Phật giáo, ở khả năng Phật giáo có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của người thời Lê sơ. Sự “suy thoái” trên phương diện chính trị hay tư tưởng và sự “phát triển thầm lặng” trong dân gian của Phật giáo còn cần thêm nữa những chứng cứ thuyết phục hơn.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết