NGÔI CHÙA CÓ LỊCH SỬ GẦN 300 NĂM Ở TP. HỒ CHÍ MINH
NGÔI CHÙA CÓ LỊCH SỬ GẦN 300 NĂM
Ở TP. HỒ CHÍ MINH
ĐINH HỮU CHÍ
Cổng tam quan chùa Huê Nghiêm ở quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh. Ảnh:HC
Ở TP. Hồ Chí Minh có hai ngôi chùa tên Huê Nghiêm, một ở đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức và một ở đường Lương Định Của, Quận 2. Cả hai đều có kiến trúc hoành tráng, tuy nhiên về thời gian thì hai ngôi chùa hiện diện ở vùng đất phương Nam cách nhau trên 200 năm.
Nhìn cổng tam quan và kiến trúc ngôi chùa Huê Nghiêm ở số 204 đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, ít có người biết đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử xưa nhất có mặt ở TP. Hồ Chí Minh cách nay gần 300 năm. Thuở ban đầu, ngôi chùa nhỏ được dựng lên trên vùng đất thấp ở Linh Sơn thôn, Gia Định tỉnh, thuộc địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh. Vị trí ngôi chùa xây dựng lúc ban đầu cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100 m.
Thượng tọa Viện chủ Thích Minh Đạo tiếp tôi tại hậu liêu, kể chuyện về sự tích ngôi chùa:
“Thuở trước có bà Nguyễn Thị Hiên (1763 – 1821), một Phật tử chí thành, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, đổi đất tư với đất làng và sau đó cúng đất để xây lại ngôi chùa mới khang trang hơn. Bà Hiên không chỉ hiến mảnh đất để dựng chùa mà còn là một thí chủ nổi tiếng về lòng từ thiện. Đến cuối đời, trước ngày tạ thế, bà bảo với mọi người rằng mình sẽ lâm chung vào ngày mồng 1 tháng 6. Rồi bà nhờ người thân viết vào lòng bàn tay bằng sơn đỏ với dòng chữ: “Nguyễn Thị Hiên, Hoa Nghiêm Tự, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, An Nam”. Tục truyền, do công đức lúc sanh tiền nên sau khi tạ thế, bà được đầu thai làm công chúa triều nhà Thanh (Trung Quốc). Truyền thuyết kể rằng: Năm 1821, Hoàng hậu nhà Thanh sanh một công chúa có một bàn tay nắm lại, trên lòng bàn tay nổi một dòng chữ màu son: “An Nam quốc, Gia Định tỉnh, Linh Sơn thôn, Hoa Nghiêm tự”. Các thầy phong thủy triều nhà Thanh tâu với vua: “Nếu ở xứ An Nam có hiện tượng như vậy thì lấy nước giếng của chùa đem về rửa tay cho công chúa, dòng chữ trên lòng bàn tay công chúa sẽ đước xóa đi và bàn tay công chúa sẽ tự nhiên mở ra”. Vua nhà Thanh nghe tâu như vậy liền gửi sứ giả qua Việt Nam để làm rõ nguyên nhân. Sứ giả tìm tới chùa Hoa Nghiêm và được Tổ Tế Lý (1763 – 1829), xác thực sự việc. Sau khi biết rõ lai lịch bà Nguyễn Thị Hiên, sứ giả đã kể lại cho Tổ biết điều linh diệu của sự việc trùng hợp ở hai nơi cách xa nhau… Sau đó, vua nhà Thanh cho đúc một tượng Phật, một đại hồng chung rồi cho người mang dâng cúng cho chùa Hoa Nghiêm cùng xin phép Tổ cho trùng tu lại ngôi chùa và xây lại ngôi mộ bà Nguyễn Thị Hiên ở trong khuôn viên chùa theo kiểu kiến trúc người Hoa”…
Sau đó, Thượng tọa Viện chủ đi mở khóa cửa tiền sảnh rồi hướng dẫn tôi vào bên trong, chỉ và giải thích cho tôi biết hiện tại chùa còn lưu giữ 3 tượng Phật cổ: một tượng bằng đồng trên 200 năm tuổi và hai tượng bằng gỗ mít tất cả được sơn nhũ màu vàng, thoạt trông không thể biết đó là di vật cổ!...
Chùa được Thiền sư Thiệt Thụy – Tánh Tường (1681 – 1757) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhiều tư liệu hiện nay xác định chùa được thành lập vào năm 1721. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm.
Chư vị trụ trì tiền nhiệm của chùa là: Hòa thượng Thiệt Thụy – Tánh Tường (đời thứ 35 Lâm Tế Chánh Tông), Hòa thượng Tế Lý – Quảng Đức (đời thứ 36 Lâm Tế Chánh Tông), Hòa thượng Liễu Xuân – Tiên Minh (đời thứ 37 Lâm Tế Chánh Tông), Hòa thượng Đạt Lý – Huệ Lưu (đời thứ 38 Lâm Tế Chánh Tông), Hòa thượng Từ Thông – Hồng Tín (đời thứ 40 Lâm Tế Gia Phổ), Hòa thượng Nhật Lượng – Trí Độ (đời thứ 41 Lâm Tế Gia Phổ), Hòa thượng Lệ Phương – Thiện Bửu (đời thứ 42 Lâm Tế Gia Phổ).
Chùa là nơi phát xuất nhiều vị cao tăng của Phật giáo miền Nam, như Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu tức Tiên Giác – Hải Tịnh, Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu, Hòa thượng Thích Từ Văn, Hòa thượng Thích Trí Đức, Hòa thượng Thích Trí Quảng…
Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu được xem là vị Tổ quan trọng nhất ở miền Nam vào thế kỷ XIX. Ngài Tế Giác xuất gia với Tổ Thiệt Thụy, sau đấy, trên đường tiến tu, ngài đã đến tham vấn học đạo với Tổ Phật Ý – Linh Nhạc. Vâng lời chỉ dạy của Tổ Phật Ý, ngài cầu pháp với Tổ Tổ Tông – Viên Quang nên có tên là Tiên Giác – Hải Tịnh (theo dòng truyền thừa của hệ Lâm Tế Gia Phổ). Năm 1825, vua Minh Mạng sắc phong chức Tăng cang cho ngài và bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế). Đến đời Thiệu Trị, ngài được cử làm trụ trì chùa Giác Hoàng. Ngài đã giáo dưỡng, đào tạo nhiều nhân tài cho Phật giáo. Ngài đã trở thành Tổ sư của cả ba tông: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông.
Chùa Huê Nghiêm được trùng tu nhiều lần. Lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức. Kiến trúc chùa hiện nay được thay đổi ở những lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 và 2003 do các ngài Thiện Bửu, Trí Đức và Trí Độ tổ chức, với mái ngói chồng diêm, các đầu đao cong vút. Bờ nóc mái trang trí những hoa sen cách điệu. Lần đại tu gần đây nhất là vào năm 2011. Ngày nay chùa mang dáng vẻ kiến trúc hiện đại.
Một trong 3 tượng Phật cổ của chùa Huê Nghiêm (thoạt trông không thể biết đây là pho tượng cổ)
Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Bàn thờ kế tiếp thờ Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền). Trước có tượng Thích Ca Đản sanh và bảy vị Phật Dược Sư. Bàn thờ hai bên thờ Bồ tát Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và Bồ tát Di Lặc. Sau điện Phật, có bàn thờ linh vị chư Tổ và bàn thờ bà Nguyễn Thị Hiên cùng chư vị Phật tử quá cố.
Khuôn viên chùa khá rộng, có nhiều tháp cổ. Tam quan chùa và đài Quan Âm ở sân trước chùa được xây vào năm 1990. Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác
Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ.
Hằng năm, rất đông Tăng Ni, Phật tử khắp nơi về chùa dự lễ húy kỵ Tổ khai sơn vào ngày 06–10 âm lịch và húy kỵ Tổ Huệ Lưu vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết