Thông tin

NGÔI CHÙA ĐẸP NHẤT

 

NGUYÊN CẨN

 


 

Khi công nghệ thông tin ứng dụng vào lễ nghi

Tại buổi Tọa đàm “Sinh hoạt Phật giáo trên nền tảng công nghệ số” được tổ chức tại Khách sạn Continental ngày 9 tháng 5 năm 2022 do Công ty Sen Bụt tổ chức với sự tham dự của quý Hòa thượng, Thượng tọa cùng một số nhà báo, văn nghệ sĩ và doanh nhân. Cuộc hội thảo diễn ra hết sức bổ ích với nhiều góc nhìn đa chiều về công nghệ số với những thuận lợi như lưu trữ kinh điển, thuyết giảng online tiện lợi cho nhiều đối tượng xa cách nhau về không gian, thời gian… Một vài thông tin ghi nhận được như Phật “robot” Xian’er ở chùa Long Tuyền (Bắc Kinh, Trung Quốc) hay Mind Mindar cao 1,95 mét mô phỏng hình tượng Quan Thế Âm, biết tụng kinh, thuyết giảng và trả lời một số câu hỏi dễ hiểu bằng tiếng Nhật, phụ đề Anh và Trung văn tại chùa Kodaiji ở Kyoto (Nhật Bản) hay chuyện nhà sư Gyosen Asakura trụ trì chùa Asakura (Fukui, Nhật Bản) đã phát minh ra hoio, công nghệ hợp nhất hình ảnh, kinh điển Phật giáo truyền thống với ánh sáng điện tử rực rỡ, bắt mắt, để thể hiện những hình ảnh về cuộc sống của linh hồn sau khi chết ở cõi Cực lạc trong các buổi thuyết giảng nhằm thu hút Phật tử đến chùa… Đặc biệt có hai doanh nghiệp nghiên cứu sâu về lãnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã nhập máy “đo chánh niệm” trong quá trình nghiên cứu về Thiền với mục đích “định lượng” được mức độ tu tập của thiền giả. Có người còn đi xa hơn khi đề nghị có những bài học về giáo lý thực tiễn cho giới trẻ trên không gian mạng để giúp các em thoát khỏi tình trạng cô đơn, tuyệt vọng mà con số được nêu gây ngạc nhiên khi ở Việt Nam, hàng năm có tới 40 nghìn người tự tử, khoảng 5.000 người trong số này tìm đến cái chết do bệnh lý trầm cảm. Đặc biệt, theo số liệu của một nghiên cứu, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Trước đó, do tình hình dịch bệnh, chấp hành chủ trương của chính phủ không tổ chức các khóa lễ tập trung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho phép thử nghiệm ứng dụng CNTT trong các khóa lễ cầu an đầu năm, đáp ứng nhu cầu cúng lễ của quần chúng, một hình thức được giải thích là “phù hợp với tình hình mới”. Bên cạnh đó, cúng dường online (thông qua ví điện tử MoMo), trước đây là việc khá lạ lẫm cũng được cho phép trên cơ sở tự nguyện của tín đồ.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện “Thời gian qua, GHPGVN đã ứng dụng thành công CNTT trong quản lý điều hành, tổ chức các đại lễ lớn như Đại lễ Vesak LHQ, trong công tác hoằng pháp, tổ chức các khóa lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến... Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của GHPGVN đã được triển khai một cách bài bản và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của GHPGVN”.

Một vướng mắc lớn nhất mà các chư tôn đức nêu lên trong tọa đàm là “tâm truyền tâm” mà “online” không thể đáp ứng được, ví dụ như lễ Quy y vốn đòi hỏi 3 điều kiện: Giới chủ thanh tịnh, giới tử chí thành và giới đàn trang nghiêm, trong đó yếu tố thứ ba sẽ không đáp ứng được nếu “quy y online” (!) hay máy “đo chánh niệm” thì chỉ phần nào cho biết mức độ “thiền định” thôi chứ thiền tuệ không đo được (ai định lượng được sự giác ngộ trong tâm thức mỗi người?). Ngoài ra, vận dụng CNTT có thể đưa đến những việc sai lệch như lắp đặt máy xin xăm tự động (Chùa Vạn Phật, quận 5, TPHCM)… hay những sinh hoạt khác theo hình thức online chỉ vì tò mò và niềm vui thích thụ hưởng những công nghệ mới mẻ thì có hời hợt và nông nổi lắm không?

Chúng ta đang “hiện đại hóa” Phật giáo hay Phật pháp chăng? Hay chỉ là một “phương tiện thiện xảo” như muôn vạn pháp môn? Thiền sư Nhất Hạnh nhận định rằng vấn đề đặt ra cho đạo Phật là vấn đề hiện thực hóa (actualization) chứ không phải vấn đề hiện đại hóa (modernization). Ý tưởng này có thể trả lời thỏa đáng cho câu hỏi có nên ứng dụng CNTT vào tôn giáo hay không? Quả vậy, yếu tố công nghệ hấp dẫn là phương tiện để con người hân hoan hơn khi bước vào ngôi nhà tôn giáo, còn tìm ra giáo lý kỳ diệu và sâu xa thì muôn đời phụ thuộc vào tự lực của từng cá nhân. Nếu chúng ta không hướng đến thực chứng, khai mở những chân trời tuệ giác cho từng cá nhân vì đạo Phật là đạo của tuệ giác, bản thân chữ Buddha cũng đã hàm nghĩa ấy “đấng giác ngộ”.

Lễ ai, ai lễ?

Chúng ta nhớ câu chuyện thiền về việc an tâm khi Thần Quang nói với Tổ Đạt Ma: “Tâm con không an, xin thầy an tâm cho con”. Tổ Đạt Ma trả lời: “Ông đem tâm ra đây, ta an cho. Thần Quang đáp: “Con tìm Tâm mà tìm không thấy”. Tổ Đạt Ma trả lời: “Vậy là ta đã an tâm cho ông rồi!”. Giải thích điều này, có lời giảng: “Tâm đã an ở hai thì: 1) Lúc tìm tâm, đem tâm tìm tâm thì còn tâm đâu để não phiền, để bấn loạn? Nên tìm tâm thì tâm an; 2) Lúc tìm không thấy thì thấy không, thấy không thì tâm an!”.

Trong một bài viết trước đây cho Nguyệt san Giác Ngộ, chúng tôi đã viết:

Có người chất vấn, đã hiểu là “Năng lễ sở lễ tánh không tịch” thì tại sao trong Phổ Hiền thập nguyện, nguyện đầu tiên phải là “Lễ kính chư Phật”. Vì sao? Phật là ai? Phật ở đâu? Phật chính là tâm. Hữu tình chúng sanh có Phật tánh, vô tình chúng sanh có pháp tánh. Vậy thì “lễ kính chư Phật” chính là lễ kính Phật tánh của tất cả chúng sanh, không chỉ riêng của mình. Chúng ta đối với người, với sự vật đều phải cung kính. “Phật pháp kiến lập trên cơ sở tâm cung kính, phải cung kính với hết thảy, bình đẳng cung kính, thanh tịnh cung kính” (Thích Trung Hậu, Hạnh đức của Bồ-tát Phổ Hiền). Trong mười đại nguyện, nguyện thứ nhất là căn bản. Chỉ cần thực hiện được lễ kính thì chín điều sau này đều viên mãn.

Học Phật là học lễ kính. Lễ kính là tánh đức, cái chúng ta vốn sẵn có. Hiện tại ta mê hoặc điên đảo, khởi lòng kiêu căng ngã mạn, đánh mất tánh đức. Học Phật chính là khôi phục tánh đức ấy. Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”; phàm các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi thì gọi là “chúng sanh”. Chúng ta nghĩ coi: Có pháp nào chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra hay không? Chỉ có hư không mới chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra. Thân thể của chúng ta, giá nến, lư hương, đều là do các duyên hòa hợp sanh ra, đều gọi là chúng sanh. Kinh Hoa nghiêm có một câu mà chúng ta thường tụng đọc nhưng có khi không để ý: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Tình là hữu tình chúng sanh, chỉ động vật, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới. Vô tình là vô tình chúng sanh, chỉ thực vật, khoáng vật. “Đồng viên chủng trí” là thành Phật. Khi nào vô tình thành Phật vậy? Y báo chuyển theo chánh báo. Ngày nào chúng ta thành Phật, liền nhận thấy sơn hà đại địa, hết thảy cỏ cây, vi trần thảy đều thành Phật cả. Khi kính Phật tánh của tha nhân, ta kính cả chính mình. Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tôn kính ông Phật trong mình, đó là tu” (Nguyên Cẩn - Lễ Phật đầu năm - giacngo online).

Thiền sư Nhất Hạnh giảng giải “Khi ta quy y Phật là trở về với khả năng tỉnh thức, khả năng đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm của mình trong đời sống hàng ngày… Nếu quy y Phật đúng cách thì với mỗi hơi thở, mỗi bước chân mình đều trở về với chánh niệm, chánh định, nghĩa là trở về với đức Phật trong con người mình. Quy y Pháp là trở về nương tựa nơi giáo pháp của Thế tôn đã chỉ dạy để mình có thể theo đó mà thực tập và hành trì. Mỗi khi có buồn, có lo, mình biết cách sử dụng Pháp và an trú trong Pháp để chuyển hóa… Quy y Tăng cũng vậy. Có người đem gạo, cơm, rau muống tới cúng dường. Họ thực tập sùng tín để có công đức. Họ cũng bớt khổ nhiều lắm…” (Thích Nhất Hạnh - Những con đường đưa về núi Thứu, NXB Phương Đông, 2013).

Khi chúng ta dự các khóa lễ trên mạng, chúng ta phải một lòng sùng tín, cũng như khi đến chùa. Vì sao? Đối tượng sùng tín của chúng ta là những vị Phật. Sùng tín đức Bổn Sư không đủ, phải có những vị Phật khác như Phật A Di Đà mà ta biết người là Vô lượng thọ quang, nghĩa là khi tâm ta tưởng đến ngài là đã mở cánh cửa vào Tịnh Độ.

Thiền sư Nhất Hạnh giải thích thêm: “Lạy xuống trước một vị Bồ tát tên Đại Trí Văn thù không phải là thờ cúng một vị thần mà lạy xuống trước một cái gì có thật. Chúng ta đau buồn, ganh tỵ, giận hờn nhưng khi hiểu ra thì chúng ta hết đau buồn, ganh tỵ, giận hờn. Đại trí là một yếu tố của giải thoát. Điều này cũng đúng với đại bi. Hình ảnh Đức Quan Âm, có khi là đàn bà có khi là đàn ông không phải là một vị thần vu vơ mà là chất liệu có thật… Chúng ta đã nhân cách hóa những chất liệu đó để mình dễ dàng tập trung, vì vậy chúng ta đã có những Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng. Ở thế gian chúng ta có Bồ tát Dân chủ, Tự do, Công bằng, Tình Huynh đệ. Ba vị Bồ tát của nước Pháp là Bồ tát Tự do, Bồ tát Huynh đệ và Bồ Tát Bình đẳng (Liberté, Fraternité, Egalité). Khi lạy, chúng ta tiếp xúc được với năng lượng vĩ đại của tình thương, của trí tuệ, của những người đi trước chúng ta, những người đang đi với chúng ta và sẽ đi với chúng ta…” (Thích Nhất Hạnh - sđd).

Những hình thức truy tập hay hành trì là phương tiện quyền xảo (skillful means). Với tinh thần ấy, chúng ta có rất nhiều không gian, rất nhiều điều kiện để học hỏi những pháp môn mới, những cách hành trì mới, những giáo lý mới, nhưng với điều kiện là nó phải có khả năng đưa con người tới gần chánh pháp.

Theo Huỳnh Ngọc Chiến: “Ẩn dụ ngón tay chỉ mặt trăng là một minh họa nổi tiếng trong kinh Lăng-già nói về mối tương quan giữa chứng ngộ và ngôn thuyết, giữa ngôn ngữ và ý nghĩa. Ta phải nương theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng. Muốn thấy được mặt trăng thì phải hiểu được “ý tại ngôn ngoại”, phải nghe được “huyền ngoại chi âm” (Huỳnh Ngọc Chiến - Ngón tay chỉ trăng: Thông điệp kinh Lăng Già, phatgiao.org.vn).

Hễ cứ chấp vào kinh văn thì ta lấy ngón-tay-chỉ-mặt-trăng làm mặt trăng. Còn như chấp vào những lời luận giải của Đại sư Suzuki về kinh văn thì ta lại lấy ngón-tay-chỉ-ngón-tay-chỉ-mặt-trăng làm mặt trăng. Như vậy sẽ càng vô minh quá lắm. Cũng chính vì lý do đó, mà tác giả đã dựa theo tinh thần kinh Lăng-già để không ngừng cảnh báo bằng những lời thống thiết:

“Sự tương quan giữa ngôn ngữ và ý nghĩa, hoặc giữa văn từ (akshara) và thực tướng (tattvam hoặc tathāvam), hoặc giữa ngôn thuyết (deśana) và chân lý (siddhānta), cũng giống như sự tương quan giữa ngón tay và mặt trăng. Cần phải có một ngón tay để chỉ mặt trăng, nhưng không nên chấp ngón tay làm mặt trăng” (Huỳnh Ngọc Chiến- đd).

Nghi thức nào cũng chỉ là hình thức, là phương tiện, cái chúng ta nhắm đến là hiệu quả đích thực, cũng giống như việc học tập trung và trực tuyến. Mục đích cuối cùng vẫn là sự nắm vững bài học và vận dụng.

Ngôi chùa đẹp nhất

Theo B’su Danglu: “Muốn bảo vệ đạo Phật một cách hữu hiệu, mỗi người Phật tử phải xây một ngôi chùa cho chính bản thân mình… Chùa đây đích thực là ngôi đại hùng bửu điện trong đó người Phật tử trở về tìm thấy nội tâm mình… Đó là ngôi chùa vững chắc có thể che chở cho ta không bị những ngọn cuồng phong của thế cuộc xô đẩy và lôi cuốn… Vào thế kỷ 11, có một vị thiền sư Việt Nam tên là Ngộ Ấn, thiền sư này đã thực hành và truyền dạy pháp môn Tam bản: “Dĩ thân vi Phật, dĩ khẩu vi Pháp, dĩ tâm vi thiền”. Giáo lý tam bản dạy người chấm dứt sự truy cầu rong ruổi bên ngoài và trở lại với ngôi chùa thân, khẩu, ý,… Ông lo sợ “Con người thời đại cảm thấy lạc lõng và bị biến thành máy móc. Đạo Phật là gì nếu không phải là những pháp môn giúp ta thực hiện sự trở về kia? Nhưng làm sao chúng ta có thể tìm thấy được bản chất của đạo Phật nếu ta chưa có cảm giác là chúng ta cần đến đạo Phật? Chỉ sợ chúng ta không đủ sức sử dụng đạo Phật để cứu bản thân mình” (B’Su Danglu - Đạo Phật ngày mai, Lá Bối, 1970).

Trong kinh có đoạn viết kể rằng một hôm có nhà lãnh đạo một giáo phái tới thăm và hỏi Phật: “Tu theo đạo ngài thì ngày ngày làm gì?”. Phật nói: “Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống… v.v”. Người kia hỏi: “Vậy thì có gì đặc biệt? Người thế gian cũng làm hệt như vậy?”. Phật nói: “Đặc biệt chứ. Người đời tuy có đi đứng nằm ngồi ăn uống nhưng họ không biết họ đi đứng nằm ngồi ăn uống. Còn chúng tôi đi, chúng tôi biết là chúng tôi đi, khi chúng tôi đứng, chúng tôi biết là chúng tôi đứng, vân vân…”.

“Ý thức được mọi hành động và chuyển biến tâm ý mình là bắt đầu thực hiện định lực. Nó là chỗ nương náu cho ta, cho hiện sinh ta. Phật dạy: “Khi tâm định thì tuệ sinh”. Khi con người đã đứng vững thì tổ chức của con người không trở lại đè nén và câu thúc con người. Xã hội tính không còn chống đối và tiêu diệt nhân tính. Ta thấy được trong ý thức cá nhân và trong ý thức xã hội cộng đồng, những vấn đề chính của con người và xã hội. Cái nhìn của ta cũng như của xã hội sáng hơn, và như thế nghĩa là đạo Phật được bảo vệ một cách đích thực” (B’su Danglu, sđd).

Ngài cũng cho rằng một nền Phật giáo hưng thịnh không phải chỉ có đông đảo tăng lữ, tu viện nguy nga mọc lên cùng khắp, hay tăng lữ có thế lực trong phạm vi thế quyền. Ở đây, chúng ta ghi nhận đã có nhiều người băn khoăn về việc những nơi thờ tự trùng tu mọc lên khắp nơi, nhất là những khu du lịch tâm linh mênh mông, thu hút một lượng tín đồ khá đông nhưng rồi sau khi dúi vào tay những pho tượng những đồng tiền lẻ, cầu xin bằng các thứ nghi lễ rườm rà, họ vẫn bỗ bã, ăn nhậu sau khi ra khỏi chùa, tạt vào những quán thịt rừng gần đấy. Cũng như sẵn sàng nhảy bổ vào nhau khi va quẹt xe trên phố, nghĩa là Phật pháp vẫn như nước trên lá khoai... Nhìn sang Thái Lan hay Lào, dù đường kẹt xe thế nào đi nữa, họ vẫn kiên nhẫn chờ và chúng ta không nghe dù chỉ là một tiếng kèn xe vang lên hằn học ở bất kỳ đâu. Chúng ta tự hỏi họ thấm nhuần chữ Nhẫn của nhà Phật hay đó là nếp sống văn minh của họ.

GS Cao Huy Thuần, trong lời tựa tập sách “Hạnh đức của Bồ- tát Phổ Hiền” của HT. Thích Trung Hậu, đã giải thích ý nghĩa của việc lạy và khi ta cúi đầu nghĩa là “… vất cái ngã mạn ấy đi. Vất luôn câu hỏi “Tại sao phải lạy? Càng cúi sát, càng rạp mình, ngã mạn càng mất... Khi tôi lạy mà lòng an vui, Ngài (Phổ Hiền) biết. Khi tôi lạy mà lòng bất an, Ngài cũng biết, mà còn biết rõ hơn nữa. Thân tôi chạm đất như vậy là ở năm điểm. Ở điểm thứ nhất, tôi biết: Tôi không sát sinh… thứ hai: Tôi không trộm cướp… thứ ba: Tôi không nói dối… thứ tư: Tôi không tà dâm và thứ năm: Tôi không say rượu... Sám hối thì cúi rạp mình xuống, vất hết ngã mạn đi, bởi vì còn ngã mạn thì không biết hổ thẹn”.

Và ánh mắt đẹp nhất là luôn nhìn mọi người chan chứa lòng từ bi, trái tim khỏe nhất là luôn bao dung tất cả, thế ngồi đẹp nhất là luôn vững chãi, bình thản trước những hơn thua, được mất và nội tâm ta trong sáng là ngôi chùa đẹp nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6059193