Thông tin

NGÔI CHÙA TRÊN HÒN ĐỎ

NGÔI CHÙA TRÊN HÒN ĐỎ

 

HÀNG CHÂU

 

 

Từng bước, từng bước nhẹ nhàng trên con lộ dài theo bãi biển cỏ cù lao đá với tên gọi Hòn Chồng. Cái thuở ban sơ đất trời hình thành dãy đất hình chữ S, duyên dáng, tuyệt mỹ. Một bên là núi chập chùng, bên kia là biển mênh mông gợn sóng lăn tăn. Ngọn núi nhỏ, từ Hòn Chồng nhìn thẳng, trên đỉnh cao có dáng hình cô gái nằm xõa tóc dài mượt mà như dòng suối chảy.

Mặt trời lên đỉnh đầu, vùng đất Nha Trang, tuy đài báo 35o, cái nóng vẫn không oi nồng. Thanh thản, bước chân người phụ nữ từ từ qua khỏi cầu hang, phía tay trái có con đường nhỏ dần ra con đò phấp phới một bên lá cờ đỏ sao vàng, bên kia lá cờ Phật giáo. Con đò ấy đưa khách ra đảo Hòn Đỏ có ngôi chùa Từ Tôn trên đỉnh cù lao. Khoảng cách đất liền với Hòn Đỏ không xa, không đầy cây số mà sóng chập chừng theo ngọn thủy triều, con đò chao lượn ngả nghiêng phải vịn chắc be thuyền để cập bến đảo. Người phụ nữ chậm rãi theo bậc thang đá uốn khúc lên tận đỉnh ẩn hiện dưới tàng cây có ngôi chùa mái cong cổ kính với huy hiệu tròn “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, hai hàng chữ bên dưới “Vĩnh Giáo hội Khánh Hòa - Chùa Từ Tôn” màu vàng trên nền xanh lá cây tươi thắm trước cổng chùa quay mặt ra biển xanh bao la.

Hòn Đỏ là núi đá, ít đất, thiếu nước, cây không sống nổi, chỉ có bụi gai. Hòn đảo này xưa kia nối liền với dãy núi cù lao, sau nhiều năm tháng bị biển xâm thực, cắt rồi chia Hòn Đỏ ra khỏi đất liền thành hải đảo, rồi nước thủy triều lên xuống đã bào mòn trôi đi đất cát. Cái tên Hòn Đỏ thật đặc biệt, phải chăng người dân ở đây đặt tên như là do lúc mặt trời vừa khuất bóng, vòm trời ráng chiều đỏ thắm nơi vùng này, người dân đi biển nhìn thấy nơi đây như ngọn hải đăng chỉ lối đường về?

***

Xuân Phương đứng lặng nhìn vào trong thánh điện, trang nghiêm, lặng lẽ, chẳng có bóng người. Chị chậm bước về gian nhà đối diện có hai hàng ghế là nơi tiếp khách, có dáng một tu sĩ, Phương gật đầu chào, nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, tôi muốn gặp thầy trụ trì!

Vị tu sĩ nhìn người khách lạ, mỉm cười:

- Tôi đây!

Phương thoáng nhìn người tu sĩ với dáng cao cao, có nụ cười khả ái thật tươi như tỏa ra niềm tin, tràn đầy sức sống.

Chị khẽ nói:

- Tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng những người bạn ngày xưa có dịp ra Nha Trang. Trên chuyến xe vào thành phố, dọc theo bờ biển thấp thoáng hiện ra một hòn đảo nhỏ chơi vơi, cây lá xanh tươi, trên đỉnh nhô ra mái cong của một ngôi chùa, đẹp như tranh thủy mặc, trông thật lắng đọng, đơn côi nhưng đầy quyến rũ.

Người tu sĩ, nụ cười vẫn ở trên môi, giới thiệu:

- Tôi tên Huệ Đạt, sống ở hòn đảo này từ lúc bập bẹ gọi tiếng mẹ.

Phương ngạc nhiên:

- Làm sao thầy biết ngôi chùa này?

Giọng nói của Thầy Huệ Đạt như trầm lại:

- Ngày ba tôi đi xa, mẹ quen biết vị thầy quê Phú Yên, trụ trì ngôi chùa Từ Tôn, người ra mắt Thầy về nhà làm lễ, rồi như cơ duyên từ kiếp trước, bà gửi tôi cho Thầy lúc còn uống sữa, đút cháo cơm. Qua thời gian, đứa bé chập chững từng bước đi, bi bô gọi tiếng Thầy. Thầy Viên Mãn là sư phụ mà cũng như người cha dạy dỗ, đỡ đầu cho cuộc đời tôi đó cô!

- Thưa Thầy, ngôi chùa này hình thành vào năm nào?

Ánh mắt Thầy Huệ Đạt như nhớ lại lời sư phụ kể:

- Vào năm 1960, trong một dịp Thầy Phước Minh và Thầy Viên Mãn đến Nha Trang, hai Thầy chú ý hòn đảo này và sư phụ có tâm nguyện khai hoang lập chùa tu hành ở đây. Như được đất trời giúp đỡ, Thầy quen anh Sáu, quê Long An ra Nha Trang sống bằng nghề chài lưới. Anh Sáu đưa Thầy ra thăm Hòn Đỏ, đó là một đảo hình thành toàn là đá. Ngôi chùa này được như ngày hôm nay phải đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, gai góc thấm máu của Sư Viên Mãn.

***

Mặt trời nghiêng nghiêng bóng, ánh nắng rơi rớt trên chòm cây xoài, lốm đốm trên khóm mai già.

Thầy tiếp lời:

- Cô thử tưởng tượng cái nền chùa phải chuyển những tảng đá nằm ngổn ngang thành một bức tường đá chung quanh chỏm mặt đảo, từ đó mới sắp xếp tỏa ra cái nền chùa, rồi chở từng bao đất, nước uống từ đất liền ra để trồng cây trái, rau củ mà sống.

Xuân Phương chăm chú lắng nghe như cảm thông bao nỗi gian nan, vất vả, đắng cay của lớp người đi trước.

Phương lại hỏi:

- Thầy ơi! Quê Thầy ở đâu vậy?

- Khánh Hòa! Gia đình tôi suốt năm tháng quanh quẩn với ruộng đồng.

Xuân Phương lại hỏi Thầy như chia sẻ:

- Chùa ở ngoài đảo chơi vơi, đi lại vất vả, lại ở xa thành phố, rồi làm sao Thầy đi học?

- Sư phụ rất chú ý việc tu hành và mở mang trí tuệ cho đàn hậu sinh, Thầy cho tôi vào thành phố Nha Trang học văn hóa ở Trường Lý Tự Trọng, rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh học Đại học Phật giáo ở Thiền viện Vạn Hạnh. Lúc nào tôi cũng nhớ lời dạy dỗ chăm chút của sư phụ dìu dắt từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, mà để tâm trí vào việc học và hiện nay đã nhận bằng Thạc sĩ. Tôi có ý nguyện sẽ nghiên cứu tiếp để tìm hiểu triết lý lời dạy dỗ của Đức Phật mà cách đây hơn 2.500 năm, thật sâu xa, tinh tế tuyệt vời!

***

Gió chiều hiu hiu mát rượi, ngọn cây hai bên đường lao xao. Thủy triều lên đưa ngọn sóng tràn vào bờ, tung bọt trắng phau vào những tảng đá to bao quanh Hòn Đỏ. Hôm qua, những người bạn rủ nhau ra chùa Từ Tôn về kể lại, Thầy Huệ Đạt lái thuyền rất điêu luyện rồi tự mình vác gỗ lên đảo tu bổ chùa. Thầy nói, lúc còn là thiếu niên tập bơi lội như bao bạn trẻ khác sống ở vùng sông nước.

Đời người càng trải nghiệm gian nan khổ cực, thì càng sâu sắc, lắng đọng, tế nhị trong cõi lòng bấy nhiêu.

Xuân Phương và những người bạn trẻ ngày xưa, một thời sôi động trong lòng đô thị Sài Gòn, tạm biệt rời thành phố biển, nơi đó có chùa Từ Tôn, danh hiệu của Phật Di Lặc với nụ cười niềm vui muôn thuở, đẫm sâu trong tim hình ảnh người tu sĩ - tu là tôi luyện mình - Vì mọi người với Khúc Tình Ca nhân ái.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6367610