Thông tin

NGÔI CHÙA TRONG SƯƠNG

NGÔI CHÙA TRONG SƯƠNG

                                                                                                                         

HÀNG CHÂU

 

 

Vào năm 1921 có một nhà tu dừng bước nơi đây, nhìn quanh rừng là rừng, cây cao ngút ngàn, rải rác tiếng sột soạt của heo rừng, nai xôn xao, ban đêm văng vẳng cọp gầm gừ...

Người tu sĩ ấy là Thượng Nhơn Hạ Thứ, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 43. Sau nhiều ngày từng bước qua vùng rừng núi lô nhô, ông tìm được một khu đất hẻo lánh rộng 1 hecta trên ngọn đồi mà chưa có người khai phá. Hòa thượng Nhơn Thứ dựng một thảo am và đặt tên là Linh Quang Tự. Ngôi chùa tranh bé nhỏ mờ ảo ẩn mình trong sương mù. Đêm đêm, tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông ngân thanh thoát vang xa như đánh thức trái tim người. Hòa thượng bắt đầu hoằng dương chánh pháp khai nguồn đạo Phật tại mảnh đất này mà thuở ấy trên bản đồ địa lý ghi Đồng Nai Thượng. Thế là giữa vùng đất cao nguyên huyền bí rộng lớn bao la, Linh Quang Tự là ngôi chùa đầu tiên, là tổ đình của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng.

Hòa thượng Nhơn Thứ là một vị thiền sư giỏi về Mật Tông, nghiên cứu chữa lành nhiều bịnh cho nhân dân trong vùng.

Ban đầu, Hòa thượng thoáng có ý định dựng chùa gần khu Hòa Bình cạnh đình An Hòa phường 1, Đà Lạt ngày nay, nhưng qua nhiều ngày để tâm quan sát, nghiên cứu, ngài thấy gần đường Cầu Quẹo có một nghĩa trang nên Hòa thượng quyết định xây dựng Linh Quang Tự ở nơi đây để cầu siêu tế độ cho hương linh người quá cố. Và về sau, nghĩa trang này là nghĩa trang chính của Đà Lạt - Lâm Đồng.

Đến với chùa là giữ cho cái tâm được an lành, tự sám hối mỗi khi có điều gì trắc ẩn. Hòa thượng là một người thầy giúp cho họ được bình yên, sống có cái đức, có nghĩa tình với mọi người. Vào ngày 27 tháng 9 năm 1938 vua Bảo Đại đã ban sắc tứ cho chùa.

Qua thời gian, các vị hòa thượng tiếp nối đã có công trùng tu chùa như Hòa thượng Thích Quảng Nhuận, Thích Minh Cảnh. Vào năm 1956, Hòa thượng Thích Minh Cảnh đã mở ngôi trường tiểu học Phật giáo đầu tiên, tiền thân cho trường Bồ Đề sau này. Năm 1968, trong chiến dịch tổng công kích khởi nghĩa Mậu Thân, chùa đổ nát, mãi đến năm Nhâm Tý 1972, ngài xây dựng lại tổ đình khang trang tương đối hoàn chỉnh.

Năm 1993, Thượng tọa Thích Thanh Tân kế tiếp trụ trì, thực hiện nhiều công trình, xây dựng tăng phòng, tượng đài Quan Âm, di tích Thái tử Tất Đạt Đa vượt thành xuất gia... Ước mơ của thượng tọa Thanh Tân, vào năm bản lề thế kỷ XXI sẽ hoàn thành con rồng dài 100 mét tượng trưng cho một thế kỷ, một trăm năm hưng thịnh trường tồn của đạo pháp và dân tộc, một dấu ấn cho sự phát triển Phật giáo ở đất nước Việt Nam.

Trong những tháng ngày có dịp ra Bắc vào Nam, rồi nhiều đêm thao thức hình ảnh thời niên thiếu lúc còn là một cậu bé vùng quê phảng phất hiện về, thầy xót xa viễn cảnh đất nước nhỏ bé của mình cứ triền miên chiến tranh. Ở phương xa, họ mơ vùng đất trù phú trải dài theo biển nhiều tài nguyên phong phú, nào mỏ quặng, nào gỗ quý, nào thủy hải sản... Thầy suy nghĩ, phải tìm cách giúp cho các thanh thiếu niên
nghèo hiếu học nơi thành phố sương mù và vùng quê sỏi đá chiến
tranh tàn phá Quảng Nam, vươn lên qua con đường học vấn, để sau này có cuộc sống vững chải giúp ích cho đời mà thời niên thiếu được cắp sách đến trường là niềm mơ ước cháy bỏng. Rồi những cụ già neo đơn không ai nuôi dưỡng, không nơi nương tựa, thầy cũng thường xuyên quan tâm trợ cấp áo cơm. Chưa hết, làm sao quên được đồng bào vùng sâu vùng xa thiếu thốn trăm bề, cho đến vùng thiên tai bão lụt.

Lòng từ bi nhân ái của đức Phật dạy sao bao la cao cả vô cùng. Con người sống trên đời này phải có cái Tâm. Chiếc áo màu nâu sẫm thật đơn sơ giải dị với gương mặt thâm trầm hiền hòa đã tỏa sáng khơi dậy, như chinh phục, gợi lên trong lòng con người hai chữ "Đức Hạnh".

Đã qua thế kỷ, hình ảnh của Hòa thượng Nhơn Thứ, vị tu sĩ đầu tiên đặt nền móng đạo Phật - Tổ đình Linh Quang, dìu dắt những người con Phật sống với cái tâm của Người.

Rồi cũng luôn ghi nhớ Bác sĩ Yersin, nhà khoa học của nhân loại, lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm để khơi mào hình thành một thành phố tuyệt mỹ với cái tên Đà Lạt - Lâm Đồng. Bác sĩ Yersin đã thủy chung với Việt Nam, ông mãi mãi yên nghĩ trên ngọn đồi của thành phố biển Nha Trang, đêm đêm lao xao vi vu gió thổi, ngoài khơi sóng vỗ rì rào.

Chùa Linh Quang là ngôi chùa cổ, là một thắng cảnh, một công trình văn hóa Phật giáo của vùng đất cao nguyên sương mù.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 293
    • Số lượt truy cập : 6948255