Thông tin

NGỖNG CHÚA BAY ĐUA VỚI MẶT TRỜI

NGỖNG CHÚA BAY ĐUA VỚI MẶT TRỜI

 

TUỆ QUÁN

 

 

Trong Kinh Bổn Sanh Jataka, kể về những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, có câu chuyện thú vị về việc Ngỗng Chúa bay đua với Mặt trời. Câu chuyện đại ý như thế này:

Ngày xưa, ở vùng núi Cittakùta, thuộc cõi Nam Diêm Phù Đề, có một Ngỗng Chúa uy lực, đầu đàn bầy thiên nga chín mươi ngàn con. Ngỗng Chúa kết bạn với vua Brahmadatta, quốc vương thành Ba La Nại.

Một hôm, trong đàn thiên nga có hai con thiên nga trẻ dũng mãnh, năng động, nảy ý quyết định bay đua với Mặt trời. Chúng đến xin Ngỗng Chúa cho thử sức ý định này. Ngỗng Chúa biết đây là việc rất khó và cực kỳ nguy hiểm, khuyên hai con thiên nga trẻ:

- Này các chú, tốc lực Mặt trời rất thần kỳ, các chú không bao giờ có thể thi đua với Mặt trời đâu. Các chú sẽ chết tiêu tan trong cuộc thi tài ấy. Vậy các chú đừng đi.

 Lần thứ hai chúng xin phép, rồi lần thứ ba, song Ngỗng Chúa vẫn không đồng ý. Tuy nhiên, chúng vẫn khăng khăng giữ ý định đó, không tự lượng sức mình, rồi cương quyết bay đua với mặt trời. Vì thế, trước lúc rạng đông, chúng đã đậu trên đỉnh núi Yugandhara (một trong bảy rặng núi lớn quanh núi Meru: Tu-di).

Bậc Ðại sĩ (Ngỗng chúa) thấy vắng chúng, liền hỏi chúng đi đâu. Khi Ngài nghe những việc xảy ra, Ngài nghĩ thầm: “Chúng sẽ chẳng bao giờ đủ sức bay đua với Mặt trời, và chúng sẽ bị tiêu diệt trong cuộc so tài ấy. Ta phải cứu mạng chúng mới được”. Vì vậy, ngài bay đến đỉnh núi Yugandhara và đậu bên cạnh chúng. Khi vầng nhật xuất hiện trên đường chân trời, đôi tiểu thiên nga vút lên, lao tới đằng trước theo Mặt trời, bậc Ðại sĩ cũng bay theo chúng. Con chim bé hơn bay tới trước giờ ngọ thì ngất xỉu. Bên trong khớp xương đôi cánh nó cảm thấy như thể đang bị lửa đốt. Rồi nó ra hiệu cho bậc Ðại sĩ:

– Thưa đại huynh, tiểu đệ không tiếp tục được nữa.

Bậc Ðại sĩ bảo:

– Ðừng sợ, ta sẽ cứu chú.

Rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, ngài an ủi nó, đưa nó về núi Cittakùta đặt nó xuống giữa đàn thiên nga, sau đó ngài lại bay đi bắt kịp Mặt trời, đến bên cạnh chim kia. Con chim ấy bay đua với mặt trời cho đến gần đúng ngọ thì ngất ngư và thấy như thể lửa đang thiêu đốt trong khớp xương ở đôi cánh của nó. Nó vừa làm dấu cho bậc Ðại sĩ vừa kêu lên:

– Thưa đại huynh, tiểu đệ không thể tiếp tục được nữa.

Ngài cũng an ủi nó như trên, rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, Ngài đưa nó về đỉnh Cittakùta. Vào lúc ấy, Mặt trời đang ở trên đỉnh đầu. Bậc Ðại sĩ suy nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ thử xem uy lực của Mặt trời ra sao”. Thế là chỉ cần phóng lui một vòng, ngài đã đậu trên đỉnh Yugandhara. Sau đó, vừa tung cánh lên là Ngài bắt kịp Mặt trời. Ngài bay đi, lúc tiến về phía trước, lúc lùi lại đằng sau, Ngài nghĩ thầm: “Ðối với ta thì chuyện bay đua với Mặt trời để biết vậy thôi, nó có nghĩa lý gì đối với ta đâu? Chi bằng ta hãy ghé thăm bạn hữu”. Nghĩ vậy, Ngỗng Chúa quay lại thành Ba La Nại, ghé thăm vua Brahmadatta.

Nhà vua vui mừng đón tiếp Ngỗng Chúa và hỏi Ngài vừa từ đâu lại. Ngỗng Chúa kể lại việc vừa bay đua với Mặt trời. Vua ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu, nói rằng: “Việc này quả nhiên kỳ lạ, xin hiền hữu hãy biểu diễn tốc lực kia lần nữa cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”. Ngỗng Chúa bảo rằng tốc lực ấy không thể phô diễn được. Vua năn nỉ Ngài biểu diễn một việc tương tự như thế.

- Ðược lắm, thưa Ðại vương, ta sẽ biểu diễn một việc tương tự như vậy. Xin triệu tập các xạ thủ bắn nhanh nhất lại đây.

Vua liền ra lệnh triệu tập họ. Bậc Ðại sĩ lựa bốn người rồi cùng họ từ cung điện đến sân chầu. Nơi đó, Ngài bảo dựng một trụ đá. Sau đó, Ngài đậu trên đỉnh trụ đá, một vòng tròn rộng được vẽ ra lấy trụ đá làm tâm, đặt bốn xạ thủ ở biên ngoài đường tròn, quay lưng từ trụ đá hướng ra bốn phía, bảo:

– Thưa Ðại vương, xin ra lệnh nổi trống cho bốn xạ thủ bắn ra cùng một lúc bốn mũi tên về bốn hướng và ta sẽ bay đi bắt lấy bốn mũi tên ấy trước khi chúng chạm mặt đất.

Sau tiếng trống, đồng loạt các xạ thủ bắn bốn mũi tên ra, trong khoảnh khắc quá nhanh chưa ai kịp nhìn thấy gì, Ngài vẫn đang đậu trên trụ đá và bốn mũi tên nằm dưới chân.

Nhà vua và mọi người vui mừng ca ngợi, dù vẫn chưa rõ lắm việc xảy ra như thế nào.

Bậc Đại sĩ nhìn vua và mọi người với ánh mắt trìu mến:

- Thưa Đại vương, tạm thời có thể thấy tốc lực bay đua với Mặt trời là như vậy. Đây là việc khó thấy, khó hiểu, khó diễn đạt được.

Trầm ngâm một lúc khá lâu, Ngỗng Chúa cất lời:

- Thưa Đại vương, vẫn có một tốc lực nhanh như vậy trong đời sống hiện hữu, đó là sự biến hoại của Tứ đại trong đời sống của loài hữu tình: Chúng tan rã như vậy đó, chúng bị tiêu diệt như vậy đó.

Bằng cách ấy, Ngài đã làm sáng tỏ cách thế giới hữu hình hoại vong như thế nào, bị hủy diệt như thế nào từng giây từng phút, từng sát-na.

Sau đó, Ngài ân cần sách tấn: Hãy luôn nhớ đến sự biến diệt, hoại vong. Hãy cố gắng, tiến lên trong đường đạo hạnh, bố thí và làm thiện sự, phải gắng tinh cần.

Sau câu chuyện, Đức Phật nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Ànanda là vua, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là thiên nga trẻ nhất, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là thiên nga thứ hai, hội chúng của đức Phật là tất cả Thiên nga, và Ta chính là Chúa Thiên nga.

Bay đua với Mặt trời là như thế nào? Có thể hiểu là bay đua với tốc độ ánh sáng, khoa học bây giờ tính được tốc độ ánh sáng xấp xỉ 300.000 km/giây, tốc độ cao nhất được biết cho đến hiện nay. Qua câu chuyện, người học Phật thực tế thấy đây là cách ẩn dụ, một thiện xảo của bậc Đại sĩ dẫn dắt người học đạo, ngầm chỉ ra điều kỳ diệu ngay trước mắt của ánh sáng tự tâm, hoát nhiên trực ngộ, vào thẳng đất Như Lai, cảnh giới thực chứng của bậc Thánh từ trong ấy nói ra. Với cảnh giới siêu việt cả không gian và thời gian, thì tốc độ ghê gớm của ánh sáng cũng chẳng thể sánh bằng, và cho dù có một dạng vật chất khác trong vũ trụ, nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng, như tốc độ các hạt và phản hạt trong vật lý lượng tử chẳng hạn, nhanh như thế nào chăng nữa, đều không thể vượt qua được điều kỳ lạ Bậc Đại sĩ muốn nói đến, thật khó nghĩ bàn với sự hạn hữu của bộ não, của ý thức! Quả là khó biết, khó thấy, vi diệu, sâu kín, nhiệm mầu mà ngày thành đạo Đức Thế Tôn đã do dự nói ra và muốn nhập Niết bàn, vì quá khó để nói cho mọi người tin hiểu sự thật này, khiến Chư Thiên phải ba phen thỉnh cầu xin Ngài trụ thế. Sau này, trên đường du hóa, Bậc Y Vương tùy bệnh cho thuốc, với nhiều phương tiện thiện xảo, tạo cơ hội lớn với hàng thượng căn.

Thế nhưng: “Câu hết sóng sông chưa dễ gặp cá vàng”, người thượng căn thượng trí như con tuấn mã ở thế gian, thật hãn hữu. Mọi người đều ngơ ngác - kỳ lân không xuất hiện-, Bậc Đại sĩ lại xuống một bậc thềm, mở bày việc cụ thể hơn, về sự suy vi, biến hoại trên thân tứ đại mà mọi người đều yêu quý này, thật là chẳng thể bám víu được. Rồi nói về nhân duyên, đời trước đời sau, gieo nhân lành để nhiều đời cùng gặp thầy, gặp bạn cùng nhau tu học, để hàng trung căn hạ căn cũng được lợi ích. Chưa vào được nơi “Bên kia trăng gió vẫn thênh thang”, thì cũng có niềm tin nơi nhân quả nghiệp báo, gieo nhân lành vững tin trên đường đạo pháp.

Pháp ẩn dụ Bậc Giác ngộ khéo dẫn dắt đệ tử qua kinh Hoa Nghiêm, nhất là bộ kinh Pháp Hoa mà người học như được sống trong cảnh giới thần thông diệu ảo, ví dụ như đoạn kinh sau: 

Lúc bấy giờ, từ tướng lông trắng chặng giữa đôi mày Phật, phóng ra ánh hào quang chiếu khắp mười vạn tám ngàn thế giới ở phương Đông. Trên từ cõi sắc cứu cánh dưới suốt ngục A-tỳ. Chúng sanh trong sáu đường đều thấy rõ lẫn nhau”. Kinh Pháp Hoa – Phẩm Tựa.

Đến các vị Tổ sư sau này cũng cùng lời khế hợp: Pháp này làm sao giảng nói, chỉ thấy ánh sáng rực rỡ vi diệu chiếu sáng khắp tam thiên đại thiên, cả ngày đêm không ngưng nghỉ, vì sao mọi người không thấy được? Đó chính là Diệu Pháp Vô Tận Tạng ngày đêm diễn bày vậy.

Ánh sáng ấy đến với tất cả nhưng không hòa với tất cả, không hề dính mắc, nhiễm ô. Sum la vạn tượng cũng được bao trùm trong ánh sáng đó. Kỳ lạ, nhiệm mầu, khó tin là vậy, nhưng tất cả mọi người cũng chưa từng thiếu vắng nó, hằng ngày đang tự thọ dụng mà chưa từng biết. Gần một bên mà cứ mãi đi tìm. Cho nên Như Lai gọi là đáng thương xót.

Gương tâm sáng soi chẳng ngại

Suốt thông chiếu khắp hằng sa giới

Muôn tượng um tùm ảnh hiện trong

Một điểm viên quang không nội ngoại

Chứng Đạo Ca

Ngỗng Chúa quả nhiên là xuất sắc, vẫy vùng thỏa thích trong Biển Tánh bao la, tiêu dao tự tại chưa từng trệ ngại, tùy duyên thuyết pháp lợi ích quần sanh. Ngỗng Chúa còn được tán thán, ngợi ca qua câu “Ngỗng Chúa uống sữa chừa nước”, phương tiện thiết thực cho mọi người noi theo. Từ điểm linh quang vô tướng, ứng dụng qua sáu căn hòa hợp linh hoạt, soi sáng cùng khắp, biết khắp Pháp giới, ứng dụng muôn muôn ngàn ngàn mà không hề dính mắc. Vào cảnh giới ấy, tự có con đường xuất thân, mọi hoạt động thi vi thảy là diệu dụng. Nước sữa hòa lẫn, làm sao phân biệt, làm sao dùng được sữa mà không bị kẹt? Sáu nẻo trầm luân, sống trong ấy làm sao hằng ngày thọ dụng mà không tạo nghiệp nhân tam đồ? Chỉ có cách được như Ngỗng Chúa:

Chứng Thật tướng, không nhân pháp,

Sát-na rũ sạch A-tỳ nghiệp

Chứng Đạo Ca

Chưa được như thế thì học cách Ngỗng Chúa uống sữa chừa nước vậy. Hằng ngày, vẫn dùng sáu căn nhưng làm sao đừng dính mắc với sáu trần? Uống sữa chừa nước là cả một nghệ thuật ở đây. Khi đối duyên xúc cảnh thì tất cả đã là nước sữa quyện chung làm một rồi! Căn - Trần - Thức chớp mắt đã giao thoa rồi! Nhanh mắt thấy ra thì còn có chút cơ hội. Thật ra, việc quan trọng trên con đường tu học cũng không ngoài lối này. Hay nghe các vị Tổ sư dạy đơn giản: “Không để sáu căn dính mắc với sáu trần”, hay “Căn - Trần không giao thiệp lẫn nhau”. Dễ bị hiểu sai ý Tổ thành ra ngu ngơ đoạn diệt. Căn Trần tiếp xúc nhau và Thức sanh khởi, đây là Diệu Như Lai Tạng, sao lại tách rời, trơ như gỗ đá, trở thành cây khô củi mục hay sao? Không khéo rơi vào đoạn diệt, chẳng phải pháp Phật chỉ bày! Đối duyên xúc cảnh là việc hằng ngày, cũng là diệu dụng thần thông trong sinh hoạt cuộc sống thường nhật. Quan trọng thấy ra được đâu là nước, đâu là sữa.

Điều cốt yếu là không quên việc bổn phận, chạy ra ngoài là quên bổn phận, xoay lại mình là thuận pháp, là tỉnh giác. Như lời pháp yếu Thiền tông mà ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy vua Trần Nhân Tôn: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”.

Đến với tất cả nhưng không bị đồng hóa với tất cả. Đó là gì vậy? Hãy nghiệm xem! Hãy cùng học cách Ngỗng Chúa uống sữa chừa nước!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6712191