Thông tin

NGƯỜI ĐI TRÊN SÓNG THỜI GIAN

NGƯỜI ĐI TRÊN SÓNG THỜI GIAN

 

THÍCH THIỆN ĐẠO

 

 

Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ thứ 28 Thiền Tông Ấn Độ và là Sơ tổ Thiền Tông Trung Hoa, trước có tên là Bồ Đề Đa La, sau khi thọ giáo với Tổ Bát Nhã Đa La, nhận thấy Ngài có khí tượng Đại thừa, nên Tổ đổi tên Ngài là Bồ Đề Đạt Ma (Giác Ngộ Tự Tánh).

♦ Sự xuất hiện của Tổ ở Đông Độ như là một hiện tượng vị tằng hữu, như một tia chớp sáng lòe chọc thủng màng đen truyền kiếp, như một tiếng sấm kinh hồn phá vỡ lớp vỏ khô cứng dày đặc nhân sinh cố hữu.

Dáng đứng của Ngài tự tại sừng sững suốt chiều dài lịch sử Đạo học Phương Đông, hiên ngang như một dũng sĩ, bước từng bước oai vệ giữa sa mạc tâm linh đương thời.

Ánh mắt hồ rực lửa, như thiêu rụi tàn dư ngôn ngữ phù phiếm, vốn bất lực trước hố sâu tư tưởng siêu nhiên.

Chín năm tuyệt ngôn mà âm vang rung động cả núi đồi tâm thức, im lặng nhìn vách đá mà như chuyển tải cả sơn hà lịch sử.

Tiếng sấm im lặng nội tâm vĩ đại làm sụp đổ cả tường thành ngôn ngữ huyễn hoặc.

Con đường giải thoát tự nó vốn đã thênh thang. Chân lý không cần trao đổi, không lệ thuộc điều kiện, lại càng không mang nhãn hiệu ước lệ.

Chân lý là trẻ thơ chưa mặc quần áo lòe loẹt, là cánh đồng nguyên sinh chưa bị xâm hại ô nhiễm. Đừng nhìn em bé qua tiếng khóc u oa… mà hãy nhìn em qua nụ cười hồn nhiên chưa từng cảm giác mắc cỡ.

Hãy nói tiếng nói vô thức, và hãy nghe tiếng vô thinh để biển vọng tâm sóng im gió lặng.

♦ Tổ Đạt Ma đi thuyền vượt sóng đến Trung Hoa, Lương Võ Đế cật vấn công đức ít nhiều, phân ngôi khách chủ, Tổ đã giải mã bằng nghĩa không, Lương Võ Đế đỏ hoe con mắt. Thế mới biết ngai vàng không làm nên minh quân và làm vua hay mắc bệnh cứng đầu.

Chính thái độ muốn ôm tất cả, nên đã đánh mất tất cả. Bàn tay nào đưa ra thâu tóm, bàn tay đó bị chặt đứt trước. Người nào chơi kiếm, sẽ bị chết vì kiếm. Người ưa trò đỏ đen sẽ bị trắng tay.

Con mắt cận không thấy được xa, con mắt mù không nhận ra ánh sáng. Nước nâng thuyền, nhưng cũng chính nước lật chìm thuyền. Người làm nên công đức vô lậu, nhưng cũng chính người làm mất công đức.

Bản ngã vô minh là tên xung kích háo thắng, lúc nào cũng xua ta vào trận chiến sanh tử.

Người mang hy vọng đi tìm thuốc trường sinh, sẽ bị bỏ mạng trước khi tìm ra thuốc.

Con chim xù lông sói trán vì tung bay trong lồng son gác tía. Con cá trầy vi đỏ mắt vì tung tăng trong hồ cá kiểng.

Càng được tiện nghi thì càng bị ràng buộc, càng hưởng thụ thì càng đam mê, càng đam mê thì càng bị giam chặt trong nhà lao sanh tử.

Hãy như chim đại bàng tự do tung cánh trên bầu trời bao la, và như mây trắng vẫn bồng bềnh khắp phương trời miên viễn.

♦ Tổ Đạt Ma nương bè lau qua sông nước, quảy dép vượt ngọn Thông Lãnh về Tây. Ngài là người chưa từng có, và cũng chưa từng không.

Khi tâm đã định thì sông nước là đại địa. Khi tâm đã thông thì núi đồi là công viên hoa lá.

Khi còn vô minh, ta chấp có - không. Khi giác ngộ, có không chỉ là trò huyễn hóa.

Tâm đã viên dung rốt ráo thì tất cả không gì là không pháp, không còn đâu là chướng ngại để điều phục.

Tổ Đạt Ma đã nhận ra cơ duyên, đường đường đột nhập vào cung để khai tâm Lương Võ Đế, gieo Phật chủng vào mảnh đất nhân sinh, chuyển hóa phước báo hữu lậu thành công đức vô lậu thánh thai.

Thần Quang – Huệ Khả xin Tổ an tâm. Tổ bảo đem tâm ta an cho, Huệ Khả chợt ngộ.

Tâm là tâm, không trong không ngoài, không mới không cũ, không cấu không tịnh, không thánh không phàm. Tại sao lại rong ruổi tìm cầu, và tìm cầu ở nơi nào là chỗ trú của tâm.

Kinh Kim Cang bảo: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, là nghĩa vậy.

Tổ Đạt Ma, người tưới nước cam lồ lên vùng đất Đông Thổ.

Tổ Đạt Ma, người truyền pháp vô ngôn, trực chỉ nhân tâm.

Tổ Đạt Ma, kiếm khách khai quan cánh rừng vô minh bằng thanh gươm trí tuệ vô sở đắc.

Tổ Đạt Ma, người đứng trên đỉnh vô tâm, đi trên sóng vô trước. Ngài đã đến như chưa từng đến, và đã đi như chưa từng đi. Ngài đã đạp lên sóng thời gian vô trụ nhi trụ.

Tự tính bất tư nghì, ngoại duyên bất khả thuyết.

Ngài là huyền thoại, là huyền sử, là hiện tượng dị thể, nhưng rất kiên cố, rất hiện thực, là bất tử giữa tàn dư đổ nát của dòng nhận thức nhị biên đối đãi mịt mờ sương khói mông lung.

Bồ Đề Đạt Ma! Bồ Đề Đạt Ma! Bồ Đề Đạt Ma!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6116440