Thông tin

NGƯỜI SOI SÁNG CON ĐƯỜNG ĐẾN AN LẠC

NGƯỜI SOI SÁNG CON ĐƯỜNG ĐẾN AN LẠC

NGUYÊN CẨN

 

Sự ra đời của Đức Phật

Chúng ta nói gì về Ngày Đản sinh Phật lịch 2560, ngày mà “Một hiện thể độc nhất, một nhân thể phi thường trác việt xuất hiện ở thế gian vì phúc lợi cho nhiều sinh thể, vì hạnh phúc cho nhiều sinh thể, phát xuất từ lòng từ bi đối với thế gian, vì sự lành thiện, vì sự lợi ích và vì sự hạnh phúc cho chư thiên và cho loài người. Hiện thể độc nhất ấy là ai. Đó là đấng Như Lai, Tathagata, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác” (Anguttara Nikaya)? Hay phải nói như Phạm Công Thiện rằng ngày Phật đản chỉ đúng nghĩa là ngày Phật đản khi mỗi ngày trong đời chúng ta đều là ngày Phật đản từ giây phút này đến giây phút khác, để “Mỗi đêm và mỗi ngày Đức Phật đều giáng sinh trong lòng chúng ta, mỗi khi lòng chúng ta là lòng Bồ-đề” (Từ Bát-nhã đến Pháp Hoa – Phạm Công Thiện)?

Dù hôm nay người ta vẫn còn tranh cãi về niên đại Phật ra đời nhưng câu chuyện về một con người thực sự hiện hữu đã được nhìn nhận trong lịch sử. Trước đây, một số học giả Tây phương vẫn xem sự ra đời của Đức Phật đơn thuần là một  truyền  thuyết hay huyền thoại như Chúa. Những trụ đá của A Dục Vương đã xác nhận sự hiện diện của Người ở nhiều vùng  trên lãnh thổ Ấn Độ, Nepal. Giờ đây, ngay cả khi con người ấy không còn trên thế gian này, thì những lời giảng ngày xưa ấy vẫn còn sống động, còn nguyên giá trị  đến hôm nay. Chúng ta biết ơn, ca tụng những người làm ra bánh mì, người sáng tạo chiếc máy bay đầu tiên… Vậy mà người giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, bay cao hơn, bay xa hơn khỏi mảnh đất khổ đau này, giúp chúng ta nhận ra bản chất của kiếp người, của cuộc đời này mà chúng ta lại không chịu thừa nhận ân đức sao?  Cuộc đời Người là một bài học lớn - giản dị và siêu việt. Một câu chuyện thiêng liêng như người ta thường liệt kê phải gồm bốn tầng ý nghĩa: lịch sử,  giàu trí tưởng tượng, mang tính huyền thoại, và độc đáo. Cuộc đời đức Phật xét trong tất cả những chiều kích ấy mang đầy đủ những phẩm chất như thế. Nói như  học giả  Joseph Campbell “Trong những huyền thoại, câu chuyện gần gũi nhất với chúng ta trên hành tinh này là đức Phật. Mọi thứ trên đời này đều tiềm tàng Phật tánh”.

Con đường chúng ta phải đi

Đức Phật để lại gì cho nhân gian? Phải chăng đó là lòng từ bi vô hạn, lòng hỷ xả vô biên khi tôn vinh sự bình đẳng giữa con người. Phật đã dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng mặn”. Khi các giai cấp Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la theo Pháp và Luật của Đức Như Lai đã mất đi địa vị khác biệt của chúng và mọi người trở thành những phần tử đồng đẳng trong xã hội thì thợ hớt tóc Upali hay tướng cướp Angulimàna ở Sàvatthi cũng trở thành những vị Tỳ-kheo hiền hòa, cũng hệt như Unita người gánh phân ở thành Vương Xá, khi tu tập cũng sánh ngang hàng với các Tỳ-kheo khác. Người vạch ra con đường diệt khổ - con đường vô giá, hoàn hảo, hướng chúng ta về cội nguồn hạnh phúc. Khám phá ấy là kết quả của một quá trình chiêm nghiệm, suy tưởng, thiền định dưới ánh sáng bát nhã. Ngồi dưới cội Bồ đề, người đã nhìn thấy những chiếc lá xanh dưới ánh mặt trời, hiểu mối quan hệ tương tức, tương sinh (inter-being)  giữa chiếc lá, mặt trời, những cơn mưa và những đám mây, mối quan hệ gắn bó giữa đất và trời... và ý
nghĩa những mạch nước nuôi sống con người trong một bản giao hưởng hòa âm tuyệt vời giữa muôn sinh vật với thiên nhiên… Và người đã thấy con đường. Con đường ấy có khi ngay trước mắt ta, dưới chân ta, nhưng khi người chỉ ra, chúng ta lại  hỏi: Đơn giản vậy sao? Chỉ là lý vô thường của thế gian, tính duyên khởi của vạn hữu… Vâng, đơn giản thế nhưng để đi trên con đường ấy đòi hỏi nhiều điều kiện mà không dễ gì vượt qua vì đòi hỏi nỗ lực tự thân, giải phóng chính mình khỏi vô minh, khỏi phiền não, khỏi tam độc của lòng mình…

Cách đây hơn 50 năm, cụ Chánh Trí đã nhận định:

“Có thể nói: “Không ở thế kỷ nào mà nhân loại nói đến việc “tìm hạnh phúc” bằng thế kỷ này. Mà hạnh phúc là gì, nếu chẳng phải là “ly khổ đắc lạc”? Nhưng đến khi hành động để đến cái hạnh phúc, mong mỏi, thì phần đông nhân loại đi ngược chiều, khiến cho một danh sĩ phải than rằng: “Loài người học đủ tất cả các khoa, trừ khoa hạnh phúc” (Les hommes apprennent toutes les sciences, sauf celle du Bonheur).  Các nhà xã hội học, không phải không thiện chí khi các ngài muốn nhà nhà no đủ. Các nhà kinh tế học, không phải là phí công vô ích khi các ngài trù hoạch nhửng phương sách làm cho nước giàu dân mạnh…

Các nhà lập pháp quả đã bất bình nhiều trước những bất công của xã hội, khi các ngài bươi óc moi gan để ngăn ngừa và trừng trị những nỗi bất công… Nhưng các nhà “đạo tâm” ấy - họ có đạo tâm thực đấy, càng cố gắng bao nhiêu, cuộc đời hình như đen tối bấy nhiêu. Cái lẽ thất bại của họ ở chỗ chưa sửa được lòng người thì không mong sửa đổi xã hội được. Mà lòng  người chỉ mỗi người tự sửa. Dẫu có sinh gặp lúc Thánh nhân ra đời mà không  biết học để GIẢI, TÍN, HÀNH theo lời Thánh nhân dạy, thì Thánh nhân cũng không biết làm thế nào. Thánh  nhân là người chỉ đường hạnh phúc. Thánh nhân không thể đem hạnh phúc đến cho một ai!” (Chánh Trí - Tạp chí Từ Quang, số 13, tr.36-39 – tháng Giêng 1953). Trong “Phật học dị giải”, Cổ Phong Trần đã nêu những phương hướng mà con người phải theo để tiếp tục đi trên con đường ấy mà không sợ bị lầm lạc – đó là “Chuyển mê khải ngộ; chỉ ác tu thiện; ly khổ đắc lạc”. Một số người tìm đến Phật pháp vì nghĩ hạnh phúc sẽ vĩnh cửu. Một số người khác mãi mê tìm những phép mầu hay ân sủng, mà  nỗi u sầu vẫn tràn ngập tâm hồn, chìm đắm trong những băn khoăn dằn vặt của câu hỏi “Ta là ai?” mà không thấy bầu trời xanh trên đầu mình, cỏ cây hoa lá chung quanh mình, mặt đất  đáng yêu dưới chân mình. Chúng ta quay cuồng, trăn trở với cái gọi là “thân phận con người” rồi loay hoay như một con chuột lang thang trong mê lộ hay trong cũi mà không thể tìm ra lối thoát.

Đức Phật là người hướng dẫn chứ không phải thần thánh, lại càng không phải là Thượng  đế. Trong khi nhiều người, rất nhiều trong chúng ta chờ sự cứu rỗi từ tha lực, từ Thượng đế, hay ngỡ rằng những vị tăng sĩ cũng như giáo sĩ đủ quyền phép dẫn ta đi, khi chính mình có thể tự khám phá, tự tìm đến  được. Học Phật, chúng ta hiểu Tăng đoàn cũng tạo nên một sức mạnh, tha lực, hỗ trợ ta nhanh hơn  hay mạnh mẽ hơn trên bước đường tu tập. Còn tự lực mới là phần quyết định. Hãy nhớ lời Phật “Các con hãy tự thắp đuốc soi đường mà đi”.

Những mê lầm còn mãi đến hôm nay

Chúng ta thấy gì qua hàng loạt những lễ hội đầu năm, nhất là khu vực phía Bắc? Điều đáng mừng là lòng  thành kinh hướng về tâm linh tăng cao trong quần chúng, nhưng còn đó những điều khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Thử đọc những dòng tin “Lễ hội Yên Tử vừa mở ra vào mùng 10 tháng giêng (17-2), ngay trong ngày đầu khai hội mặc cho tiếng loa ra rả kêu gọi không thắp nhang khói quá nhiều, không dùng tiền đánh bóng chùa Đồng, nhiều người vẫn chen lấn, quyết liệt “lấy linh khí” của chùa Đồng bằng cách mài tiền, mài chứng minh nhân dân, mài đô la, mài khăn áo... vào chùa. Đáng chú ý, trong số “quyết liệt” này có nhiều đại biểu đeo biển “khách mời” của Ban tổ chức. Mái chùa Đồng rất khít, các cấu kiện đồng rất vững chãi, vậy mà nhiều người vẫn tìm cách cuộn tròn các tờ tiền để nhét vào... “đút lót” thần thánh. Trước đó trong lễ hội chùa Hương, cơ quan công an phải tung trinh sát vào bắt giữ các đối tượng chèo kéo khách từ khu vực cách chùa vài chục cây số… Cảnh hỗn loạn thậm chí diễn ra ngay sau lễ khai hội, nam phụ lão ấu chen nhau trèo qua lan can, bìa núi để “mở đường” thoát ra khỏi biển người chen lấn ầm ầm. Thảm nạn tiền lẻ, mâm cao cỗ đầy húc đẩy nhau để đến gần ban thờ và đứng lễ thật dõng dạc vẫn tái diễn…”. Chùa Hương hay đền thánh Trần hay chợ Viềng chắc cũng như nhau, cũng mất trật tự, cũng chen chúc xin lộc, cướp phết lấy may mà có đoạn mô tả như phim “xã hội đen”. Giẫm đạp nhau, thanh niên lực lưỡng đi như “khinh công” trên đầu cả đoàn người đông đúc, họ dùng gậy gộc lớn choảng nhau kinh dị, phết bay đến đâu là ruộng đồng nát nhừ đến đó, cơ quan công an và bảo vệ vật lộn cũng không “cầm cương” được tình hình”(!)

Bao giờ thì những người dân ấy hiểu được Phật tại lòng ta?

Ở bình diện xã hội, sự an lạc và hòa thuận phải xây dựng trên bình đẳng giữa các nhóm người. Không có những  kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”; “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn, nguy cơ bất ổn  xã hội càng cao. Còn trên bình diện quốc gia, chúng sinh hôm nay còn đang mê lầm trong vòng xoáy của tham vọng. Theo nhà Phật, đường đến Niết-bàn là con đường bất bạo động và hòa bình. Đó là một thông điệp nhắn nhủ cho cả thế giới này, hay nói cách khác là không  chấp nhận bạo động, chiến tranh và hủy diệt sự sống.

Tìm lại tịnh độ giữa nhân gian

Chúng ta hãy nghe những bậc chân tu thuyết giảng. Thiền sư Nhất Hạnh chỉ ra “Cõi Tịnh độ là cõi của giây phút hiện tại, Tịnh độ không phải vấn đề của tương lai và sẽ là điều đáng tiếc biết mấy khi mà suốt đời mình đi như là ma đuổi lúc nào đi cũng vội vàng hấp tấp. Trong khi đó, Đức Thế Tôn dạy mình hãy đi như là con đang đi trong Tịnh độ. Hãy đi như là con đi trong Niết bàn diệu tâm”.

Trong tinh thần ấy, cụ Chánh Trí từng viết: “Vậy thì không phải đợi chết mới đắc Niết bàn mà có thể đắc Niết bàn tại thế, như có chỗ dạy trong kinh Phật. Và đắc Niết bàn là tình trạng của ai đã giải thoát ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoàn toàn thiện mỹ chân, hoàn toàn tự do trí huệ đã đạt đến chỗ giác ngộ hoàn toàn, và đang sống không phải trong cái sắc thân mà trong cái diệu thân của pháp tánh (Corps de l’Esprit, corps spirituel). (Tạp chí Từ Quang số 38 tháng 1, 1955).

“Ngược lại cứ dong ruổi, thả trâu chạy cùng đường cùng sá, chiều lại thắp hương cầu Phật phù hộ cho con, mà không chịu nhận ông Phật thường trực gia hộ bên mình. Đó là lối tu quên gốc chạy theo ngọn ngành. Cái gốc đó không xa, ở gần bên mình. Nên chúng ta thường hay nói tu là cốt trở về cố hương. Cố hương ở đâu? Nếu nghĩ cố hương cách đây chừng năm trăm hay một ngàn cây số là sai lầm. Chúng ta phải nhớ cố hương ở ngay dưới gót chân mình chứ không ở đâu xa hết. Chúng ta đang đứng trên cố hương mà quên mình đang đứng trên cố hương, cứ nhìn đằng này đằng kia kiếm tìm cố hương. Đang đứng trên đất cố hương, mà cứ nhìn ra ngoài nên nói quê hương xa mù, không biết ở đâu” (HT. Thanh Từ). Nói như Bùi Giáng:

Hỏi rằng: Người ở quê đâu

Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà.

Và rồi chúng ta vào đời, lăn lóc trong cơm áo gạo tiền, trong bóng tối của tham vọng, cái mà chúng ta nghĩ đó là ước mơ thời tuổi trẻ, để rồi đánh mất cái chân tâm ban đầu của mình. Ai cũng có nhân Niết bàn, chỉ khi dừng bước phiêu lưu, nhìn lại chính mình, lắng tâm không vọng khởi thì Tịnh độ ngay dưới chân ta, bên cạnh ta, trong ta và đó là lúc nhận ra “… ai cũng có khả năng, ai cũng có thể tu được quả Niết bàn. Khi niệm khởi là sanh tử, khi lặng lẽ hằng tri là vô sanh. Sanh tử với vô sanh ở cạnh bên, một giờ ngồi thiền ít ra cũng được phân nửa thời gian của vô sanh… Ngày nào cũng có Niết bàn nhưng nhiều ít vậy thôi. Do đó, trên đường tu không có chuyện luống công vô ích mà chỉ vì chúng ta không nhận ra...” (HT Thanh Từ).

Hãy đi lại con đường ấy để trở về mái nhà xưa, vì chúng ta đang là những gã cùng tử lang thang vô định, xa cố hương  như HT. Thanh Từ đã giảng, để khỏi phải hối hận khi nhìn lại.

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa.

(Bùi Giáng)

Kỷ niệm ngày Phật đản sinh, hãy bắt đầu từ con đường ấy… 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 60
    • Số lượt truy cập : 6127405