Thông tin

NHẠC ĐẠO GIÁO CỦA NGƯỜI QUẢNG ĐÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NHẠC ĐẠO GIÁO CỦA NGƯỜI QUẢNG ĐÔNG

Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

1. Người Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh

Người Quảng Đông là một trong những tộc người chiếm dân số đông nhất trong cộng đồng người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người Hoa hiện có vào khoảng nửa triệu dân, trong đó người Quảng Đông chiếm 45%, còn lại là các tộc người Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam và Khách Gia. Sự ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa người Việt và người Hoa cũng chủ yếu thể hiện trên bình diện văn hóa Hoa Nam với tộc người chủ thể là Quảng Đông. Tiếng Quảng Đông trở thành ngôn ngữ chính của cộng động người Hoa, còn gọi là Bạch thoại, Đường thoại, tiếng Quảng Châu hay Việt âm và có nhiều nét tương đồng với tiếng Việt. Điều này, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết qua nhiều nét trong sinh hoạt, như tên địa danh, tục danh, tên nhiều món ăn với bộ phận tiếng Hán – Việt, thậm chí thuần Việt.

Lịch sử di dân của người Hoa vào Nam Bộ mang tính chất quy mô có tổ chức đầu tiên được ghi nhận vào năm 1679, đời chúa Nguyễn Phước Tần (1620 – 1687). Khi ấy, quan Tổng binh trấn thủ quân thuỷ lục các địa phương ở Long Môn, thuộc tỉnh Quảng Đông là Dương Ngạn Địch và phó tướng Huỳnh Tấn (Hoàng Tiến), cùng quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài và phó tướng Trần An Bình đem binh biền và gia quyến trên 3.000 người, chiến thuyền hơn 50 chiếc đến Đàng Trong xin tỵ nạn.

Năm 1689, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, khi đó vùng đất này có khoảng bốn mươi nghìn hộ, trong đó, người Trung Hoa sống rải rác trên khu vực đã khai phá rộng một nghìn dặm. Trước tình hình cư ngụ lẫn lộn giữa người nhập cư và người Việt, Nguyễn Hữu Cảnh đã tập trung họ lại và lập ra hai làng Thanh Hà và Minh Hương.

Sau khi Pháp khai thác thuộc địa dấy lên nhiều đợt người Trung Quốc nhập cư Nam Bộ. Cùng thời gian này (1840), Pháp buộc triều đình Mãn Thanh bãi bỏ lệnh cấm công dân xuất ngoại và tiến hành ký kết các hợp đồng thỏa thuận về việc xuất khẩu lao động. Việc khai thác thuộc địa tự thân cần tới một lực lượng đông đảo nhân công giá rẻ. Những di dân người Hoa đã đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu này, đi kèm với những chính sách khuyến khích nhập cư.

Đợt nhập cư cuối cùng diễn ra vào năm 1947 – 1949 khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc đã đưa đến khoảng 80.000 người Hoa vào Nam Bộ. Trước đó, năm 1937, Nhật tấn công Trung Quốc đã gia tăng 171.000 người nhập cư. Sau Thế chiến II kết thúc, sự gia tăng dân số trong cộng đồng người Hoa chủ yếu mang tính chất tự nhiên. Kể từ đó, nội bộ cộng đồng người Hoa có sự chuyển biến tương ứng, ít nhất về mặt tâm lý và ngày càng tạo dựng mối quan hệ gắn kết với quốc gia sở tại. Tập quán sinh hoạt và phương thức ứng xử cũng đi đến giai đoạn hội nhập cộng đồng người Việt. Văn hóa Hoa trở thành một bộ phận không thể tách rời trong tổ hợp văn hóa đa nguyên của vùng đất Nam Bộ.

2. Nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông

2.1. Nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông về cơ bản là sự tiếp nối truyền thống Hoa Nam, Trung Quốc du nhập Nam Bộ khoảng những năm 30 của thế kỷ XX. Nó hình thành trên cơ tầng của tín ngưỡng Đạo giáo với quan niệm sùng bái quỷ thần thời cổ đại, cộng với tư tưởng Hoàng Lão của Đạo gia và sự kế thừa học thuyết Thần tiên, Phương thuật… thời Xuân thu Chiến quốc. Trong quá trình hình thành, phát triển, âm nhạc Đạo giáo nói riêng và Đạo giáo nói chung không ngừng tích hợp nhiều yếu tố từ quan phương tới dân gian.

Như chúng ta biết, Đạo giáo là tôn giáo bản địa của Trung Quốc tồn tại song hành cùng với Nho giáo, Phật giáo. Trong quá trình cộng tồn, chúng ảnh hưởng qua lại và trong nhiều trường hợp, nỗ lực bóc tách các thành tố, từ giáo lý, đối tượng thờ tự cho tới việc thực hành lễ… trở nên khó khăn. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, đã có lúc, Đạo giáo từng được thượng tôn lên làm tôn giáo chính thống, phát triển tới đỉnh cao vào thời Đường, Tống. Sau thế kỷ XII, Đạo giáo dần dần chia thành hai tông phái lớn là Toàn Chân Đạo và Chính Nhất Đạo. Những đạo sĩ phái Toàn Chân đều xuất gia, sống ẩn dật nơi rừng sâu núi thẳm, chuyên tâm tu luyện nội đan. Còn những đạo sĩ thuộc phái Chính Nhất thường có gia đình, chuyên hành nghề trừ ma, dâng sao giải hạn…

Đạo giáo của người Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thuộc bộ phận thứ hai. Bên cạnh những người hành nghề tự do (được gọi là Xí phù lẩu – lão sư phụ) di cư từ Hải Phòng, Quảng Ninh còn có một bộ phận lớn được hình thành tổ chức, tiêu biểu là nhóm Khánh Vân Nam Viện ở quận 11, Nhóm nhạc lễ miếu Bà Ngũ Bang, thành phố Vũng Tàu.

2.2. Âm nhạc Đạo giáo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, hình thành trên cơ sở bất phân giữa mối quan hệ của khoa nghi và âm nhạc, kể cả lễ Tả chái (Đả chay), một nghi thức cầu siêu cho người chết. Chính vì vậy, nhạc Đạo giáo được gọi là âm nhạc nghi thức (nhạc lễ).

Việc thực hành nghi lễ, bản thân cần đến sự tham gia của công cụ âm nhạc. Âm nhạc tạo không khí cho buổi lễ, đồng thời trở thành phương tiện giúp người thực hành nghi lễ vừa có khả năng cộng thông với thế giới vô hình vừa thực hiện biện pháp tu hành.

a. Khái niệm về Khoa nghi

Theo tự hình, “Khoa” là “Nghi thức”, nhằm chỉ những động tác, trình thức trong quá trình hành lễ. Đạo giáo có câu “Ỷ khoa xiển sự”, có nghĩa là việc hành sự phải được thực hiện dựa trên quy phạm, thứ tự nhất định.

“Nghi” là lễ tiết, nghi thức, quy phạm về hành vi. Người thực hành nghi lễ phải dựa trên những quy phạm, lễ tiết được thừa nhận để nhập vai.

Nội dung các khoa nghi sau khi trải qua thời gian dài định hình về quy phạm, cách thức, tất cả đều được văn bản hóa thành Sách khoa nghi. Sách khoa nghi giống như kịch bản mà những người thực hành nghi lễ lấy làm căn cứ trình diễn. Ở Khánh Vân Nam Viện, khoa nghi sử dụng gồm có: Tán khoa, kinh Di Đà, kinh Kim Cang, Kim Cang sám, Thủy sám, Tam Nguyên sám, Phóng Đại Mông Sơn… 

Trong hoạt động Pháp sự, khoa nghi nhằm chỉ các loại trình thức, quy phạm, thứ lớp, thậm chí bao trùm mọi hành vi, như hát, múa, niệm, độc, chú… Vì thế, khoa nghi là một hệ thống hành vi mang tính tổng hợp và có trình thức. Nó liên quan mật thiết với âm nhạc và là một bộ phận bảo thủ truyền thống
khiến cho âm nhạc Đạo giáo vẫn đảm bảo được tính kế thừa, lưu truyền văn hóa.  

b. Bộ phận âm nhạc

Bộ phận âm nhạc gồm hai thành phần: Cổ nhạc và ban Kinh sám. Bộ phận Cổ nhạc có thể diễn tấu độc lập, còn Ban Kinh sám chủ yếu làm nhiệm vụ thực hành nghi lễ. Hai bộ phận này liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hành nghi lễ.

3. Cơ cấu tổ chức

3.1. Ban kinh sám

Ban kinh sám được cấu thành bởi các Chủ khoa và Thủ. Giống như nhạc lễ của người Triều Châu, ban Kinh sám sử dụng hệ thống Kinh văn như một công cụ để thực hành nghi lễ. Chúng chuyển tải thông qua các thủ pháp diễn xướng và đạt tới tính trình thức khá ổn định. Trong quá trình thực hành các Khoa nghi, bộ phận Cổ nhạc đóng vai trò phụ họa hoặc tạo môi trường sống động cho không gian nghi lễ. Quan sát lễ Vu Lan, một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Quảng Đông diễn ra vào tháng 7 âm lịch, ở đây huy động tới một số lượng khá phong phú bài bản diễn xướng, cũng như diễn tấu. Theo trình tự thời gian, lễ Vu Lan gồm các nội dung sau: 

NGÀY MÙNG MỘT:

- 9 giờ sáng: Khai đàn.

- 10 giờ sáng: Khai quang, khải thỉnh.

- 12 giờ trưa: Khai sám Ngọc Hoàng bảo sám.

- 12 giờ 30 trưa: Diễn tấu cổ nhạc.

- 1 giờ chiều: Khai quang, khải linh.

- 2 giờ chiều: Khai kinh Huyền môn chân kinh, quyển thượng.

- 2 giờ30 chiều: Kiền lễ Ngọc Hoàng bảo sám.

- 3 giờ 30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

NGÀY MÙNG HAI:

- 7 giờ sáng: Kiền lễ Ngọc Hoàng bảo sám.

- 8 giờ sáng: Tảo chiêu.

- 9 giờ sáng: Kiền lễ Ngọc Hoàng bảo sám.

- 10 giờ 30 sáng: Kiền tụng Huyền môn chân kinh, yến khách.

- 1 giờ chiều: Kiền lễ Thái Thượng Huyền môn kinh, quyển thượng.

- 1 giờ 30 chiều: Kiền lễ Tam Thanh bảo sám.

- 2 giờ chiều: Kiền tụng Thái Thượng Huyền môn kinh, quyển hạ.

- 2 giờ 30 chiều: Kiền lễ Tam Thanh bảo sám.

- 3 giờ 30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

- 4 giờ 30 chiều: Thi tiểu thực.

NGÀY MÙNG BA:

- 7h sáng: Kiền lễ Tam Thanh bảo sám.

- 8h sáng: Tảo chiêu.

- 9h sáng: Kiền lễ Tam Thanh bảo sám.

- 10h30 sáng: Kiền tụng Địa Tạng kinh, quyển thượng, cúng thực.

- 12h trưa: Kiền lễ Đại bi bảo sám.

- 12h30 trưa: Kiền tụng Địa Tạng kinh, quyển trung.

- 2h chiều: Kiền tụng Địa Tạng kinh, quyển hạ.

- 2h30 chiều: Kiền lễ Tiêu kiếp bảo sám.

- 3h30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

- 4h30 chiều: Thi tiểu thực.

NGÀY MÙNG BỐN:

- 7h sáng: Kiền lễ Tiêu kiếp bảo sám.

- 8h sáng: Tảo chiêu.

- 9h sáng: Kiền lễ Tiêu kiếp bảo sám.

- 10h30 sáng: Kiền tụng Kim cang kinh, cúng thực.

- 12h30 trưa: Diễn tấu cổ nhạc.

- 1h30 chiều: Đại tán thiên hóa.

- 3h chiều: Kiền tụng Vu Lan bồn kinh, huyết bồn.

- 4h chiều: Kiền lễ Thần vũ bảo sám.

- 4h30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

NGÀY MÙNG NĂM:

- 7h sáng: Kiền lễ Thần Vũ bảo sám.

- 8h sáng: Tảo chiêu.

- 9h sáng: Kiền lễ Thần Vũ bảo sám.

- 10h30 sáng: Kiền tụng A Di Đà kinh.

- 1h chiều: Kiền tụng, Thái Thượng huyền môn kinh, quyển thượng.

- 1h30 chiều: Kiền lễ Vô cực bảo sám.

- 2h chiều: Kiền tụng Thái Thượng huyền môn kinh, quyển hạ.

- 2h30 chiều: Kiền lễ Vô cực bảo sám.

- 3h30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

- 4h30 chiều: Thi tiểu thực.

NGÀY MÙNG SÁU:

- 7h sáng: Kiền lễ Vô cực bảo sám.

- 8h sáng: Tảo chiêu.

- 9h sáng: Kiền lễ Thượng nguyên bảo sám.

- 10h30 sáng: Kiền tụng Kim cang kinh, Tiễn hành.

- 1h chiều: Kiền lễ A Di Đà kinh.

- 1h30 chiều: Kiền lễ Trung nguyên bảo sám.

- 2h chiều: Kiền tụng Vu Lan bồn, Huyết bồn.

- 2h30 chiều: Kiền lễ Hạ nguyên bảo sám.

- 3h30 chiều: Vãn chiêu cúng thực.

- 4h30 chiều: Thi tiểu thực.

NGÀY MÙNG BẢY:

- 6h30 sáng: Kết sám Hạ nguyên bảo sám.

- 7h sáng: Tảo chiêu.

- 7h30 sáng: Kết kinh Tam nguyên diệu kinh.

- 9h sáng: Thanh lý đàn tràng.

- 12h trưa: Phóng đại Tam Thanh.

- 4h chiều: Tống linh độ Tiên kiều.

- 4h15 chiều: Chiêu thần tống thánh.

NGÀY MÙNG CHÍN:

- 1h chiều: Phóng thủy u.

NGÀY MÙNG MƯỜI:

- 5h sáng: Cúng chư thiên.

Như trên đã nói, Ban kinh sám với chức năng thực hành nghi lễ, nên có cơ cấu tổ chức khá ổn định, kể cả tính chất. Những bài bản sử dụng ở đây bảo lưu nhiều thủ pháp nghệ thuật truyền thống, như xướng (tán xướng, vũ xướng), vịnh (tụng vịnh, xướng vịnh) tán, tụng (phúng tụng, tề tụng), niệm, chú, bạch... và luôn được trình diễn với các động thái (hành vi) đã được quy phạm với tính chất âm nhạc “thanh hư điềm tĩnh”. Trong khi đó, bộ phận Cổ nhạc lại không ngưỡng biến đổi.

3.2. Bộ phận Cổ nhạc

Bộ phận Cổ nhạc gồm tập hợp các nhạc khí: Tiêu (4 cây), Nhị hồ (1 cây), Đại hồ[1] (1 cây), Da hồ (1 cây), Đại cổ (1 chiếc), Cổ tranh (1 chiếc), Tần cầm (1 chiếc), đàn Tam thập lục (1 chiếc), Nguyệt cầm (1 chiếc), Điện cầm (guitar Hawai 1 cây, Địch (2 chiếc) -  ít dùng, chỉ xuất hiện trong lễ Khai quang.

Khác với nhạc lễ của người Triều Châu phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng của âm nhạc dân gian, bộ phận Cổ nhạc trong âm nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông chỉ bảo lưu một bộ phận âm nhạc truyền thống, còn đại bộ phận là ca khúc đương đại chuyển soạn cho dàn nhạc cổ truyền diễn tấu. Bởi vậy, yếu tố cổ truyền ở đây cần hiểu dưới góc độ phong cách. Nếu tiếp cận chúng trên phương diện âm nhạc, lấy bài bản làm đối tượng khảo chứng thì khó thể phân định rạch ròi giữa nhạc lễ (truyền thống) và nhạc giải trí (đương đại), có lẽ trừ bộ phận Kinh văn (do Ban Kinh sám thực hiện), vì gắn liền với nội dung của từng Khoa nghi, nên vẫn duy trì những quy định nghiêm ngặt về tổ chức, cũng như xoang điệu (truyền thống).

Một đặc điểm khác cũng đáng lưu ý ở nhạc lễ Quảng Đông (so với nhạc lễ Triều Châu) là việc đề cao vai trò của bộ phận Ty trúc (đàn dây và tiêu). Bộ gõ (la, cổ...) sử dụng với số lượng khá hạn chế. Kèn Sôna, một nhạc khí phổ biến trong nhạc lễ, cùng với Hào đầu (đồng) cũng không thấy sử dụng. Các nhạc khí mang âm hưởng lớn hầu như ít dùng, thay vào đó là nhạc cụ dây và hơi (chủ yếu là tiêu) nhằm tăng cường khả năng biểu đạt của giai điệu qua các bài bản diễn tấu. Điều này khác cơ bản với các đội La cổ phổ biến trong cộng đồng, đồng thời đã tiến một bước dài so với những loại hình âm nhạc hình thành thời kỳ đầu của người Hoa trên đất Nam Bộ, chủ yếu nhằm xác lập không gian nghi lễ, thông qua việc đánh động – một chức năng thông tin.

Mặc dù xuất phát từ mục đích phục vụ nhu cầu thực hành nghi lễ, nhưng, qua đó nhạc lễ của người Quảng Đông bộc lộ rõ xu hướng thế tục hóa bằng việc nhấn mạnh vai trò hưởng thụ nghệ thuật. Hiệu quả điều tiết âm lượng nhờ bộ phận khuếch đại âm thanh được xử lý một cách hiệu quả, hợp lý. Bên cạnh đó, tính dị bản vốn là một đặc trưng của âm nhạc dân gian đã văn bản hóa đạt tới mức độ ổn định tương đối và liên tục cập nhật. Tìm hiểu về hệ thống bài bản ở nhóm nhạc lễ tại Khánh Vân Nam Viện cho thấy có đến 80% là ca khúc, từ nhạc chủ đề phim cho đến ca khúc nổi tiếng Hong Kong, Đài Loan, kể cả nhạc của người Việt, như: “Lệnh tướng quân”, “Tiểu Lý phi đao”, “Vương Chiêu Quân”, “Một chuyến đi phóng khoáng”, “Rượu ngon pha café”, “999 đóa hồng”, Bao Thanh Thiên...

4. Kết luận 

Am nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận trong tổng thể di sản văn hóa các tộc người sống trên đất nước ta với những đặc trưng riêng được hình thành từ quá trình lịch sử, góp phần làm hình thành tính đa sắc trong bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam. Mặt khác, âm nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông cũng chính là những “hóa thạch” của văn hóa Hoa Nam. Tại Trung Quốc, sau Cách mạng Tân Hợi và đặc biệt là cách mạng văn hóa, văn hóa truyền thống rơi vào tình trạng mai một nghiêm trọng. Cách mạng văn hóa đã gây ra tổn thất không gì bù đắp đối với nghệ thuật truyền thống, trong khi đó, tại vùng trời phía Nam của Việt Nam, chúng vẫn được bảo lưu và tiếp tục phát triển, vì đã ra tách khỏi bối cảnh hiện thực của vùng phát tích. Chính vì lẽ đó, nghệ thuật của người Hoa nói chung và âm nhạc Đạo giáo của người Quảng Đông nói riêng có những lý do để tồn tại một cách khác biệt với văn hóa người Việt cũng như vùng văn hóa Hoa Nam phát tích.


 [1] Đại hồ ít khi xuất hiện với cơ cấu 2 cây trong một tổ chức, ở tang lễ thường kết hợp với đàn Tam thập lục.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6116323