Thông tin

NHẬN DIỆN KHỔ ĐAU

NHẬN DIỆN KHỔ ĐAU

                                                                                                                            

NGUYỄN VĂN QUÝ

 

    

 

Khổ - Duhkha, nhưng “ta có thể tạm dịch là Khổ. Không ai hiểu rõ nội dung này đầy đủ của “khổ” trừ bậc đại thánh, còn trên tầm tri kiến thấp hơn ta chỉ có thể hiểu nó một cách phiến diện”1. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, việc nhận diện Duhkha sẽ dễ dàng hơn việc tìm hiểu nội dung đầy tính triết học phức tạp của nó.

Một cách đơn giản là cái gì khiến cho con người cảm thấy khổ, khó chịu, lo lắng, bất an thì chính là Duhkha. Và cái gì là Duhkha thì cần phải chấm dứt, loại trừ. Quan niệm của đạo Phật cho rằng thế gian này không có gì ngoài sự khổ đau, cả hạnh phúc trần thế cuối cùng cũng kết thúc bằng khổ đau. Khổ đau tiếp nối khổ đau, trong hạnh phúc cũng đã hiện diện những mầm mống của khổ đau, nhưng không vì thế mà chán nản mà phải nhận diện nó. “Đức Phật dạy rằng, chúng ta nên nhận thức đau khổ là đau khổ, chấp nhận nó như thực kiến và chống lại nó”2.

Duhkha - Khổ, đương nhiên cho đến nay vẫn luôn là một khái niệm quan trọng trong đạo Phật, nó được định nghĩa như sau: Khổ là “cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba tính của sự vật. Không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ; Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức xuất phát từ ngũ uẩn, chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế, tất cả những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ bị hoại diệt. Khổ xuất phát từ Ái và con đường thoát khổ là bát chính đạo. Chân lý thứ nhất của tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau: Sinh là khổ; già là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến ngũ uẩn là khổ”3.

Khổ đau trong đạo Phật được các nhà nghiên cứu nhận diện trên hai phương diện chính là nguyên nhân, mức độ và hình thức4.

Về nguyên nhân và mức độ khổ đau có ba loại khổ (Tam khổ) bao gồm:

- Khổ khổ (S: Duhkha-duhkha), nghĩa là khổ vì những sự khổ của thế tục, chẳng hạn khổ vì đói khát, khổ vì phải trải nạn chiến tranh và đây là mức độ khổ thấp nhất mà ai cũng cảm nhận được;

- Hoại khổ (S: Viparihāma-duhkha), nghĩa là khổ vì sự thay đổi. Ở mức độ này, ngay cả những kinh nghiệm tưởng có vẻ khoái lạc thì cũng là khổ. Bởi con người cảm thấy các kinh nghiệm đó là vui sướng là bởi họ đã so sánh chúng với những kinh nghiệm đau đớn. Sự vui sướng đó chỉ là tương đối. Trong khi đó, sự vật luôn thay đổi, vì vậy sau một thời gian thì những kinh nghiệm tưởng chừng là vui sướng đó chỉ còn là sự nhàm chán, không thỏa mãn5 sự vui sướng rồi cũng mất đi;

- Hành khổ (S: Sahskāra-duhkha), nghĩa là khổ vì duyên sinh, tức trạng thái khổ ở kiếp này không chỉ là nền tảng cho cái khổ trong kiếp này mà còn là nền tảng cho đau khổ trong kiếp sau. Cái khổ này nối tiếp nhau kéo từ đời này sang đời khác một khi con người vẫn nằm trong vòng vô minh6. Sự nhận biết về khổ ở mức độ này là sâu sắc nhất7.

Về hình thức có tám loại khổ (Bát khổ) mà con người ai cũng phải chịu8:

- Sinh khổ: Phật giáo quan niệm, con người khổ trong sự sinh sống. Ngay cả khi còn là một thai nhi thì con người đã khổ vì phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, người mẹ phải mang nặng đẻ đau cũng là khổ, con người phải mưu sinh để sống cũng là khổ.

- Lão khổ: Khi con người đến tuổi già thì thân thể không còn như trước, mắt mờ, tai điếc, khi huyết suy nhược, chân tay chậm chạp, nói trước quên sau không như ý muốn đó là khổ.

- Bệnh khổ: Đó là khi con người phải chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần khi mắc bệnh. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, không ai là không từng trải qua một đôi lần mắc bệnh và thấu hiểu nỗi khổ khi bị mắc bệnh. Từ bệnh nhẹ như nhức đầu sổ mũi đến những trọng bệnh như u, nhọt, ung thư hành hạ,...

- Tử khổ: Khi con người sắp chết thì trong lòng sợ hãi thì đó là khổ. Thân xác phân hủy, gia quyến đau lòng đó là khổ. Và trong bốn hiện tượng vô thường này thì chết là cái khổ lớn nhất, làm cho chúng sinh trong thế giới trần tục này sợ hãi nhất.

- Ái biệt ly khổ: Đó là khi con người yêu thương nhau nhưng phải chia lìa. Chia lìa khi còn sống và chia lìa khi chết.

- Sở cầu bất đắc khổ (hay cầu bất đắc khổ): Đó là khi con người không được toại nguyện, những nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân không được như ý.

- Oán tăng hội khổ: Là khổ khi con người phải tiếp xúc với những thứ mình không thích. Không ưa nhau mà vẫn phải gặp nhau, ghét nhau mà vẫn phải ở chung với nhau,…

- Ngũ uẩn khổ: Đó là vì con người có sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức)9 trong cơ thể. Chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết (thức) nhiều quá cũng khổ,…

Như vậy, có thể thấy khổ đau theo quan niệm của đạo Phật được nhận diện ở hai bình diện là Thân khổ và Tâm khổ. Thân khổ có thể thấy rõ là những cảm giác đau đớn về thể xác, như nóng lạnh, bệnh tật,… còn Tâm khổ là những cảm giác trong tâm như buồn phiền, căng thẳng, trạng thái lo lắng bất an,… Hẳn nhiên, Thân khổ và Tâm khổ luôn luôn có sự dính kết, có sự liên quan mật thiết, không thể tách rời, khổ ở thân sẽ dẫn đến tâm khổ và tâm khổ cũng dẫn đến thân khổ. Đương nhiên, khổ đau được nhận diện ở đây là những nỗi đau đớn, khổ sở nói chung. Bởi có những nỗi đau chỉ khó chịu nơi tâm và cũng có những nỗi đau gây khó chịu nơi thân, có trường hợp có đau nhưng không khổ, có trường hợp có khổ nhưng không đau, điều này phụ thuộc vào từng người, đặc biệt là đối với các vị tu sĩ đạo Phật, khổ đau thường bị hạn chế, thậm chí chúng không còn xuất hiện đối với những người đắc đạo.

Nhìn chung, có rất nhiều khổ đau, nó muôn vàn dáng vẻ, mức độ biểu hiện hay không biểu hiện,... Việc nhận diện khổ đau theo quan niệm của đạo Phật là khiến cho con người nhìn thấy bản chất của khổ đau, sự xuất hiện và tồn tại của nó chính là trên nền tảng tham ái và chấp ngã (tham, sân, si). Bởi càng tham ái, càng chấp ngã thì càng nhận nhiều đau khổ, điểm mấu chốt là nhận diện khổ đau để khiến cho con người có cái nhìn chân thực về cuộc đời, hiểu được bản chất, quy luật của đời sống, của các sự vật, các hiện tượng trong thế giới xung quanh và trong chính bản thân mỗi con người để giảm thiểu nỗi khổ đau và không tạo ra những khổ đau mới trong cuộc đời, để từ đó con người gieo trồng được hạt giống được an lạc, hạnh phúc ngay trên thế gian này. 

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến giải thoát, bởi khi nhận diện được khổ đau thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thoát khổ đau. Giải thoát (S: Vimukti), theo quan niệm của Phật giáo đó là sự giải phóng ra khỏi khổ bằng cách thấy biết nguyên nhân của khổ và tận diệt nó, tức là thực hiện Tứ diệu đế và đoạn diệt ô nhiễm (S: ã srava). Giải thoát tức là ra khỏi ảo tưởng và khổ, thoát khỏi sự tái sinh trong luân hồi (S: Samsãra) và đạt Niết bàn (S:Nivãna).

Đối với nhân dân, “những bà già ngoáy trầu” mộ đạo Phật thì có lẽ họ không quá bận tâm nhận diện thế nào là khổ, cách thoát khổ, nhưng đối với các tu sĩ chắc hẳn họ không dừng lại ở việc "hiểu" bản chất của khổ. Vì thế, vấn đề giải thoát thường được tranh luận trong suốt tiến trình lịch sử của đạo Phật. Giải thoát là gì, tại sao phải giải thoát, sau khi giải thoát sẽ đi về đâu và ai là người được giải thoát. Đương nhiên là kèm theo nó là cả một hệ thống thuật ngữ, khái niệm “thiêng liêng” giải thích xung quanh vấn đề giải thoát. Chẳng hạn như Phật (Buddha), Như Lai (Tathãgata), Pháp (Dharma), Niết bàn (Nirvana),…

Hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo đã quá quen thuộc và gợi trong suy nghĩ con người trần tục về một cuộc sống có quá nhiều sự kiêng khem và tránh xa mọi thứ kích thích và cao hơn là từ bỏ hầu hết mọi sở hữu cá nhân, xa lánh gia đình, những người thân yêu nhằm thích nghi với cuộc sống cô độc để rèn luyện thân tâm nhằm đạt được sự giải thoát. Bóng Bồ Đề Đạt Ma lẻ loi ngồi suốt chín năm quán bích vô cùng ấn tượng, khiến không chỉ những người tu sĩ mà còn cho cả người trần tục thao thức mong muốn mình được sở hữu một tâm trạng lắng đọng, bình an nội tại như ngài. Nhưng rõ ràng, theo quan điểm của đạo Phật thì chỉ có Tứ chúng10 mới có thể và kiểm chứng giải thoát là một “trạng thái tịch tĩnh” vi tế đến mức không phải ai cũng đạt được. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, hình ảnh con người cá nhân đơn độc đi tìm sự tĩnh lặng trong tâm vẫn luôn có có sức hấp dẫn lớn đối với con người như thuở ban đầu, nhưng dường như việc chinh phục môi trường xung quanh nhằm đem đến sự sung túc, đầy đủ về vật chất cũng hấp dẫn không kém. Dẫu sao, nhận diện khổ đau và tạo lập phương pháp thoát khổ trên tinh thần 5 thiện căn và 4 tâm đã và đang đem đến những lợi ích tích cực trong cuộc sống cá nhân và trong cuộc sống xã hội. 


Chú thích:

1. Edward Conze, Hạnh Viên dịch, Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, tr46

2. Junjiro Takakusu, (Bản dịch của Tuệ Sĩ), Các tông phái của đạo Phật, Ban tu thư viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr40.

3. Ban biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb Thời Đại, tr. 291.

4. Xin xem thêm: Diệu Kim; Nguyễn Minh Tiến (2008), Đố vui Phật pháp. Nxb Tôn giáo, tr. 137.

5. Xin xem thêm: Đạt-lai Lạt-ma XIV, Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2007), Tứ diệu đế. Nxb Tôn giáo. tr. 112-113.

6. Xin xem thêm: Đạt-lai Lạt-ma XIV, Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2007), Tứ diệu đế. Nxb Tôn giáo. tr. 112-113.

7. Xin xem thêm: Diệu Kim; Nguyễn Minh Tiến (2008), Đố vui Phật pháp, Nxb Tôn giáo, tr. 138.

8.  Xin xem thêm Diệu Kim, Nguyễn Minh Tiến (2008), Đố vui Phật pháp, Sđd; Bộ môn Triết học (Khoa Triết học), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (2007), Triết học Mác - Lê-nin, Thành phố Hồ Chí Minh: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Đoàn Trung Còn (1963),  Phật học từ điển 2, Phật học tùng thơ, tr. 149.

9. Theo quan niệm của đạo Phật, thân thể con người là nơi chứa năm thứ gọi là ngũ uẩn làm cho con người mê lầm mà khổ. Sắc thuộc những gì về vật chất, có hình tướng rõ ràng như thịt da, chân tay mắt mũi,…; Thọ thuộc về cảm xúc của con người khi gặp một biến cố nào đó, như gặp đáng tang mà sinh buồn, nghe tiếng sấm tiếng sét mà sợ hãi,…; Tưởng là trí nhớ, tượng trưng cho những gì không có hình như giận dữ, ý nghĩ, nỗi nhớ,…; Hành có nghĩa là sự hoạt động, con người sống lúc nào cũng phải hoạt động thường xuyên, vận động chân tay, đầu óc suy nghĩ mưu sinh,…; Thức là ta biết ta đang sống nhưng không tự chủ được bởi bị chi phối của các uẩn nêu trên.

10. Tứ chúng là bốn hàng đệ tử của Phật bao gồm: Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là hai chúng xuất gia. Ưu bà tắc và Ưu bà di là hai chúng tại gia, dịch là Cận sự nam và Cận sự nữ, nghĩa là những người gần gũi Tam bảo, làm những việc hộ trì Tam bảo. Ngày nay thường gọi là cư sĩ nam và cư sĩ nữ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 74
    • Số lượt truy cập : 6367821