Thông tin

NHÂN DUYÊN ĐỨC PHẬT THÍCH CA RA ĐỜI

NHÂN DUYÊN ĐỨC PHẬT THÍCH CA RA ĐỜI

  

TS. LƯƠNG THỊ THU HƯỜNG

 

 

 

Đức Phật xuất hiện nơi nhân gian là một sự kiện có thật trong lịch sử nhân loại. Hơn hai nghìn năm qua, ánh sáng mà Đấng Giác Ngộ mang đến vẫn tiếp tục chiếu dọi cho bao mê lầm được gột rửa, cho bao tà kiến được quay về nẻo chính, cho bao cuộc đời đau khổ đi đến chân hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Đó cũng là lý do mà Đức Phật xuất hiện nơi đời.

Bài viết tìm hiểu nhân duyên đản sinh của Đạo sư Đại giác ngộ tôn quý Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được diễn dụ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (còn gọi là Kinh Pháp Hoa)1 (Quyển thứ nhất, Phẩm phương tiện thứ hai).

1. Nhân duyên Đức Phật Thích Ca xuất hiện ra đời: Vì muốn khiến cho chúng sinh mở được tri kiến thanh tịnh của Phật

Tại sao chúng sinh đau khổ? Tại sao chúng sinh có người khôn lanh kẻ độn ám? Tại sao chúng sinh chịu cảnh luân hồi sinh tử?  Sự thực là, chúng sinh bao đời, và bao kiếp dù trong hình dạng nào vẫn cứ mãi trôi lăn trong biển chết và tái sinh, sướng và khổ, sang và hèn, đẹp và xấu, hơn và thua… Sự thực nữa là, chúng sinh mỗi thời mỗi khắc luôn bị ham muốn dày vò, bị sân hận thiêu đốt, bị si mê thúc giục… tất cả điều đó khiến tâm chúng sinh không còn minh, trí chúng sinh không còn sáng.

Đức Phật xuất hiện nơi đời nhằm giúp cho chúng sinh trả lời được các câu hỏi trên; giúp chúng sinh mở được cánh cửa của nhận thức chân thực về thực tại đời sống: đau khổ là có thực. Khổ đau được núp dưới nhiều hình tướng, tên gọi khác nhau nhưng về bản chất khổ là do con người tưởng rằng những yếu tố như thân thể, cảm giác, niệm tưởng, hành và thức là ta, là chủ nhân của ta nên con người mải mê chạy theo, lo lắng, cung phụng, chiều chuộng nó đủ điều. Được thì con người vui sướng, tham đắm nắm giữ, không được thì con người đau khổ, kiếm tìm. Mọi ham muốn, tham vọng, lo âu, sợ hãi đều phát sinh từ đó - từ bên trong con người, do nhận thức mê lầm của con người. Con người tự đóng cửa tri kiến thanh tịnh của bản tâm mà nhận lấy bất tịnh, mở đường cho phiền não, tham đắm, đau khổ, luân hồi sinh, chết.

Đức Phật vì thấu triệt được nỗi đau khổ chúng sinh đang mang, đang bị trói buộc mà xuất hiện nơi nhân gian nhằm chỉ bày cho chúng sinh “mở được tri kiến thanh tịnh của Phật”. “Tri kiến thanh tịnh của Phật” là nhận thức không bị nhiễm ô bởi bất kỳ điều gì, đó còn gọi là ánh sáng của Giác Ngộ hoàn toàn. Đức Phật là bậc đại giác ngộ, đã chứng nghiệm điều đó. Tri kiến thanh tịnh hay ánh sáng của giác ngộ chỉ đến từ bên trong - mỗi người, mỗi cá nhân, mỗi chúng sinh. Khi chúng sinh bị dẫn lối bởi ham đắm, dục vọng thì ánh sáng của giác ngộ, tức Phật tính sẽ bị đóng lại. Vì vậy, việc “mở” được cánh cửa của nhận thức bên trong mỗi người - chính là chìa khóa để giải thoát khổ đau, giác ngộ hoàn toàn.

Đức Phật xuất hiện không chỉ giúp chúng sinh trả lời được nguyên nhân đau khổ, mà còn chỉ rõ bản chất của hạnh phúc thế gian là thường còn, là giả tạm. Vì thế Đức Phật ra đời mục đích là để “đánh thức” chúng sinh thoát khỏi cơn mê, chỉ rõ cho chúng sinh thấy dù sang, vui, hạnh phúc, xinh đẹp, viên mãn, hay thành tựu… cũng chỉ là cơn mê dài, không phải chân hạnh phúc thực sự, điều đó cũng không đưa đến giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

2. Nhân duyên Đức Phật Thích Ca xuất hiện ra đời: Vì muốn chỉ rõ cho chúng sinh tri kiến của Phật

“Tri kiến của Phật” là tri kiến nhìn thấu/thông suốt, rõ suốt khắp cả, mọi sự, mọi vật như-nó-là (là thế, là vậy, vốn thế, vốn vậy; là cái nhìn, quán sát không bị che lấp, không bị chi phối, không bị ràng buộc bởi bất tịnh, bất an, bởi ham đắm, chấp trước, mê mờ, ngã mạn…). Tri kiến của Phật là tâm an bình, thanh tịnh, trong sáng, không nhiễm ô.

Nhận thức của chúng sinh luôn do/bị ngũ dục làm người dẫn đường nên không thấy được thực tướng của mọi sự, mọi vật, không tìm ra nguyên nhân của đau khổ và cách thức chấm dứt đau khổ, luân hồi, vì vậy cứ mãi trôi lăn trong tái sinh sống, chết, sướng khổ, thành bại, vinh nhục, hơn thua…

Đức Phật xuất hiện nơi đời nhằm “mục đích chỉ rõ cho chúng sinh tri kiến của Phật” tức là tri kiến đã tìm ra được nguyên nhân của sự khổ não, luân hồi là do ái dục. Vì ái dục khiến ta mê mờ, độn ám tâm trí (vô minh) - ta nhìn không đúng bản chất của thực tại; không biết mọi sự mọi vật do đủ điều kiện, nhân duyên kết hợp lại mà thành, khi không hợp lại thì chúng sẽ tan ra, chúng không bền chắc, không có gì mãi bền chắc. Ta không biết nên cứ mãi tham ái, bám chấp, đắm chìm mê man bao ngày, bao tháng, bao năm, bao kiếp, chẳng tỉnh cơn mê.

Không chỉ vậy, Đức Phật còn chỉ rõ cho chúng sinh biết: bản tâm chúng sinh (giác ngộ tính hay Phật tính) cũng đồng một thể với bản tâm của Đức Phật (tri kiến của Phật); tuy nhiên, chỉ khác là tâm chúng sinh bị nhiễm ô do chúng sinh tự đóng chặt cửa tâm mình để hướng ra bên ngoài, tin theo ngũ dục, chạy theo ham muốn, tham đắm danh sắc nên ánh sáng của trí tuệ giác ngộ (giác ngộ tính hay Phật tính) bên trong mỗi chúng sinh không thể chiếu dọi mỗi bước đi luân hồi trên mặt đất của chúng sinh. Vì vậy mà chúng sinh chìm nổi trong biển khổ đau, sóng phiền não, sinh tử luân hồi.

3. Nhân duyên Đức Phật Thích Ca xuất hiện ra đời: Vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến của Phật

Đức Phật ra đời nhằm muốn chúng sinh không chỉ “biết/thấy” tri kiến Phật mà còn “tỏ ngộ” tức thấy rõ, thấy đúng thực tại, tức thấu rõ, thấu triệt tri kiến Phật. Vì vậy Đức Phật đã dùng các pháp phương tiện để cho chúng sinh “tỏ ngộ” - chúng sinh tự giải mã được đau khổ mà họ đang mang, tức họ tự giác ngộ. Đó cũng là lúc chúng sinh mới hiểu được Đức Thế Tôn trở thành Đấng Giác Ngộ là vì đã chặt dứt được vô minh, phiền não tức Phật đã chấm dứt được đau khổ, tái sinh luân hồi. Đức Phật đã chỉ ra (tỏ ngộ): chính ái dục là nguyên nhân của khổ đau, luân hồi. Bản chất của ái dục là lòng tham đắm, là ham muốn, là chấp trước. Nhận rõ được điều đó là chấm dứt vô minh. Nơi vô minh chấm dứt là nơi ánh sáng giác ngộ tràn ra. Tại nơi đó, khổ đau chấm dứt, mở ra sự an lạc, tự tại, tự do, tự chủ.  

Vì thế, Đức Phật xuất hiện nơi đời không chỉ nhằm cho chúng sinh thấy rõ được sự khổ, mà còn cho chúng sinh pháp để trị khổ, dứt khổ, để lìa mê, quay về nẻo giác ngộ. Đức Phật như vị lương y, tùy bệnh mà cho thuốc; vì lòng thương chúng sinh, muốn làm lợi ích an vui cho hết thảy chúng sinh Đức Phật tùy người mà đưa pháp phương tiện, tùy duyên mà dùng lời lẽ, thí dụ để chúng sinh tự tỏ ngộ được tâm mình.

Đức Phật đưa ra các cách thức để chúng sinh tịnh hóa bản thân, chấm dứt vô minh, mê lầm, chấm dứt đau khổ, để chúng sinh mở được cánh cửa của tự giác ngộ, thể nhập vào tri kiến của Phật, để bước đi trong ánh sáng của tự do, tự tại, giải thoát.

4. Nhân duyên Đức Phật Thích Ca xuất hiện ra đời: Vì muốn cho chúng sinh chứng nhập vào tri kiến của Phật

Đức Phật thấu rõ tâm chúng sinh còn ham đắm, ngã mạn, người lanh kẻ độn, người cao kẻ thấp… nên đã dùng vô số phương tiện, hết thảy nhân duyên, lời lẽ, thí dụ mà bày ra pháp Tiểu thừa, Đại thừa hay Tam thừa… là để chúng sinh được nếm pháp vị dần theo đó mà tin theo Phật, hiểu rồi tự thực hành đi đến giải thoát và cuối cùng được “Nhất Thiết Chủng Trí”- là Trí huệ Trung đạo của Phật2 - đó là con đường tránh xa cả hai thái cực hoặc hưởng thụ dục lạc hoặc khổ hạnh ép xác. Đó cũng chính là Phật thừa - phép tu tự giác ngộ, tự chứng đắc, tự giải thoát khỏi đau khổ, làm chủ luân hồi.

Như thế, Đức Thế Tôn cao quý xuất hiện nơi đời không chỉ làm cho chúng sinh hiểu rõ được đau khổ, bản chất của đau khổ mà còn đưa phương tiện pháp như cho bè vượt qua sông mê để chấm dứt được đau khổ, chứng ngộ được hương vị giải thoát. Vì thế, tùy theo căn cơ, chủng tính, tùy thời, tùy xứ… mà chúng sinh người thì chăm nghe pháp mà tin theo, người thành tâm lễ bái, người dùng pháp niệm Phật, người thì giữ giới luật thanh tịnh, người thì chăm thiền định, người theo Bát Chính đạo… mỗi mỗi pháp pháp đều là cách thức để tâm chúng sinh được an định, tĩnh lặng, tỉnh thức lúc đó trí tuệ sẽ bừng nở… cứ như vậy, chúng sinh bước từng bước trên con đường giác ngộ cho đến khi thể/chứng nhập vào tri kiến Phật - được xúc chạm vào hương vị của tâm an lạc, hạnh phúc tự tại, giải thoát, giải thoát hoàn toàn.

Tóm lại, trong đời quá khứ, Đấng Giác Ngộ với lòng từ bi, trí tuệ Ngài nhận rõ đau khổ của chúng sinh, thấy rõ những mê lầm chúng sinh đang mắc mà Ngài xuất hiện nơi đời, vì chúng sinh mà Ngài dùng vô số phương tiện để nói pháp giải thoát khỏi khổ đau, pháp giải thoát khỏi vô minh để chúng sinh được an lạc, tự tại hạnh phúc và hoàn toàn
giải thoát.

 


1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2004), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (HT Thích Tuệ Hải dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2004), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (HT Thích Tuệ Hải dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.60.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 80
    • Số lượt truy cập : 6127545