Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM- VẦN Chiêu

Chiêu

 

- Thích Huệ Chiếu (1898-1965), Hòa thượng, dòng Lâm Tế đời 41, ngài họ Từ, xuất gia năm 12 tuổi với Quốc sư Phước Huệ, pháp danh Không Hoa, pháp hiệu Huệ Chiếu. Năm 15 tuổi, thấy ngài căn tánh thông minh, nên tổ Phước Huệ cho làm thị giả. Năm 1920, ngài được thọ cụ túc giới. Năm 25 tuổi, được giao làm Thủ khố và thay thế bổn sư điều hành tổ đình. Ngài đã được Tăng chúng suy cử trụ trì tổ đình Thập Tháp và được vua phong Sắc tứ để có đủ danh hiệu thay thế Quốc sư đang giảng dạy Phật pháp tại kinh đô. Năm 1945, Quốc sư viên tịch, ngài được kế vị trong thời buổi đất nước loạn ky, nhiều tu sĩ xếp áo cà sa tham gia cách mạng, ngài phải tự mình cày bừa canh tác ruộng đất để gìn giữ môn phong tổ tự. Ngài bền lòng lèo lái phong trào PG Cứu Quốc trong giai đoạn này. Năm 1952, sau khi Giáo hội Tăng già thành lập, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong giới đàn chùa Thiên Bình - An Nhơn. Ngài được bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bình Định. Năm 1954, đất nước tạm đình chiến, ngài bắt tay xây dựng lại tổ đình hoang tàn sau chiến tranh. Năm 1957, trùng tu hoàn tất, ngài tổ chức lễ khánh thành thật long trọng. Năm 1963, ngài lãnh đạo PG Bình Định góp phần đấu tranh cho sự thành công chung của PG nước nhà. Ngài xả báo thân ngày 9 tháng 11 năm 1965, thọ 65 năm, 46 hạ lạp, tháp lập bên cạnh tháp bổn sư, nguyên quán trú quán Tây Sơn - Bình Định - theo BTS PG Bình Định cung cấp.

- Thích Huệ Chiếu (1895 -1970), Hòa thượng, xuất gia từ thuở nhỏ với HT Trừng Tâm - chùa Vĩnh Lộc - Tây Sơn. Đến năm 1919, ngài thọ Đại giới và cầu pháp với HT Chánh Nhơn - chùa Long Khánh - Qui Nhơn, được pháp danh Tâm Tịnh, pháp tự Giải Thoát, pháp hiệu Huệ Chiếu. Năm 1922, ngài được bổn sư bổ về trụ trì chùa Hưng Long - Bình Định. Năm 1930, ngài cùng HT Trùng Khánh vào chùa Hiển Long - tỉnh Vĩnh Long mở lớp gia giáo trong 2 năm do ngài làm chủ giảng. Năm 1932, trong phong trào chấn hưng PG tỉnh nhà, ngài là thành viên sáng lập hội An Nam Phật học Bình Định. Năm 1937, ngài về trụ trì chùa Thiên Đức và phát động trùng tu chùa. Năm 1939, ngài trùng tu chùa Long Quang- Thừa Thiên do bổn sư ngài khai sơn. Năm 1942, ngài làn Đường đầu giới đàn chùa Thiên Đức. Năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, ngài làm Chủ tịch đoàn PG Cứu quốc tỉnh Bình Định. Năm 1947, ngài làm Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 5. Ngài triệu tập chư Tăng 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình- Phú tổ chức thành hội PGVN Liên khu 5 và ngài là Chánh hội trưởng hội Việt Nam Phật Giáo Liên khu 5. Năm 1955, ngài lên Kon Tum khai sơn chùa Trung Khánh, cùng năm này Giáo hội Tăng già Trung Việt ra đời, thỉnh ngài vào hàng Trưởng lão cố vấn cho Giáo hội. Năm 1958, ngài trùng tu tổ đình Long Khánh và chứng minh lễ đúc kim thân Phật tổ bằng đồng cao 2 thước để thờ tại chánh điện chùa. Ngài thị tịch ngày 10 tháng 02 năm Canh Tuất (1970), thọ thế 75 tuổi, Hạ lạp 50, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Sư Nguyệt Chiếu (1882-1947), Thiền sư, Nhạc sư, cùng thời với Nhạc sư Cao Văn Lầu, danh sư cổ nhạc tỉnh Bạc Liêu, thế danh Lưu Hữu Phước, người nổi tiếng học giỏi chữ Hán từ năm lên 10 tuổi và trở thành huyền thoại trong giới tăng ni Phật tử cũng như trong giới văn nghệ sĩ cổ truyền đất Nam Bộ, đặc biệt là tỉnh Bạc Liêu, xuất gia năm 1902, pháp danh Đạt Bảo, pháp hiệu Nguyệt Chiếu. Bổn sư của ông vốn là người giỏi về nhạc lễ, nên đã truyền trao cho ông sở đắc về môn này, ông hấp thu trọn vẹn và trên bước đường cùng thầy đi du hóa, ông học hỏi thêm rất nhiều. Sau khi bổn sư viên tịch, Sư Nguyệt Chiếu trở về Bạc Liêu trú xứ ở chùa Vĩnh Phước An. Trụ trì chùa này là HT Minh Bảo, nguyên là chú vợ của Nhạc Khị (Sáu Lầu). Nhân duyên đó nên Sư Nguyệt Chiếu và Nhạc Khị trở thành bạn tâm giao. Hai người hợp tác thực hiện rất nhiều công trình canh tân, sáng tác và chỉnh tu cổ nhạc, mở đầu cho sự hình thành trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, tạo dựng nhiều phong trào đờn ca tài tử; ca ra bộ; phục hưng lễ nhạc cổ truyền... Sư Nguyệt Chiếu đã ra công sưu tầm, hiệu đính các bài bản cổ nhạc. Sau đó, Nhạc Khị nhuận sắc làm tài liệu giảng dạy được in trong sách Ca nhạc cổ điển (1962) của soạn giả Trịnh Thiên Tư. Có thuyết cho rằng, bài Dạ cổ hoài lang là của Sư Nguyệt Chiếu góp phần sáng tác. Vài năm sau, Sư Nguyệt Chiếu được HT Xuân Phong mời về chùa Vĩnh Đức mở lớp đào tạo, ông thu nhận học trò rất đông để phổ biến về nhạc lễ. Khoảng năm 1925, ông nhận lời mời của HT Huệ Bình đào tạo một đội nhạc công cho chùa Anh Thạnh Linh, học trò của ông sau này là những nhạc sư danh tiếng. Ông còn khả năng đặc biệt là tự làm nhạc cụ rất nổi tiếng. Ông có công lớn trong việc duy trì, thừa kế, phát triển nhạc lễ phương Nam. Ông xả báo thân ngày 16 tháng 8 năm Đinh Hợi (30-09-1947) thọ 65 năm, nguyên quán trú quán Bạc Liêu - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Pháp Chiếu (1935 -2014), Hòa thượng, dong Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Trần Mnh Ngọc, quy y Tam bảo với HT Cam Lồ tại chùa Thắng Quang, pháp danh Như Minh. Năm 1956, ngài xuất gia với HT Từ Thiện - tịnh xá An Lạc - xã Long Hải - Long Điền - Bà Rịa và tu học ở chùa Châu Viên trên núi Kỳ Vân - Bà Rịa. Năm 1957, ngài thọ Sa di phương trượng và được bổn sư ban pháp hiệu là Pháp Chiếu. Năm 1959, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Vạn Thọ - Tân Định - Sài Gòn do HT Hải Tràng là Đàn đầu truyền giới. Năm 1960, ngài nhập Hạ tại chùa Phổ Quang - Phú Nhuận, nơi đây ngài có nhân duyên với HT Thiện Hoa, nghe HT khuyên nên theo Phật học và tặng cho ngài áo ca sa để chuyển từ Khất sĩ sang Bắc tông, cũng như giới thiệu ngài vào học tại PHV Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1965, ngài tiếp tục theo học PHV Trung đẳng chuyên khoa Huệ Nghiêm - Bình Chánh và được tín nhiệm giữ chức Quản viện. Ngài viết nhiều bài báo trên nguyệt san Phật học, bút danh Tùng Vân, Tùng Băng... Năm 1969, ngài được cử làm giáo thọ lớp Trung cấp PHV Hải Đức Nha Trang. Năm 1976, ngài nhận lời kế thừa trụ trì tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên - Lâm Đồng. Năm 1990, ngài là Phó hiệu trưởng trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng. Năm 2001, ngài khai sơn chùa Giác Châu - xã Ka Đơn - Đơn Dương. Năm 2010, khai sơn chùa Giác Hưng - xã P'ró - Đơn Dương. Từ năm 1986-2008, giới đức kiêm ưu, ngài luôn được thỉnh làm Giới sư tại các giới đàn của tỉnh hội Lâm Đồng khai mở. Năm 1982, ngài được cử làm Phó trưởng BTS PG tỉnh Lâm Đồng kiêm Chánh đại diện PG huyện Đơn Dương. Năm 2002, ngài được suy cử là Ủy viên HĐTS GHPGVN. Năm 2008, ngài là Trưởng BTS PG kiêm hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng. Ngài còn là Ủy viên UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng nhiều khóa và được Giáo hội, Nhà nước, chính quyền các cấp tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen... Ngài xả báo thân ngày 30 tháng 8 năm Giáp Ngọ (23-09-2014) thọ 80 năm, 55 hạ lạp, nguyên quán Hoài Đức - Bình Định, trú quán Đơn Dương - Lâm Đồng - theo tư liệu BTS PG Lâm Đồng cung cấp.

- Sư Thiện Chiếu (1898-1974), thế danh Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Sáng, bút hiệu Xích Liên, xuất gia từ nhỏ ờ chùa Long Phước- Gò Công, ông tinh thông văn hóa Đông Tây, theo tư tưởng cấp tiến. Năm 1926, ông trụ trì chùa Linh Sơn - Sài Gòn. Năm 1928, ông cộng tác với các HT Khánh Hòa, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm thành lập Thích học đường và Phật học thư xã tại chùa Linh Sơn. Ngày 23-3-1937, hợp tác với HT Trí Thiền - chùa sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá lập hội Phật giáo Kiêm Tế, xuất bản tờ Tiến Hóa. Năm 1940, ông tham gia phong trào Nam kỳ khởi nghĩa ở Hóc Môn, bị bắt đày đi Côn Đảo. Tháng 8-1945, cách mạng thành công, ông trở về Gò Công làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh. sau ông thoát ly kháng chiến, tập kết ra Bắc làm nhà nghiên cứu Hán văn và dịch giải một số kinh sách Phật, tác phẩm: Phật hóa Tân thanh niên; Phật giáo tổng yếu; Phật học vấn đáp; Tranh biện; Phật giáo và Vô thần luận; Tôn giáo; Chân lý của Đại thừa và Tiểu thừa; Tại sao tôi cám ơn đạo Phật; Triết lý đạo Phật (dịch kinh Lăng Nghiêm); Cái thang Phật học; Phật pháp là Phật pháp; Kinh Pháp Cú, nguyên quán Gò Công, trú quán Hà Nội - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Thường Chiếu (1914-1998), Hòa thượng, pháp danh Như Thượng, pháp hiệu Thường Chiếu, thế danh Lê Thượng. Năm 1941, ngài cùng với các ngài Tịch Chiếu, Viên Chiếu nghe danh Hòa thượng Chơn Phổ - Nhẫn Tế Minh Tịnh, đắc pháp từ Tây Tạng về Bình Dương hoằng pháp, nên lặn lội từ miền Trung vào chùa Tây Tạng - Bình Dương xin được xuất gia. Điều này tương ứng với sự thọ ký của các vị Lạt ma nên HT Chơn Phổ hoan hỷ nhận làm đệ tử. Năm 1942, được HT bổn sư giao cho trông coi ngôi chùa Lâm Huê - Gia Định, và ngài trụ lại đây cho đến cuối đời. Năm 1968, chùa Lâm Huê bị chiến tranh thiêu rụi, ngài kêt thảo am bằng tranh để tu tập, mãi đến năm 1983 mới sửa sang lại. Với đạo pháp, ngài là biểu tượng cho sự tu trì, không màng thế sự động tâm, quả là một tấm gương giải thoát đáng kính, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Gia Định - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Tuệ Chiếu (1942 -2015), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, pháp danh Hồng Liên, pháp tự Thiện Uẩn, pháp hiệu Tuệ Chiếu, thế danh Lưu Đắc Thụy, xuất gia với HT Tịnh Nghiêm - chùa Thành Hoa - Chợ Mới - Long Xuyên. giáo thọ các trường Bồ Đề An Giang, Hậu Giang, Cân Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Giám đốc trường Bồ Đề Chợ Mới - An Giang, trước 1975, tham gia Tuyên úy PG BTL Quân đoàn 4 - Quân khu 4. Sau 1975 định cư tại Hoa Kỳ, Tổng vụ phó Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, trụ trì chùa Viên Giác - Richmond - Virginia, nguyên quán Hải Phòng, trú quán Hoa Kỳ - theo trang nhà www. buddhistedu.org

- Tế Viên Trừng Chiêu (? -1859), Hòa thượng, trụ trì chùa Kiểng Phước (Cảnh Phúc) - Phú Thọ - Gia Định, viên tịch tại chùa này, đệ tử là Liễu Tâm-Mật Đa kế thế trụ trì, chưa có thêm thông tin - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Viên Chiếu (1892 -1943), Hòa thượng, năm 1935, ngài xuất gia học đạo, cùng với sư đệ là Thường Chiếu lặn lội từ Huế vào Nam, có lúc sang tận Cao Miên để tầm sư học đạo. Năm 1941, ngài được Hòa thượng Chơn Phổ - Nhẫn Tế chùa Thiên Chơn thế độ, đặt pháp danh Như Cự, pháp hiệu Viên Chiếu. Sau ngài xin theo Hòa thượng Quảng Đức ra Khánh Hòa tu học, đến năm 1943 ngài viên tịch trong tư thế thiền định, nguyên quán Thừa Thiên huế, trú quán Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 61
    • Số lượt truy cập : 6113116