NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Đi
Đi
- Thích Mỹ Định (1900-1977), Hòa thượng, xuất gia năm 1917, pháp danh Như Phòng, pháp hiệu Mỹ Định. Năm 1933, ngài được cung thỉnh vào Ban chức sự giới đàn chùa Thiên Tôn - Thủ Dầu Một. Năm 1954, ngài đứng ra tổ chức đại giới đàn tại chùa Hội Sơn. Ngài được cung thỉnh làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương. Ngài là trụ trì đời thứ 7 chùa Hội Sơn. Ngài xả báo thân năm 1977, thọ 78 năm, 56 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bình Dương - theo báo Giác Ngộ số 33 năm 2000.
- Thích Chơn Điền, Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Chơn Điền, pháp tự Đạo Phước, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Hoàng Hữu Hạnh, sinh ngày 16 tháng 10 năm Đinh Mão (1927) tại Kiến An, Hải Phòng. Ngài tham gia Vệ quốc đoàn trong phong trào kháng Pháp. Nhân duyên vào Quảng Nam, Ngài gặp HT Phổ Thoại và xuất gia tại chùa Long Tuyền vào năm 1950. Ngài là học Tăng PHĐ Nam Việt và là Giảng sư VHĐ GHPGVNTN. Thọ Đại giới năm 1957 tại chùa Pháp Hội do HT Hành Trụ làm Đàn đầu. Năm 1961, Ngài khai sơn chùa Hải Đức tại phường Cô Giang, quận Phú Nhuận. Năm 1968, tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1979, ngài sang hoằng pháp tại Mỹ, lập chùa Quan Âm tại thành phố Houston - tiểu bang Texas. Hiện tại ngài là thành viên Hội đồng trưởng lão VTT. GHPGVNTN hải ngoại Hoa Kỳ. Ngài có xuất bản tập thơ Góp Nhặt Lá Vàng với bút hiệu Ngốc Tử. Ngài nguyên quán Hải Phòng, trú quán tại Mỹ - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Giác Điền (1910-1993), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Bùi Văn Long, xuất gia năm 1922 với HT Tâm Hòa Chánh Khâm - chùa Linh Sơn Tiên Thạch - núi Điện Bà - Tây Ninh, pháp danh Nguyên Chất, pháp tự Giác Điền. Năm 1927, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Long An - Chợ Lớn. Năm 1930, ngài được cử làm Giáo thọ A xà Lê trong trường Kỳ giới đàn chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Năm 1934, ngài xin về làm tròn bổn phận chữ hiếu. Năm 1945, ngài tham gia cách mạng, lãnh nhiệm vụ liên lạc giữa núi Điện Bà với xóm Phan - Suối Đá. Năm 1951, ngài tái xuất gia trở lại trú xứ chùa Núi. Năm 1954, ngài làm Yết ma A xà lê tại giới đàn chùa Pháp Thành- Tây Ninh. Năm 1956, ngài làm Chủ hương trường Hương chùa Vĩnh Xuân và Đàn đầu Hòa thượng trong trường Kỳ giới đàn nơi đây. Cùng năm, ngài thành lập Hội Núi Bà Tây Ninh và ngài là Hội trưởng. Năm 1957, ngài trở về Gia Định, được chư tôn đức suy tôn làm Hội trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Gia Định. Năm 1959, ngài được cử làm Tăng giám Giáo hội Tăng già tỉnh Tây Ninh. Năm 1962, ngài về trụ xứ chùa Thiền Lâm và làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Tây Ninh. Năm 1974, Sư Giác Mẫn ở Thái Lan mời ngài sang hỗ trợ Phật sự hành đạo ở Thái Lan, đến năm 1981 ngài mới hồi hương. Ngài xả báo thân ngày mồng 2 tháng 8 năm Quý Dậu (1993) thọ 84 năm, 37 năm hành đạo, nguyên quán Gia Định, trú quán Tây Ninh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.
- Chơn Nhẫn Phước Điền (1868-1917), Hòa thượng, pháp danh Chơn Nhẫn, pháp tự Đạo Cúc, pháp hiệu Phước Điền, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Trang Văn Cúc, sinh năm Mậu Thìn (1893) tại xã Hà Nhuận, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Xuất gia với tổ Ấn Thanh Chí Thành tại chùa Tam Thai và thọ Tỳ kheo năm 1893 tại chùa Chúc Thánh. Năm Quý Mão (1903) được cử làm Tăng mục Quốc tự Tam Thai. Đến tháng 10 cải bổ trụ trì Ngự kiến Vĩnh An Tự tại Duy Xuyên. Năm Canh Tuất (1910) làm đệ tứ tôn chứng giới đàn tổ đình Phước Lâm. Năm Nhâm Tý (1912) được bổ làm trụ trì chùa Sắc tứ Phước Hải tại làng Hải Châu. Ngài viên tịch ngày mồng 4 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1917), trụ thế 49 tuổi, tháp lập dưới núi Tam Thai. Ngài là người có nét bút tài hoa nhất trong Sơn môn Tam Thai Linh Ứng thời bấy giờ, nguyên quán trú quán Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Như Điển, Hòa thượng, pháp danh Như Điển, tự Giải Minh, hiệu Trí Tâm, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Cường, sinh ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1949) tại xã Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam. Xuất gia năm 1964 với HT Thích Long Trí, thọ Tỳ kheo năm 1971 tại Tu viện Quảng Đức do HT Thích Trí Thủ làm Đàn Đầu. Năm 1972 du học Nhật Bản, đến năm 1977 tốt nghiệp Cao học tại đại học Risso tại Tokyo. Đến Đức tháng 4 năm 1977, sau đó khai sơn chùa Viên Giác tại Hannover vào năm 1978. Ngài là Chi bộ trưởng GHPGVNTN Đức quốc từ năm 1978 đến 2003, Tổng Thư ký GHPGVNTN Châu Âu. Hiện tại ngài là Đệ nhị chủ tịch GHPGVNTN Châu Âu. Ngài là người say mê nghiên cứu học tập. Ngài đã biên dịch và trước tác 66 đầu sách. Ngài giới luật tinh nghiêm nên thường được cung thỉnh làm Tuyên Luật Sư tại các giới đàn ở Hải ngoại. Hiện tại, ngài là Phương trượng chùa Viên Giác - Đức quốc. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đức quốc - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Thanh Điện, Thượng tọa, Tiến sĩ, thế danh Dương Quang Điện, sinh năm 1958, Ủy viên Thường trực TW GHPGVN, Phó Tổng Thư ký HĐTS Chánh VP I T.Ư GHPGVN, Phó ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tủ TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPVN tỉnh Lào Cai, trú xứ chùa Quán Sứ - Hà Nội, nguyên quán Ninh Bình, trú quán Hà Nội.
- Tráng Đinh, Cư sĩ, năm 1947 đặc san tập văn Phật giáo được xuất bản do ông và đến năm 1949 ông cũng là người vận động xin phép xuất bản tạp chí Giác Ngộ do cư sĩ Võ đình Cường làm chủ bút và ông làm chủ nhiệm kiêm quản lý (không rõ năm sinh và nguyên quán, trú quán) - theo Thích Vân Phong sưu khảo.
- Thích Kiên Định, Thượng tọa, Tiến sĩ, sinh năm 1962, đệ tử HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm, trú xứ chùa Hồng Đức - Huế, Giám viện Học viện PGVN tại Huế, tác phẩm: Từ điển tiếng Pali- Sankrist; Lược sử chùa Thiền Tôn&Tổ Liễu Quán truyền thừa, nguyên quán Liên Chiểu - Đà Nẵng, trú quán Thừa Thiên Huế.
- Cao Hữu Đính (1917-1991), Cư sĩ, pháp danh Tâm Nguyện. Năm 1930, ông cùng các cư sĩ tham gia phong trào chấn hưng PG được khởi xướng bởi Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Ông say mê học Phật, trường xuyên trao đổi thư tín với phong trào học Phật tại Paris qua tạp chí "La Pensée Buddique". Từ năm 1940- 1952, ông cộng tác và gửi bài đều đặn cho tạp chí Viên Âm và Giác Ngộ tại Huế. Năm 1949, ông được bầu vào Tổng thư ký hội Phật học Trung phần. Năm 1956, thời gian lưu trú tại Sài Gòn, ông tham gia hình thành xây dụng Viện Trung đẳng Phật học tại chùa Ấn Quang. Từ đó, ông trở thành giảng sư của Phật học viện cho tới năm 1958. Năm 1959-1963, ông định cư tại Nha Trang và tham gia Ban giảng huấn PHV Hải Đức, đồng thời là hiệu trưởng trường Bồ Đề Nha Trang. Năm 1964, Viện Cao đẳng Phật học chuyển thành Viện Đại học Vạn Hạnh, ông trở thành giảng viên phân khoa Phật học cho đến năm 1975. Thời gian sau 1975, ông dành thời gian nghiên cứu và giảng dạy tại nhà, tác phẩm: Phật và thánh chúng (1968); Kinh Na Tiên Tỳ Kheo (1971); Văn học sử Phật Giáo (1971); Đại thừa Khởi tín luận (1994); Lược sử thành lập Tam tạng; Kinh Tam Bảo (dịch và giải); Tâm kinh Bác Nhã (dịch và giải); Duy Thức Tam Thập Tụng (dịch và giải); Phật pháp tinh yếu; Kinh Kim Cang giảng nghĩa; Sử Phật giáo Ấn Độ; Sử Phật giáo Trung Hoa; Sử Phật giáo Việt Nam; Tư tưởng sử Phật giáo; Bộ phái Phật giáo Tiểu thừa. Ông còn viết nhiều bài đăng trên tạp chí Từ Quang... nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh và Nha Trang - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Sư Chánh Định, Thượng tọa, sinh năm 1971, giảng sư, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, pháp danh Sammà sàmadhi, dệ tử Hòa thượng Tịnh Sự, Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, phó ban PG Quốc tế GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Tam Phước - Đồng Nai, nguyên quán Hà Nam, trú quán Đồng Nai.
- Thích Nữ Diệu Định (1940-1966), Sư cô, thánh tử đạo. Năm 1956 xuất gia với Ni trưởng Bảo Quang - chùa Hồng Ân - Huế, pháp danh Nguyên Huệ, thế danh Đỗ Thị Cửu. Sau đó theo bổn sư vào tu học tại chùa Sư nữ Bảo Quang Đà Nẵng. Ngày 3-6 năm 1966 sư cô phát nguyện tự thiêu hy sinh thân xác để cảnh tỉnh chính quyền kỳ thị tôn giáo, nguyên quán trú quán Hội An - Quảng Nam - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 39, ngài họ Nguyễn, xuất gia năm 1802 với ngài Phổ Tịnh - chùa Thiền Tôn - núi Thiên Thai - Phú Xuân, được ban pháp danh Nhất Định, pháp tự Nhất Định. Thời gian sau ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Quốc Ân do HT Tổ Ấn Mật Hoằng làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1808, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thiên Thai Thiền Tôn Tự. Năm 1816, ngài kế nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc. Năm 1833, ngài là Tăng cang và trụ trì chùa Linh Hựu. Năm 1839, ngài được phong Tăng cang chùa Giác Hoàng. Năm 1843, sau khi hồi hưu, ngài Nhất Định cùng hai đệ tử và mẹ già 80 tuổi về vùng núi Dương Xuân lập am tu hành, ngôi thảo am nửa trước thờ Phật Di Đà, nửa sau để ngài và mẹ ngài ở, đức hiếu thảo của ngài động lòng vua quan, các vị Thái giám xin được làm chùa cho ngài nhưng ngài không chịu, ngài thị tịch ngày mồng 7 tháng 10 năm Đinh Mùi (1847) hưởng 53 năm, ngôi thảo am của ngài sau được xây dựng thành chùa Từ Hiếu, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Phú Xuân Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công tập 1.
- Thích Trường Định (1950-2002), Thượng tọa, thế danh Võ Thế Tâm, đệ tử HT Giác Nhiên - chùa Thuyền Tôn - Huế, pháp danh Tâm Ý, pháp tự Trường Định. Năm 1977, thọ đại giới tại giới đàn chùa Ấn Quang. Năm 1993 về trụ trì chùa Phú Hậu - Huế. Thượng tọa cốt cách nhẹ nhàng, thuyết giảng lôi cuốn quần chúng, nhưng bệnh hiểm nghèo đã rời bỏ ngôi chùa năm 55 tuổi, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Nhàn Vân Đình (1906-1979), Cư sĩ, tên thật là Trần Duy Vôn, sinh năm 1906.Tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo ở xứ Bắc. Nhiều Chi hội Phật giáo địa phương được thành lập. Ông được suy cử làm Phó trưởng ban bên tại gia CHPG xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và là cộng tác viên tích cực của tuần báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ngoài các bài chính luận về Phật giáo, tục đốt vàng mã, “Nhàn Vân Đình tham thiền thi thảo” gồm 25 bài thơ, đăng liên tục trên báo Đuốc Tuệ từ số 28 đến số 36 năm 1936. Đầu năm 1972, Nhàn Vân Đình được mời về làm cộng tác viên thường trú ở Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Tại đây ông đã phát huy tất cả sở học của mình vào việc soạn thảo, biên dịch, khảo cứu, đặc biệt là việc hướng dẫn bảo ban thế hệ trẻ. Nguyên quán làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Nhàn Vân Đình mất tại quê nhà năm 1979.
- Thích Viên Định, Hòa thượng, pháp danh Như Trụ, pháp tự Viên Định, pháp hiệu Hải Tạng, đời 42 tông Lâm Tế. Ngài họ Nhữ, sinh năm Tân Mão (1951) tại làng Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Xuất gia từ nhỏ với HT Kế Châu tại chùa Bảo Châu quê nhà. Năm 1965 theo bổn sư về tu học tại tổ đình Thập Tháp và thọ Tỳ kheo năm 1973 tại giới đàn Phước Huệ - PHV Hải Đức - Nha Trang do HT Phúc Hộ làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài vào Sài Gòn tu học, y chỉ HT Quảng Thạc và ngụ tại chùa Giác Hoa - Bình Thạnh. Ngài trụ trì chùa Giác Hoa từ năm 1975. Năm 1994, ngài được bổn sư giao chức Phó trụ trì tổ đình Thập Tháp tại Bình Định. Ngài ra sức trùng tu tổ đình khang trang. Đồng thời đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VHĐ GHPGVNTN. Hiện tại, HT đã giao phó việc điều hành chùa Giác Hoa cho Thượng tọa Thích Viên Kiên, còn ngài chính thức về điều hành phật sự tại tổ đình Thập Tháp, Bình Định. Ngài sinh và trú quán tại Bình Định - theo chùa Thập Tháp Di Đà do Thích Viên Kiên biên soạn.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết