Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Hao

Hao

 

- Thích Thiện Hào (1914-2007), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 42, thế danh Trương Minh Đạt, xuất gia năm 1927 với tổ Huệ Đăng - chùa Thiên Thai - Bà Rịa, pháp danh Trừng Thanh, pháp tự Pháp Quang, pháp hiệu Thiện Hào. Năm 1930, ngài được đặc cách thọ Tam đàn cụ túc tại giới đàn chùa Giác Hoằng - Bà Điểm. Năm 1940, ngài khai sơn chùa Tường Quang - An Phú Đông. Năm 1945, ngài tham gia Hội PG Cứu quốc Sài Gòn Gia Định. Năm 1947, ngài là học Tăng PHĐ Giác Nguyên - Khánh Hội. Năm 1950, ngài trụ trì chùa Phước Nguyên - Bến Tre và chùa Bửu An - Mỹ Tho. Năm 1951, ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Mỹ Tho. Năm 1955, ngài trở về Sài Gòn trú xứ chùa Giác Ngạn - Phú Nhuận. Năm 1959, ngài làm Hội trưởng hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử. Năm 1960, ngài vào chiến khu và làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Năm 1968, ngài làm Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1976, ngài đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI. Năm 1981, ngài được bầu làm Thành viên HĐCM và Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêmTrưởng BTS Thành hội Phật giáo TPHCM. Năm 1982, ngài là viện chủ chùa Phật học Xá Lợi. Năm 1985, ngài là chủ nhiệm báo Giác Ngộ và Trưởng ban Thừa kế tổ đình Thiên Thai - Bà Rịa, ngài xả báo thân ngày 16 tháng 6 năm Đinh Sửu thọ 86 năm, 66 tuổi đạo, nguyên quán Hóc Môn, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Đạt Hảo (1916-1996), Hòa thượng, dòng Thiên Thai Giáo Quán đời 22, thế danh Nguyễn Văn Bân, xuất gia năm 1921 với HT Liễu Lạc - chùa Pháp Minh, pháp danh Tánh Tướng, pháp tự Đạt Hảo. Năm 1935, ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Tôn Thạnh- Cần Giuộc do HT Liễu Thoàn làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1938, ngài khai sơn và trụ trì chùa Pháp Vân - Bến Lức. Năm 1940, khai sơn chùa Pháp Bảo - Đức Hòa. Năm 1942, khai sơn chùa Pháp Quang - quận 8. Năm 1957, ngài tham dự khóa đào tạo trụ trì "Như Lai Sứ Giả" do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội. Năm 1968, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN quận 8. Năm 1970, ngài mở PHV Pháp Giới - Cầu Tre và làm Giám viện, giảng dạy theo chương trình của Hội đồng trị sự Thiên Thai Giáo Quán Tông. Năm 1973, ngài được bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông. Năm 1981, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN, ngài xả báo thân ngày mồng 9 tháng 8 năm Bính Tý (1996) thọ 80 năm, 60 hạ lạp, nguyên quán Long An, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Phước Hảo, Hòa thượng, Thiền sư, tục danh Huỳnh Phước Hảo (1930-2014) sinh tại Vĩnh Bình (hiện nay thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), xuất gia với tổ Khánh Anh tại Tổ đình Phước Hậu thuộc huyện Trà Ôn, y chỉ với HT Thích Thiện Hoa, học thiền với Thiền sư Thích Thanh Từ, nhà dịch thuật kinh điển Phật giáo, tổng Giám thị tại Phật học viện Huệ Nghiêm, nguyên Trụ trì và tái thiết Thiền viện Chơn Không, Vũng Tàu. Dịch các bộ kinh luận; Lăng nghiêm Trực chỉ, Ngũ Đăng Hội nguyên Tiết dẫn, Phật Tâm luận, Vô Tướng tụng giảng thoại, biên soạn quyển Nhặt lá Bồ đề... đã xuất bản - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Tâm Hảo (1902-1953), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Hiến, xuất gia năm 1918 với HT Giác Hạnh - chùa Vạn Phước - Huế, pháp danh Nguyên Quang, pháp tự Tâm Hảo. Năm 1904, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu do HT Tâm Tịnh làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài học lớp Cao đẳng Phật học tại chùa Thiên Hưng - Huế do HT Huệ Pháp và HT Phước Huệ- ở Bình Định ra giảng dạy. Năm 1933, khi hội An Nam Phật học thành lập, ngài cùng ngài Mật Khế kết hợp chư pháp hữu mở trường An Nam Phật học đường tại chùa Vạn Phước, do ngài Mật Khế làm hiệu trưởng. Năm 1940, hội An Nam Phật học chuyển về chùa Báo Quốc, thì ngài nhận trách nhiệm kế thế trụ trì chùa Vạn Phước. Năm 1942, ngài được HT bổn sư trao kệ đắc pháp và ban pháp hiệu là Huyền Khánh. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953) hưởng 51 năm, 30 tuổi đạo, tháp lập trong khuôn viên chùa Vạn Phước, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa. tập 3.

- Thích Viên Hảo (1932-2005), Hòa thượng, thế danh Tô Văn Đời, ngài là cháu ruột của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tịnh (mẫu thân của Thích Nữ Huyền Trang), do hoạt động Cách mạng đổi danh tính Tô Thế Bình, khi bị lộ thì HT bổn sư của ngài cho đổi tên họ Phạm Hữu Trí. Dòng họ Tô của ngài bị giặc Pháp truy nã bởi dính líu đếm vụ cuộc đấu tranh chính trị này: "Ngày 13-05- 1930 nhân dân nổi dậy kéo tàu tên tỉnh tỉnh trưởng người Pháp Esquivillon đòi quyền dân sinh, dân chủ năm 1930 (kéo tàu Ông Chánh), Cụ Tô Công Bộ (thân sinh của ngài bị bọn giặc tra tấn dã man". Ngài xuất gia năm 11 tuổi với HT Thích Giác Quang, được ban pháp danh Viên Hảo, và tham học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang và trú xứ tại chùa Tam Bảo (số 82B đường Trần Quốc Toản, nay là đường 3-2, phường 12, quận 11, Tp.HCM). Sau đó, ngài dấn thân vào con đường cứu quốc, trở thành Chiến sĩ cách mạng thuộc phân khu 6, do ông Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) làm Chỉ huy trưởng và ông Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) làm Chỉ huy phó. Chùa Tam Bảo do Thích Nữ Huyền Trang là một chiến sĩ Biệt động thành, cũng là Cô của ngài trụ trì, đã trở thành nơi đi về, hội họp bí mật của đội Biệt động thành trong một thời gian dài. Sau đó đã giao lại chùa cho ngài trụ trì. Cuối năm 1967, chuẩn bị vào chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngài đã bị sa vào tay địch. Bọn địch cho xe ủi tung chùa Tam Bảo để tìm vũ khí, đạn dược, nhưng chỉ thấy căn hầm bí mật chứ không tìm thấy được gì. Chùa Tam Bảo đã bị xóa tên từ đó. Ngài bị đày đến nhà tù Phú Quốc, dù cực hình tra tấn tại cũng không thể lung lay ý chí và tinh thần cách mạng của nhà sư - chiến sĩ Biệt động thành Sài Gòn. Năm 1973, ngài được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris cùng với hàng trăm chiến sĩ cộng sản từ Côn Đảo, Phú Quốc. Sau đó, ngài tập kết ra miền Bắc. Ngày 30-04-1975, nước nhà thống nhất. Ngài là thành viên Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa chùa Thiện Hạnh- Đa Kao. Năm 1982, ngài giữ chức Ủy viên Thường trực kiêm Thủ quỹ BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh nhiều nhiệm kỳ. Hóa duyên ký tất, ngài viên tịch vào ngày 15-07-2005, thọ 83 năm, nguyên quán Sa Đéc, trú quán Tp Hồ Chí Minh - Thích Vân Phong biên khảo.

- Vĩnh Hảo, Cư sĩ, nhà văn, sinh năm 1958, pháp danh Tâm Quang, tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Hảo, đệ tử HT Thích Như Ý, viện chủ chùa Linh Sơn Pháp Bảo (Nha Trang), thân phụ là nhà văn Bửu Đáo - Ái Mỹ (1917-1987), khởi viết từ năm 18 tuổi với tác phẩm đầu tay Núi xanh mây Hồng (1982), định cư tại Hoa Kỳ năm 1988, chủ trương tạp chí Chân trời cao rộng (2006), chủ bút báo Chánh pháp (2009), tác phẩm: Sống Thiền, Dâu trăm họ, Những ván cờ, Đứng trên tất cả, Đường lên núi Linh (truyện ngắn), Thiên thần quét lá (tập truyện), Hoa đốm mùa xuân, Thầy dẫn đạo cho con, Cư Sĩ mọi thời, Chùa nhỏ ven rừng, Núi Xanh Mây Hồng (truyện dài). Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt (tập truyện), Biển Đời Muôn Thuở (tập truyện), Thiên Thần Quét Lá (tập truyện), Sân Trước Cành Mai (tạp bút), Phương Trời Cao Rộng (truyện dài), Bụi Đường (truyện dài), Ngõ Thoát (truyện dài), Cởi Trói tập I & II (truyện dài), Con Đường Ngược Dòng (tâm bút), Chạnh Lòng Tiếng Thơ Rơi (tập thơ), Giấc Mơ và Huyền Thoại (tập truyện), nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa Kỳ - theo trang nhà www.quangduc.com

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6113985