Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Hi

Hi

 

- Nguyễn Duy Hinh (1930-2008), sinh ngày 10 tháng 8 năm 1930 PGS Viện Nghiên cứu Tôn giáo. ông được biết tới trong giới nghiên cứu về các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, như một nhân vật “không giống ai”, tức là cả cách tư duy lẫn cách hành xử luôn khác thường, dễ khiến những người xung quanh nổi máu “phản biện”. Trò chuyện với ông không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng luôn thú vị vì ông thẳng thắn, chân thành và... độc đáo.

Các tác phẩm liên quan Phật giáo: 1. Tháp cổ Việt Nam, 1992. 2. Tuệ Trung: Thượng sĩ - Nhân sĩ - thi sĩ, Nxb Khoa học xã hội, 1998. 3. Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1999. 4. Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin và Viện Văn hoá, 2006. 5. Tâm linh Việt Nam. Nxb Từ điển Bách Khoa, 2007. 6. Lịch sử đạo Phật ở Việt Nam, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2008. 7. Người Chăm xưa và nay, 2009. Ông mất tháng 8 năm 2008 tại Hà Nội. nguyên quán tại thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trú quán tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

- Đinh Thế Hinh, xuất thân là tu sĩ PG, pháp danh là Pháp Lữ, NNC Phật học, sinh năm 1926, Đại tá cựu chiến binh, 13 tuổi ông xuất gia tu tại chùa Một (Liêu Thượng). Sau đó, theo học đạo Phật tại các chùa: Quán Sứ (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương), sau đó về chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Ông là một trong 27 tăng ni của chùa Cổ Lễ - Trực Ninh khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ Phật tử” ngày 27- 2-1947. Sau đó ông tham gia quân đội, chiến đấu tại chiến trường miền Nam.Về nghỉ hưu ông trở thành cộng tác viên tích cực của tạp chí NCPH. Tác phẩm liên quan đến Phật giáo: Thiền tăng truyện ký, Nxb Tôn giáo 2010 (viết chung với Thích Thanh Ninh, Nguyễn Thế Vinh); Chùa Cổ Lễ văn hoá cách mạng, Nxb Tôn giáo, 2000 (viết chung với Tống Trung Tín); Chăm việc đạo, lo việc đời, 2010. Ông nguyên quán làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành - Xuân Trường, trú quán tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo

- Thích Chơn Hiền (1939-2000), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, xuất gia vời HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Thanh, pháp hiệu Chơn Hiền, thế danh Dương Viết Trừng. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài được cử làm Tri sự tổ đình Tường Vân và hướng dẫn Tăng chúng Phật tử tu học tại tổ đình, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Minh Hiền, Hòa thượng, sinh năm 1945, thế danh Nguyễn Văn Tông, Uỷ viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Ủy viên BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 3, viện chủ chùa Phật Đà, quận 3, trưởng sơn môn thiền phái Tổ sư thiền Việt Nam, nguyên quán Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Minh Hiền, Hòa thượng, Ủy viên BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Nhất, trụ trì chùa Linh Sơn quận Nhất, nguyên quán Cà Mau, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Minh Hiền, Thượng tọa, sinh năm 1960, nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia, nhà sưu tầm cổ vật PG, nhà thư pháp Hán Việt, đệ tử HT Viên Thành - chùa Hương Tích - Hà Tây, kế thế trụ trì chốn tổ Hương Tích, Ủy viên HĐTS kiêm Phó ban Văn hóa TW GHPGVN, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn Hóa PG, Trưởng ban Văn hóa BTS PG Hà Nội, Trưởng BTS PG huyện Mỹ Đức - Hà Nội, Giảng viên Học viện PGVN tại Hà Nội, chủ bút tạp chí Chùa Hương, tác phẩm: Hương Sơn Quan Âm xưng tán; Sách ảnh chùa Việt; và nhiều bộ sưu tập về điêu khắc, nhiếp ảnh, cổ vật khác... nguyên quán Hà Nội, trú quán Mỹ Đức - Hà Nội.

- Thích Minh Hiển (1938-2016), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Chánh Tông đời 46, thế danh Võ Văn Hiển, xuất gia năm 1951 với HT Thiện Huê - chùa Niệm Phật - Bình Dương, được pháp danh Nhuận Hiển. Năm 1954, ngài về tu học và trông coi xây dựng tịnh xá Liên Trì - Phú Mỹ - Bà Rịa. Năm 1955, ngài thọ Sa di tại giới đàn chùa Đại Giác - Phú Nhuận. Năm 1960, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bửu Liên - Cần Thơ do HT Minh Tâm làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1966, tịnh xá Liên trì bỉ bom đạn phá hủy, ngài và bổn sư về chùa Đại Giác - Phú Nhuận tu học. Năm 1967, ngài cùng sư huyng là HT Thiện Phụng được bổn sư giao về xây dụng tịnh xá Niết bàn - Vũng Tàu. Năm 1968, ngài được giao trông coi xây dựng Lạc Cảnh Tăng Xá (chùa Tánh Hải) - Di Linh. Sau năm 1975, ngài về làng Vạn Hạnh - núi Thị Vãi, khai khẩn đất hoang, xây dựng tu viện Bát Nhã để tu học và hoằng hóa. Từ 1994-2005, ngài là Đại biểu HĐND huyện Tân Thành. Năm 2002, ngài là Ủy viên Ban đại diện PG huyện Tân Thành. Năm 2007, ngài là Chứng minh Ban đại diện PG huyện Tân Thành. Năm 2012, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh BRVT. Giới đức kiêm ưu, ngài luôn được thỉnh làm Giới sư trong các giới đàn được BTS PG tổ chức trong tỉnh, riêng ngài đã thế độ trên 100 đệ tử xuất gia. Ngài mãn báo thân ngày 25 tháng 10 năm Bính Thân (24-11-2016) thọ 79 năm, 57 hạ lạp, nguyên quán Long Thành - Đồng Nai, trú quán Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu - theo tư liệu Môn đồ pháp quyến soạn.

- Thích Nguyên Hiền, Thượng tọa, giảng sư, pháp danh Nguyên Hiền, tự Đạo Thắng, hiệu Quang Huy, đời 44 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Liễu Quán. Thượng tọa thế danh Trần Phước Sỹ, sinh năm 1967, tại khu Bảy Hiền, Sài Gòn, nguyên quán Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Xuất gia với Hòa thượng Thích Tâm Thanh tại Vĩnh Minh Tự Viện, Đức Trọng, Lâm Đồng. Thượng tọa trong Ban biên tập Tự Điển Phật Học Huệ Quang cũng như chủ bút Đặc san Suối Nguồn. Hiện tại Thượng tọa là trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện, là một vị giảng sư chuyên sâu về pháp môn Tịnh Độ, giáo thọ tại Trung tâm Hán Nôm Huệ Quang và trường Cao Trung Phật học tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra Thượng tọa còn là một nhà thơ tài hoa với bút hiệu Nhất Thanh, Du Trốc Tử... - theo tư tiệu Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Quảng Hiền, Thượng tọa, sinh năm 1957, môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, xuất gia với HT Thiện Tường - chùa Việt Nam Quốc Tự - Sài Gòn và Y chỉ tu học với HT Tâm Châu - chùa Từ Quang- quận 10. Năm 1984, cầu pháp với HT Hành Trụ - chùa Đông Hưng. Hiện trụ trì chùa Lâm Tế - quận Nhất - TP Hồ Chí Minh, sinh quán trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Thanh Hiền (1918-2001), Hòa thượng, trưởng sơn môn Trà Lũ Trung, thế danh Phạm Thanh Huyên, xuất gia năm 1934 với Sư tổ Thích Quảng Quyết- tổ đình Trà Lũ Trung - Xuân Trường - Nam Định, được pháp danh Thanh Hiền, pháp hiệu Minh Tâm. Năm 1938, ngài thọ đại giới tại tổ đình Trà Lũ Trung do Sư tổ Thích Nguyên Thái làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài đi tham học ở các chốn tổ Quảng Bá - Hà Nội; chốn tổ Lãng Lăng; chốn tổ Cồn ở Nam Định, chốn tổ Trung Hậu ở Vĩnh Phúc... Năm 1945, ngài trụ trì chùa Nguyệt Lũ - huyện Tiền Hải - tỉnh Thái Bình. Năm 1960, ngài làm Thư ký hội PG Cứu quốc tỉnh Thái Bình. Năm 1965, ngài kế vị trụ trì chốn tổ Trà Lũ Trung. Năm 1977, ngài là Hội trưởng Chi hội PG Thống nhất tỉnh Thái Bình. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài là Ủy viên HĐTS kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử TW. Năm 1982, ngài đảm trách Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thái Bình. Năm 1988, ngài là Ủy viên HĐTS kiêm Ủy viên Ban Kiểm Soát TW. Ngài còn là bậc giới sư mô phạm trong các đàn truyền giới tại tỉnh Thái Bình. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 3 năm Tân Tỵ (09-04-2001) thọ 83 năm, 62 hạ lạp, nguyên quán trú quán Thái Bình - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Trí Hiền (1937-2007), Hòa thượng, thế danh Đàm Trọng Phúc, xuất gia năm 1945 tại chùa Quảng Bá và học ở PHĐ chùa Quán Sứ. Năm 1954, di cư vào Nam trú xứ chùa Giác Minh - trụ sở của Giáo hội PG Bắc Việt tại miền Nam. Sau đó, ngài lên Biên Hòa xây chùa Viên Giác. Sau pháp nạn PG năm 1963, ngài lên đường du học tại Nhật Bản, cư trú tại Đông Hải Thiền Tự (Tokai Ji). Năm 1968, ngài hành đạo ở Lâm Tế Tăng Đường (Rinzai Ji) là một thiền đường nổi tiếng ở Nhật, ngài trở thành một trong những nghị viên ngoại quốc của Tăng đường Lâm Tế. Năm 1978, ngài đến Washington DC - Hoa Kỳ cùng Pháp sư Giác Đức thành lập Trung tâm Buddhist Social Service hướng dẫn thế hệ trẻ PG tương lai. Năm 1980, ngài thành lập chùa Pháp Quang ở Texas và bảo trợ cho các đại hội GĐPT hàng năm tại Hoa Kỳ. Năm 2004, ngài làm Cố vấn điều hợp GĐPT Trung ương hải ngoại. Năm 2007, ngài đột ngột ra đi trong sự luyến tiếc của GĐPTVN hải ngoại, nguyên quán Hà Đông - Bắc Việt, trú quán Nhật Bản - Hoa Kỳ - theo trang nhà GĐPT Việt Nam hải ngoại.

- Thích Mật Hiển (1907-1992), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia với HT Giác Tiên - chùa Trúc Lâm, pháp danh Tâm Hương, pháp tự Mật Hiển, thế danh Nguyễn Duy Quảng. Năm 1932, ngài học PHĐ Tây Thiên. Năm 1953, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Việt, năm 1964 thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN, năm 1984, ủy viên TW MTTQ Việt Nam, Phó Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN, trụ trì tổ đình Trúc Lâm - Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Tâm Đăng Trí Hiển (?-1940), Hòa thượng, là đệ tử Viên Thành thượng nhân. Năm 1923 khi HT Viên Thành lên chùa Tra Am, cử ngài trú xứ chùa Ba La Mật, khi HT Viên Thành viên tịch, ngài theo di chúc lên trụ trì chùa Tra Am, đến năm 1940 thì viên tịch, tháp tọa lạc phía sau chùa, nguyên quán Sông Cầu - Phú Yên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Vạn Hiển (?), Hòa thượng, Giáo thọ sư, pháp danh Kiểu Ấn, pháp hiệu Tâm Pháp, xuất gia đệ tử HT Như Diệu Quảng Đức - đệ nhị trụ trì Phước Hưng Cổ Tự, nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40, ngài trụ trì đời thứ ba Phước Hưng Cổ Tự - Sa Đéc từ những năm 1890-1936. Năm Kỷ Mùi (1919), ngài tổ chức Đại giới đàn Minh Phước I tại tổ đình Phước Hưng, Đàn giới này cung thỉnh tam vị HT Thích Từ Vân làm Đường đầu Hòa thượng, HT Thích Bửu Phước, làm Tuyên Luật sư Yết ma A xà lê, HT Thích Vạn Hiển, Giáo thọ A xà lê. Năm Đinh Mão (1927), ngài tổ chức Đại giới đàn Minh Phước II tại tổ đình Phước Hưng - Sa Đéc. Năm Canh Ngọ (1930) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 6, Đại giới đàn Nguyên Hòa tổ chức tại tổ đình Tân Long - Cao Lãnh, ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A xà lê. Ngài rất bình dị, chân tu thật học, nghiêm trì giới luật, ngài kết duyên pháp lữ với các vị HT Thích Từ Vân, HT Thích Bửu Phước... tạo tiền đề cho cuộc chấn hưng Phật giáo Nam bộ vào đầu thế kỷ XX. Năm Ất Mão (1915) niên hiệu Duy Tân năm thứ 9, HT Thích Từ Vân bắt đầu mở trường Gia giáo dạy học và chuẩn bị khắc Mộc bản được trích một trong những Kinh, Luật, Luận và các tác phẩm của ngài trước tác biên soạn diễn Nôm... Tất cả Phật sự này ngài đều chung lo phật sự, giảng dạy, đóng góp tịnh tài rất lớn. Đặc biệt nhất là những bản gỗ khắc chữ để in những Kinh, Luật. Ngài đã cho xuất bản các Kinh, Luật như : Kim Cang, Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), Địa Tạng trọn bộ, A Di Đà, Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược, Sa Di Luật Giải... Hiện nay ở Phước Hưng còn bảo quản một bản kinh Kim Cang. Gần một thế kỷ mà nét vẫn đẹp, sắc rõ, giấy vẫn khá trắng và bền. Các bản gỗ còn nguyên vẹn do làm bằng loại gỗ tốt. Không rõ năm sinh, quê quán - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thiệt Thanh Nguyệt Hiện(1759-1816), Hòa thượng thiền sư, thế danh Nguyễn Phước Chánh, thuộc dòng dõi Hoàng tộc, có công giúp đỡ chúa Nguyễn Ánh khi còn bôn ba, sau khi lên ngôi, vua Gia Long phong chức Tăng cang chùa Long Nguyên và Sắc tứ đổi tên chùa thành Long Tuyền tự. Sau khi viên tịch, được phong tên thụy là Mẫn Huệ Hòa thượng, tương truyền khi ngài đúc quả chuông chùa Long Nguyên, về sau có nhiều huyền thoại xung quanh quả chuông này - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Giác Hiệp, thế danh Lê Văn Điểu, Thượng tọa, Tiến sĩ, giảng sư, giáo thọ sư, sinh năm 1968, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 44, đệ tử HT Đồng Chơn - chùa Bình An, Bình Định, pháp danh Giác Hiệp, pháp tự Vạn Hiếu, pháp hiệu Trí Đức. Y chỉ lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Tổng thư ký Ban Pháp chế TW, giảng viên Học viện PGVN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó trụ trì tổ đình VĩnhNghiêm - quận Ba, trụ trì chùa chủa Bửu Sơn - quận Năm, nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Từ Hiệp (1920-2913), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Tế Thượng đời 45, thế danh Trần Văn Tạ. Năm 1943, ngài theo tổ Trực An di cư vào Sài Gòn, tạm trú chùa Phổ Quang trong nghĩa trang Bắc Việt - Tân Sơn Nhất. Năm 1945, theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến, ngài tham gia bộ đội thuộc Sư đoàn 309 tại Bến Cỏ - Thủ Dầu Một- Bình Dương. Năm 1949, ngài bị giặc Pháp bắt, sau đó được thả về trú ngụ tại Cầu Dừa - Quận 4. Từ đây ngài có dịp đến chùa học đạo và xuất gia năm 1954 với HT Phổ Ứng - chùa Linh Quang - Quận 4, được pháp danh Từ Hiệp. Sau đó ngài đến tu học và cầu pháp với HT Thiện Tường - chùa Vạn Thọ, được HT cho thọ giới Tỳ kheo tại đây và ban pháp hiệu là Minh Hiện. Năm 1958, ngài theo học khóa Như Lại Sứ Giả tại chùa Pháp Hội. Năm 1960, ngài khai sơn chùa Phước Duyên - Quận 4. Năm 1964, ngài về miền Tây hoằng hóa và trùng tu chùa Linh Quang tại Trà Ôn. Năm 1966, ngài khai sơn chùa Phước Quang - Tam Bình - Vĩnh Long. Năm 1967, ngài dược Giáo hội bổ nhiệm trụ trì chùa Phước Minh - Trà Vinh. Năm 1969, ngài về trụ trì chùa Long Phước - Vĩnh Long. Năm 1970, ngài khai sơn chùa Bửu An - Cầu Mới - Vĩnh Long. Năm 1971, ngài về Sài Gòn nhận chùa Long Bửu do Phật tử hiến cúng. Năm 1972, ngài khai sơn chùa Hưng Long và Niệm Phật đường Đại Hải - Quận 4. Năm 1972-1975, ngài là Phó đại diện GHPGVNTN Quận 4. Năm 1976-1982, ngài là Phó Ban Liên lạc PG Yêu nước Quận 4. Năm 1982, ngài là Chánh đại diện PG Quận 4. Năm 2012, ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày mồng 9 tháng 4 năm Quý Tỵ (2013), thọ 94 năm, 70 hạ lạp, nguyên quán Nam Ninh- Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

- Liễu Chơn Từ Hiếu (1813-1890), Hòa thượng, dòng Lâm Tế đời 41, chùa Thiên Mụ (1877), chùa Long Quang, trụ trì chùa Quốc Ân (1882) , Tăng cang chùa Giác Hoàng và Thiên Mụ (1883), ngài thị tịch ngày mồng 9 tháng 5 năm Canh Dần (25-06-1890) thọ 77 năm, tháp lập phía Đông vườn chùa Thiên Mụ, chưa rõ nguyên quán, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa tập 1.

- Nguyễn Văn Hiểu (1896-1979), Cư sĩ, trí thức PG. Năm 1919, ông sang làm việc tại Campuchia. Năm 1925, làm Giám đốc sở Hỏa xa miền Nam. Thuở trẻ, ông quy y theo phái Cao Đài Tiên Thiên. Sau đó ông chuyển hướng nghiên cứu Tin Lành và Gia Tô giáo. Năm 1930 ông nghiên cứu đạo Phật và tập họp một số cư sĩ trí thức sang Cao Miên học đạo. Năm 1938, ông và người bạn đã xuất gia theo hệ phái Nam tông ở Campuchia về nước đồng khai sáng hệ phái PG Nam Tông Việt Nam. Năm 1938, ông khời công xây dựng chùa Kỳ Viên - Bàn Cờ. ông đứng ra vận động xây cất hầu hết các ngôi chùa PG Nam tông tại Việt Nam. Năm 1957, ông là thành viên sáng lập Tổng hội Phật giáo Nguyên thủy danh cho Cư sĩ hoạt động, tác phẩm: Tại sao theo phái Tiểu thừa; Chọn đường tu Phật; Trên đường hoằng pháp của đức Phật; Con đường giải thoát; Pháp vô ngã; Thiền định; Luân ký và xã hội Phật giáo; Niệm tâm Từ; Thành kiến ngã chấp. Ông về cõi Phật ngày mồng 7 tháng 4 năm Kỷ Mùi (02-05-1979) thọ 83 tuổi với hơn 40 năm là Cư sĩ hộ pháp, nguyên quán Cần Thơ, trú quán Sài Gòn - xem thêm ở Danh Tăng Việt nam tập 1.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 186
    • Số lượt truy cập : 6357686