Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Hu

Hu

 

- Sư Nam Huân (1899-1982), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, xuất gia năm 15 tuổi với HT Trần Sóc - trụ trì chùa Tổng Quản - Gò Quao - Rạch Giá, pháp danh Indathera Nam Huân. Năm 21 tuổi, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn Suvanna Ransì Khlang Oong do HT Tăng Pheêng làm Thầy tế độ. Trải qua 10 hạ, đến năm 1930, ngài được chư tăng và Phật tử cử làm Phó trụ trì chùa Serì- Sua-S-Đây Tổng Quản. Năm 1944, HT Trần Sóc viên tịch, ngài kế thừa trụ trì tiếp nối sứ mạng hoằng dương Phật pháp. Năm 1960, ngài được cung thỉnh làm Thầy tế độ (HT Đàn đầu) trong giới đàn tại chùa Tổng Quản cho nhiều đệ tử xuất gia. Ngài xả báo thân ngày 15 tháng 8 năm 1982, thọ 83 năm,62 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Rạch Giá - Kiên Giang - theo Danh Sol cung cấp.

- Thích Thanh Huân, Thượng tọa, thế danh Phan Nhật Huân, sinh năm 1967, Phó VP I TW GHPGVN, trụ trì chùa Pháp Vân - Hà Nội, nguyên quán Thanh Hà - Hải Dương, trú quán Hà Nội.

- Bùi Tường Huân, Cư sĩ, giáo sư, chính trị gia. Tiến sĩ Luật khoa. Du học tại Pháp về nước làm Luật sư và giảng dạy ở khoa Luật ở đại học Huế. Trong pháp nạn 1963, ông đấu tranh tích cực và sát cánh với Tăng ni Phật tử chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm, ông bị bắt đến khi cuộc cách mạng 1-11-1963 thành công, ông cùng mọi người mới được thả ra. Năm 1964-1966, ông làm Viện trưởng Viện đại học Huế, đồng thời làm Tổng trưởng Bộ Giáo Dục trong chính phủ Nguyễn Khánh. Ông là thành viên PG khối Ấn Quang do HT Thích Trí Quang làm lãnh tụ. Vào những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, ông được tiến cử tham chính trong nội các Vũ Văn Mẫu làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Sau ngày giải phóng, ông đi cải tạo đến năm 1979 được trở về nhà, sống ở TP Hồ Chí Minh cho đến cuối đời, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Thị Huê (1949-1966), tự Nguyễn Thi, sinh ngày 24-9- 1949 tại Sài Gòn. Từ nhỏ cô thường hay mua cá phóng sinh nhờ học hỏi giáo lý Phật Đà và áp dụng vào cuộc sống. Năm 1963, PG lâm vào pháp nạn, ngoài thời giờ đi chùa nghe thuyết giảng và thọ Bát Quan Trai, cô đã tham gia tuyệt thực, biểu tình, bãi khóa cùng các anh chị em học sinh khác, lên án chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, Quốc trưởng VNCH ký sắc lệnh cho phép Giáo hội quyên tiền xây dựng ngôi Việt Nam Quốc Tự, cô đã sớm có mặt trong đội tình nguyện quyên góp, đem sổ vàng đi khắp nơi, góp phần công đức nhỏ nhoi của mình cho sự nghiệp phát triển PG có một trung tâm PG Việt Nam thống nhất đầu tiên. Ngày 26-4-1964 là ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng, nhưng sang năm 1965 đã manh nha báo hiệu sự chia rẽ sâu sắc, bởi âm mưu cướp đoạt mảnh đất trong tay Giáo hội từ chính quyền, làm trụ sở của bà Ngô Đình Nhu cho phong trào Phụ nữ Liên Đới của bà. Ngày 29-8-1966, cô đến Viện đại học Vạn Hạnh đóng học phí vào trường Thanh niên Phụng sự xã hội. Sau đó, về chùa Ấn Quang lễ Phật và dò xem thông báo của Viện Hóa Đạo, rồi lên thăm Thượng tọa Trí Quang đang tuyệt thực, thấy ngài thoi thóp đến não lòng. Gần chiều, cô về Cô nhi viện Quách Thị Trang - phía sau lưng Việt Nam Quốc Tự thăm các em cô nhi và quyết định đêm đó ở lại với các em. Đến 02 giờ sáng ngày 30-8-1966 (đúng Rằm tháng Bảy năm Binh Thìn), cô lặng lẽ đi qua vườn chùa, vào khuôn viên Việt Nam Quốc Tự , tự mình châm ngọn lửa thiêu thân, nói lên tiếng nói bảo vệ Hiến chương và phản đối âm mưu chiếm mảnh đất thiêng liêng này. Năm đó cô vừa tròn 17 tuổi. Sáng ra, chính quyền đã nhanh chân cướp xác cô biệt tích, cô nguyên quán trú quán Sài Gòn. Năm 1967, GHPGVNTN đã tấn phong cô là Thánh tử đạo - theo Dương Kinh Thành sưu khảo.

- Thích Bảo Huệ (1935-1985), Hòa thượng, pháp danh Đồng Trí, pháp tự Thanh Minh, pháp hiệu Bảo Huệ, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Đình Khả, sinh năm Ất Hợi (1935) tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Xuất gia năm 1958 với HT Thích Trí Hữu tại chùa Linh Ứng, thọ Tỳ kheo năm 1962. Năm 1963, ngài là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo tranh đấu tại tỉnh Bình Tuy. Năm 1964 khai sơn chùa Quang Minh tại xã Võ Xu, quận Hoài Đức, Bình Tuy. Năm 1966 tranh đấu chống Thiệu Kỳ và bị đày Côn Đảo 3 năm. Năm 1969 trụ trì chùa Long Thọ và giữ chức vụ Chánh đại diện GHPGVNTN huyện Long Khánh. Năm 1975, ngài bị bắt giam tại trại K3 Long Khánh và mất tại đây vào ngày 17 tháng 7 năm Ất Sửu (1985), trụ thế 51 tuổi. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đồng Nai - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Bửu Huệ (1914-1991), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Ba, năm 1938 xuất gia với HT Pháp Long - chùa Thiên Phước - Tân Hương, pháp danh Tâm Ba, pháp tự Nhựt Quang, pháp hiệu Bửu Huệ, nối pháp dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 43. Năm 1950, ngài theo học PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1954, ngài học xong Cao đẳng Phật học và xin quy ẩn tịnh tu trong 10 năm. Năm 1964, GHPGVNTN thành lập, ngài làm Giám viện PHV Trung đẳng Huệ Nghiêm. Năm 1970, ngài làm Phó viện trưởng PHV Cao đẳng Huệ Nghiêm. Năm 1974, ngài kiêm Phó Đổng lý Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang và Trưởng ban Quản trị cơ sở Huệ Nghiêm. Ngài viên tịch tại chùa Huệ Nghiêm ngày 27 tháng 10 năm Tân Mùi (02-12-1991), thọ 78 năm và 42 hạ lạp, ngài nguyên quán Bến Tranh - Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Nữ Diệu Huệ (1895-1965), Ni trưởng, là chị ruột với Ni trưởng Diệu Không, là mẹ của giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Hội, Ni trưởng Diệu Huệ và Diệu Không tích cực chống đối chính sách chính sách kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 23-71963, Ni sư ở chùa Xá Lợi, phát nguyện tự thiêu để phản đối chính quyền. Ngày 20-8-1963, trong cuộc tổng tấn công vào chùa Xá Lợi, Ni sư cũng bị bắt chung với HT Thích Tịnh Khiết đưa vào quản thúc tại bệnh viện Cộng Hòa. Giáo sư Bửu Hội con bà đã đề nghị Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn sang Việt Nam xem xét vấn đề Phật Giáo, Ni trưởng nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Định Huệ, Cư sĩ, NNC Phật học, giáo sư, dịch giả, tác gia, nguyên là tu sĩ PG pháp hiệu Thích Định Huệ, sinh năm 1945, sau về tại gia làm việc tại Ngân hàng Thương mại Á Châu và là NNC Phật học, tham gia giảng dạy, là Giám đốc giáo vụ - Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật Huệ Quang - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tác phẩm: Tư tưởng và phong cách thiền tông; Quá trình hình thành Đại tạng kinh chữ Hán; Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam muội (2008); Ngự chế Vạn Thiện Đồng Quy tập; Vận dụng Phật pháp nghiên cứu Phật pháp; Kho Báu Nhà Thiền (1997); Ba Pháp Ấn, nguyên quán Mỹ Tho, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Nữ Giác Huệ (1889-1968), Ni trưởng, thế danh Trương Thị Như Tịnh, con gái của Hiền Lương Hầu Trương Như Cương. Năm 1904, kết hôn với Hoàng tử Bửu Đảo con vua Đồng Khánh. Năm 1913, lên chùa Tây Thiên xin xuất gia, được pháp danh Thanh Y, pháp tự Giác Huệ, pháp hiệu Như Đạm. Năm 1916 lập thảo am hiệu là Hoa Nghiêm Các và tu học tại đây. Năm 1962, vì đã lớn tuổi nên Ni trưởng lên tu học với Ni chúng chùa Sư nữ Diệu Viên cho công viên quả mãn, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Nữ Giải Huệ (1917-1987), Ni trưởng, xuất gia với HT Chơn Tích-Huệ Hải chùa Quang Lộc, pháp danh Như Huyền, pháp tự Giải Huệ, thế danh Nguyễn Thị Bích. Năm 1945-1954, Ni trưởng tham gia tích cực trong PG Cứu quốc liên khu 5 và trụ trì chùa Long Sơn do Khuôn hội Tịnh Độ hiến cúng. Năm 1945, Ni trưởng ra Huế tham học tại Ni viện Diệu Đức trong 6 năm. Năm 1960, Ni trưởng về lại tỉnh nhà xây dựng chùa Tịnh Nghiêm, đây là ngôi chùa Sư nữ đầu tiên của PG Quảng Ngãi. Năm 1963, Ni trưởng làm Đặc ủy xã hội kiêm Thũ quỹ Ban đại diện PG tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ thiếu nhi PG tỉnh. Năm 1970, lập chùa Tịnh Nghiêm 2 tại huyện Tư Nghĩa, nguyên quán trú quán Tư Nghĩa Quảng Ngãi - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Minh Thông Hải Huệ (1813-1903), Hòa thượng, tổ sư, không rõ nguyên quán, theo truyền khẩu, ngài gốc miền Trung, một vị quan triều đình nhà Nguyễn hoạt động chống Pháp, bị phát hiện và trốn vào Nam xuất gia với thiền sư Tiên Bổn Tịnh Căn, sau đó y chỉ với thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh. Trụ trì Kim Cang Tự - Bình Thảo - Biên Hòa. Khai sơn Linh Thứu Tự, khai sơn Linh Sơn Tự, khai sơn Tân Phước Tự, khai sơn trụ trì Thiên Phước Cổ Tự - Lấp Vò - Đồng Tháp, trụ trì Bửu Lâm Cổ Tự - Cao Lãnh - Đồng Tháp, trụ trì Sắc tứ Tam Bảo Tự- Rạch Giá, trụ trì Sắc tứ Tam Bảo Tự - Hà Tiên - Kiên Giang, Linh Quang ở Long Hòa, Phước An tự ở Thới An Đông (Cần Thơ)... Ngài có công lớn trong việc xây dựng cơ sở tự viện Phật giáo, giáo dục đào tạo Tăng tài... Tất cả những nơi dừng chân của ngài trụ trì, đều là nơi truyền bá tư tưởng yêu nước, truyền dạy võ nghệ, giúp binh lương cho các chí sĩ yêu nước chống Pháp, liên quan đến những vị anh hùng Phật tử Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Quản cơ Thiên Hộ Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Lãnh binh Cẩn (Thiền sư Minh Mai Phương Danh - sư đệ của ngài)... Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng giới đàn Tiên Giác Hải Tịnh năm Kỷ Hợi ngày mồng 07 tháng 02 (18-03-1899) tại Tổ đình Thiên Phước - xã Tân Bình - tổng An Phú - huyện Long Xuyên - tỉnh An Giang (nay thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1893, ngài đứng ra tổ chức tang lễ cho thiền sư Hải Huệ hiệu Chân Giác đạo nhân (Hòa thượng tổ Mẹ Nội) tại tổ đình Phước Lâm Cổ Tự - Sa Đéc và Đức Long Cổ Tự - làng Tân Dương - Lai Vung. Ta bà quả mãn, hóa duyên ký tất, ngài an nhiên viên tịch vào ngày mồng 4 tháng 8 năm Quý Mão (24-09-1903). Theo truyền tụng rằng sau khi ngài viên tịch, báo thân được tiến hành hỏa thiêu theo nghi thức Phật giáo Nam tông, một hiện tượng lạ xuất hiện khi có một ngón tay trỏ của thiền sư không bị cháy, dù sau đó được thiêu thêm nhiều lần nữa. Sự kì diệu này đã dẫn đến một cuộc tranh giành giữa các chư tăng của các chùa do thiền sư lập, về việc muốn được chôn cất báo thân của Ngài. Tại chùa Thiên Phước chỉ lưu giữ một ngón tay trỏ được thờ phía trước chùa, chùa Bửu Lâm, Cao Lãnh và chùa Linh Thứu, Lấp Vò đều có xây tháp vọng để thờ ngài - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Nữ Huyền Huệ (1924-2015), Ni trưởng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Huỳnh Thị Chín, xuất gia năm 15 tuổi với Sư cụ Diệu Tịnh - chùa Bình Quang - Phan Thiết, pháp danh Nhựt Định, pháp tự Huyền Huệ. Năm 1942, Người vào học tại Phật học Ni viện chùa Kim Sơn - Phú Nhuận. Năm 1944, Người được thọ đại giới tại giới đàn chùa Bình Quang, sau đó vào an cư tại chùa Hội Sơn - Thủ Đức học Luật Tứ Phần Tỳ kheo ni với Ni trưởng Diệu Thanh giảng dạy. Năm 1945, Người trở về chùa Bình Quang tu học, nhưng phải di tản vì chiến tranh, đến khi trở về thì chùa đã bị đốt cháy do đạn bom. Người và các huynh đệ chung tay xây dựng lại ngôi Tam bảo Bình Quang Ni tự. Năm 1947, HT Hành Trụ khai mở Ni trường chùa Tăng Già- Quận 4, Người vào tu học nơi đây 3 năm. Năm 1952, Ni trường Dược Sư được thành lập, Người lại vào đây tu học và làm Giám thị. Năm 1956, đại hội thành lập Ni Bộ Nam Việt tại chùa Huê Lâm, Người được tín nhiệm giữ chức Tổng thư ký Ban Quản trị Ni Bộ Nam Việt. Năm 1963, Người được mời về trụ trì Hải Ấn Ni tự - Phan Thiết. Năm 1970, Người được chỉ định chấp bút soạn thảo điều lệ nội qui của Ni Bộ Bắc Tông Việt Nam. Năm 2009, Người là giáo phẩm cao cấp Chứng minh trong Phân ban Ni giới Việt Nam - thuộc Ban Tăng sự TW GHPGVN. Ni trưởng dịch thuật các tác phẩm: Kinh Bách Dụ; Duy Thức Chương (1990); Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Chú (1992); Luật Tứ Phần (1996); San Bổ Thọ Chư Giới Đàn Ni Tập (2000); Tỳ Kheo Ni Giới Bổn; Duy Thức Tam Thập Tụng; Thành Duy Thức Luận; Kinh Nhật Tụng; Nghi Thức An Cư - Tự Tứ. Ni trưởng xả báo thân ngày Rằm tháng 7 năm Ất Mùi (28-08-2015) thọ 92 năm, 71 hạ lạp, tháp lập tại khuôn viên tổ đình Hải Ấn, nguyên quán trú quán Phan Thiết - Bình Thuận - theo tư liệu tổ đình Hải Ấn soạn.

- Thích Như Huệ (1934-2016), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Như Huệ, pháp tự Giải Trí, pháp hiệu Trí Thông, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Phạm Huệ, sinh năm 1934 tại làng Cẩm Phô, Hội An. Xuất gia với Hòa thượng Thiện Quả tại chùa Chúc Thánh, học tăng PHĐ Nam Việt, Giảng sư tỉnh hội Quảng Nam (1960). Là một trong Tứ trụ của phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 tại Quảng Nam. Phó Đại diện ngoại vụ GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam, Giám đốc trường Bồ Đề Quảng Nam, trụ trì chùa Pháp Bảo- Hội An. Hòa thượng sang định cư tại Úc năm 1982 và khai sơn chùa Pháp Hoa- Nam Úc. Hòa thượng là Hội chủ GHPGVNTN Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan qua nhiều nhiệm kỳ. Năm 2015, Hòa thượng được cung thỉnh Chứng Minh đạo sư của Giáo hội. Hòa thượng viên tịch ngày 19 tháng 5 năm Bính Thân (2016), thọ 83 tuổi. Đệ tử của ngài có các vị như: HT Thích Hạnh Đức, HT Thích Hạnh Niệm... Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Úc Đại Lợi - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Phát Huệ (1917-2008), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Nguyễn Văn Tượng, xuất gia năm 13 tuổi với HT Thiện Hòa - chùa Phược Long - Cái Tàu Hạ - Sa Đéc, được pháp danh Chơn Phát, pháp hiệu Phát Huệ. Năm 1930, ngài học tại PHĐ Gia giáo chùa Vạn An do HT Chánh Thành giảng dạy. Năm 1937, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Long Thạnh - Vĩnh Long. Năm 1949, ngài kế thế trụ trì chùa Long Hòa - Vĩnh Long và cầu pháp với HT Chánh Quả- chùa Kim Huê - Sa Đéc. Năm 1959, ngài làm Thư ký Liên đoàn Phật giáo Tăng già Nam Việt-huyện Châu Thành - Vĩnh Long và tham dự khóa Như Lai Sứ Giả - chùa Pháp Hội Sài Gòn. Năm 1965, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Vĩnh Long. Năm 1985, ngài làm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long. Năm 1998, ngài dược cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN và Chứng minh tỉnh hội PG Vĩnh Long. Ngài xả báo thân ngày 23 tháng 7 năm Mậu Tý (23-08-2008) thọ 91 xuân, 70 hạ lạp, nguyên quán trú quán Vĩnh Long - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Phổ Huệ (1870-1931), Hòa thượng, ngài họ Trần, xuất gia năm 1882 với HT Từ Mẫn - chùa Tịnh Lâm - Phù Cát - Bình Định, pháp hiệu Phổ Huệ. Ngài kế thế trụ trì chùa Tịnh Lâm. Năm 1908, ngài được thỉnh vào hoàng cung thuyết pháp, nên được gọi là Pháp sư Phổ Huệ. Năm 1901-1926, ngài kết tâm giao với HT Tra Am - Viên Thành qua tài thơ văn trao đổi giữa hai ngài. Năm 1927, ngài đến chùa Phi Lai ờ Châu Đốc và làm thơ khen tặng chí khí của HT Chí Thiền. Ngài là một bậc danh Tăng thời kỳ tiền chấn hưng với những bài thơ tài hoa để lại đời. Ngài xả báo thân tại chùa Tịnh Lâm năm 1931, thọ 61 năm với 40 hạ lạp, bảo tháp lập nơi chùa Bảo Phong mà ngài đã sáng lập, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Phước Huệ (1875-1963), Hòa thượng, pháp danh Ngộ Tánh, pháp tự Hưng Long, pháp hiệu Phước Huệ, đệ tử HT Viên Giác - chùa Hải Đức - Nha Trang. Năm 1899, ngài lập một thảo am để tu trì và phụng thờ song thân, hiệu là Hải Đức Am. Năm 1904, ngài trụ trì chùa Kim Quang - An Cựu. Năm 1914, ngài trở lại Nha Trang trùng tu chùa Hải Đức trở thành danh thắng. Năm 1924, ngài làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn Nha Trang. Năm 1934, ngài về Quảng Trị kêu gọi trùng tu tổ đình sắc tứ Tịnh Quang. Năm 1941-1945 ngài làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Thừa Thiên nên ngài được tôn kính là Ôn Hải Đức, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Nha Trang, Thừa Thiên - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1

- Thích Phước Huệ (1922-2012), Hòa thượng, pháp hiệu cũ Thích Tắc Phước, sơn môn Thiên Thai Giáo Quán Tông Việt Nam đời 23, thế danh Trần Văn Cảnh, xuất gia năm 13 tuổi với HT Đạt Đức- chùa Thiền Tôn - Thủ Đức, pháp danh Lãng Điền, pháp tự Tắc Phước, pháp hiệu Phước Huệ. Năm 1945, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Tôn Thạnh do HT Liễu Thoàn làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1946, ngài học tại PHĐ Liên Hải - Chợ Lớn. Năm 1951, ngài học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1956, ngài làm Đốc giáo kiêm giáo sư PHĐ Nam Việt. Năm 1963, ngài làm Tổng thư ký phái đoàn Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự đại hội thành lập GHPGVNTN. Năm 1964, ngài là Chánh đại diện PG miền Huệ Quang kiêm Ủy viên Nghi lễ thuộc Tổng vụ Pháp sự GHPGVNTN. Năm 1973, ngài làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN. Ngài đã kiến lập những ngôi chùa như: Chùa Thiền Tôn 2 - Giồng Ông Tố - Thủ Đức; Chùa Phước Huệ - Trảng Bom - Biên Hòa; Chùa Phước Thạnh - Rạch Ròi - Long Xuyên; Chùa Quảng Đức - Long Xuyên; Chùa Bửu Long - Mỹ Luông - An Giang; Niệm Phật Đường Phước Huệ - Australia; Chùa Phước Huệ - Australia... Năm 1980, ngài sang định cư tại Úc Châu và khai sơn nhiều ngôi chùa khác trên đất Úc. Ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (28-01-2012) thọ 91 năm, 70 hạ lạp, nguyên quán Thủ Đức - Gia Định, trú quán Úc châu - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Quốc sư Phước Huệ (1869-1965), Hòa Thượng, hiệu Chơn Luận-Phước Huệ, Tăng cang chùa Thập Tháp, thế danh Nguyễn Tấn Giao, xuất gia năm 1881 tại chùa Thập Tháp với HT Minh Lý - Chí Tịnh, được ban pháp hiệu Phước Huệ. Năm 1894, ngài trụ trì Phổ Quang - Tuy Phước. Năm 1901, ngài được triều đình ban giới đao độ điệp làm Tăng cang chùa Thập Tháp. Năm 1908, ngài được mời vào triều đình thuyết pháp, nhân đó ngài mở khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm. Các đời vua kế tục cũng đều mời ngài vào cung thuyết pháp, nên được tôn xưng là Quốc sư. Năm 1929, HT Giác Tiên mở Phật học đường chùa Trúc Lâm, đã vào tận chùa Thập Tháp cung thỉnh ngài ra làm chủ giảng. Năm 1932, trong phong trào chấn hưng PG, ngài và các bậc tôn túc đất Thần kinh thành lập hội An Nam Phật học. Năm 1937, ngài về trụ trì chùa Thập Tháp và làm Đốc giáo cho Phật học đường chùa Long Khánh - Quy Nhơn. Ngài còn khai sơn chùa Phước Long - Tây Sơn, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Trừng Trữ Quảng Huệ (1829-1887) Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 42, thế danh Tô Ngọc Trữ, xuất gia ấu niên với HT Thanh Lợi Minh Đức - chùa Phước Lâm - Cai Lậy - Mỹ Tho, pháp danh Trừng Trữ, pháp hiệu Quảng Huệ. Khi tổ Tiên Giác Hải Tịnh về trụ trì chùa Tây An - Châu Đốc, ngài đến cầu pháp với tổ, được ban pháp danh là Minh Trữ. Sau thời gian tu học ở chùa Phước Lâm, ngài về quê nhà trụ trì chùa Hoàng Long - Giồng Tre - Cai Lậy. Từ năm 1859-1867, chiến tranh loạn lạc, dịch bệnh xảy ra, dân chúng chết rất nhiều, ngài dùng nước lạnh và lá Bồ đề chú nguyện rồi cho uống, nhờ vậy mọi người thoát chết rất nhiều, dân chúng quanh vùng rất kính phục ngài. Tổng đốc Trần Bá Lộc (1839-1899) nghe tiếng ngài tìm cách mua chuộc, ngài không muốn hợp tác, lặng lẽ rút vào rừng sâu ở Ngọn Chà Là - xã Mỹ Phú, lập Am Phước Hội để ẩn tu. Khi biết hóa duyên sắp mãn, ngài trở về chùa Phước Lâm đảnh lễ tổ sư và giáo huấn đệ tử. Ngài viên tịch ngày 17 tháng 9 năm Đinh Hợi (1887) thọ 59 năm. Môn đồ lập tháp ở khuôn viên chùa Phước Lâm, nguyên quán trú quán làng Bình Phú - Cai Lậy - Mỹ Tho - theo Cư sĩ Minh Thông biên khảo.

- Thích Thiện Huệ (1948-1966), Sa di, Thánh tử đạo, thế danh Nguyễn Lang, xuất gia năm 1964 với HT Từ Viên - chùa Từ Ân - Tuy An, pháp danh Quảng Trí, pháp tự Thiện Huệ. Năm 1965 vào trú xứ tu học ở chùa Tu Bông - Nha Trang. Năm 1966, thọ Sa di giới với HT Thiên Sơn - chùa Tu Bông. Trong pháp nạn PG 1966, thầy đã tự thiêu tại Gò Giếng Nước Nóng, ấp Tân Phước, xã Vạn Phước, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào buổi trưa ngày 13- 04-1966, để lại 3 bức thư nói lên nguyện vọng của thầy, nguyên quán Tuy An - Phú Yên, trú quán Ninh Hòa - Khánh Hòa - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Thiện Huệ, Hòa thượng, ấu niên xuất gia, thế danh Huỳnh Văn Tấn, sinh năm Tân Tỵ (1942), trụ trì đời thứ sáu tổ đình Phước Hưng Cổ Tự, từng thí giới cho các Đại giới đàn với ngôi vị Tôn chứng A xà lê, Giáo thọ A xà lê, Yết Ma A xà lê, Đàn đầu Hòa thượng, nguyên Trưởng BTS Phật giáo Đồng Tháp, hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Đồng Tháp, Ủy viên HĐTS Trung ương GHPGVN, Chứng minh BTS PG Đồng Tháp. Ngài chuyên thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là vị danh tăng nổi tiếng trì giới, hiếu thảo song thân, nguyên quán, trú quán Sa Đéc - Đồng Tháp - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

- Thích Từ Huệ (1910-1997), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái Khất sĩ Việt Nam, thế danh Tạ Văn Phụng, xuất gia năm 1947 với tổ Minh Đăng Quang - chùa Linh Bửu - Mỹ Tho, pháp danh Từ Huệ. Năm 1950, ngài khai sơn tịnh xá Mỹ Đức, và có công thành lập rất nhiều ngôi tịnh xá khắp miền Nam. Năm 1951, ngài tham gia Giáo hội Tăng già Nam Việt và là Thành viên Giáo hội Tăng già Toàn quốc, đại diện cho hệ phái Khất sĩ hòa nhập vào PGVN. Năm 1964, ngài là Thành viên GHPGVNTN tỉnh Định Tường. Đặc biệt, ngài thành lập nghĩa trang miễn phí cho người nghèo và một lò thiêu tại khuôn viên chùa Pháp Bảo - Mỹ Tho. Năm 1992, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN, tác phẩm: Thuốc Nam gia truyền (3 tập ), ngài xả báo thân ngày 27 tháng 6 năm Đinh Sửu (31-07-1997) thọ 88 năm, 50 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Mỹ Tho - Tiền Giang - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Phan Văn Hùm (1902-1946), học giả, nhà văn, triết gia, bút danh Phù Giao, ông đỗ Cao học Triết tại đại học Sorbon - Paris và giảng dạy tại Toulouse - Pháp, ông về Sài Gòn năm 1933, hợp tác với các đồng chí ra tờ La Lutte (Tranh đấu), chủ bút tờ Đồng Nai và viết khá nhiều tác phẩm. Ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, trở về ông bị an trí ở Tân Uyên, nơi đây ông viết tác phẩm PG ra mắt ngày 27-5-1942: "Phật giáo Triết học", ấn hành tại Đông Dương ấn quán - Hà Nội. Ông bị địch giết hại năm 1946, nguyên quán trú quán Lái Thiêu - Bình Dương - theo trang nhà www.Wikipedia

- Lâm Hùng (1947-1974), Đại đức, liệt sĩ, sinh năm 1947, tại ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1964, song thân cho phép ngài đến chùa Cù Là Cũ, ấp Vĩnh Niên, xã Vĩnh Hòa Hiệp để tu học theo truyền thống Khmer. Năm 1967, ngài thọ Tỳ kheo giới với HT Danh Tấp, đàn giới tổ chức tại bổn tự Cù Là Cũ. Ngài được giao trọng trách Phó trụ trì Cù Là Cũ vào ngày 16 tháng 3 năm 1972. Sau đó, được tập thể Sư sãi bầu làm Ủy viên Hội Đoàn Kết Sư sãi Yêu nước huyện Châu Thành, do sư Danh Mây là Hội trưởng và trực tiếp lãnh đạo các Sư sãi bốn Tự viện: chùa Cù Là Cũ, chùa Cù Là Mới - Rạch Sỏi, chùa Chung, chùa Giục Tượng. Nhờ có học và biết nghiệp vụ Y tá chuyên môn, ngài chăm sóc, trị liệu cho bà con Khmer và các bạn đồng liêu của mình. Ngài nhớ lại một việc hãi hùng đó là vào lúc 16 giờ 16 tháng 10 năm 1965: “Bọn giặc Mỹ Ngụy dùng máy bay ném bom xuống chùa Đường Xuồng, xã Định Hòa, huyện Gò Quao làm trên 300 vị Sư sãi, đồng bào Khmer chết và bị thương, trong đó có Hòa thượng Danh Kim trụ trì Chùa Thanh Gia”. Từ đó, nhiều cuộc biểu tình đấu tranh đòi địch phải đền bồi sinh mạng, tài sản của nhân dân và Sư sãi. Ngài tham gia Cách mạng và làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành. Ngày 05 tháng 6 năm 1974, bọn cảnh sát ngụy bắt 10 vị Sư sãi đi dự lễ Hỏa táng nhục thân HT Danh Con tại chùa Klang Mương. Hôm sau, ngài cùng một số vị Sư sãi tập họp tại chùa Cà Lang để đấu tranh đòi bọn chúng trả tự do cho 10 vị Sư, nhưng bọn chúng đã giải các vị Sư về quận Kiên Thành. Một cuộc họp đặc biệt tại phòng của Đại đức Danh Kê vào lúc 20 giờ ngày 08/6/1974, ngài triệu tập Sư sãi đại diện các chùa để lãnh đạo cuộc đấu tranh tranh trực diện với đối phương. Hội nghị đã quyết định lực lượng các Sư sãi trong toàn tỉnh gồm 71 chùa cùng nhau tiến hành cuộc đấu tranh ngày 10-6-1974, Ngài chịu trách nhiệm bốn chùa: Cù Là Cũ, Cù Là Mới, Rạch Sỏi, chùa Chung tham gia lực lượng biểu tình. Đúng 06 giờ 45 phút bắt đầu xuất phát cuộc xuống đường do ngài dẫn đoàn biểu tình hơn 2 nghìn Sư sãi, hơn 600 đồng bào Việt, Khmer, đoàn biểu tình đi dọc lộ 12 từ Minh Lương theo hướng Rạch Sỏi đến dinh quận Kiên Thành. Bọn lính kéo ba dãi hàng rào thép gai chặn đường, đặt mìn ngăn đoàn biểu tình. nhưng Ngài cùng đoàn vẫn thản nhiên tiến bước. Nơi hàng rào thép gai, bọn chúng treo biển: “Vượt rào có quyền nổ súng”, nhưng đoàn vẫn không lùi bước. Khoảng 30 vị Sư vượt khỏi hàng rào thứ ba thì nhiều loạt súng trường và súng máy nổ dữ dội. Ngài quỵ ngã sấp phía trước, nhưng vẫn gắng gượng dậy, dùng tay phải vẫy gọi đoàn biểu tình và dùng khí lực hô to khẩu lệnh: “Hỡi chư vị Sư sãi yêu nước, cùng đoàn kết tiến lên đối phó với bọn cảnh sát quân cảnh”. Ngài trút hơi thở vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 10 tháng 6 năm 1974. Trụ thế 24 Xuân, 7 Hạ an cư - theo tư liệu Danh tăng PG Nam Tông Khmer.

- Thích Ninh Hùng (1926-2011), Hòa thượng, thiền phái Lâm Tế Hoa Tông đời 45, Tăng trưởng hệ phái PG Hoa Tông Việt Nam, thế danh Tăng Ninh Hùng, xuất gia năm 1933 với HT Thanh Thuyền - chùa Đại Bi - Phúc Kiến - Trung Quốc, pháp danh Thường An, pháp tự Ninh Hùng, pháp hiệu Tịnh Trần. Năm 1935, ngài được biệt xuất thọ đại giới tại giới đàn chùa Trùng Khánh - Phúc Châu do HT Phổ Liên làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài được vào học tại PHV Cổ Sơn Pháp Giới - Phúc Kiến. Năm 1946, ngài sang Việt Nam làm Phó Tự chùa Ông Bổn - Quận 5 - Chợ Lớn. Năm 1954, ngài khai sơn chùa Linh Quang- Chợ Lón. Năm 1961, ngài cùng HT Phước Quang lập Tịnh Quang Liên Xã, gây quỹ xây cất bệnh viện Quảng Đông. Năm 1963, ngài làm Giám viện chùa Nam Phổ Đà và thủ tọa Tây Thiền Tự - Phúc Kiến. Năm 1968, ngài mở trường Tường Quang và Chẩn Y viện PG Hoa Tông, châm cứu bốc thuốc miễn phí, mua đất xây trường Chánh Giác cho con em người Hoa theo học. Năm 1973, ngài khai sơn chùa Bảo Quang - Đà Lạt. Năm 1975, ngài tham gia Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh. Năm 2007, ngài được cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh BTS Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Chứng Minh Ban Đại diện PG Quận 6, viện chủ chùa Nam Phổ Đà - Quận 6, ngài xả báo thân ngày 12 tháng Giêng năm Tân Mão (14-02-2011) thọ 86 năm, 76 mùa an cư, nguyên quán Phúc Kiến - Trung Quốc, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Khánh Huy (1883-1932), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Đạo Mẫn đời 39, thuở nhỏ học đạo ở chùa Phước Lâm - Cai Lậy, xuất gia năm 1899 với tổ Hải Lương Chánh Tâm - chùa Kim Cang - Tân An, pháp danh Như Huy, pháp hiệu Khánh Huy. Năm 1904, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Khánh Quới do HT Hải Lương Chánh Tâm làm Đường đầu truyền giới. Năm 1914, ngài trùng tu chùa Phước Lâm - Cai Lậy và lập giới đàn Báo ân. Ngài danh nhiều ngân khoản để khắc ván in kinh lưu hành các bộ: Kinh Pháp Hoa; Kinh Tam Bảo; Thiền Môn Nhựt Tụng... Năm 1924, ngài lập thảo am kế bên chùa Phước Lâm, lấy tên là "Trực Chỉ Tông" để chuyên tu, đến năm 1930, ngài nguyện nhập thất vĩnh viễn. Ngài xả báo thân ngày 12 tháng 10 năm Canh Tuất (1934) hưởng 52 năm, 32 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Cai Lậy - Tiền Giang - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Đồng Huy (1919-2010), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, thế danh Phan Văn Đa, xuất gia năm 1938 với HT Hưng Từ - chùa Long Đoàn - Trà Cú - Bình Thuận, pháp danh Thị Lạc, pháp tự Hành Thiện. Năm 1943, ngài theo học ở PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Năm 1945, ngài tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 1955, trở về tu học tại chùa Phú Thạnh - Phú Nhuận, cầu pháp với HT Thiện Hòa và nhập học ở PHĐ Nam Việt- chùa Ấn Quang. Năm 1956, ngài thọ Tam đàn cụ túc tại chùa Pháp Hội do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới và được ban pháp danh Đồng Huy, pháp tự Thanh Tùng, pháp hiệu Trí Thắng. Năm 1960-1963, ngài được cử trụ trì Đại Tòng Lâm - Bà Rịa. Năm 1964, ngài theo học tại PHV Huệ Nghiêm. Năm 1970, ngài khai sơn tu viện Vạn Hạnh và khai khẩn 300 mẫu đất cấp phát cho Tăng ni có nơi tu hành. Năm 1972, ngài là Phó Ban đại diện GHPGVNTN tỉnh Phước Tuy kiêm Chánh đại diện PG quận Long Lễ và Chánh đại diện Khu tự trị PG Làng Vạn Hạnh. Năm 1986, ngài là Phó BTS PG tỉnh Đồng Nai kiêm Chánh đại diện PG huyện Châu Thành. Năm 1990, ngài là Phó giám đốc Đại Tòng Lâm kiêm Giám luật và sáng lập các chùa: Vạn Thiện, Vạn Phước, Vạn An, đồng thời khai khẩn thêm 20 mẫu trên sườn núi Thị Vải- Bà Rịa. Năm 1992, ngài làm Ủy viên HĐTS kiêm Trưởng BTS PG tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 1997, ngài được tấn phong Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN và Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm. Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong đại giới đàn Thiện Hòa V (2006) và Thiện Hòa VI (2009) tổ chức tại Đại Tòng Lâm. Các bộ sách ngài đã phiên dịch là: Tứ Phần Luật Tạng 60 quyển; Luật Học 01 quyển; Tỳ Kheo Ni Sao 03 quyển; Luật Học Cương Yếu 01 quyển; Tỳ Kheo Giới Bổn Sớ Nghĩa 01 quyển; Phạm Võng Lược Sớ 10 quyển; Tỳ Kheo Tăng Sao. 03 quyển; Luật Tứ Phần như thích; Yết Ma Đại Cương 01 quyển; Phật Học Diễn Giảng; Tỳ Kheo Giới Bổn Lược Giải 01 tập; Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Giải 01 tập... Ngài xả báo thân ngày 19 tháng 11 năm Kỷ Sửu (03-01-2010) thọ 90 năm, 55 giới lạp, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Quang Huy (1932-1993), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Đinh Văn Hương, xuấn gia năm 1945 với HT Giác Hải - chùa Kim Sơn - Nha Trang, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Hưng Quang, pháp hiệu Quang Huy. Năm 1958, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiên Bửu do HT Phước Huệ - chùa Hải Đức làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1960, ngài kế thế trụ trì chùa Kim Sơn - Nha Trang. Năm 1963, ngài trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan, Năm 1985, ngài làm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, ngài xả báo thân ngày mồng 3 tháng 10 năm Qý Dậu (16-11-1993) thọ 61 năm, 40 tuổi đạo, nguyên quán Khánh Hòa, trú quán Dak Lak - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Trần Huỳnh (?-?), Cư sĩ, nhà báo, ông là một cây bút tiến bộ. Năm 1935, tạp chí Duy Tâm được Thống đốc Nam kỳ ký lệnh số 604S cho phép hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản, ông được mời làm quản lý rồi chủ bút tạp chí Duy Tâm. Ngoài ra, ông có biên soạn và xuất bản bộ Phật học giáo khoa (2 quyển). Năm 1937, ông chuyển sang làm chủ bút tờ Pháp Âm của hội Tịnh độ Cư sĩ, nguyên quán Sa Đéc, trú quán Sóc Trăng.

- Trừng Tĩnh Tịnh Huyền (1875-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Công Tôn Ưng Phục, xuất gia năm 1897 với ngài Thanh Thái Phước Chỉ - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Trừng Tĩnh, pháp tự Nhất Tâm, đắc pháp năm 1920 được pháp hiệu Tịnh Huyền. Ngài tìm đến vùng núi Tuần, lập thất ẩn tu, sau trùng tu thành chùa hiệu là Cấp Cô. Ngài còn khai sơn Niệm Phật Đường Bằng Cư ở xã Lại Bằng. Ngài thị tịch tại đây, chỉ còn long vị, không rõ năm mất, tháp lập ở khuôn viên chùa Cấp Cô - Nam Hòa, Ngài nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6112028