Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Không

Không

 

- Thích Nữ Chân Không, Ni trưởng, một nhà hoạt động vì hòa bình, thế danh Cao Ngọc Phượng, sinh năm 1938, đệ tử Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một trong những người cộng tác đắc lực với Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc sáng lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services - SYSS). Ni trưởng là nhân tố trung tâm trong nhiều hoạt động của chương trình SYSS, tổ chức các cơ sở y tế, giáo dục và nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam trong chiến tranh. Có lúc, SYSS đã có hơn 10.000 tình nguyện viên hòa bình trẻ tuổi đi xây dựng lại nhiều ngôi làng bị tàn phá bởi chiến tranh. Khi Thiền sư Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ, Ni trưởng vận hành các hoạt động hằng ngày. Ni trưởng là một trong sáu thành viên đầu tiên được thọ giới của Dòng tu Tiếp Hiện, được gọi là "Sáu cây Đại thụ". Từ năm 1969 đến năm 1972, Ni trưởng cộng tác với Thiền sư Thính Nhất Hạnh tại Paris, tổ chức phái đoàn Hòa bình Phật giáo để vận động hòa bình cho Việt Nam. Từ đó Ni trưởng cùng với Thiền sư Nhất Hạnh, thành lập cộng đồng Khoai Lang (Sweet Potato community) gần Paris, sau đó là Tăng đoàn Làng Mai năm 1982. Ni trưởng cùng đi và trợ giúp Thiền sư Nhất Hạnh trong các chuyến đi. Ngoài ra, Ni trưởng còn liên tục tổ chức các hoạt động cứu trợ cho những người cần giúp ở Việt Nam, hợp tác trong các gói cứu trợ cho trẻ em nghèo, thuốc men cho bệnh nhân và giúp tổ chức các sinh hoạt tại Làng Mai. Vào năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Anh giáo, và Chính thống giáo, cũng như các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, và Phật giáo (bao gồm Ni sư Chân Không, đại diện cho Thiền sư Nhất Hạnh) gặp nhau để ký một cam kết chung chống lại hình thức tân nô lệ hóa; tuyên bố họ ký kết kêu gọi xoá bỏ chế độ nô lệ và nạn buôn người vào năm 2020. Nguyên quán Bến Tre - Việt Nam, trú quán Pháp quốc - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Ni trưởng Diệu Không (1905-1997), Ni trưởng, dịch giả, tác gia, thi sĩ, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, pháp danh Trừng Hảo, pháp tự Diệu Không, pháp hiệu Nhất Điểm Thanh, xuất gia với HT Giác Tiên khi 27 tuổi, xây dựng Ni viện đầu tiên cho Ni giới là Ni viện Diệu Đức - Huế và sáng lập các chùa ni khác: Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân - Huế, Bảo Thắng - Hội An, Bảo Quang - Đà Nẵng, Tịnh Nghiêm - Quảng Nam, Diệu Quang - Nha Trang, Ni trường - Sa Đéc, Từ Nghiêm - Sài Gòn, Diệu Giác - Thủ Đức..., thành lập nhà in Liên Hoa in kinh sách, nguyệt san Liên Hoa năm 1952. Trong pháp nạn 1963, Ni trưởng cùng chị là Diệu Huệ tích cực trong phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, Ni trưởng viết đơn cho Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG xin được tự thiêu để cúng dường Tam bảo và thức tỉnh lương tri cường quyền, nhưng không được chư tôn đức chấp thuận. Sau khi GHPGVN ra đời, Ni trưởng là Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN Thừa Thiên Huế và đại biểu MTTQVN Thừa Thiên Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo trang nhà www.gdptductam.org

- Thích Hoàn Không (1900-1997), Hòa thượng, thế danh Phạm Tùng Minh, xuất gia năm 1919 với Giáo thọ Thiện Huệ - chùa Sắc tứ Linh Thứu - Mỹ Tho. Năm 1930, chùa Sắc tứ Xoài Hột là cơ sở cách mạng và trụ sở báo Dân Cày bị lộ, ngài trốn sang Bến Tre, tu học tại hội Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1937, ngài được cử trụ trì chùa Long Hội - Càng Long. Tại đây ngài tiếp tục giúp đỡ cách mạng lại bị địch phát hiện, ngài thoát ly kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch liên xã Tân An - Huyền Hội, huyện Càng Long. Năm 1945, sau khi hòa bình lập lại, ngài về trụ trì chùa Phật Bửu - Càng Long. Năm 1967, ngài được mời về điều hành PHV Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1972, ngài về trụ trì chùa Phước Thanh - Cầu Ngang. Năm 1975, ngài trụ trì chùa Long Khánh - Trà Vinh cho đến cuối đời. Năm 1981, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN, ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng 2 năm Đinh Sửu (14-03-1997) thọ 98 năm, 50 năm hành đạo, bảo tháp lập tại chùa Phước Thanh, nguyên quán Mỹ Tho, trú quán Trà Vinh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Huyền Không (1906-1983), Hòa thượng, năm 1920 xuất gia với HT Đắc Quang - tổ đình Quốc Ân, pháp danh Hồng Nam, pháp tự Hương Mãn, pháp hiệu Huyền Không, thế danh Trần Đức Triêm. Năm 1947, kế thế trụ trì chùa Quốc Ân và là Thư ký chùa Linh Mụ. Ngài được sơn môn và Giáo hội cung thỉnh làm Tôn chứng nhiều giới đàn. Ngài có công đào tạo nhiều đệ tử phục vụ khắp 3 miền đất nước, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Liễu Không (1930-1999), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Nguyễn Xuân Đệ, xuấn gia năm 1940 với HT Tâm Đạt - chùa Thiên Bình, pháp danh Thị Duật, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Liễu Không. Năm 1950, ngài thọ Tam đàn cụ túc tại giới đàn chùa Thiên Bình, do HT Huệ Chiếu - chùa Thập Tháp làm Đàn đầu truyền giới. Cùng năm, ngài giữ chức Bí thư PG Cứu quốc xã Nhơn Phong và công tác phật sự tại PG Cứu quốc huyện An Nhơn - Liên khu 5. Năm 1953, ngài làm Thư ký Hội Phật Giáo Việt Nam huyện An Nhơn và đoàn Thanh tra Hội PGVN tỉnh Bình Định. Năm 1954, ngài vào học tại PHV Trung phần Nha Trang. Năm 1958, ngài là thành viên sáng lập tu viện Nguyên Thiều cùng với chư tôn đức tỉnh Bình Định. Năm 1952, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thiên Bình. Năm 1963, trong pháp nạn PG, ngài đấu tranh và bị bắt giam ở nhà lao Quy Nhơn một thời gian. Năm 1964, GHPGVNTN được thành lập, ngài là Chánh đại diện PG huyện An Nhơn. Từ năm 1973-1977, ngài tái thiết ngôi tổ đình Thiên Bình bị chiến tranh tàn phá năng nề. Năm 1982, ngài là Phó trưởng BTS Thường trực GHPGVN tỉnh Bình Định. Ngài có công khai sơn chùa Hưng Quang, chùa Kim Long, chùa Giác Hải ở huyện nhà. Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 6 năm Kỷ mão (29-09-1999) thọ 70 năm, 50 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Quán Không (1954-1996), Thượng tọa, thế danh Nguyễn Thy, xuất gia năm 15 tuổi với HT Không Tâm Trí Quảng - chùa Từ Ân và Quy Thiện - Huế, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Quán Không. Năm 1976, thọ đại giới tại giới đàn Quảng Đức chùa Ấn Quang do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới. Thầy chuyên nghiên cứu về hành trì Mật khoa làm phương tiện hóa độ chúng sanh. Năm 1974, thầy được cử làm Giám tự chùa Quy Thiện. Năm 1985, Thầy xuất ngoại sang Na Uy, năm sau vận động xây dựng chùa Khuông Việt. Năm 1988, Thầy làm lễ khánh thành và trụ trì chùa Khuông Việt. Ngoài ra, Thượng tọa còn thành lập nhiều đạo tràng tu học chánh pháp và liên tục diễn giảng khắp nơi ở Châu Âu. Do lâm bệnh nặng, Thượng tọa xả báo thân năm 1996 tại chùa Khuông Việt - Na Uy. Kim quan đưa về nhập tháp tại chùa Quy Thiện - Huế, hưởng 42 tuổi, 20 năm hành đạo, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Na Uy - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Thích Thái Không (1902-1983), Hòa thượng, thế danh Hoàng Long Phi, xuất gia với tổ Khánh Hòa - chùa Tuyên Linh - Bến Tre năm 1917. Trong phong trào chấn hưng, ngài đã trợ giúp bổn sư nhiều phật sự, khi hội NKNCPH ra đời, ngài đã viết nhiều bài báo ký tên Thái Không đăng trong tạp chí Từ Bi Âm. Khi hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời, ngài là một cây bút đắc lực của tạp chí Duy Tâm. Năm 1945, ngài làm Trưởng ban chấp hành hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bến Tre. Năm 1960, Bến Tre phát động cách mạng Đồng Khởi, ngài giữ chức Ủy viên Mặt trận Dân tộc GPMNVN tỉnh Bến Tre và chủ tịch MTDTGP huyện Thạnh Phú. Năm 1969, ngài được GHPGVNTN cử làm trụ trì chùa Lưỡng Xuyên. Năm 1975, ngài được bầu vào Ủy ban MTTQ tỉnh Cửu Long và Ủy viên HĐND thị xã Trà Vinh. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài được suy cử vào Thành viên HĐCM TW GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày 24 tháng Giêng năm Quí Hợi (8-3-1983), thọ 81 tuổi, 60 năm đạo nghiệp. Ngài nguyên quán Bến Tre, trú quán Trà Vinh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Trí Không, Cư sĩ, giáo sư, NNC Phật học, tên thật Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1937, xuất gia năm 1949 với HT Huyền Dung - chùa Sùng Đức, pháp danh Trí Không. Năm 1954, ông vào học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1963, ông tham gia đấu tranh tích cực trong phong trào bảo vệ PG. Sau khi GHPGVNTN thành lập, ông chuyển sang học đại học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964-1968, tốt nghiệp hạng Ưu. Sau khi tốt nghiệp, ông được Giáo hội bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Bảo Lộc (1968-1970), hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Long Xuyên (1970-1972). Năm 1973, ông về tại gia và giảng dạy tại trường đại học Cần Thơ năm 1973, đến 1985 thì hưu trí. Năm 1990, ông được BTS PG tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời giảng dạy trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm. Từ đây, ông để tâm biên soạn các bộ sách giáo khoa Phật học và sử học PG. Năm 2000, ông lại được BTS PG tỉnh Vĩnh Long mời giảng dạy tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Vĩnh Long. Ông biên soạn trên 20 tác phẩm như: Phật học Toàn thư (từ Sơ cấp đền Trung cấp) , Phật giáo Vĩnh Long..., ông nguyên quán Biên Hòa, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6130710