Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ngh

Ngh

 

- Hải Nghiêm Phước Nghi (?-1861), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Hải Nghiêm, pháp hiệu Phước Nghi, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Trần Văn Nghi, là em út của thiền sư Viên Trừng và Hoằng Ân. Cho đến nay, chưa có tư liệu chính xác về bổn sư của ngài cũng như hành hoạt của ngài trước khi về trụ trì chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn. Ngài được triều đình cử làm trụ trì chùa Ứng Chơn vào năm Tự Đức thứ 7, Giáp Dần (1854) thế cho thiền sư Hoằng Ân sang trụ trì chùa Tam Thai. Ngài trụ trì tại đây được 8 năm và viên tịch vào ngày 14 tháng 10 năm Tân Dậu (1861). Bảo tháp của ngài được kiến tạo bên tháp thiền sư Viên Trừng. Ngài nguyên quán Phú Yên, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Thiện Nghị, sinh năm 1933, Hòa thượng, xuất gia năm 1940 tại tổ đình Thiên Bửu và tu học tại đây đến năm 1949 thì vào học tại PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1955, ngài vào Sài Gòn, trú xứ tại chùa Phật Quang - quận 10 - TPHCM. Năm 1958, ngài vào nội trú tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Ngài chuyên cần về nội điển và chuyên môn về Hán văn. Năm 1962, ngài tốt nghiệp Cao đẳng Phật học và được bổ làm Giám đốc PHĐ Giác Sanh. Năm 1963, ngài làm Chủ tịch Thanh niên Tăng Ni trong phong trào đấu tranh PG. Năm 1965-1967, ngài giảng dạy tại các PHĐ Sài Gòn, Mỹ Tho. Năm 1968, ngài du học tại PHV Phật Quang Sơn - Đài Loan. Năm 1973, ngài về Việt Nam và giảng dạy Luật học tại các trường Phật học, đồng thời tái đắc cử Chủ tịch Thanh niên Tăng Ni. Năm 1979, ngài sang định cư ở Canada và thành lập Giáo hội tại Canada từ 1980-1988. Năm 1988, ngài mua một khu đất và để ra 12 năm xây dựng thành Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn với một Phật học viện và hoài bão đào tạo tăng tài, tục diệm truyền đăng. Ngài nguyên quán Ninh Hòa - Khánh Hòa, trú quán Canada - theo đệ tử Pháp Tạng trong trang nhà www.societebouddhiquechanhphap.com

- Thích Bửu Nghĩa (1923-2004), Hòa thượng, pháp danh Thị Trực, pháp tự Hạnh Thông, pháp hiệu Bửu Nghĩa, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Thái Văn Hưng, sinh năm Quý Hợi (1923) tại làng Nam Thi, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1959, ngài quy y với HT Thích Trí Minh tại chùa Pháp Bảo với pháp danh Thị Trực, tự Hạnh Thông. Năm 1960, ngài vào Gia Định cùng với bà con Quảng Nam xây dựng chùa Phổ Hiền, ngã tư Bảy Hiền (TPHCM ngày nay). Năm 1963, ngài xuất gia với HT Thiện Hòa tại chùa Ấn Quang với pháp hiệu Bửu Nghĩa. Năm 1968, ngài về chùa Phật Ân, Mỹ Tho lập phòng Đông Y chẩn bệnh cứu người. Sau đó, ngài lập chùa Dược Sư để có nơi tu tập. Suốt một đời, ngài chuyên lạy sám Dược Sư và tu theo hạnh nguyện của ngài. Ngài viên tịch ngày 13 tháng 10 năm Giáp Thân (2004), thọ 82 tuổi. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Mỹ Tho - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Như Phòng Hoằng Nghĩa (1867-1929), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39. Năm 1873, khi 7 tuổi, ngài được đưa đến chùa Giác Viên - Chợ Lớn, xuất gia với tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm, được pháp danh Như Phòng, pháp hiệu Hoằng Nghĩa, thế danh Trần Văn Phòng. Năm 1903, ngài được bổn sư giao trụ trì chùa Giác Viên. Năm 1922, ngài được suy tôn Hòa thượng đàn đầu truyền giới trong giới đàn chùa Giác Lâm. Ngài có công trùng hưng chùa Giác Lâm và hoằng hóa Phật pháp hưng thạnh ở hai ngôi chùa này trong thời kỳ tiền chấn hưng; nguyên, trú quán Gia Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Hưng Nghĩa (1883-1946), Hòa thượng, xuất gia với HT Tâm Khoan - chùa Báo Quốc, được pháp danh Trừng Khiết, pháp tự Như Quang, pháp hiệu Hưng Nghĩa, trụ trì chùa Từ Nhơn Phổ Tế. Ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Thừa Thiên Huế; nguyên quán Quảng Trị,  trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Minh Nghĩa, Hòa thượng, pháp danh Thị Châu, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, Ủy viên Ban Nghi lễ TW GHPGVN, trụ trì chùa Từ Minh - quận 3 - TPHCM; nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Minh Nghĩa, Hòa thượng, Thiền sư, sinh năm 1951, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, đệ tử HT Thiện Tường - chùa Giác Nguyên, y chỉ HT Hành Trụ, Ủy viên Ban PG Quốc Tế TW GHPGVN, trụ trì tổ đình Giác Nguyên - quận 4 - TPHCM và tu viện Toàn Giác - Đồng Nai; nguyên quán Cái Bè - Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Như Nghĩa (1937-2015), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Trần Cao Trung, xuất gia năm 16 tuổi với HT Quang Lý và được thọ Sa di với  pháp danh Như Nghĩa, pháp tự Giải Trinh, pháp hiệu An Thanh. Năm 1960, ngài thọ Tỳ kheo dưới sư chứng minh của HT Thích Minh Châu. Năm 1962, ngài trú xứ chùa Phổ Minh hướng dẫn tín đồ tu học. Năm 1967, ngài khai sơn và trụ trì chùa Liên Hoa - Khánh Hội - Sài Gòn. Tiếp đến, ngài khai sơn chùa Xuân Thành - Đồng Nai, rồi trở về quê hương trùng tu chùa Long Bửu - Quảng Ngãi. Gần cuối đời, ngài khai sơn chùa Quán Âm - Bình Thuận. Ngài xả báo thân vào mùa Vu Lan năm Ất Mùi (2015), thọ 78 năm, 55 hạ lạp; nguyên quán Nghĩa Hành - Quảng Ngãi, trú quán quận 4 - TP Hồ Chí Minh - theo môn đồ pháp quyến cung cấp.

- Ấn Nghiêm (1920-2005), Giảng sư, thế danh Trần Tâm Trực, xuất gia năm 1936 với HT Liên Tôn - Bình Định, pháp danh Tâm Trực, pháp tự Hạnh Đoan, pháp hiệu Ấn Nghiêm. Năm 1938, ngài là học Tăng PHĐ Báo Quốc - Huế và thọ đại giới tại giới đàn chùa Báo Quốc. Năm 1944, ngài về trụ trì Liên Trì cổ tự - Phan Thiết. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngài đến chùa Phổ Thiên - Đà Nẵng, xin xả giới để lên đường kháng chiến ở Liên khu 5. Năm 1952, ông trở về làm Cư sĩ, được bầu làm Phó Hội trưởng Tỉnh hội PG Bình Thuận và giảng dạy giáo lý tại Trường Trung học Bồ Đề Phan Thiết từ năm 1955. Năm 1963, ngài bị bắt giam vì tham gia biểu tình chống đàn áp PG, đến khi chính quyền sụp đổ ngày 01-11-1963, ngài mới được phóng thích. Năm 1968, ngài là sáng lập viên PHV Nguyên Hương - Phan Thiết. Năm 1985, ngài xuất gia trở lại, y chỉ với HT Hưng Từ - chùa Pháp Hội. Năm 1992, ngài giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Thuận. Từ đây, ngài được mời giảng dạy ở nhiều trường Hạ, đạo tràng trong và và ngoài tỉnh; tác phẩm: Tịnh độ Vãng sanh luận; Niệm Phật tam muội; Khổng Tước Chú Vương Kinh... Năm 1999, ngài về trụ trì chùa Xuân Thọ - Phan Thiết và viên tịch ngày 14 tháng 2 năm Ất Dậu (23-3-2005), thọ 85 năm; nguyên, trú quán Phan Thiết - Bình Thuận - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng, thế danh Đặng Minh Châu, sinh năm 1956, Tiến sĩ Triết học, chuyên ngành Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng và Chủ nghĩa Duy vật Lịch sử, hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch HĐTS, kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội và Hà Tĩnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trụ trì chùa Lý Quốc Sư, chùa Bằng A - Hà Nội, Trưởng Sơn môn chốn tổ Bồ Đề - Hà Nội. HT có tác phẩm viết chung: Danh lam cổ tự Hà Nội, NXB Văn hoá thông tin, 2006; nguyên quán Thái Bình, trú quán Hà Nội.

- Thích Giải Nghiêm (1945-2015), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Lương Văn Thể, xuất gia năm 8 tuổi với HT Từ Vân - chùa Hải Hội - Mân Quang - Sơn Trà - Đà Nẵng. Năm 1962, ngài cầu pháp với HT Chơn Ngộ - chùa Tịnh Độ - Tam Kỳ, được pháp danh Như Trang. Năm 1966, ngài thọ Sa di tại giới đàn phương trượng chùa Long Tuyền - Hội An do HT Tôn Bảo truyền thọ, được ban pháp tự là Giải Nghiêm. Năm 1970, ngài thọ đại giới tại đại giới đàn Vĩnh Gia - chùa Phổ Đà - Đà Nẵng, do HT Giác Nhiên làm đàn đầu truyền giới. Ngài tu học tinh tấn, việc làm cần mẫn, nên được HT bổn sư giao chức Tri sự, quản lý tổ đình Tịnh Độ mấy mươi năm liền. Đến khi bổn sư viên tịch, ngài kế thế trụ trì, lúc này ngài đã 70 tuổi. Ngài còn tham gia công tác Phật sự như: Năm 1997, là Ủy viên Ban Đại diện PG TP Tam Kỳ; năm 2007, là Ủy viên Ban kiểm soát BTS PG tỉnh Quảng Nam; năm 2012, là Chứng minh BTS PG tỉnh Quảng Nam. Ngài giới luật nghiêm trì, nên được cung thỉnh làm Giới sư trong các giới đàn do BTS tỉnh Quảng Nam tổ chức. Ngài xả báo thân ngày 20 tháng 7 năm Ất Mùi (02-9-2015), thọ 71 năm, 46 hạ lạp; nguyên quán Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, trú quán Tam Kỳ - Quảng Nam - trang nhà www.phatgiaoquangnam.vn

 - Giới Nghiêm (1921-1984), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái Nam Tông Việt Nam, pháp danh Thitasĩla Mahathera, nguyên là tu sĩ hệ phái Bắc truyền, thọ đại giới năm 1940. Năm 1944, ngài sang du học ở Cao Miên và tiếp cận hệ phái Nguyên thủy tại đây. Năm 1947, ngài được HT Niếp Tích truyền giới Tỳ kheo Nam truyền và tiếp tục sang Miến Điện, Thái Lan học đạo. Năm 1957, ngài cùng các vị cao tăng Nam tông thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1964, ngài được bầu làm Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1881, ngài là Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; tác phẩm: Thiền Tứ Niệm Xứ; Mi Tiên vấn đáp 1, 2, 3; Lịch sử Phật tổ Gotama; Giải về kiếp; Dạ Xoa hỏi Phật; Đế Thích vấn đạo; Pháp số giảng giải; Luật tạng Pàli. Ngài tịch vào ngày 13 tháng 7 năm Giáp Tý (09-8-1984), thọ 63 tuổi với 50 năm sống đạo. Ngài nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Huệ Nghiêm (?-?), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Hồ Văn Viên, xuất gia năm 1938 tại Campuchia, là một trong 4 nhà sư Việt Nam đầu tiên khai sáng Phật giáo Nguyên thủy người Kinh tại Việt Nam: Hộ Tông, Bửu Chơn, Huệ Nghiêm, Thiện Luật. Năm 1940, phái đoàn truyền giáo của HT Hộ Tông thỉnh đức vua Sải Chuôn Nath và 30 vị Hòa thượng, Thượng tọa người Campuchia sang Việt Nam thực hiện nghi thức kiết giới Sima theo truyền thống Nguyên thủy và đặt tên chùa Bửu Quang, là ngôi chùa PG Nguyên thủy đầu tiên trên nước Việt Nam. Sau lễ kiết giới, ngài Huệ Nghiêm được thỉnh thăng tòa thuyết pháp. Ngày 15-10-1940, sau khi trở thành một Tỳ kheo như pháp, các ngài Hộ Tông, Thiện Luật, Huệ Nghiêm chính thức về chùa Bửu Quang trụ trì và hoằng dương chánh pháp. Sư nguyên quán Sa Đéc, năm sinh năm mất chưa rõ - Tỳ kheo Thiện Minh sưu khảo.

- Thích Khánh Nghiêm (1922-1969), Thượng tọa, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, pháp danh Đồng Khánh, pháp tự Thông Tri, pháp tự Khánh Nghiêm. Ngài thế danh Lê Văn Ngộ, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại Sa Đéc, Đồng Tháp, xuất gia làm đệ tử HT Hành Trụ. Sau khi học xong ở Phật học viện Giác Nguyên - Xóm Chiếu, thầy xin phép bổn sư vân du tham học ở PHĐ Báo Quốc - Huế, rồi cùng với người em gái là Thích Nữ Tịnh Nguyệt, tiếp tục ra Bắc tìm học luật tạng với tổ Cồn, tức Hòa thượng Tuệ Tạng. Học xong thì đất nước bị chiến tranh chia cắt, thầy và bào muội tản cư về Hải Phòng, được Hội Tương tế Đồng Thiện, xã Vĩnh Niệm, thỉnh trụ trì chùa Hải Ninh. Do bệnh duyên, thầy viên tịch tại đây, hưởng 47 tuổi. Ni sư Thích Nữ Tịnh Nguyệt lên thay thầy trụ trì chùa Hải Ninh; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Hải Phòng - Thích Đồng Bổn sưu khảo. 

- Thích Nữ Tịnh Nghiêm, Ni sư, sinh năm 1952, thế danh Trần Thị Loan, khai sơn và trụ trì Ni viện Tịnh Nghiêm, cùng trụ trì các chùa Giác Phước - Gò Công, chùa Phước Thành - Mỹ Tho. Ni sư hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực từ thiện xã hội như lập Trường Mầm non Tịnh Nghiêm, quán cơm chay Bồ Đề Quán... Về mặt giáo hội, Ni sư là Phó BTS, kiêm Trưởng Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó Ban Thường trực Phân ban Ni giới PG tỉnh Tiền Giang; nguyên, trú quán Mỹ Tho - Tiền Giang. 

- Thích Trí Nghiêm (1911-2003), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Phan Diệp, xuất gia với HT Vĩnh Hảo - chùa Phước Long - Phú Yên, pháp danh Tâm Bổn, pháp tự Truyền Lai, pháp hiệu Trí Nghiêm. Năm 1938, ngài là học tăng PHĐ Báo Quốc. Năm 1945, ngài trụ trì chùa Thiên Tôn - Tuy An và tham gia PG Cứu quốc Liên khu 5. Năm 1957, ngài giữ chức Hội trưởng Hội Phật học Thừa Thiên Huế. Năm 1966, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa, trú xứ chùa Long Sơn - Nha Trang. Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu rất nhiều đại giới đàn ở miền Trung và miền Nam; tác phẩm: Kinh Đại Bát nhã Ba la Mật Đa (trọn bộ 500 quyển); Kinh Lời Vàng; Luận Thành Thật (20 quyển); Kinh Phổ Môn Giảng Lục (1969); Kinh Pháp Hoa Giảng Lục (7 quyển - 1969). Ngài xả báo thân ngày 11 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (13-01-2003), thọ 92 năm, 70 hạ lạp; nguyên quán Phú Yên, trú quán Khánh Hòa - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Tổ Vĩnh Nghiêm (1840-1936) tức HT Thích Thanh Hanh - xem Thích Thanh Hanh, Sđd.

- Thích Đức Nghiệp, Hòa thượng, Tiến sĩ. Năm 1957, PG thế giới tổ chức kỷ niệm Phật nhập Niết bàn, đoàn PG Bắc Tông do HT Thích Tịnh Khiết và ngài cùng tham dự tại Thái Lan; đoàn PG Nam Tông do HT Bửu Chơn và tăng sĩ, cư sĩ dự lễ tại Phnôm Pênh - Campuchia. Ngài được cung thỉnh Chứng minh tổ đình Vĩnh Nghiêm TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Minh, Phó Pháp chủ GHPGVN; nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh. 

- Cư sĩ Thiện Nghiệp, thế danh Trịnh Văn Mười, sinh năm 1940, quy y tại tổ đình Ấn Quang, đệ tử của HT Thích Thiện Hòa. Ba lần xin xuất gia, nhưng HT không cho và bảo rằng Thiện Nghiệp phải làm Cư sĩ thọ Bồ tát giới để hộ trì Tam Bảo. Lý tưởng Bồ tát đạo, mang ánh sáng Từ bi Trí tuệ vào đời, thực hành Tứ Nhiếp pháp, dĩ huyễn độ chân, Cư sĩ Thiện Nghiệp luôn phát huy Chính pháp Phật đà “Hộ quốc An dân - Tốt đạo Đẹp đời”, đặc biệt là hỗ trợ Phật sự cho thiền phái Trúc Lâm do thiền sư Thích Thanh Từ khôi phục và các Học viện PGVN; nguyên quán  Long Thành - Đồng Nai, trú quán Nhơn Trạch - Đồng Nai - Thích Vân Phong biên khảo.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6112609