Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Quảng

Quảng

 

- Thanh Nhàn - Tâm Quảng (?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, đệ tử ngài Hải Thuận -Diệu Giác, pháp danh Thanh Nhàn, pháp tự Tâm Quảng, thế danh Hoàng Văn Thể, trú xứ chùa Báo Quốc - Huế; chưa có thêm thông tin lai lịch của ngài -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Thích Thiện Quảng (1826-1911), Hòa thượng, họ Trần, xuất gia năm 1885. Lúc 23 tuổi, ngài tự tu hành ở núi rừng. Năm 1895, sau 10 năm tu tập, ngài phát nguyện ăn toàn rau, mỗi ngày một bữa. Năm 1898, tự đóng thuyền khởi hành sang đất Phật tìm đạo. Sau 3 ngày trên biển, thuyền dạt vào đất Thái Lan, được người dân Thái xem là bậc chân tu khi thấy ngài chỉ ăn toàn rau. Tiếng lành đồn xa, ngài được Nhà vua Thái tôn kính, truyền xây cất chùa riêng mời ngài ở lại tu hành. Năm 1901, ngài tiếp tục cuộc hành trình sang đất Phật bằng đường bộ qua ngõ Miến Điện, vào Tây Tạng qua đất Ấn Độ. Năm 1902, ngài về đến Thái Lan chọn ngôi chùa hang Kholẽm để tu hành. Từ đây, ngài có hiệu là “Thầy Rau”. Năm 1911, ngài cộng tác với chí sĩ Phan Bội Châu làm cách mạng, và hy sinh vì Pháp vây bắt khi trở lại Việt Nam, hưởng 50 tuổi đời và 27 năm hành đạo; nguyên quán Bến Tre, trú quán Thái Lan - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Trí Quảng (1915-1992), Hòa thượng, xuất gia với HT Chánh Thống - chùa Quy Thiện Huế, pháp danh Không Tâm, pháp tự Trí Quảng, pháp hiệu Bích Đàm, thế danh Đỗ Trí Quảng. Năm 1945, ngài là Chánh Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Quảng Trị. Năm 1947, ngài là Phó Hội trưởng, kiêm trụ trì chùa Tỉnh hội PG Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1951, ngài trụ trì Từ Ân cổ tự - Huế. Năm 1968, ngài giảng dạy PHV Báo Quốc - Huế và dạy chuyên khoa Cao đẳng Phật học Liễu Quán ở chùa Linh Quang - Huế, kiêm nhiệm kế thế trụ trì chùa Quy Thiện. Năm 1981-1990, ngài là giáo phẩm Chứng minh GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Trí Quảng, Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phật học, thế danh Ngô Văn Giáo, sinh năm 1940, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TWGHPGVN, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, viện chủ tổ đình Ấn Quang, trụ trì các chùa Phổ Quang, Việt Nam Quốc Tự, khai sơn và trụ trì chùa Huê Nghiêm 2, TP Hồ Chí Minh, trùng tu và trụ trì chùa Linh Sơn Bửu Thiền (BRVT). Trước tác và Dịch thuật: Kinh Bổn môn Pháp Hoa (biên soạn); Kinh A-di-đà (dịch); Kinh Dược Sư (dịch); Lược giải Kinh Bổn môn Pháp Hoa; Lược giải Kinh Pháp Hoa; Lược giải Kinh Hoa Nghiêm; Lược giải Kinh Bảo Tích; Lược giải Kinh Duy Ma; Tư tưởng Phật giáo(3 tập); Hoằng pháp và Trụ trì; Phật giáo nhập thế và phát triển(3 tập)...; nguyên quán Củ Chi, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Trần Văn Quân, sinh năm 1950, bút danh: Trần Triều, Duy Chính Đạo; tác phẩm: Thiền và Không gian minh triết (NXB Văn hóa - Thông tin, 2011); Tại sao Phật hoàng? (NXB Văn hóa - Thông tin, 2012); Pháp Thiền Trần Nhân Tông (NXB Văn hóa - Thông tin, 2014); Con đường nhiệm mầu - đối thoại về Trần Nhân Tông và Thiền Trúc Lâm Yên Tử (NXB Văn hóa - Thông tin, 2014); Con đường Phật hoàng - Tuyển tập về Trần Nhân Tông và Thiền Trúc Lâm Yên Tử (NXB Văn hóa - Thông tin, 2015; NXB Thế giới tái bản năm 2016); Bên Trăng (Thơ Thiền, NXB Hội Nhà văn, 2015); Mây trời Yên Tử (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2017); nguyên quán tỉnh Vĩnh Phúc, trú quán Hà Nội.

- Nguyễn Năng Quốc (1870-1951) Cư sĩ, hiệu là Vi Khanh. Ông làm Tổng đốc Thái Bình vào cuối những năm 1920. Sau khi hưu trí, ông về trú tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Cuối năm 1934, ông là một trong những sáng lập viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ tháng 11 năm 1934, nhận chức Chánh Hội trưởng. Tính đến ngày phải về quê dưỡng bệnh (9-1939), ông đã cống hiến cho Hội biết bao nhiêu công của. Nhờ vậy mới trong 5 năm, hội Phật giáo truyền bá ra khắp cõi Bắc kỳ, hội viên có tới mấy vạn, chi hội ngót trăm nơi. Ông mất năm 1951 tại Hà Nội; nguyên quán tại làng Thượng Tần, xã Thượng Tần, phủ Thái Ninh cũ, nay là thị trấn Châu Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trú quán Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng biên khảo.

- Thanh Lương Tổng Quy (?-1925), Hòa thượng, thế danh Trần Phước Nghĩa, xuất gia với tổ Hải Toàn Linh Cơ - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Thanh Lương, pháp hiệu Tổng Quy. Năm 1860-1868, ngài xây dựng thảo am thành chùa Hòa Quang - đồi Dương Xuân Thượng. Năm 1894, chùa được vua ban “Sắc tứ Hòa Quang tự”. Ngài thị tịch năm Ất Sửu (1925), tháp lập khuôn viên chùa Hòa Quang - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Huyền Quý (1897-1999), Hòa thượng, thế danh Dương Văn Châu, xuất gia năm 1930 với HT Khánh Hòa - chùa Tuyên Linh - Bến Tre, pháp danh Trừng Châu, pháp tự Hoằng Huệ, pháp hiệu Huyền Quý. Năm 1954, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Phổ Quang - Phú Nhuận, do Hòa thượng Hải Tràng làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1955-1956, ngài học ở PHĐ Giác Nguyên - Xóm Chiếu. Năm 1957, ngài dự khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tại chùa Pháp Hội và sau đó làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Gò Công. Năm 1958, ngài trụ trì chùa Phật học - Cần Thơ. Năm 1960, ngài trụ trì chùa Thái Bình - Gò Công và khai sơn chùa Liên Hoa - Gò Công. Năm 1964, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gò Công. Từ 1984-1999, ngài được thỉnh vào Ban Chứng minh PG tỉnh Tiền Giang. Ngài xả báo thân ngày 24 tháng 9 năm Kỷ Mão (01-11-1999), thọ 102 năm, 45 hạ lạp; nguyên, trú quán Gò Công - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Thiện Quý (1945-2007), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, là Trưởng tử, đệ tử HT Thích Hành Trụ, pháp danh Đồng Tín, pháp tự Thông Nhiệm, pháp hiệu Giới Trì; đạo hiệu Thiện Quý là pháp danh khi còn tại gia quy y với Sư trưởng Như Thanh. HT có 2 người em là HT Thiện Hạnh và Thiện Đạo, cùng là học tăng Phật học viện Huệ Nghiêm và cả 3 anh em trú xứ tại đây. HT được bổn sư phú pháp là trưởng tử sơn môn Chúc Thánh - Đông Hưng và kế thế trụ trì tổ đình Đông Hưng - Thủ Đức. HT khai sơn tu viện - xã Phước Tân, huyện Long Thành; nguyên quán Phước Hải - Bà Rịa, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Đỗ Thị Quỳnh, Cư sĩ, sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Biên tập NXB Tôn giáo - Hà Nội, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam - Văn phòng miền Bắc; nguyên quán Thanh Hóa, trú quán Hà Nội.

- Lê Khắc Quyến (1915-1978), Cư sĩ, quy y với HT Huyền Không - chùa Quốc Ân, pháp danh Nhật Thắng. Ông tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Hà Nội năm 1943 và lần lượt được bổ nhiệm: Năm 1945, Giám đốc Bệnh viện Nha Trang; năm 1946, Cục trưởng Quân y Trung bộ Huế; năm 1947-1966, Bác sĩ Bệnh viện Huế; năm 1958-1963, Giám đốc Y tế và Giám đốc Bệnh viện Huế; năm 1958-1965, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế; năm 1970-1978, Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính. Ngoài ra, ông còn là Tổng Biên tập nguyệt san Y khoa Đại học Huế tên là Lành Mạnh và biên soạn quyển Từ điển Y học. Ông là một Phật tử thuần thành, điều trị hết lòng cho Tăng ni Phật tử với hạnh nguyện Dược Sư nơi tâm; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Liễu Huệ Thiệu Quyền (?), Hòa thượng, đệ tử ngài Thiên Ấn và Hải Tịnh, khai sơn chùa Long Trường - Bình Thủy - Cần Thơ năm Giáp Thân 1824; chưa có thông tin thêm - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Nguyễn Xuân Quyền (1918-2001), Cư sĩ, pháp danh Tâm Thiệt. Năm 1940, ông tham gia xây dựng Khuôn hội Tiên Nộn. Năm 1948, ông sinh hoạt trong Gia đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện. Năm 1951, ông làm Thư ký BHD Gia đình Phật Hóa Phổ Tổng hội Trung phần. Năm 1957, ông làm Trưởng BHD GĐPT Tổng hội Trung phần, thay Cư sĩ Võ Đình Cường vào Nam. Năm 1969, ông làm Trưởng BHD GĐPT Thừa Thiên. Năm 1974, ông được GĐPT Trung ương xếp cấp Dũng; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Thanh Quyết, Thượng tọa, thế danh Lương Công Quyết, sinh năm 1962, xuất gia làm đệ tử HT Thích Viên Thành, được ban pháp danh Minh Định; Y chỉ HT Thích Thanh Tứ, được ban pháp hiệu Thanh Quyết. Hiện TT là đại biểu Quốc hội khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quảng Ninh; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Quyền Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (04/01/2017); Uỷ viên Hội đồng Khoa học Trần Nhân Tông Academy; Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Nam; Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Kạn; Trụ trì khu Di tích Yên tử - Quảng Ninh; Trụ trì chùa Phúc Khánh - Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội; Trụ trì chùa Non Nước - xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Trưởng Ban chỉ đạo nhiều dự án xây dựng lớn như dự án chùa Đồng (Yên Tử), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Non Nước; Tổng Biên tập Tạp chí Khuông Việt; nguyên quán Hà Nam, trú quán Hà Nội, Quảng Ninh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6113559