Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tâm

Tâm

 

- Hải Lương Chánh Tâm (1836-1906), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 38, xuất gia thuở nhỏ với HT Tánh Châu Từ Lưu - chùa Linh Sơn - Tân An, pháp danh Hải Lương. Ngài cầu pháp và thọ đại giới ở trường Kỳ chùa Giác Lâm, do tổ Tiên Giác Hải Tịnh làm Đường đầu truyền giới, được ban pháp húy Minh Lương. Năm 1860, ngài đến vùng Phú Thọ - phủ Tân Bình, xây ngôi Tam bảo lấy hiệu là Hàn Lâm Tự. Bấy giờ, ở phủ Tân An, dân chúng nghe danh, đến thỉnh ngài về trụ trì chùa Phước Long. Chùa này do thiền sư Đạt Bồ Thiện Đề, dòng Lâm Tế đời 37 khai sơn. Về trụ trì một thời gian, ngài quyết định dời chùa  về phía cạnh bờ sông, trùng kiến và đổi hiệu là Kim Cang. Từ đây, ngài phát huy nơi này trở thành trung tâm văn hóa PG ở miền Nam thời tiền chấn hưng Phật giáo. Ngài đào tạo nhiều vị danh tăng làm rạng danh PG, trong đó có HT Khánh Hòa, HT Khánh Thông... là những bậc tòng lâm thạch trụ. Ngoài việc đào tạo, ngài còn cho khắc ván in các bộ kinh luật để lưu hành: Tứ Phần Luật; Bồ tát giới kinh; Sa Di Oai Nghi Cảnh Sách Luật Giải; Kim Cang Chư Gia; Phật thuyết Tam thế Nhân quả Kinh; Chuẩn Đề Ngũ Hối... Ngài làm Đường đầu truyền giới tại các giới đàn: chùa Kim Cang (1900); giới đàn chùa Bửu Sơn - Bến Tre (1904); giới đàn chùa Khánh Quới - Cai Lậy (1905). Ngài xả báo thân ngày mồng 4 tháng 4 năm Bính Ngọ (1906), thọ 70 năm, 50 hạ lạp; nguyên, trú quán Tân An - Long An - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Nguyễn Chánh Tâm (?- ?), Hòa thượng, chưa rõ tông phái pháp hiệu, trụ trì chùa Thiên Phước - Trà Ôn. Ngài đăng cai mở khóa thứ II Liên Đoàn học xã. Ở khóa học này, ông Commis Chấn - chùa Linh Sơn xuống thăm, tặng quà và chiếu bộ phim Sự tích Phật Thích Ca. Năm 1933, HT Khánh Hòa rút khỏi Hội NKNCPH, ông Chấn đã mời HT Nguyễn Chánh Tâm thay thế làm hội trưởng. Sau khi nhận chức, Hòa thượng có bài viết trên Từ Bi Âm: “Lời cáo bạch về sự lãnh chức Chủ nhiệm”; nguyên, trú quán Trà Ôn - Vĩnh Long - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định. 

- Thích Diệu Tâm (1926-2013), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43. Ngài họ Lâm, sau đổi họ Nguyễn, xuất gia năm 1935 với tổ Hoằng Nhơn - chùa Phú Quang - xã Hòa Thịnh - Phú Yên, được pháp danh là Tâm Nguyện, pháp tự Thiện Tu. Năm 1937-1939, ngài tham học nơi chùa Long Quang và tổ đình Kim Cang - Tuy Hòa. Năm 1939-1942, ngài cầu học với tổ Trừng Thành - tổ đình Hương Tích, được tổ ban pháp hiệu Diệu Tâm. Năm 1943, ngài kiến lập chùa Phi Lai, tại xã Hòa Thịnh và trụ trì tại đây. Cùng năm, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiên Đức - Bình Định, do HT Huệ Chiếu làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1945-1954, ngài tham gia các chức vụ: - Hội trưởng Hội PG Cứu quốc xã Hòa Thịnh, - Hội phó Hội Liên Việt xã Hòa Thịnh, Trưởng Ban Kinh tài chi bộ Hòa Thịnh. Năm 1964, chùa bị máy bay Mỹ ném bom thiêu hủy, ngài tản cư vào Nam hành đạo. Bước đầu, ngài trụ trì chùa Đức Quang - quận Đức Tu - Biên Hòa, sau đó trú xứ tại tổ đình Quan Thế Âm- Phú Nhuận. Năm 1969, ngài trở lại Biên Hòa, kiến tạo ngôi chùa Phi Lai để hoằng pháp độ sanh. Năm 1970-1977, ngài làm Cố vấn GHGVNTN tỉnh Biên Hòa. Năm 1977-1981, ngài làm Phó Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Biên Hòa. Năm 1982-2007, ngài là Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, kiêm Phó BTS Thường trực PG tỉnh Đồng Nai. Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong giới đàn Huệ Thành năm 2004, 2007 và giới đàn Nguyên Thiều năm 2009. Từ năm 2004, ngài trao quyền trụ trì cho trưởng tử là HT Thích Thiện Đạo để chuyên vào tu niệm. Năm 2007, ngài được cung thỉnh Chứng minh BTS PG tỉnh Đồng Nai. Ngài xả báo thân ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ (31-7-2013), thọ 98 năm, 70 hạ lạp; nguyên quán Phú Yên, trú quán Đồng Nai - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Nữ Diệu Tâm (1938-2009), Ni trưởng; năm 1957, xuất gia với Sư bà Thể Yến - chùa Diệu Đức, pháp danh Nguyên Thành, pháp tự Diệu Tâm, thế danh Nguyễn Thị Nhạn. Năm 1971, Ni trưởng giảng dạy và điều hành Trường Ái Đạo - làng Ưu Điềm, Thừa Thiên. Năm 1974, Ni trưởng vào Sài Gòn tu học, trú xứ tại chùa Pháp Hội - Phú Nhuận, sau đó về trú xứ chùa Quan Âm - Phú Nhuận. Năm 1981, Ni trưởng nhận trụ trì chùa Liên Trì - Bình Thạnh. Năm 2000, Ni trưởng khai sơn chùa Liên Trì 2 - quận 12 - TPHCM; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Diệu Tâm (1931-2017), Ni trưởng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 44, xuất gia với Sư cụ Tịnh Nguyệt - chùa Đồng Thiện - Hải Phòng, pháp danh Chúc Tâm, pháp tự Giác Hạnh, pháp hiệu Diệu Tâm. Năm 1982, Ni trưởng kế thế trụ trì chùa Đồng Thiện. Ni trưởng chuyên giảng dạy Luật học cho chư Ni tại các trường Hạ của PG Hải Phòng và là Phó BTS PG TP Hải Phòng cho đến cuối đời; nguyên quán Nam Định, trú quán Hải Phòng.

- Nữ cư sĩ Diệu Tâm (1876-1953), Đại hộ pháp, thế danh Nguyễn Hồng Trượng, pháp danh Diệu Tâm, (tục gọi Bà Xoàn). Đại thí chủ kiến tạo Giác Linh tự - Bảo Đại Sắc tứ Tân Hòa tự 1936, Cái Tàu Hạ thuộc tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1937, chư tôn đức Ni miền Nam đồng tổ chức An cư kiết hạ, mở Ni viện, lớp Sơ đẳng Phật học tại Sắc tứ Tân Hòa tự, do Đại thí chủ Diệu Tâm cúng dường Ni chúng tu học. Nhưng chưa mãn khóa thì lớp học dời về Tổ đình Vạn An, Ni chúng nương với tổ Thích Chánh Thành tiếp tục học hết khóa. Để góp phần trong việc phát triển Giáo hội Tăng già Nam Việt, Nữ cư sĩ Diệu Tâm đã cúng ngôi Sắc tứ Tân Hòa tự cho Trưởng lão HT Thích Thiện Hòa (Trị sự trưởng GHTGNV) và mấy trăm mẫu ruộng, góp phần giáo dục đào tạo tăng tài. Ngài ủy quyền lại cho HT Huyền Cơ, thế danh Nguyễn Giải Ngạn làm trụ trì Sắc tứ Tân Hòa Tự và đứng tên sở hữu tài sản bất động sản năm 1952. Trong Tờ giao đất Hương hỏa có ghi lời của Nữ cư sĩ Diệu Tâm rằng: “Tôi muốn được vĩnh viễn lập hương hỏa này để ngôi Sắc tứ Tân Hòa Tự đứng Bộ đời đời, các vị trụ trì theo hệ thống truyền hiền, để những vị Tăng tài đức kế nghiệp mãi về sau, không có quyền bán hay cầm cố cho ai và không được lấy làm của riêng. Muốn được chắc chắn về việc lập hương hỏa này, tôi mời các vị Hội đồng làng Tân Vĩnh Hòa chứng thật để Sư cụ Nguyễn Giải Ngạn, hiệu Huyền Cơ cầm tờ giấy này đến quan xin đóng bách phần và sang tên cải bộ tất cả đất ruộng trên đây để ngôi Sắc Tứ Tân Hòa Tự đứng bộ đóng thuế cho Chính phủ... Kể từ ngày nay, Sư cụ Nguyễn Giải Ngạn, hiệu Huyền Cơ với tư cách đại diện cho thập phương Tăng, trọn quyền cai quản, thu huê hợi cho việc hương hỏa, cúng dường Tam bảo... Sư cụ Nguyễn Giải Ngạn, hiệu Huyền Cơ được mở mang xây dựng theo những quy mô tương lai cho Phật pháp”. Bà có người con nuôi xuất gia, thế danh Đoàn Văn Sảnh, pháp danh Đạt Minh, làm tri khách Sắc tứ Tân Hòa Tự và đã cúng gần 150 ha đất ruộng (của tư hữu) cho chùa. Công viên quả mãn, bà vãng sinh vào ngày 23 tháng 3 năm Quý Tỵ (06-5-1953), hưởng thọ 78 xuân - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Đức Tâm (1928-1988), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, xuất gia năm 1942 với HT Trí Thủ - chùa Ba La Mật, pháp danh Nguyên Tánh, pháp tự Đức Tâm, thế danh Trần Hoài Cam. Năm 1948, ngài đồng sáng lập tổ chức Gia đình Phật hóa phổ. Năm 1954, ngài là Tổng Thư ký nguyệt san Liên Hoa và giảng sư Tổng hội PG Trung phần. Năm 1958, ngài là Phó trụ trì Quốc tự Diệu Đế - Huế. Năm 1965, ngài là Giám đốc Trung tâm Liễu Quán - Huế. Năm 1978, ngài được tín nhiệm cử làm Trưởng môn phái tổ đình Từ Hiếu. Năm 1982, ngài làm Phó BTS, kiêm Ủy viên Giáo dục GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên. Ngài xả báo thân vào ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn (29-02-1988), hưởng 60 năm, 40 tuổi đạo; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Giải Tâm (1894-1975), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia từ nhỏ với tổ Chơn Thành Đạo Đạt - tổ đình Sắc tứ Từ Quang - Tuy An, pháp danh Như Hương, pháp tự Giải Tâm, pháp hiệu Hòa Phước. Ngài kế thế trụ trì chùa Thiên Long - Tuy An, trải suốt thời kỳ chiến tranh bom đạn phát nát chùa, nhưng ngài không chịu rời đi mà cất thảo am ở nền chùa để giữ gìn chốn tổ. Năm 1954, HT Hưng Từ về chùa Thiên Long cung thỉnh ngài đến chùa Kim Long ở Ninh Hòa để hoằng dương chánh pháp. Năm 1960, ngài được HT Hưng Từ thỉnh về tổ đình Pháp Hội - thị trấn La Gi - Hàm Tân để phụng dưỡng. Ngài xả báo thân ngày 26 tháng 3 năm Ất Mão (1975), thọ 85 năm, 60 năm hành đạo, bảo tháp lập ở khuôn viên tổ đình Pháp Hội - Bình Tuy; nguyên quán Phú Yên, trú quán Bình Thuận -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Hạnh Tâm (1929-1997), Hòa thượng, pháp danh Thị Hữu, pháp tự Hạnh Tâm, pháp hiệu Giác Quang, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Do, sinh năm Kỷ Tỵ (1929) tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1963, ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Minh tại chùa Pháp Bảo, Hội An. Năm 1966, ngài thọ Tỳ kheo tại PHV Huệ Nghiêm và là Tăng sinh của Viện. Ngài trụ trì chùa Giác Quang, quận 4 - Sài Gòn từ năm 1967. Từ 1970 đến 1975, ngài là Phó Đại diện GHPGVNTN quận 4. Từ năm 1981 đến năm 1990, ngài là Chánh Đại diện Phật giáo quận 4. Hòa thượng viên tịch ngày 11 tháng 5 năm Đinh Sửu (1997), thọ 69 tuổi. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP. Hồ Chí Minh - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Huệ Tâm, Thượng tọa, thế danh Nguyễn Phước Thành, sinh năm 1972, xuất gia với HT Thích Thiện Huệ, tu học tại Tổ đình Phước Hưng, Sa Đéc, tốt nghiệp Trung cấp Phật học Đồng Tháp, tham học với HT Trưởng lão Tịnh Vân, Phật Quang Sơn, Đài Loan, Y chỉ thiền sư Thích Nhật Quang, được ban pháp hiệu Tâm Chánh, tham học các khóa thiền tại thiền viện Trúc Lâm - TP Đà Lạt. Hiện, ngài là học viên Cao học tại Malaysia. Ngài có công trùng hưng, trụ trì Phù Dung Cổ Tự; phục dựng, trụ trì Phật Đà Tự (chùa Lò Gạch); phục dựng Giải Thoát Tự, Hà Tiên; trùng hưng chùa Hải Trí - TP Vũng Tàu; mở cơ sở Từ thiện nuôi trẻ mồ côi tại chùa Giải Thoát; mở cơ sở nuôi dạy trẻ bán trú từ thiện tại Phù Dung Cổ Tự; Trưởng BTS Phật giáo thị xã Hà Tiên, Ủy viên Hội đồng Nhân dân thị xã Hà Tiên nhiều khóa, Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Kiểm soát Phật giáo tỉnh Kiên Giang; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán Hà Tiên - Kiên Giang - Thích Vân Phong biên khảo.

- Chân Hiền Tâm, Cư sĩ, đến với đạo Phật năm 36 tuổi, đệ tử HT Thích Nhật Quang - thiền viện Thường Chiếu - Bà Rịa - Vũng Tàu, cô và người bạn đời Chánh Tấn Tuệ có nhiều bài viết Phật giáo trên các báo PG và trang mạng; tác phẩm: Luận Đại thừa Khởi Tín; Kinh Thắng Man Phu Nhân Hội; Thập Thiện lược giải; Hương sen ngàn cánh; Phẩm Trung Luận; Xác định lập trường tu tập và đường lối tu hành; Chuyện xưa chuyện nay; Ý tổ sư trên đầu ngọc cỏ; Định tuệ; Hai chữ mẹ cha; Vu lan gợi nhớ; Có trí tuệ là biết như thật về...; Thử một lần nhìn lại; Hình tượng cha mẹ trong kinh Duy Ma; Mục tiêu của cuộc sống; Hương của người đã chết; chưa rõ thân thế - trang nhà www.chanhientam.net

- Thích Khế Tâm (1916-2001), Hòa thượng, thế danh Võ Khế Tâm, xuất gia với HT Thiên Ninh - chùa Từ Ân - Phú Yên, pháp danh Tâm Chí, pháp tự Khế Tâm, pháp hiệu Diệu Cao. Ngài được bổn sư gởi tu học tại chùa Cảnh Phước. Năm 21 tuổi, ngài được ra Huế học lớp đại học PG đầu tiên ở PHĐ Báo Quốc. Năm 1945, ngài trở về kế thế trụ trì chùa Từ Ân và tham gia kháng chiến. Năm 1955, ngài  bị bắt tù đến năm 1960 được thả về. Ngài xuất gia lại với HT Vạn Ân - chùa Hương Tích. Sau đó, ngài trụ trì chùa Bình Quang và trùng tu chùa Bình Lợi. Năm 1968, ngài về trụ trì lại chùa Từ Ân và tiếp tục trùng tu các chùa trong tỉnh. Ngài xả báo thân ngày 23 tháng 4 năm Tân Tỵ (2001), thọ 86 năm, tháp lập ở vườn chùa Châu Lâm; nguyên, trú quán Phú Yên -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Liên Tâm (1912-1962), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, xuất gia ấu niên với tổ Giải Tường Thiền Phương - tổ đình Phước Sơn - Đồng Tròn - Phú Yên, pháp danh Thị Thành, pháp tự Hành Thật. Ngài là bào huynh của HT Hành Trụ- chùa Đông Hưng - Thủ Thiêm - Gia Định. Khi ngài thọ giới Cụ túc xong, đại sư Chơn Hạnh - chùa Triều Tôn không có đệ tử, nên đến tổ đình Phước Sơn xin với tổ Thiền Phương cho ngài về chùa Triều Tôn. Ngài về đây tu học và cầu pháp với đại sư Chơn Hạnh, được đại sư phú pháp với pháp hiệu Liên Tâm, đồng thời cử thừa kế ngôi trụ trì chùa Triều Tôn. Sau khi kế thế trụ trì, ngài đứng ra trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Đại sư Chơn Hạnh là bậc chuyên hành trì Mật pháp, đã truyền trao tâm pháp lại cho ngài để kế thừa hành đạo. Năm 1961, ngài vì bệnh duyên phải vào Sài Gòn chữa trị, đến ngày mồng 9 tháng 5 năm Nhâm Dần (1962), ngài thị tịch, tháp lập trong khuôn viên chùa Triều Tôn; nguyên quán Đồng Xuân - Sông Cầu, trú quán Tuy An - Phú Yên - Thích Thanh Minh biên khảo.

- Thích Minh Tâm (1911-1995), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Cổ Loan đời thứ 3, thế danh Tống Thanh Tiêu, xuất gia năm 12 tuổi với HT Thích Thanh Nhu - chùa Cổ Loan, được pháp danh Minh Tâm, pháp hiệu Cương Trực. Năm 16 tuổi, ngài thụ giới Sa di; năm 20 tuổi thụ giới Tỳ kheo; năm 40 tuổi thụ Bồ tát giới. Ngài tham học tại tổ đình Quảng Bá và Quán Sứ, tham gia Hội PG Cứu quốc huyện Gia Khánh và dạy Bình dân học vụ. Ngài kế thế trụ trì chùa Cổ Loan. Năm 1960, ngài tham gia chi hội PG Thống nhất tỉnh Ninh Bình. Năm 1982, ngài làm Chứng minh Giáo hội PGVN tỉnh Ninh Bình. Ngài xả báo thân ngày 18 tháng Chạp năm Ất Hợi (1995), thọ 85 năm, 65 hạ lạp. Ngài nguyên, trú quán thôn Cổ Loan Hạ, xã Ninh Tiến, huyện Hoa Lư - Ninh Bình - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.  

- Thích Minh Tâm (1940-2013), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Lê Minh Tâm, xuất gia năm 1949 tại chùa Bửu Tích - Bình Thuận, pháp danh Nguyên Cảnh. Năm 1953, ngài theo học ở Tăng học đường Nha Trang. Năm 1956, ngài thọ Sa di và cầu pháp với HT Huyền Quang, được pháp tự Viên Dung, pháp hiệu Minh Tâm. Năm 1961-1962, ngài tu học ở tu viện Quảng Hương Già Lam - Gò Vấp. Năm 1962-1967, ngài là giảng sư GHPGVNTN tỉnh Phú Yên và giảng dạy tại Trường Trung học Bồ Đề Tuy Hòa. Năm 1965-1967, ngài là Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều - Bình Định. Năm 1967, ngài thọ đại giới và xuất dương du học ở Nhật Bản. Năm 1970-1973, ngài làm Chi bộ trưởng Chi bộ GHPGVNTN tại Nhật Bản. Năm 1974, ngài sang Pháp hoằng dương và sáng lập Niệm Phật đường Khánh Anh - Paris. Năm 1977, Niệm Phật đường trở thành chùa Khánh Anh và dời về Bagneux - phụ cận Paris. Năm 1995, ngài đặt đá xây dựng chùa Khánh Anh mới tại Evry - Pháp. Năm 2006, ngài là Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng già Thế giới - trụ sở tại Đài Loan. Năm 2013, ngài là Chủ tịch Hội đồng giáo phẩm tối cao PG tại Pháp. Trong khóa học Phật pháp châu Âu kỳ thứ 25, tổ chức tại Phần Lan, ngài an nhiên xả báo thân ngày mồng 2 tháng 7 năm Quý Tỵ (08-8-2013), thọ 75 năm, 46 hạ lạp; nguyên quán Bình Thuận, trú quán Pháp Quốc - trang nhà www.chuakimquang.com

- Thích Minh Tâm, Hòa thượng, sinh năm 1938, thế danh Đoàn Đình Thiết, xuất gia năm 1968 với HT Trí Quang - chùa Từ Đàm - Huế, pháp danh Lệ Dũng, pháp tự Trung Phong, pháp hiệu Minh Tâm. Năm 1969, ngài đến Tuy Hòa - Phú Yên, làm Đặc ủy Thanh niên, kiêm Giảng sư Tỉnh hội Phú Yên. Ngài được mời làm Phó Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Phú Yên và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bồ Đề Bảo Tịnh. Năm 1971, ngài vào Phan Thiết, được HT Long Đoàn giao nhiều trọng trách: - Tổng Giám thị Trường Bồ Đề, - Tỉnh đoàn trưởng Thanh niên Phật tử Bình Thuận, - Đặc ủy Thanh niên, kiêm Giảng sư Tỉnh hội, - Giáo thọ PHV Nguyên Hương, Tuyên úy Hướng đạo Phật tử... Năm 1975, ngài cùng sư huynh Huệ Tánh lên rừng làm rẫy ở Mường Mán. Năm 1976, ngài  được HT Minh Châu mời làm Quản sự Viện Đại học Vạn Hạnh và Ủy viên Tổng Vụ Thanh niên GHPGVNTN. Năm 1977, ngài về Phan Thiết công tác và bị đi an trí 5 năm. Cuối năm 1981, ngài về Long Thành - Đồng Nai lập thảo am tĩnh tu. Dần dà, Phật tử tìm đến học đạo, xin xuất gia, ngài đã hoan hỷ chấp nhận và xây dựng thành tịnh thất Nguyên Phong. Năm 1999, ngài trùng tu thành chùa lấy hiệu là Phật Ân và phát triển hoằng hóa Phật pháp tại đây. Ngài nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Long Thành - Đồng Nai.

- Thích Quảng Tâm (1947-2010), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, đệ tử HT Tăng cang Thích Trí Hưng - chùa Từ Lâm - Quảng Ngãi, pháp danh là Như Hảo, pháp tự Giải Tâm, sau đắc pháp với HT Thiện Hòa - chùa Ấn Quang, được pháp danh Minh Đức, pháp hiệu Quảng Tâm,  thế danh Lê Tấn Quang. Năm 1964, ngài là học tăng PHV Giác Sanh; năm 1966, học tăng PHV Huệ Nghiêm; năm 1969, học tăng PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1972, ngài lập thảo am Vĩnh Đức - quận 2 - Sài Gòn và sau đó trùng kiến thành tu viện Vĩnh Đức năm 1989. Cùng năm này, ngài làm Phó Đại diện PG huyện Thủ Đức. Năm 1997, huyện Thủ Đức tách làm 3 quận huyện, ngài được Giáo hội cử làm Chánh Đại diện PG quận 9 và Chủ nhiệm lớp Sơ cấp Phật học quận 9. Năm 2007, chùa sắc tứ Từ Lâm - Quảng Ngãi khôi phục, ngài được sơn môn công cử trụ trì tổ đình; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán TP Hồ Chí Minh - HT Hạnh Trân cung cấp.

- Thích Thiền Tâm (1926-1992), Hòa thượng, đệ tử HT Thành Đạo - chùa sắc tứ Xoài Hột - Mỹ Tho, pháp danh Trí Hiền, pháp hiệu Vô Nhất, bút danh Liên Du, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng. Năm 1950, ngài là học tăng PHĐ Nam Việt chùa Ấn Quang. Năm 1955-1960, ngài ẩn cư chuyên tu tịnh độ và trước tác dịch thuật. Năm 1964, ngài là Giáo thọ PHV Huệ Nghiêm và Đại học Vạn Hạnh. Năm 1967, ngài về Đại Ninh lập thất Hương Nghiêm Tịnh Viện, chuyên tu pháp môn Tịnh Mật; tác phẩm: Niệm Phật Thập Yếu; Lá thư Tịnh độ; Tịnh độ Tân lương; Hương quê Cực lạc; Tịnh độ thập nghi luận; Tịnh độ pháp nghi; Phật học tinh yếu; Duy thức học cương yếu; Đại Bi Tâm Đà Ra Ni; Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni; Đại Nhựt Kinh Sớ; Mấy điệu sen thanh... và nhiều dịch phẩm kinh điển khác; nguyên quán Gò Công, trú quán Đại Ninh - Lâm Đồng - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Thiện Tâm (1891-1948), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Trịnh Sáng, pháp danh Hồng Rạng. Khi mới xuất gia, ngài trú xứ ở chùa Ô (chùa Phnô Komput - chùa Miên). Sau đó, các Phật tử thỉnh ngài và HT Thiện Tánh về ở trong hai lô cốt trên mảnh đất mà sau này ngài thành lập chùa Liên Bửu (1925). Sau năm 1945, ngài về đất nhà ở Quy Tây Địa, cất một am nhỏ tu hành và xây lên thành chùa Liên Quang - Châu Thành - Trà Vinh,. Ngài viên tịch năm Mậu Tý (1948), thọ 58 năm; nguyên, trú quán Trà Vinh - Thích Như Đạo sưu khảo.

- Thích Thiện Tâm, Hòa thượng, Tiến sĩ, Tăng trưởng, hệ phái Nam Tông Việt Nam, sinh năm 1950, pháp danh Kusàlacitto Mahà Sanghanayaka Thera, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng VNCPHVN, trụ trì chùa Phổ Minh - Gò Vấp; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thuần Tâm (1915-1983), Cư sĩ, tu sĩ. Ông khi là cư sĩ quy y với HT Trí Tịnh - chùa Vạn Đức, pháp danh Hoằng Chơn. Về sau, ông xuất gia là đệ tử HT Từ Quang - Chơn Đức thiền viện - Bình Thạnh. Khi dạy dưỡng sinh, ông lấy tên là Nawami. Ông khai sáng Lăng Nghiêm thiền viện ở gần chùa Vạn Đức - Thủ Đức. Ông là tác giả có rất nhiều tác phẩm về Phật học và dưỡng sinh, được các nhà sách xuất bản và tái bản nhiều lần vào trước 1975; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh.

- Thiền sư Trí Tâm (?-1842), Hòa thượng, pháp danh Trí Tâm, dòng Lâm Tế đời 37, thế danh Tô Quang Xuân, tu ở chùa Quan Âm - Cà Mau, truyền bá môn phái Phật giáo cứu thế, bị triều đình nghi gian đạo sĩ, ép phải về chùa Kim Chương quy y tu học tại đây. Sư viên tịch ngày mồng 3 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), được triều đình truy phong Hòa thượng, dân chúng mến mộ tôn là Phật Tổ sư. Chùa Quan Âm sau này cũng được sắc tứ - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định. 

- Thích Trí Tâm (1936-2017), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, xuất gia với HT Bích Lâm - chùa Nghĩa Phương, du học tại Nhật Bản, Tăng trưởng GHPG Cổ truyền Việt Nam, thành viên HĐCM GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Tông phong tổ đình Nghĩa Phương. Hòa thượng viên tịch ngày 21 tháng 8 năm Đinh Dậu (10-10-2017), thọ 84 năm, hạ lạp 60 năm; nguyên quán Bắc phần, trú quán Khánh Hòa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6115465