Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tân

Tân

 

- Liễu Đạo-Chí Tân (?-1865), Hòa thượng. Ngài đến núi Hoàng Long, xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, khoảng năm Minh Mạng thứ 6 (1826), lập thảo am Thiên Hưng để tu trì. Sau đó, ngài được vua Tự Đức sắc phong trụ trì chùa Thánh Duyên - Huế; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ Thuận Hóa hữu công, tập 1.

- Thích Huyền Tân (1911-1979), Hòa thượng, thế danh Lê Xuân Lộc, xuất gia với HT Trí Thắng - chùa Thiên Hưng-Bình Định, pháp danh Như Thọ, pháp tự Giải Thoát, pháp hiệu Huyền Tân, là học tăng PHĐ Tây Thiên Huế. Năm 1940, ngài được bổn sư giao trụ trì Thiền Lâm cổ tự - Phan Rang. Năm 1951, ngài thành lập Chi hội An Nam Phật học tỉnh Ninh Thuận. Năm 1970-1975, ngài là Giám hiệu PHV Liễu Quán - Ninh Thuận. Năm 1974, ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN. Ngài viên tịch tại chùa Thiền Lâm, ngày mồng 8 tháng 3 năm Kỷ Mùi (1979), thọ 69 tuổi, 45 hạ lạp; nguyên, trú quán Ninh Thuận -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Bình Nam - Nguyễn Khoa Tân (1869-1938), Cư sĩ, con trai Cụ Bố chính Nguyễn Khoa Luận - về sau xuất gia là đại sư Viên Giác. Cư sĩ từng giữ chức Tổng đốc Quảng Nam, Thượng thư Bộ Hộ, Hiệp Tá Đại học sĩ sung Cơ Mật viện đại thần triều Khải Định. Cư sĩ cùng Sư Tra Am Viên Thành là đôi bạn tâm giao trong trao đổi Phật lý một cách say mê. Cư sĩ thọ Bồ tát giới và góp phần công lao sáng lập Hội Phật học Trung kỳ. Sau thời gian phục vụ triều đình, Cư sĩ về hưu vui thú điền viên và nghiên cứu Phật học; nguyên, trú quán Thuận Hóa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Nhật Tân, Thượng tọa, bút danh Mặc Giang, sinh năm 1953, thế danh Hồ Thanh Bửu, xuất gia từ thuở nhỏ, định cư sang Úc, hiện là Tổng Thư ký GHPGVNTN hải ngoại tại Úc và New Zealand, trụ trì chùa A Di Đà - Úc; tác phẩm: Quê hương còn đó (2006); Tuyển tập nhạc Dòng thơ gọi tình người (2007); Quê hương nguồn cội (tuyển tập thơ - 2007); Hành trình quê mẹ (tuyển tập thơ - 2007); nguyên quán Bình Định, trú quán Úc - trang nhà www.chuadida.com

- Thích Nữ Diệu Tấn (1910-1947), Ni trưởng, thế danh Phạm Thị Xá, đệ tử tổ Phi Lai - Thích Chí Thiền, được pháp danh Hồng Lầu, pháp hiệu Diệu Tấn. Năm 1939, Sư được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Kim Sơn, tức chùa Bà Đầm - Phú Nhuận. Ni trưởng đã biến thành ngôi chùa Ni thứ hai tại đất Gia Định, sau chùa Hải Ấn. Năm 1939, Sư Diệu Tấn kết hợp với Sư Diệu Tánh - Như Thanh, mở Phật học Ni trường đầu tiên tại chùa Kim Sơn. Do che giấu cán bộ hoạt động nội thị, Ni trưởng bị Pháp bắt tra khảo đến khi bị bệnh nan y và tịch ngày Rằm tháng Hai năm Đinh Hợi - 1947; nguyên quán Sa Đéc, trú quán Sài Gòn - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định

- Thích Huyền Tấn (1911-1984), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Lê Nghiêm, xuất gia năm 1924 với tổ Đệ lục Chơn Trung Diệu Quang - chùa sắc tứ Thiên Ấn, pháp danh Như Chánh, pháp tự Giải Trực, pháp hiệu Huyền Tấn. Năm 1943, ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Kim Liên - Quảng Ngãi. Năm 1955, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thiên Ấn - Quảng Ngãi, đời thứ 7. Năm 1956, ngài giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Ngãi. Năm 1964, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Ngãi. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng Chạp năm Giáp Tý (1984), thọ 73 năm, 50 hạ lạp; nguyên, trú quán Quảng Ngãi - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Nhựt Tấn, Hòa thượng, sinh năm 1952, thế danh Hồ Văn Tài, pháp danh Nhựt Tấn, pháp hiệu Thiện Hạnh, đệ tử HT Thiện Duyên - chùa Linh Quang - Mõ Cày Bắc, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre, kiêm Trưởng Ban Tăng sự, trụ trì chùa Tiên Đài - Châu Thành - Bến Tre; nguyên, trú quán Bến Tre.

- Thích Khả Tấn (1917-2011), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia với HT Giác Hải - chùa Giác Lâm, pháp danh Tâm Hiếu, pháp tự Khả Tấn, thế danh Trần Lý Hòe. Năm 1945, ngài tham gia Hội PG Cứu quốc Thừa Thiên Huế. Năm 2003, ngài làm Trưởng Ban Trùng tu tái thiết tổ đình Linh Quang - Quảng Trị bị tàn phá sau chiến tranh. Năm 2005, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng giới đàn Giác Nhiên - chùa Thuyền Tôn - Huế. Năm 2007, ngài là thành viên HĐCM TW GHPGVN, trụ trì chùa Giác Lâm - Huế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - trang nhà www.phatgiaohue.vn 

- Thích Trí Tấn (1906-1995), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, thế danh Huỳnh Văn Xông, xuất gia năm 1920 với HT Thôi Biện - chùa Hưng Long - Tân Uyên, pháp danh Nhật Quân, pháp tự Nhất Bổn. Năm 1927, bổn sư viên tịch, ngài đến cầu pháp với HT Tâm Thường - chùa Long Hưng - Long Thành, được pháp húy Nhựt Tịnh, pháp hiệu Trí Tấn. Năm 1935, ngài trụ trì chùa Hưng Long - Long Thành. Năm 1945, ngài làm Tổng Thư ký Hội PG Cứu quốc miền Đông Nam bộ. Năm 1971, ngài là Tăng trưởng Giáo hội PG Cổ truyền tỉnh Biên Hòa. Năm 1972, ngài làm Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội PG Cổ truyền Việt Nam. Năm 1980, ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại giới đàn chùa Long Vân - Vĩnh Cửu. Năm 1981, ngài được cung thỉnh Thành viên HĐCM GHPGVN. Năm 1983, ngài làm Trưởng BTS Tỉnh hội PG tỉnh Sông Bé. Ngài xả báo thân ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Tuất (1995), thọ 89 năm, 69 tuổi đạo, bảo tháp lập ở khuôn viên chùa Hưng Long - Tân Uyên; nguyên quán Tân Uyên - Bình Dương, trú quán Long Thành và Bình Dương - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Hà Văn Tấn, Giáo sư, NGND, nhà sử học, nhà khảo cổ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1937. Ông thuộc dòng họ có truyền thống khoa bảng, có nhiều danh nhân như nhà văn hóa tiến sĩ Hà Tông Mục, thượng thư tiến sĩ Hà Tông Trình, phó bảng Hà Văn Đại. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về khoa học. Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học. Các tác phẩm liên quan đến Phật giáo: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư; Lịch sử Phật giáo Việt Nam (đồng tác giả), NXB Khoa học xã hội, 1988; History of Buddhism in Vietnam, Social Sciences Publishing House Hanoi 1992 (Part Two: Buddism from the Ngo to the Tran dynasties); Chùa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1993 (tái bản 6 lần); Buddism in Vietnam (viết chung), The Gioi Publishers, 1993.

Ông nguyên quán Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; trú quán tại Hà Nội.

- Thích Nữ Liên Tập (1946-1970), Sư cô, Thánh tử đạo, thế danh Lê Thị Gái, hệ phái Ni giới Khất sĩ Việt Nam, có công hạnh nuôi dưỡng trẻ mồ côi chiến tranh, trú xứ tịnh xá Ngọc Ninh - Tây Ninh. Khi hay tin Việt Nam Quốc Tự bị tấn công, bắn giết, bắt bớ Tăng ni Phật tử, Sư cô đã bức xúc, đau xót cho pháp nạn PG. Khi nghe tin Giáo hội công khai vận động hòa bình chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Sư cô thấy không lúc nào thích hợp hơn để đóng góp công lao cho dân tộc và đạo pháp. Những thao thức ấy đã thúc đẩy Sư cô hành động. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 4-6-1970, Sư cô đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và bình an cho Giáo hội; nguyên quán Thừa Thiên, trú quán Tây Ninh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Danh Tấp (1941-1974), Đại đức, liệt sĩ, thường gọi là sư Tấp, sinh năm 1941, tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Mồ côi cha mẹ năm lên 7, ngài được thế phát xuất gia tu học tại chùa Gò Đất, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1962, ngài được bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo tại bổn tự và HT Danh Hậu làm thầy tế độ. Năm 1967, ngài được bổ nhiệm Phó trụ trì chùa Gò Đất. Sau đó, ngài tham gia vào Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước huyện Châu Thành, được cử chức Phó Hội trưởng. Năm Mậu Thân (1968), ngài được suy tôn chức trụ trì chùa Gò Đất. Năm 1970, ngài hoàn tục để thực hiện công tác cách mạng, bị phát hiện nên địch truy lùng gắt gao, lục soát khắp nơi để tìm Achar Danh Tấp. Hoạt động bí mật bị lộ, ngài phải trở lại xuất gia lần hai tại chùa Khoe Ta Tung, ấp Minh Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tại bổn tự này, ngài vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng với nhiệm vụ liên lạc cho Mặt trận Giải phóng huyện nhà. Đỉnh cao của phong trào đấu tranh đã bùng phát vào ngày 8 tháng 6 năm 1974, ngài được phân công dẫn đoàn biểu tình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang lãnh đạo. Ngài vận động lực lượng các chùa: Khoe Ta Tưng, Gò Đất, Xà Xiêm Cũ và Xà Xiêm Mới cùng tham gia xuống đường biểu tình. Bọn mật thám đã phát hiện và ngăn chặn kế hoạch của đoàn sư sãi biểu tình. Tương kế tựu kế, tranh thủ lễ Trà tỳ hỏa táng nhục thân HT Danh Con, là cơ hội để toàn thể chư Tăng đoàn tập hợp và nhập vào đoàn của chư Tăng chùa Khlang Ông. Ngài lãnh đạo đoàn biểu tình di chuyển từ chùa Khlang Mương đến chùa Khlang Ông một cách an toàn. Ngày 10-6-1974, đoàn biểu tình tiến về tỉnh lỵ, khi đến huyện Kiên Thành, mặc cho đạn bay súng nổ của quân đội Sài Gòn, ngài vẫn thản nhiên trấn an các thành viên trong đoàn. Nhiều phát đạn đều trúng vào tim khiến ngài trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 35 phút, hòa theo tiếng khóc của đoàn người biểu tình - theo Danh tăng PG Nam Tông Khmer.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6058787