Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN To

To

 

- Thích Thiện Tòng (1891-1964), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Thung, xuất gia với HT Phước Chí - Tâm Ba - chùa Khánh Quới - Cai Lậy, được pháp danh Thiện Tòng. Năm 1915, ngài cầu pháp với tổ Phi Lai, Như Hiển Chí Thiền - chùa Phi Lai - Châu Đốc, được pháp danh là Hồng Tòng, pháp hiệu Phổ Quảng, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 40. Năm 1926, ngài được thỉnh làm pháp sư các trường hạ PG cổ truyền. Năm 1927, ngài nhận trụ trì chùa Trường Thạnh - Bến Nghé. Năm 1932, phong trào chấn hưng PG lan rộng, ngài nhận lời sư Thiện Chiếu tiếp tay cổ súy phong trào, vận động Phật tử tham gia Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và cổ động mọi người mua báo Từ Bi Âm. Riêng tại chùa Trường Thạnh, ngài bắt đầu mở các lớp giáo lý. Năm 1945-1950, chùa Trường Thạnh là cơ sở cách mạng. Năm 1952, trong đại hội Phật giáo Cổ truyền tại chùa Trường Thạnh, ngài được cử làm Đại tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử; nguyên quán Cai Lậy - Tiền Giang, trú quán Sài Gòn -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Lưu Bá Tòng, Cư sĩ, pháp danh Trí Bá, sinh năm 1956, Thạc sĩ Tôn giáo học, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động, thành viên Ban Phật học chùa Xá Lợi, phụ trách trang nhà www.chuaxaloi.vn; nguyên quán Sài Gòn, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Bảo Toàn (1899-1970), Hòa thượng, pháp danh Như Niệm, pháp tự Giải Khoan, pháp hiệu Bảo Toàn, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Trang Văn Tại, sinh năm Kỷ Hợi (1899) tại làng Cẩm Phô, Hội An. Ngài cùng với bào huynh là HT. Quảng Hưng, xuất gia với Hòa thượng Phước Trí tại chùa Tam Thai. Ngài trụ trì chùa Từ Vân, Đà Nẵng vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Năm 1957, ngài khai sơn chùa Hải Hội tại làng Mân Quang - Sơn Trà - Đà Nẵng, Kiểm Tăng GHTG Đà Nẵng (1958), tham gia tích cực trong phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963. Ngài viên tịch ngày 22 tháng 1 năm Canh Tuất (1970), thọ 72 tuổi. Ban đầu tháp của ngài lập tại chùa Từ Vân, về sau chùa Từ Vân suy tàn nên môn đồ thiên di về chùa Hải Hội. Đệ tử nối pháp của ngài có HT. Thích Mỹ Quang. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Diệu Toàn (1874-1970), Hòa thượng, thân thế chưa rõ, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, pháp danh Chơn Vị, pháp tự Diệu Toàn, pháp hiệu Đạo Dưỡng. Ngài trụ trì đời thứ 4 chùa Phước Long - Trà Cú - Trà Vinh.  Năm 1962, ngài đứng ra trùng tu chùa. Ngài thị tịch năm Canh Tuất (1970), thọ 97 năm, tháp lập trước vườn chùa Phước Long; nguyên quán chưa rõ, trú quán Trà Vinh - Đại đức Thích Như Đạo - Trà Vinh, sưu khảo.

- Thích Giác Toại (1915-1993), Trưởng lão, hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh Trần Trong. Năm Định Hợi (1947), khi trưởng lão Giác An thuyết pháp tại Tịnh xá Qui Nhơn, ngài đã mời trưởng lão về hành đạo, thuyết pháp tại xã nhà. Sau đó, ngài dâng cúng đất vườn và xây dựng Tịnh xá Ngọc Hòa. Năm 1965, ngài xuất gia với Trưởng lão Giác An, được pháp danh Thiện Nhơn, pháp hiệu Giác Toại. Ngài được phong Trưởng lão và phụ trách Phó Trưởng đoàn Giáo đoàn III. Ngài xả báo thân ngày mồng Một tháng 8 năm Quý Dậu, thọ 79 năm, 28 năm hành đạo; nguyên, trú quán Bình Định - trang nhà www.daophatkhatsi.vn 

- Lê Toại (1884-1960), Cư sĩ, làm việc ở Sở Đốc lý Hà Nội. Là người hâm mộ đạo Phật, ông thường xuyên nghiên cứu sách Phật qua Pháp văn, Hán văn và viết các bài về việc chấn hưng Phật giáo đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Nhóm các nhà sư Trí Hải, Thái Hòa, Vũ Đình Ứng sau khi vận động 2 sơn môn Linh Quang - Bà Đá, Hồng Phúc - Hòe Nhai, tham gia chấn hưng PG không thành, đã quay ra tìm sự hợp tác của phía cư sĩ, mời 3 vị Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha thành lập nhóm Phật học Tùng thư. Lê Toại do quen biết đã mời gọi các trí thức làm việc trong chính quyền về cùng tham gia Phật học Tùng thư, mở đầu cho việc tiến tới thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ năm 1934. Sau khi hội thành lập, ông được cử làm Phó Thủ quỹ, rồi Chánh Thủ quỹ. Năm 1945, ông làm Trưởng Ban Tài chính của hội. Ông còn làm Trưởng Ban bên tại gia CHPG ở Thịnh Mai, Thanh Trì, Hà Đông. Tháng 3-1958, ông đại diện cho những người sáng lập Hội PG Bắc kỳ tham gia thành lập Hội PG Thống nhất VN; tác phẩm: Phật học sơ giải (1934); nguyên, trú quán Hoàng Mai, Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.   

- Thích Châu Toàn (1933-1974), Hòa thượng, đệ tử HT Mật Thể - chùa Trúc Lâm - Huế, pháp danh Nguyên Trí, pháp tự Châu Toàn. Ngài vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa và tốt nghiệp cử nhân Văn chương; cùng với HT Đồng Bổn khai sơn chùa Trúc Lâm - Gò Vấp. Đây là nơi lui tới của HT Nhất Hạnh khi dạy học ở PHĐ Nam Việt. Khi HT Nhất Hạnh thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội, đã mời ngài làm giám đốc. Ngài tham gia giảng dạy Việt văn ở các trường Bồ Đề Sài Gòn, Bến Tre, Chợ Lớn, Bình Dương... Khi đang thuyết giảng tại chùa Từ Nghiêm, ngài bị ngất xỉu và mất ở bệnh viện; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Sài Gòn - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Diệu Toàn (1874-1970), Hòa thượng, pháp danh Chơn Vị, pháp tự Đạo Dưỡng, pháp hiệu Diệu Toàn, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài họ Lê, làm đệ tử HT Hoằng Phúc, đệ Ngũ tổ sư tổ đình Thiên Ấn - Quảng Ngãi. Ngài được bổn sư phú pháp vào năm Canh Tuất (1910). Thời gian hành đạo ở Quảng Ngãi, ngài được cung thỉnh làm Dẫn thỉnh giới đàn chùa Phước Quang năm 1920 do Tăng cang Hoằng Tịnh làm Đàn đầu truyền giới và HT Khánh Anh đắc giới tại giới đàn này. Sau khi vào Nam hành đạo, ngài trụ trì đời thứ 4 chùa Phước Long - Trà Cú - Trà Vinh. Năm 1962, ngài đứng ra trùng tu chùa. Ngài thị tịch năm Canh Tuất (1970), thọ 97 năm, tháp lập trước vườn chùa Phước Long; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Trà Vinh. Đệ tử của ngài có: HT. Thích Giải Kinh - trụ trì chùa Viên Quang - Bình Thạnh; HT Thích Như Hòa - trụ trì chùa Phước Long - Trà Vinh - Đại đức Thích Như Đạo - Trà Vinh, sưu khảo.

- Thích Giác Toàn, Hòa thượng, Tiến sĩ Danh dự, bút danh Trần Quê Hương, thế danh Lê Phước Tường, sinh năm 1949, mồ côi từ bé, ấu niên xuất gia. Hiện, ngài là Thường trực lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, trụ trì Tịnh xá Trung Tâm - quận Bình Thạnh, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam; tác phẩm: Hương thiền Ngàn năm; Lời vàng Vi diệu - Kinh Pháp cú; Bút nở hoa thiêng; Suối về Hoa Nghiêm, Tặng phẩm Dâng đời; Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương; Những sáng tác văn học của các Thiền sư thời Lý - Trần...; nguyên quán Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.

 - Nguyễn Khoa Toàn (1899-1965), Cư sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, một Phật tử đầy nhiệt tâm với công cuộc chấn hưng PG
ở Huế. Ông đã để lại hơn 200 tác phẩm hội họa có phong cách Á Đông. Ông đoạt giải thưởng lớn ở cuộc thi tranh tại Paris và dự nhiều cuộc triển lãm tranh quốc tế Nhật Bản (1944), Hà Nội (1949), Thái Lan (1953), Sài Gòn (1957). Về điêu khắc, tác phẩm ông còn để lại cho đời, chính là pho tượng Phật Thích Ca (1940) hiện thờ ở chùa Từ Đàm. Khi Hội An Nam Phật học ở Huế hoạt động thì ông đã có mặt bên cạnh Bác sĩ Lê Đình Thám, Bác sĩ Trương Xướng và nhiều Cư sĩ ở Huế thời đó. Ông làm chức vụ Tá Lý ở Bộ Học dước triều vua Bảo Đại; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Huyền Tôn, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Nguyễn Thái Long, sinh năm 1928, đệ tử tổ Đệ lục Thiên Ấn tự, Tăng cang Thích Chơn Trung. Ngài pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Tích, pháp hiệu Huyền Tôn. Từ năm 1963 đến 1959, ngài làm Tổng Thư ký Hội An Nam Phật học - Huế. Ngài là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Trung Việt. Năm 1963, ngài cùng với HT Hội chủ Tổng hội PGVN, Ban Tổ chức lễ Phật đản đến yết kiến tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Đẳng, phản đối lệnh cấm treo cờ PG trong ngày lễ Phật đản. Tỉnh trưởng nhận khuyết điểm của cảnh sát và cho xe phóng thanh loan báo quyết định không cấm PG treo cờ PG khắp thành phố Huế. Sau 1975, HT định cư ở Úc, được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư GHPGVNTN Australia và New Zealand; tác phẩm đã in: Chư Kinh Mật Giáo; Kinh Vu Lan Bồn; Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân; Kinh Hiền Kiếp Thiên Phật Danh;  Kinh Bát Đại Nhơn Giác; 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật; Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi; Cực Tịnh Sanh Động; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Hoa Kỳ.

- Liễu Cảnh Ấn Tông (1804-1890) Hòa thượng, trụ trì chùa Sắc tứ Trường Thọ, tịch ngày 24 tháng 3 năm Canh Dần 1890, chưa có thêm thông tin - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Toàn Đức Hoằng Tông (1779-1843), Hòa thượng, Tổ sư, pháp danh Toàn Đức, pháp hiệu Hoằng Tông, đời thứ 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đoàn Văn Thu, sinh ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Hợi (1779) tại thôn Trung Tín, xã Nha Phiến, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn. Ngài xuất gia đắc pháp với tổ Pháp Kiêm Minh Giác tại tổ đình Phước Lâm - Hội An. Ngài trụ trì tổ đình Vạn Đức và có công trùng tu chùa sau cuộc chiến Tây Sơn. Năm 1822, ngài quyên mộ đúc chuông dưới sự chứng minh của Hòa thượng bổn sư. Ngày 12 tháng 7 năm Canh Dần (1830), năm Minh Mạng thứ 11, ngài được triều đình ban cho Giới đao Độ điệp để tán dương công hạnh tu hành. Ngài viên tịch ngày 28 tháng 10 năm Quý Mão (1843), thọ 65 tuổi. Ngài nguyên quán tại Bình Định, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo. 

- Hộ Tông (1893-1981), Hòa thượng, Trưởng lão khai sáng hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Lê Văn Giảng. Ngài tốt nghiệp Bác sĩ thú y và được bổ làm việc tại Campuchia. Năm 34 tuổi, ngài từ bỏ thế tục học hỏi giáo lý Nam Tông và khai sáng chùa Sùng Phước Phnômpênh. Năm 1940, ngài chính thức xuất gia và về Việt Nam xây dựng tổ đình Bửu Quang - Thủ Đức. Năm 1949, ngài cùng Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu lập chùa Kỳ Viên ở Bàn Cờ. Năm 1954, ngài cùng ngài Bửu Chơn tham dự hội nghị kết tập Kinh tạng Pali lần thứ 6 tại Ngưỡng Quan Yangon - Miến Điện. Năm 1957, ngài được suy cử làm Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; tác phẩm: Nhật hành của cư sĩ; Cư sĩ thực hành; Luật xuất gia I-II; Vi Diệu Pháp vấn đáp; Nền tảng Phật giáo; Sơ Thiền Tâm; Thanh Tịnh Kinh; Quỷ vương vấn đạo; Tứ Diệu Đế; Bát Chánh Đạo; Pháp trích yếu; Phật giáo chánh lời Phật thuyết; Phép Chánh Định; Phật Ngôn; Thập Độ; Triết lý về Nghiệp... Ngài viên tịch ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (25-8-1981), tại chùa Bửu Long - Thủ Đức, thọ 89 tuổi, 41 tuổi đạo; nguyên quán Châu Đốc, trú quán PhnômPênh - TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6123705