NHẬP LƯU, NGHỊCH LƯU
NHẬP LƯU, NGHỊCH LƯU
CHÁNH TRÍ
Nhập lưu - vào dòng nước - là một danh từ dùng để chỉ hàng Thanh văn, bậc tu hành theo Phật giáo đã bước được bước đầu trên đường lên Thánh. Vậy dòng nước ở đây ám chỉ con đường, luôn cả chiều hướng của người muốn tìm giác ngộ và giải thoát.
Nhưng nói con đường, không thâm thúy bằng nói dòng nước, dòng sông.
Đường thì phải có đi mới tới; tự nó, con đường không dắt dẫn ai, không thúc đẩy ai. Trái lại, dòng nước với cái động của nó là một sức mạnh lôi cuốn, một khi đứng vào đấy hay thả thuyền trên mặt, người ta khó cưỡng lại.
Hiểu như thế thì thấy có hai dòng nước, một xuôi, một ngược.
Xuôi là dòng nước của thế tình, hướng về nẻo danh lợi, lấy sự thọ hưởng khoái lạc của thân xác, của dục vọng làm mục đích. Gần như người của dân tộc nào, của quốc gia nào, của thời nào bất luận già trẻ nam nữ, đều dong thuyền, đều nhắm mắt thả trôi trên dòng nước ấy. Trừ một số rất ít, tất cả đều xua nhau, lấn áp nhau, hoặc như một bọn trẻ đuổi bướm, hoặc như một bọn sói săn mồi.
Ngược là dòng nước của giới tu hành của mọi tôn giáo đạo đức. Nó cũng hướng về khoái lạc, nhưng không phải của thân xác mà của tâm linh; điểm cuối cùng của nó là sáng suốt chớ không phải mê mờ, là tự do chớ không phải ràng buộc. Con sông này thường vắng khách; cách khoảng xa xa, mới thấy một chiếc thuyền nan trên đấy chủ nhơn ông có đôi mắt sáng ngời nhưng rất hờ hững với thế sự.
Xuôi ngược là hai dòng hay một dòng?
Hai mà một. Hai là hai tướng, một là một dòng.
Thả thuyền theo dòng nước, dầu lớn dầu ròng, đều là xuôi dòng. Nước chảy xuống mà mình đi lên, hay nước chảy lên mà mình đi xuống, là ngược dòng, là nghịch lưu.
Thế thì người tu hành vừa là nhập lưu, vừa là nghịch lưu.
Như đã nói, nhập lưu là bước vào dòng nước hướng về nẻo thánh và để cho nó lôi cuốn đến đích. Nhưng vì dòng nước ấy khác hướng với dòng nước đời, cho nên khách muốn thoát trần thành kẻ ngược dòng, hàng Thanh văn chẳng những nhập lưu mà còn nghịch lưu là vậy.
Giữa xuôi, ngược có chẳng biết bao nhiêu cái khác, không thể kể xiết. Quan trọng nhứt là cái khác giữa sanh tử và giải thoát. Do đây mà nghĩa chơn thật của nghịch lưu là ngược dòng sanh tử, tử sanh, luân hồi chuyển kiếp.
Thật vậy, dòng đời dầu có êm đẹp hay khó khăn, dầu có chảy qua kinh đô hay nơi sằn dã... rốt cuộc trong khoảng ba vạn sáu ngàn ngày cũng đổ vào một hố cạn để rồi xoi đất mà lên, tự biến thành một dòng đời mới và như thế không biết đến đâu là cùng.
Hàng tu hành rõ thông đạo lý của Tứ đế, biết do đâu mà mình bị dòng đời cuốn trôi trong vô số kiếp, quyết tâm đứng ngay trên dòng nước ấy, mặt quay về ánh giác, tay chèo, tay chống đi ngược. Chỉ có hai lẽ: Không đen thời trắng, không khổ thời sướng, không trói trăn thời giải thoát. Nếu chấm cuối cùng của dòng đời xuôi là sanh tử luân hồi, thời nhứt định chỗ chấm dứt của dòng thánh ngược phải là ra khỏi luân hồi sanh tử.
Lý đương nhiên là như vậy. Tuy nhiên, nhập lưu và nghịch lưu mới là giai đoạn đầu, còn ba giai đoạn nữa mới buông chèo gác mái, tự tại miên trường.
Đoạn đầu và là đoạn quan trọng. Muốn xây nhà bốn từng để lên đấy ngắm cảnh trăng thanh mà không khởi sự xây từng dưới chót thì không cuồng cũng là ngông, như kinh Bách dụ đã dạy. Vì vậy mà trước khi bàn nói đến cứu cánh, nghĩ nên đặc biệt chú ý đến bước đầu, can đảm đặt chân xuống dòng nước ngược và thật tâm để cho nó lôi cuốn mình, như mình đã vui để cho dòng nước xuôi lôi cuốn bấy lâu.
Nhập mà không nghịch hành, hóa ra thuận rồi còn gì? Nói tu mà không sống ngược đời là không tu gì cả.
Trích Phật học Từ Quang số 181 tháng 9/1967
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết