NHÌN NHẬN LẠI DI SẢN VĂN HÓA HÁN NÔM
TẠI CHÙA CẦN LINH (CHÙA SƯ NỮ) HIỆN NAY
ThS. PHẠM THỊ CHUYỀN*
Đại Nam nhất thống chí cho biết vào thời Nguyễn, Nghệ An có ít nhất 14 ngôi chùa (chùa quán)[1]. Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh, cho tới trước năm 1960, Nghệ An từng có khoảng 300 ngôi chùa lớn nhỏ[2]. Cho đến ngày nay, trải qua những biến động lịch sử, địa lý, văn hóa, cũng như những tác động khách quan khác, chỉ còn 75 ngôi chùa trên toàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, thực tế có 20 ngôi chùa đang thực hiện tín ngưỡng tôn giáo, 11 chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.[3]
Qua hai đợt khảo sát, đợt thứ nhất vào tháng 6 – 9/5/2012 và tháng 27-30/6/2012 của Đoàn khảo sát do Viện nghiên cứu Tôn giáo tổ chức để chuẩn bị cho Hội thảo Văn hóa Phật Giáo xứ Nghệ: Quá khứ - Hiện tại và Tương lai, chúng tôi tham gia khảo sát hơn 20 ngôi chùa ở Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Nhìn chung, các tư liệu văn hóa Hán Nôm ở những chùa này như trên bia đá, khánh đá, chuông đồng, ván gỗ, câu đối, đại tự, thư tịch còn lại không nhiều. Phần lớn trong số đó cũng giống với văn hóa Hán Nôm ở những nơi khác. Nếu đi sâu khảo sát nghiên cứu cũng sẽ thấy được những đặc sắc bất ngờ của Văn hóa Hán Nôm tại chùa Nghệ An.
Theo chúng tôi, một trong những điểm đáng chú ý khi nghiên cứu Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ là Di sản văn hóa Hán Nôm ở những ngôi chùa xứ Nghệ hiện còn. Đây là vấn đề có vai trò không kém phần quan trọng trong “công cuộc” gìn giữ và phát huy Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ.
Trong số những chùa đã khảo sát, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chùa Cần Linh (phường Cửa Nam, thành phố Vinh). Có thể các nhà nghiên cứu khác cũng quan tâm đến ngôi chùa này bởi đây là ngôi chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi trụ sở của tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, một điểm nhấn của Văn hóa Phật giáo Nghệ An, một ngôi chùa chỉ có sư nữ trụ trì và tu tập … Bài viết này, trên cơ sở làm rõ ý nghĩa, nội dung của Di sản văn hóa Hán Nôm nơi đây, bước đầu giới thiệu về Di sản văn hóa Hán Nôm ở một ngôi chùa mang tính điểm nhấn của Văn hóa Phật giáo sứ Nghệ, bước đầu nêu ra một số giả thuyết mang tính suy tư cá nhân góp phần vào việc giải quyết vấn đề tên gọi, niên đại cũng như những vấn đề có liên quan khác của chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ).
Di sản văn hóa Hán Nôm trong chùa Cần Linh là những văn bản chữ Hán chữ Nôm được khắc, đục, chạm, khảm, nhấn, viết … trên các chất liệu đá, đồng, gỗ, gạch, tre, nứa, xi măng,… , những vật thể hiện còn như chuông đồng, khánh đá, bia đá, hoành phi, câu đối … thư tịch, kinh sách … có nội dung liên quan đến quá trình xây dựng, trùng tu … chùa Cần Linh; ca ngợi công đức vô lượng vô biên của chư phật, chư bồ tát, sự mầu nhiệm của giáo pháp đại thừa…; kính ngưỡng sư tổ, sư tăng …những người từng tu tập, trụ trì tại chùa này.
Cần phải khẳng định rằng chùa Cần Linh hiện nay là một ngôi chùa mang tính hợp tự, là nơi quy tập nhiều di sản của nhiều cơ sở thờ tự của các nơi trong vùng như tượng, chuông, hoành phi đại tự… Tài liệu duy nhất mà sư Diệu Nhẫn giới thiệu với chúng tôi khi chúng tôi đến khảo sát cũng chính là tập Hồ sơ di tích chùa Cần Linh mà Ban quản lí Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An cho chúng tôi mượn, thực chất đó là một bản luận văn tốt nghiệp của một sinh viên khoa Bảo tàng – Đại học Văn hóa thực hiện năm 1990. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, nên việc dịch chữ Hán, chữ Nôm trên các di vật quý như chuông, hoành phi, câu đối … còn có thể được dịch theo cách khác mà theo chúng tôi là hợp lý và chính xác hơn.
1. Di sản văn hóa Hán Nôm chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ)
a. Chuông đồng
Chuông là một pháp khí không thể thiếu trong lễ nghi của Phật giáo. Chuông chùa thường được làm bằng chất liệu đồng để tiếng của nó đủ vang vọng uy nghiêm làm thước đo thời gian, tuân thủ thống nhất về thời gian tu luyện, duy trì và bảo vệ truyền thống của nhà chùa và sự tôn nghiêm của Phật giáo. Trong chùa Cần Linh hiện có ba chuông đồng. Chuông thứ nhất treo ở nhà thờ tổ, văn bản chữ Hán khắc trên chuông nguyên văn là:
靈 勤 寺 鍾
成 泰 甲 辰 年 五 月 吉 日 造 鑄
Tạm dịch: Chuông chùa Linh Cần, đúc ngày lành tháng 5 năm Giáp Thìn (1904) niên hiệu Thành Thái.
Thường thì những dòng tên chữ Hán, Nôm trên chuông được đọc thống nhất theo một kiểu từ trái sang phải, cho nên ở đây chỉ có thể đọc là Linh Cần tự chung, không thể là Cần Linh chung tự. Tức là Chuông chùa Linh Cần.
Chuông thứ hai cũng là chuông lớn nhất treo ở gác chuông mới xây gần đây, trên chuông chép nguyên văn chữ Hán:
靈雲 寺 鍾
德 光 府 真 祿 縣安 場 社 南 村 官 員 鄉 老 各 職
天 運 丙 辰 年 四 月 吉 日”
Tạm dịch: Chuông chùa Linh Vân
Các chức Hương lão, Quan viên thôn Nam, xã Yên Trường, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang.
Ngày lành tháng 4 năm Bính Thìn Thiên Vận
Trong Đại Nam nhất thống chí[4] có viết: “Chùa Linh Vân: ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc, do Cao Biền đời Đường xây dựng, phía trước trông ra bến sông, bên cạnh có giếng đá, phong cảnh đáng yêu.” Vậy Linh Vân tự chung đích thị là chuông của chùa Linh Vân này.
Chuông thứ ba được đặt ở nhà Thượng Điện, trên chuông có khắc:
古 亦 寺 鍾
奉 記 曰 此 鍾 亦 寺 之 鍾 也
紹 治 四 年 奋 勇 將 軍 充 乂 安 副 領 兵 阮 久 礼 恭 造
嗣 德 拾 壹 年 北 太 總 督 阮久德 重修 之 .
Tạm dịch: Chuông chùa Diệc Cổ
Kính. Chép rằng: chuông này là chuông của chùa Diệc.
Năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) Phấn Dũng tướng quân nhận chức Phó Lãnh binh Nghệ An. Nguyễn Cửu Lễ cung kích đúc tạo. Năm Tự Đức thứ 11 (1859) Tổng đốc Bắc Thái Nguyễn Cửu Đức trùng tu lại chuông.
Vậy đây chính là chuông của chùa Diệc (Diệc Cổ) nay tọa lạc trên quốc lộ 1A, ở km 462+500, ở số 49 đường Quang Trung, phường Quang Trung, thuộc trung tâm thành phố Vinh.
b. Bia đá
Tại chùa, chúng tôi tận mắt thấy có hai bia đá, nhưng là bia đá trong hai lăng mộ. Cả hai đều được khắc với nội dung đơn giản như sau:
Bia trong lăng mộ bên trái ghi: Tỳ kheo Bồ Tát giới phát linh, hiệu Tâm Tường, tự Xuân Lạc. Sinh ngày 13 tháng 10 năm Giáp Tuất. Mất ngày 23 tháng 10 năm Quý Mùi, thọ 69 tuổi.
Bia trong lăng mộ bên phải ghi: Thập ngàn đại tỳ kheo Bồ Tát giới, hiệu Thanh Loan, tự Kim Chung, sinh năm Đinh Hợi, mất năm Đinh Hợi.
Trả lời chúng tôi, Ni sư Thích Diệu Nhẫn nói còn một bia đá nữa hiện đang được nhà sư bảo mật, sẽ công bố sau cùng với chương trình “trả lại tên” cho chùa này nên chúng tôi không được thực mắt thấy và khảo sát.
c. Hoành phi
Việc đọc và dịch hoành phi chữ Hán Nôm không có tính nhất quán như khi đọc văn bản Hán Nôm trên chuông đồng. Một hoành phi có thể được bố trí theo nhiều kiểu khác nhau. Thường thấy có ba cách bố trí: từ phải sang trái, từ trái sang phải, giữa trước hai bên sau. Trong Bảo điện, chúng tôi thấy có các bức:
(1) 寺雲靈 Linh Vân tự (Chùa Linh Vân)
Tấm hoành phi này vốn trước đây được treo như biển tên của chùa Sư Nữ ngay giữa Bảo điện.[5] Hoành phi này chỉ nên đọc là Linh Vân tự vì có lẽ chính là biển tên của ngôi chùa có một quả chuông với tên Linh Vân tự chung (chuông chùa Linh Vân) như đã nói ở trên. Nhưng khi đoàn chúng tôi đến khảo sát thì hoành phi này đã được Ni sư Thích Diệu Nhẫn cho người hạ xuống trước đó khá lâu để nhường chỗ cho bức đại tự dưới đây:
(2) 寺 靈 勤 Cần Linh tự (Chùa Cần Linh)
Chúng ta cũng có thể đọc hoành phi này là Linh Cần tự, hẳn dụng ý của người tặng muốn nhấn mạnh chữ Linh chăng, nên đặt chữ Linh ở giữa. Như trên chúng tôi đã trình bày về một quả chuông có tên Linh Cần tự chung. Phải chăng đây là biển tên của chùa có quả chuông Linh Cần tự chung. Ngay dưới bức hoành phi này có một bức:
(3) 度 普 航 慈 Từ hàng phổ độ (Thuyền Từ phổ độ)
Bức này được người thực hiện bản Lý lịch di tích chùa Cần Linh [6]phiên âm là Từ thuyền phổ độ (dịch là Cửa khắp mọi nơi). Trong khi đó, hoành phi này có nội dung ca ngợi giáo pháp của Thích Ca Mâu Ni: giáo pháp của Thích Ca Mâu Ni là con Thuyền Từ Bi cứu độ chúng sinh.
(4) 圓 覺 三 Tam giác viên
(5) 具 德 三 Tam đức cụ
Hai hoành phi này tán thán trí tuệ và đức độ của Thích Ca Mâu Ni. Danh từ "Phật" có ba nghĩa là: bậc tự mình giác ngộ (tự giác), bậc làm cho kẻ khác trở nên giác ngộ (giác tha), và bậc đã làm tròn hạnh nguyện giác ngộ (giác hạnh viên mãn). Thích Ca Mâu Ni đã làm xong ba loại giác này. Ông đã tự giác ngộ, và đã giúp cho chúng sinh được trở nên giác ngộ. Khi hoàn tất mỹ mãn hạnh nguyện tự giác và giác tha tức là Ông đã có được "giác hạnh viên mãn"; do đó Ông trở thành Phật. Ðức Phật là đấng "tam giác viên mãn, vạn đức đầy đủ." Theo chúng tôi, chữ “tam” ở đây không chỉ là “ba”, mà là “muôn” (số nhiều) giống như “vạn”. Tức là mọi giác của Phật đều viên mãn, tất thảy đức của Phật đều đầy đủ.
(6) 尊 世 覺 大 Đại Giác Thế Tôn (Thế Tôn là bậc Đại Giác)
Bức này có nội dung nhằm tán thán trí tuệ của Thích Ca Mâu Ni, tôn ông là bậc tôn kính của nhiều đời (Thế Tôn), có sự giác ngộ tuyệt vời (Đại Giác).
(7) 會 海 嚴 華 Hoa Nghiêm hải hội (Hải hội Hoa Nghiêm)
Thông thường, hải hội được hiểu là chỗ hội họp của thánh chúng, đức độ sâu sắc rộng lớn như biển cả. Hải hội Hoa Nghiêm là nơi hội họp của thánh chúng tuyên tụng và bàn về kinh Hoa Nghiêm, mang nội dung ca ngợi cái vi diệu mầu nhiệm của kinh Hoa Nghiêm. Trong Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh[7], sau phẩm thứ nhất Thế Chủ Diệu Nghiêm, có kệ rằng:
“Hoa Nghiêm hải hội,
Bảo tạng linh văn.
Ðại thiên kinh quyển nhất vi trần,
Phẩu xuất tại đương nhân.
Hoa vũ tân phân,
Pháp giới phổ huân văn.’’
Tạm dịch:
Hải hội của kinh Hoa Nghiêm vô cùng vô tận,
Bộ kinh này là Bảo Tạng, còn là Linh văn.
Bộ kinh quyển này lớn như đại thiên thế giới, chứa đựng ở trong một hạt bụi,
Dùng đao bổ hạt bụi ra, thì đại thiên kinh quyển hiện ra.
Bạn làm được như thế, thì trời mưa hoa báu xuống rực rỡ,
Tất cả chúng sinh trong pháp giới, đều được pháp vị công đức huấn tập, tất cả chúng sinh đều được nghe.
(8) 燈 傳 茿 西 Tây Trúc truyền đăng ((Nơi) Tây Trúc truyền đăng)
(9) 喜 歡 成 園 Viên Thành hoan hỉ ((Chốn) Viên Thành hoan hỷ)
Cả hai bức trên đều có lạc khoản nội dung là Mùa xuân năm Nhâm Thìn niên hiệu Bảo Đại. Hai hoành phi ý nói Tây Trúc là nơi đạo pháp được truyền đi, còn nơi đây là nơi Viên Thành chúng sinh đón nhận được đạo pháp của Phật thì vô cùng hoan hỉ.
(10) 交 道 應 感 Cảm ứng đạo giao (Đón nhận linh ứng đạo giao)
Ca ngợi chùa là nơi linh thiêng, đón nhận được sự linh ứng của Phật và chúng sinh.
(11)佛 陀 彌 阿 A Di Đà Phật (Đức Phật A Di Đà)
Hoành phi này xưng tán hồng danh của vị Phật trong quá khứ.
(12) 空 覺 所 覺 Giác sở giác không (Giác ngộ được cái mình giác ngộ là giác ngộ cái không)
(13) 盡 聞 所 聞 Văn sở văn tận (Nghe cái mình nghe được là nghe cái hết)
Hai hoành phi này được trích từ Diệu Pháp Liên Hoa kinh Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm[8], ca ngợi công hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm.
(14) 照 普 光 慈 Từ quang phổ chiếu (Ánh sáng từ bi phổ chiếu)
Hoành phi này có nội dung ca ngợi lòng từ bi của Phật tỏa áng sáng chiếu khắp thế gian
(15) 作 莫 惡 諸 Chư ác mạc tác (Chớ làm điều ác)
(16) 行 奉 善 眾 Chúng thiện phụng hành (Gắng làm việc lành)
Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành là hai câu kệ trong bài kệ trong Phẩm Phật Đà (BUDDHAVAGGO) của Kinh Pháp Cú[9](Dhammapada). Nghĩa là: Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện. Hai câu này chỉ pháp hành, tức là gieo nhân thiện, diệt nhân ác. Gieo nhân thiện diệt nhân ác tức là hằng ngày phải sống bằng những hành động thiện. Sống bằng những hành động thiện như thế nào? Luôn suy nghĩ những điều thiện và ngăn chặn ý niệm những điều ác; luôn nói những lời lành và ngăn chặn những lời nói ác; luôn làm những việc lành và ngăn chặn làm những việc ác.
(17) 開 花 苑 覺 Giác uyển hoa khai (Hoa nở vườn Giác)
Giác uyển hoa khai được trích từ cuối quyển mười của Lương Hoàng Bảo Sám[10], có nghĩa là Hoa Chính Pháp nở trong Vườn Giác Ngộ.
(18) 德 其 世 濟 Tế thế kỳ đức (Dùng đức độ của Người để cứu vớt chúng sinh khỏi bể sinh tử)
d. Câu đối:
Do khuôn khổ của bài viết, phần này chúng tôi xin được giới thiệu và phiên âm một số câu đối tiêu biểu. Những câu đối này ca ngợi cảnh đẹp và linh thiêng của ngôi phạn vũ này, cũng như sự nhiệm mầu của Phật pháp khiến chúng sinh hoan hỉ huân tập về với cảnh trí thanh u tao nhã của chùa Cần Linh.
(1) 遆智 慧 芁 唐 博 愛
頪 慈 悲 迍 客 超 方
“Đuốc trí tuệ soi đường bác ái,
Cửa từ bi đón khách siêu phương”[11]
(2) 無垢清 淨 光 慧 日 破 諸 暗
能伏 灾 風 火 普 明 照 世 間
“Vô cấu thanh tịnh quang tuệ nhật phá chư ám,
Năng phục tai phong hỏa phổ minh chiếu thế gian”
(3) 真 觀 清 淨 觀 廣 大 智 慧 觀
悲 觀 及 慈 觀 常 願 常 瞻 仰
“Chân quan thanh tịnh quan quảng đại trí tuệ quan,
Bi quan cập từ quan thường nguyện thường chiêm ngưỡng”
(4) 特 地 起 樓 臺 鴻 嶺 藍 江 環 左 右
[…]天 懸 日 月 鶴 朝 蘭 提 繞 東 西
Đắc địa khởi lâu đài Hồng lĩnh Lam giang hoàn tả hữu
[…] thiên huyền nhật nguyệt hạc triêu lan đề nhiễu Đông Tây.
(5) 佛 日 增 輝 永 永 長 春 光 宇 宙
法 輪 常 轉 綿 綿 滿 月 照 樓 臺
Phật nhật tăng huy vĩnh vĩnh trường xuân quang vũ trụ
Pháp luân thường chuyển miên miên mãn nhật chiếu lâu đài
(6) 一 塵 不 染 菩 提 地
萬 善 同 歸 般 雅 門
Nhất trần bất nhiễm Bồ Đề địa
Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn.
(7) 梵 宇 巍 峨 一 切 有 情 皈 六 覺
蓮 臺 燦 爛 十 方 諸 佛 誋 菩 提
Phạn vũ nguy nga nhất thiết hữu tình quy lục giác
Liên đài xán lạn thập phương chư Phật kỵ Bồ Đề.
(8) 金 容晻曖 菩 提 樹 發 拂 春 花
玉 殿 輝 煌 優 钵 花 開 迎 慧 日
Kim dung yêm ái Bồ Đề thụ phát phất xuân hoa
Ngọc điện huy hoàng Ưu Bát hoa khai nghênh tuệ nhật
(9) 寶 相 巍 峨 億 萬 人 天 皆 敬 仰
金 容 皓 蕩 三 天 世 界 盡 依 瞻
Bảo tướng nguy nga ức vạn nhân thiên giai kính ngưỡng
Kim dung hạo đãng tam thiên thế giới tận y chiêm.
(10) 慧 日 中 天 一 朵 曇 花 鋪 美 景
慈 雲 敷 大 地 四 辰 法 雨 潤 群 生
Tuệ nhật trung thiên nhất đóa Đàm hoa phô mĩ cảnh
Từ vân phu đại địa tứ thời Pháp vũ nhuận quần sinh
e. Thư tịch
Điều đặc biệt trong cả hai lần khảo sát với trên 20 ngôi chùa ở xứ Nghệ, chúng tôi được gặp gần 30 cuốn Tam tạng Phật giáo quý, được các ni sư, Phật tử cũng như dân địa phương ở chùa Sư Nữ tôn kính và trân trọng. Trước đây, sư trụ trì đóng tủ để Kinh đặt trên tam bảo như Pháp khí quý để Phật tử, nhân dân và du khách cùng được chiêm bái. Sau này, một phần do hiện trạng văn bản cần được gia cố bảo tồn, một phần do trong kinh sách có dấu vua áp thì sinh tâm lý muốn bảo tồn kỹ lưỡng hơn[12]. Đó là những cuốn:
(1) Kinh Âm Dương phổ độ (Hoàng triều Khải Định tứ niên);
(2) Đại Thừa khởi tín luận;
(3) Đại thừa chỉ quán;
(4) Đại phương quảng Liễu nghĩa Đà-la-ni liễu nghĩa kinh;
(5) Đại Tạng kinh (Bảo Đại Quý Mùi niên);
(6) Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện kinh;
(7) Địa Tạng Kinh do Hội Việt-Nam Phật giáo xuất bản, in tại nhà in Đuốc Tuệ Phật lịch 2514.
(8) Thọ mệnh hồng danh Mạnh lan phần kinh (Bảo Đại Canh Thìn mạnh đông);
(9) Thọ mệnh Đà-la-ni kinh hồng danh bảo sám (Bảo Đại Canh Thìn niên thất nguyệt vọng);
(10) Dược sư bản nguyện kinh (Khải Định Nhâm Tuất mạnh đông cát nhật trùng khắc) (2 cuốn);
(11) Duy thức phương tiện đàm;
(12) Quán Lăng già A bạt đa la bảo kinh (4 cuốn);
(13) Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao (2 cuốn);
(14) Diệu Pháp Liên Hoa kinh;
(15) Kim Cương chân sớ;
(16) …
Các cuốn Tam tạng Phật giáo này đều được in bằng chữ Hán, hiện tại còn thấy có những phần phiên âm chữ quốc ngữ bên cạnh. Cho nên, chúng tôi cho rằng đây có thể là sách do các sư tổ sử dụng tu tập, rồi để lại cho các hệ hệ sau, vì trên đó còn có bút tích của các vị này. Nhìn vào số lượng những cuốn Tam tạng Phật giáo này, nếu so với tình hình chung của văn bản Tam tạng Hán Nôm tại các chùa xứ Nghệ hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là những cuốn Tam tạng Hán Nôm quý và hiện tại đang được các thầy chùa, Phật tử và nhân dân nơi đây trân trọng những báu vật truyền đời.
2. Một số giả thuyết rút ra từ nghiên cứu Di sản văn hóa Hán Nôm chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ)
a. Cần Linh, Linh Cần hay Linh Vân?
Nếu tính biển tên thì chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ) có hai biển tên. Cả hai đều được lần lượt treo ở trước bảo điện. Căn cứ vào bức hoành phi đang được treo ở đây, người dân địa phương cũng như trong hồ sơ di tích của Ban quản lí di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An, chùa có tên là “Cần Linh”. Hoành phi đó là: 寺 靈 勤 [13]
Theo Ni sư trụ trì Thích Diệu Nhẫn cũng như đông đảo Phật tử và người dân xứ Nghệ hiểu “Cần Linh” có nghĩa là “Ai cần gì tới đây cầu đều được linh ứng ngay”. Đó phải chăng là ý nguyện của dân gian, và tên chùa cũng mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Điều này khá giống với trường hợp tên gọi của chùa Hến (chùa Chợ Hến) ở xã Hưng Yên huyện Hưng Nguyên và chùa Mé ở xã Yên Sơn huyện Đô Lương[14]. Hiện tượng này có thể xem là tên chữ của chùa đã được dân gian hóa.
Từ các phương án đọc hoành phi (biển tên) này, chúng tôi đưa ra các giả thuyết sau. Nếu theo thứ tự thông thường từ trái phải qua trái là “Cần Linh tự” (chùa Cần Linh, như hiện nay chùa được gọi), nếu đọc giữa trước hai bên sau là “Linh Cần tự” (chùa Linh Cần, như tên gọi trên quả chuông Linh Cần tự chung) thì:
Thứ nhất, nếu chỉ nghiên cứu trên mặt chữ Hán thì “Cần Linh” hay “Linh Cần” có thể hiểu là “rất siêng cần”, ý nói về tâm thế và thái độ tu tập của tăng ni dưới mái chùa. Vậy có thể vua Tự Đức ban tặng biển tên này vừa có sự khen, vừa có sự động viên khích lệ tăng ni phật tử ở chùa này chăng?
Thứ hai, nếu nghiên cứu về ngữ âm lịch sử, đây có thể là từ tiếng Việt có tổ hợp phụ âm đầu được ghi bằng hai chữ Hán. Người Việt xưa dùng hai chữ Hán, hoặc hai chữ Nôm, hoặc một chữ Hán và một chữ Nôm để ghi những từ có tổ hợp phụ âm đầu như kl, bl, ml …[15]. Trong tiếng Việt cổ của chúng ta đã từng tồn tại nhiều từ có tổ hợp phụ âm đầu. Người Việt muốn biểu thị “trời” thì nói “blời”, ghi là 巴 + 坘; muốn biểu thị “trăng” thì nói “blăng”, ghi là 巴+ 陵; muốn biểu thị “trả” thì nói “blả”, ghi 巴 + 呂 …[16] Do vậy, nếu theo cách giải thích này, từ Cần và Linh có thể là kết hợp của hai chữ Hán để đọc một âm tiếng Việt, chúng tôi đoán có thể “Cần” kết hợp với “Linh” thành “Klinh” thành “Xinh” chăng? Có thể ý nói đây là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, trước khi ni sư Thích Diệu Nhẫn cho treo bức寺 靈 勤 (Cần Linh tự) thì đã có một bức 寺 雲 靈 (Linh Vân tự: chùa Linh Vân, “linh vân” là “mây thiêng”) treo lên trước đó.
Như vậy, có bức hoành phi, có mô tả chùa với phong cảnh và giếng gần giống với chùa Cần Linh. Cho nên, nhiều người cho rằng chùa Cần Linh là chùa Linh Vân. Và cho rằng chùa đó do Cao Biền[17] xây dựng tức là vào khoảng năm 866-874. Chúng tôi cho rằng đây vẫn chỉ là giả thuyết.
Từ việc nghiên cứu Di sản văn hóa Hán Nôm tại chùa Sư Nữ, chúng tôi thấy có những giả thuyết về niên đại:
Thứ nhất, có thể đã có chùa Linh Cần (Cần Linh) và chùa Linh Vân khác nhau cùng tồn tại trên xã Yên Trường này. Và niên đại của chùa Linh Vân được Đại Nam nhất thống chí[18] khẳng định là vào đời Cao Biền (866-874), còn chùa Linh Cần (Cần Linh) muộn nhất được xây dựng trước đời vua Tự Đức (vì bức寺 靈 勤là do vua Tự Đức tặng cho chùa). Mỗi chùa có một chuông và một biển tên riêng: chùa Cần Linh (Linh Cần) có biển tên寺 靈 勤 và quả chuông靈 勤 寺 鍾; chùa Linh Vân có biển tên寺 雲 靈 và một quả chuông靈雲 寺 鍾. Tuy nhiên, sách Đại Nam nhất thống chí này do Quốc sử quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức biên soạn, gồm 28 tập với 31 quyển. Nếu thời điểm Tự Đức tới đây đã có chùa Linh Cần (tồn tại song song với chùa Linh Vân) thì không lẽ các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn bỏ sót không ghi vào Đại Nam nhất thống chí mà chỉ ghi chùa Linh Vân ở xã Yên Trường?
Thứ hai, có thể chùa Linh Cần (chùa Cần Linh, chùa Sư Nữ) chính là chùa Linh Vân. Có thể trước khi vua Tự Đức ban tặng biển寺 靈 勤 thì chùa này từng có tên là chùa Linh Vân như Đại Nam nhất thống chí[19] đã chép. Giả sử họ ghi đúng sự thực, không bỏ sót chùa nào trên xã Yên Trường ngày ấy, thì tên Linh Cần (Cần Linh) đã xuất hiện sau khi ra đời Đại Nam nhất thống chí, và từ đó về sau người dân chỉ còn biết tới tên Cần Linh (Linh Cần) mà thôi. Và chùa Cần Linh (Linh Cần) ngày nay có niên đại xây dựng là niên đại xây dựng chùa Linh Vân ban đầu, tức là từ thời Cao Viên, khoảng thế kỷ I trước công nguyên. Song vì khoảng thời gian từ khi xuất hiện dòng ghi chép về chùa Linh Vân ở trang 191 Đại Nam nhất thống chí tới thời điểm xuất hiện biển tên寺 靈 勤chưa có tư liệu nào ghi chép để cho một sự liên hệ logic giữa Linh Vân và Cần Linh (Linh Cần), mà các học giả hiện nay chỉ phỏng đoán dựa trên những cứ liệu như trên. Việc cho rằng chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ) là chùa Linh Vân xưa là việc có nhiều căn cứ hơn cả, nhưng theo chúng tôi đây vẫn chỉ là giả thuyết, chưa thể khẳng định chắc chắn được.
Như đã nói ở trên, chúng tôi giới thiệu Di sản văn hóa Hán Nôm ở chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ) nhằm giới thiệu về một ngôi chùa có Di sản văn hóa Hán Nôm còn khá đầy đủ. Qua đó, tác giả bài viết mạnh dạn đưa ra giả thuyết về tên gọi cũng như niên đại của ngôi chùa. Ngoài ra, hiện tại nơi đây còn một bia đá, nghe nói nội dung có liên quan đến tên gọi của chùa, theo sư trụ trì nói sẽ được công bố cùng tên gọi mới của chùa đó là điều mà chúng tôi rất quan tâm. Sau này, nếu có điều kiện, chúng tôi mong muốn sẽ được tiếp tục công việc nghiên cứu.
*Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Thuận Hóa.1992, 13x19cm, 456tr (tr.191-193). Lúc bấy giờ Nghệ An bao gồm cả huyện Nghi Lộc, Đức Thọ, Can Lộc.
[2] Theo Trưởng ban Ban quản lí Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An hiện nay – ông Nguyễn Văn Thanh cho biết trong buổi họp tiếp Đoàn khảo sát Viện Nghiên cứu Tôn giáo lúc 8h30 ngày 28/06/2012 tại trụ sở của Ban.
[3] Thống kê theo Hồ sơ di tích tỉnh Nghệ An.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Thuận Hóa.1992, 13x19cm, 456tr (tr.191-192)
[5] Theo thông tin trong phần Ni sư Thích Diệu Nhẫn trả lời phỏng vấn của chúng tôi lúc 16h20 ngày 27/6/2012 tại chùa Sư Nữ.
[6] Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An, Lý lịch di tích chùa Cần Linh, 1991, trang 7
[7] Tam Tạng Sa Môn Thực Xoa Nan Đà dịch ra tiếng Phạn ra Hán văn. Sa Môn Trừng Quán viết tựa năm Sùng Trinh 7 (1634). Đệ tử Thuận Đức Lưu Khởi Tướng viết dẫn. Minh Chiêu Liệt Đế viết tựa năm Sùng Trinh 10 (1637). 1 bản in (bộ: 5T, 80Q, 99 phẩm), 518 tr., 32 x 20, 2 tựa, 1 dẫn, 1 phẩm mục. Ký hiệu: AC.468/1-5. (Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm). Nội dung: Những lời giảng giải của Phật về tông chỉ đạo Phật và phương pháp tu hành, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi vùng luân hồi...
[8]妙法蓮花經觀世音菩薩普門品, 2 bản in, 24 tr., 29 x 18. ký hiệu AC.111 (đóng chung với AC.115), Paris.SA.PD.2398 (Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm). Nội dung: Phẩm Phổ môn trong bộ kinh Diệu pháp liên hoa (Q7) nói về phép mầu nhiệm của Quan Thế Âm Bồ Tát và sự linh ứng khi cầu Phật, tụng kinh này. Trong đó, có đoạn viết về hạnh tu của ngày Quan Thế Âm như sau: “Sở ư văn trung, nhập lưu vong sở, sở nhập kỳ tịch, động tịnh nhi tướng, liễu nhiên bất sanh, như thị tiệm tăng, văn sở văn tận, tận văn bất trụ, giác sở giác không, không giác cực viên, không sở không diệt, sanh diệt dị diệt, tịch diệt hiện tiền, hốt nhiên siêu diệt, thế xuất thế gian thập phương viên minh, hoạch nhi thù thắng, nhất giả thương hợp thập phương chư Phật, bổn diệu giác tâm, dư Phật Như Lai, đồng nhất từ lực, nhị giả, hạ hợp thập phương nhất thiết lục đạo chúng sanh, dữ chư thánh chúng đồng nhất bi ngưỡng”.
[9] “Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chi Phật giáo.” Nghĩa là “Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy, lời chư Phật dạy.)
[10] 梁皇寶懺 , Đỗ Soạn viết tựa năm Thiệu Trị 7 (1847), 2 bản in (10Q). Ký hiệu: AC.276/1-2: 738 tr., 31.5 x 20.5, gồm các thiên: Quy y, Sám hối, Quả báo… nhằm khuyên người đời làm điều lành, tránh điều ác để được hưởng phúc. Quyển 10 có đoạn:“Thập nguyện mãn nhi chơn không nguyệt lãng, tu hành thập địa, thập chướng đoạn, nhi giác uyển hoa khai.” (Mười nguyện đã đủ thì chân không nguyệt lãng, tu hành thập địa, thập chướng đoạn trừ thì hoa nở vườn giác)
[11] Gần tương tự với đôi câu đối này, tại cổng chùa Lạng Côn (Sùng Khánh tự) ở xã Đông Phương huyện Kiến Thụy Hải Phòng cũng có: “Cửa từ bi đông khách siêu phương/ Đức trí tuệ soi đường bác ái”.
[12] Theo Ni Sư Thích Diệu Nhẫn, trụ trì chùa Sư Nữ, trả lời phỏng vấn của chúng tôi lúc 16h55 ngày 27/6/2012 tại chùa Sư Nữ.
[13] Trên dòng lạc khoản có ghi là do vua Tự Đức ban tặng.
[14] chùa Chợ Hến ở xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, người dân địa phương cho rằng nơi đây xưa kia có chợ bán hến vớt từ sông Lam, trong khi đó tên chữ của chùa là “Hiến Sơn tự”. Thực tế, chùa Hiến Sơn có thể gọi tắt là chùa Hiến, do ảnh hưởng của âm địa phương có thể biến thành chùa Hến. Chùa Mé hay chùa Phúc Mỹ ở xã Yên Sơn huyện Đô Lương cũng vậy, người dân địa phương giải thích do chùa ở mé làng nên gọi là chùa Mé, nhưng cũng có thể gọi tắt là chùa Mỹ rồi biến âm sang chùa Mé.
[15] Trong Từ điển Việt–Bồ–La của Alexander de Rhodes còn ghi lại khá nhiều những âm này.
[16] Trong thơ Hồng Đức, thơ Nguyễn Trãi… còn ghi lại những từ có phụ âm đôi này.
[17] Cao Biền là một viên tướng nhà Đường được vua Đường Ý Tông cử sang An Nam làm Tiết Độ Sứ (từ Bính Tuất – 866 đến năm Giáp Ngọ 874 niên hiệu Hàm Thông)
[18] Đã dẫn
[19] Đã dẫn
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết