NHÌN THẤU-BUÔNG XUỐNG
NHÌN THẤU-BUÔNG XUỐNG
HUỲNH VĂN ƯU
Chúng ta đi chùa thường nghe quý thầy, quý sư dạy nào là đời vô thường, buông bỏ. Trong câu chuyện, chúng tôi muốn nói hôm nay có hai vế (ý) là “nhìn thấu” và “buông xuống”. Phật tử đi chùa chỉ nghe quý thầy dạy mỗi một vế buông xuống, khi về nhà cho đó là lời Phật dạy rồi công ăn việc làm gần như để qua một bên (quên hết bỏ sạch), nếu có làm cũng không thiết tha cho lắm, bởi đời vô thường chết nay sống mai nào có gì bền lâu, mọi việc đều buông bỏ. Chắc vì có suy nghĩ như thế, nên chúng ta thấy không ít người đi chùa, gia đình không êm ấm mà lại có chuyện lục đục cãi vã mất đi hạnh phúc. Điều nầy chúng ta cần phải quan tâm, giải thích tường tận để Phật tử hiểu đúng và làm đúng. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Người đời thường cho rằng sống một kiếp người có ý nghĩa là phải làm cái nầy cái nọ, lưu danh hậu thế, nhưng xin thưa: Sống một kiếp người mà không biết tu thì xem ra quá uổng phí, vì dù có làm được gì thì cuối cùng cũng phải đoạ lạc trong ba đường dữ, có để lại được gì cho con, cho đời thì cuối cùng họ cũng bị đoạ lạc như chúng ta mà thôi. Đức Phật khuyên chúng ta nên hiểu bản chất kiếp người là Vô thường, là Khổ là Không để chúng ta buông xả, tâm không làm điều ác chứ không phải vô trách nhiệm không làm gì hết. Mặt khác, đức Phật lại nói kiếp người rất quý, phải biết tận dụng từng phút giây để sống cho có ý nghĩa, lợi người lợi mình. Nhìn thấu là nhìn thấu suốt, tất cả pháp thế gian và xuất thế gian hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ sự thật, hiện tượng rồi còn hiểu rõ nhân quả, đây mới gọi là hiểu thấu. Còn buông bỏ là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt chấp trước, buông bỏ kiến tư phiền não buông bỏ vô minh phiền não, buông bỏ trần sa phiền não, không phải buông bỏ tất cả mọi việc, không được hiểu sai. Trên con đường tu tập, trong đời sống hàng ngày chúng ta thường gặp những chuyện không vừa ý, tâm tham, sân, si liền nổi lên, đây là ba độc dẫn đến ba đường ác, khi quả báo đến mới thức tỉnh thì đã muộn. Chính điều nầy, chúng ta cần phải suy nghĩ rõ ràng trước khi làm, đem những điều này giảng nói cho mọi người thông hiểu, để tự quan sát, phản tỉnh. Một khi thất bại trong cuộc sống, hay mất mát chút ít tiền tài, một lời nói trái nghịch người khác đem đến cho mình thì sinh ra bực dọc, nổi giận đùng đùng đem lòng hận thù, đôi khi còn nói hãy đợi đấy (quyết trả thù mười năm chưa muộn). Bởi vì dính mắc tham, sân, si, phiền não không buông, nhưng nào có biết đó chỉ là: Mộng huyễn bào ảnh:
“Nhất thiết hữu vi pháp 一切有为法
Như mộng huyễn bào ảnh 如夢幻泡影
Như lộ diệc như điển 如露亦如電
Ưng tác như thị quán” 應作如是觀
Trong kinh Niết-bàn cũng nói:
“Chư hành vô thường; (諸行無常
Thị sinh diệt pháp; 是生滅法
Sinh diệt diệt dĩ; 生滅滅已
Tịch diệt an lạc” 寂滅安樂)
Trên bước đường tu tập, hành giả nên tránh nơi ồn náo mới buông bỏ tranh luận đúng sai, trách cứ, buông bỏ quá khứ, buông bỏ biếng nhác, tiêu cực, không sợ hãi trước khó khăn; còn phải buông bỏ thị phi, khi ta làm việc thiện lành, xả thân cho đời như bố thí, từ thiện… Nói chung là chuyện xã hội, ta làm tốt ít người quan tâm mà lại có nhiều lời ra tiếng vào, khi gặp nghịch cảnh ta cũng quyết buông bỏ mới đi đến thành công. Buông bỏ xấu ác thị phi thì có nhiều, là phàm phu trên bước đường tu tập, ta phải nhìn thấu rồi mới buông bỏ, đừng mới nghe hai chữ buông bỏ rồi vội về nhà buông bỏ hết, kể cả cơm ăn cũng buông bỏ thì còn gì tánh mạng để tu tập, ta hãy xem những vật chất, những điều kiện chỉ là phương tiện đừng bám chặt lấy nó. Ngày xưa, đức Phật tu khổ hạnh sáu năm chỉ còn da bọc xương, nếu Phật tiếp tục như thế thì hôm nay ta đâu được lời giáo huấn, nhờ bát sữa của thiếu nữ Tu Xà Đa mà đức Phật tiếp tục sống và đạt được bậcVô thượng Chánh Đẳng chánh giác.
Ở cõi đời nầy, chúng ta chỉ là khách qua đường, trải qua biết bao cảnh sinh ly tử biệt, những cơn mưa gió bão bùng, những ngày nắng nóng cháy da, rồi còn bôn ba cuộc sống mệt nhọc, lúc khóc, lúc cười, khi tủi nhục, quạnh quẻ, cô đơn, bụi trần đắng cay, ngọt bùi nếm đủ. Đời người là một chặng đường tu dưỡng, chúng ta đã trải qua, hiểu biết nhiều thêm, có cái nhìn sáng suốt hơn, nên phải nhận ra rằng, biết buông bỏ đúng lúc, kịp thời (không sợ mê, mà sợ giác chậm) thì con đường nhân sinh trước mắt, càng bước càng nhìn rõ phương hướng đường đi lối về, càng bước lại càng thấy thênh thang, bất tận, cuộc sống như bất động, chan hoà giữa ánh sáng ban mai.
Sống không giận hờn không oán trách
Sống mỉm cười trước thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hoà với những người cùng sống
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa vòng đời vạn biến.
Trong “Kinh Kim Cang” mục đích chính là khuyên bảo dạy dỗ chúng ta hiểu rõ thấu suốt bản chất chân tướng của vạn sự vật, buông xả tất cả, chân thành niệm Phật cầu sanh tịnh độ. Ngoài ra, đức Phật thuyết “Kinh Bát Nhã” hai mươi hai năm, mục đích là dạy chúng ta “Nhìn thấu; Buông xuống”. Tại sao hai mươi năm giảng kinh Bát Nhã, cuối cùng chung quy lại bốn chữ “Nhìn thấu; Buông xuống”. Con đường tu tập Phật pháp tóm lại không rời “Giới, Định, Tuệ”. Giới chính là nắm giữ Phật pháp quy củ mà đức Thế Tôn đã dạy. Điểm then chốt vô cùng quan trọng của việc tu hành chính là “Định”, “Định” chính là tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì đối với nghịch cảnh hay thuận cảnh đều tu tập được cả, chẳng còn bị hoàn cảnh quấy nhiễu, hoặc làm ô nhiễm. Khi có Định thì phát sinh Huệ, Huệ chính là nhận thấu (rõ) việc thiện ác, đúng sai, đây là trí huệ chân thật, tuyệt đối. Chúng ta sống ở thế gian phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm, dù gặp phiền não đừng để tâm dính mắc, chấp trước vào công việc. Khi tâm dính mắc mà không buông xuống thì dù làm nhiều hay ít làm cũng không lợi lạc gì cho mình và người. Kinh “Kim Cang” nói “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.
Chúng ta không nhìn thấu và không buông bỏ thì nghìn thu vẫn ở trong vòng sinh tử khổ đau. Trong cuộc sống hàng ngày cho chúng ta thấy rõ những người dính mắc không buông bỏ như những người nghiện ma tuý, dù được nhà nước cho đi cải tạo, khi về người nào bỏ được thì cuộc đời thay đổi, người nào không bỏ được thì lao vào đường cùng bế tắc trong cuộc sống. Đó hình ảnh cụ thể trong xã hội hiện nay ai cũng thấy cũng biết, còn biết bao điều dính mắc về thị phi, hơn thua, nhân ngã đưa đến thân bại danh liệt, phiền não khổ đau của con người xoay quanh 12 từ: “Buông không đành; nhìn không thấu; nghĩ không thông; quên không được”.
Chúng ta hãy nhìn lại trong kinh Niết-bàn có nói lúc Phật tu nhân, khi còn là Bồ-tát, vì cầu nửa bài kệ mà xả toàn thân, có lẽ nhiều vị đã biết rồi, nhưng cũng cần nhắc lại để nói lên việc buông bỏ là cần thiết cho bước đường tu tập. Do vì tâm đức Phật cầu pháp tha thiết, thiên thần trông thấy, trời Đế Thích trông thấy, cố ý biến thành một con quỷ La Sát đến nói hai câu kệ: “Các hành vô thường, Là pháp sinh diệt” rồi không nói tiếp phần sau. Người cầu pháp liền hỏi “Còn phần sau thì sao?”. Quỷ nói: Phần tiếp theo ta không có sức, nên nói không nổi nữa, bụng ta đói, không có gì để ăn. Người ấy nói: -Ngài muốn ăn gì? - Ta muốn ăn thịt người. Bồ tát (đức Phật) liền phát tâm: “Tôi sẽ xả thân, trao cái thân nầy cho Ngài, xin Ngài nói nốt hai câu cuối được chăng?”. Vì pháp xả thân. Quỷ La sát thấy Bồ tát thành tâm như thế, nói hai câu kệ cuối xong, Bồ tát thật sự xả thân mạng để cúng dường. Hai câu kệ cuối là: “Sanh diệt dứt rồi, Tịch diệt là vui”. Khi ấy, quỷ bèn hiện lại thân Đế Thích, cúng kính lễ bái, cúng dường người ấy. Đấy là chuyện khi còn tu nhân, Phật đã xả thân cầu pháp, chẳng tiếc thân mạng, vì cầu đạo vô thượng, sao chúng ta không theo gương Phật mà cố bám víu vào danh văn lợi dưỡng, như thế có uổng phải một đời chăng?
Trên bước đường tu, chúng ta không buông xả được như đức Phật thì ít ra trong sinh hoạt thường nhật, trong công việc sinh sống hàng ngày, xử thế, đãi người, tiếp vật cũng phải buông bỏ phiền não, vọng tưởng, không phân biệt chấp trước thì việc tu tập mới đạt được lợi ích, nếu bằng trái ngược thì con đường phía trước mờ mịt chẳng có hy vọng đôi khi còn nguy hiểm khôn lường, nguyên nhân do nắm chặt không buông bỏ gây nên. Hãy nhìn chú khỉ kia cũng vì tham đắm chút lợi dưỡng mà tánh mạng không còn: Người đánh bẫy khoét bề mặt trái dừa một lỗ vừa tay chú khỉ thò vào khi tay không nắm lại, rồi người thợ săn bỏ ít đậu phộng vào trái dừa và đặt nơi bầy khỉ thường lui tới và để ít đậu phộng chung quanh trái dừa. biết chắc sớm muộn gì chú khỉ háu ăn xấu số cũng mò tới, trước nó ăn hết hạt đậu trên mặt đất, rồi sẽ tìm thấy quả dừa bên trong có đậu phộng, chúng rất khoái chí thò tay vào trái dừa để lấy đậu phộng ăn, nó sẽ không rút tay ra được vì bấy giờ đang nắm chặt giữ lấy đầy các hạt đậu phộng, dù cố gắng xoay xở để rút tay ra nhưng cũng không thể thoát được. Điều chú khỉ muốn thoát là phải buông bỏ những hạt đậu để được tự do, nhưng nó không muốn làm điều đó, cho nên cái chết không thể tránh khỏi. Đó cũng là bài học không buông bỏ, cố nắm chặt chỉ vì một ít lợi dưỡng mà phải chịu khổ đau. Cho nên trong đời sống hàng ngày chúng ta phải tập buông xả để thoát khỏi khổ đau và có được nhiều hơn. Sách “Gia ngôn lục” từng nói: “Khi trong tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì bạn chỉ có mỗi thứ ấy, nếu bạn chịu buông xuống, thì bạn mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nhất định nào đó mà thôi”.
Để trang bị mình có bài học “Nhìn thấu và buông xuống”, chúng ta phải nắm được cương yếu, tổng cương lãnh của Bát Nhã. Điều nầy cổ nhân đã làm thay cho chúng ta rồi, bây giờ chúng ta chỉ dựa theo kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa tiện lắm. Giản tiện tinh yếu hơn nữa thì có lẽ mỗi vị đồng tu hàng ngày nên niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, hai trăm sáu mươi chữ. Chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của mình. Về phương diện ứng dụng Bát Nhã, chúng ta chỉ cần nắm được hai câu cuối trong một bài kệ của kinh Kim Cang: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, hai câu nầy diễn tả là “buông xuống” (phóng hạ) và bài kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang “Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị quán” (Hết thảy các pháp hữu vi, Như mộng huyễn, bọt, bóng, Như ánh chớp, như giọt sương, Nên thường quán như vậy) Bốn câu kệ nầy “thấy thấu suốt” (khám phá). Dùng bốn câu kệ nầy để thấy thấu suốt hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Đức Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, thậm chí hết thảy chư Phật vì chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, toàn bộ là pháp hữu vi. Pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt nước, ảnh. Vì thế Phật mới bảo “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp). Hai câu kệ trước và bài kệ nầy là nói đến thấy thấu suốt và buông xuống, có thể thấy thấu suốt và buông xuống được thì chẳng cần biết là tu học theo tông phái nào hay pháp môn nào, quý vị đều có thể thành công trên bước đường giải thoát. Nếu quý vị buông xuống thì quý vị mới thực sự cầu đạt giải thoát. Chữ “giải” nầy là giải trừ, giải trừ hết phiền não ràng buộc. “Thoát” là thoát ly lục đạo sanh tử luân hồi. Người thật sự giác ngộ đối với những sự nghiệp thế gian đều buông xuống hết. Nói “sự nghiệp thế gian” là chỉ những sự nghiệp tạo luân hồi lục đạo mà thôi.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết