Thông tin

NHỚ MẸ, CÀI BÔNG TRẮNG!

NHỚ MẸ, CÀI BÔNG TRẮNG!

 

NHUẬN NGHI

 


 

1. Những ngày gần Vu lan năm 2018, tôi thường về thăm mẹ, để mẹ vui hơn với tuổi già 92. Tôi biết mẹ chẳng bao giờ trách con ít về thăm nhà mà chỉ mong chờ, vì tôi luôn xa nhà từ hơn 50 năm nay.

Tôi nhớ mẹ, nhất là những ngày vào Vu lan tại các chùa, tại các nơi học Phật như chùa Xá Lợi danh tiếng từ thế kỷ trước.

Tôi nhớ, lúc ba tôi mất, mẹ còn chưa già, mới 37 tuổi; nhưng mẹ đã “gồng mình” nuôi 5 anh em tôi, bấy giờ “cô Út” chỉ mới 5 tuổi, không chịu mặc áo tang trắng, còn tôi 10 tuổi, trực tiếp bên cha lúc người lìa đời; gia đình “tứ cố vô thân” vì quê nội xa xôi, không thể biết khi đất nước chia hai từ 1954, còn quê ngoại nghèo ở miền Trung cũng không nương tựa được. Ôi, cảnh nghèo đáng thương, nhờ mẹ cáng đáng buôn bán tảo tần, nhờ láng giềng cứu giúp, có những người thân thiện ở chợ giúp vốn và ủng hộ cách làm ăn; nhờ vậy nên chúng con được trưởng thành; nhưng tôi nhớ từng bữa ăn thiếu kém, và không ý thức đến việc nghèo song biết thân phận mình nghèo nên không hề đòi hỏi gì. Năm 13 tuổi, tôi thi đậu vào trường công ở Sài Gòn, cách quê nhà hơn 15 km, đó là vận may hơn là thực giỏi. Sài Gòn là nơi cha mẹ từng ở, nơi cha từng hoạt động nội tuyến, bị tù và luôn ở nhà thuê nghèo và thường dời nhà để tránh bọn mật thám thời Tây cai trị.

Được đi học, tôi phải nhờ ơn mẹ suốt kiếp này. Tôi nhớ rõ, sau khi học xong tiểu học ở xã nhà (là lứa đầu tiên của tiểu học ở xã), tôi có xin mẹ cho đi học sửa xe như những người con trai của bác Sáu gần nhà, và mẹ đã nói: “Con là con trai, anh con đã không thể học, vậy còn lại con, con cố gắng đi học”.

Năm 13 tuổi, rất may tôi đã thi đậu vào lớp đệ thất trường công ở Sài Gòn, việc đó dần đổi đời tôi thành người đô thị; năm đó đã trễ đi 2 năm so với độ tuổi học trò bấy giờ. Từ năm 17 tuổi tôi học quyết liệt, thi tuyển đậu vào trường chuyên nghiệp (nông lâm súc) và được hoãn dịch, mỗi năm là việc học, thi cử rất căng để được hoãn dịch, và tôi đi học cho đến ngày giải phóng 30-4-1975, năm 1976 tốt nghiệp đại học (có lẽ là người đậu cử nhân đầu tiên của xã nhà).

Tôi nhớ, sau những năm ba mất, mẹ thờ cúng Phật và thờ gia tiên rất nghiêm. Mẹ tu theo pháp môn Tịnh độ, cúng lạy Phật mỗi đêm; và tôi là con trai ở nhà nên là người thắp hương (gọi là đốt nhang) mỗi ngày vào chiều tối. Không biết tôi có ý thức là người Phật tử từ lúc nào, song tôi ít thân thiện với bạn gái theo đạo Thiên Chúa để không vướng vào việc tình duyên khó xử với gia đình. Bấy giờ, chùa Pháp Hoa bắt đầu xây dựng, tôi có lên làm công quả được ít ngày, nhưng cảm giác thẹn chưa vui như sau này. Chùa xây dựng xong vào lúc tôi đi học ở Sài Gòn nên không biết rõ, nhưng còn nhớ ngày quy y tại chùa, được thầy Hạnh Đạt truyền đạt ngũ giới, tôi luôn ý thức giữ gìn giới nào mình làm được, như không tham lam, sống trung thực tức không nói dối, làm việc thiện khi có thực tế cần giúp người.

Tôi ở Sài Gòn, dù thiếu kém nhiều, song cũng có chiếc xe đạp để đi học, đi chơi cùng bạn bè, đi Hướng đạo thay vì đi “Gia đình Phật tử” như anh em ở quê nhà. Bấy giờ, tôi thường đến chùa Xá Lợi, được nghe giảng về kinh “Pháp cú tỷ dụ”, chưa có nhiều kinh sách tiếng Việt để học và đọc như ngày nay nên thực tế hiểu biết Phật pháp rất đơn sơ, thường được đọc và ngưỡng mộ chuyện tiền kiếp của Đức Phật, nên việc giữ ngũ giới thì có được nghĩ tới khi ứng xử hàng ngày, như phụ khiêng, đẩy đồ vật của ai đó lúc tắt ngặt, giúp người bị nạn trên đường...

Lễ Vu lan những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 ở Sài Gòn rất sôi động. Bài hát “Bông hồng cài áo” được vang lên không chỉ ở các chùa mà rộng ra xã hội, hình như có lên đài phát thanh... cổ vũ Phật tử, nhắc nhở đạo hiếu, thấu động lòng người. Bấy giờ, tôi mồ côi cha nhưng còn mẹ, rất tự hào với đóa hồng trên áo và luôn nhớ về mẹ. Tuổi trẻ chỉ nhớ chung chung, chưa ý thức trách nhiệm như bây giờ.

Tôi nhớ có lần về thăm mẹ, buổi trưa ở nhà một mình, mẹ tôi bị một con rắn lành cắn vào mặt gần mắt, do mẹ tôi mắt bắt đầu bị cườm lấn nên không trông thấy rắn, dọn dẹp ở gần tủ đồ cũ, gần nó mà không biết, không tránh, không đuổi, không tự vệ nên bị nó cắn; rất may không độc. Bấy giờ, tôi đã nghĩ về tuổi già và sức khỏe của mẹ, báo động trách nhiệm của các con, trong đó tôi là con trai, được mẹ nuôi cho ăn học, chắc chắn phải có trách nhiệm lớn với mẹ. Lần khác, tôi nhìn thấy Người chăm chú nghe đài, nghe câu chuyện tiểu thuyết gì đó. Cách nghe rõ là của người lãng tai, tôi cũng nghĩ về tuổi đã già của mẹ, người họ ngoại tôi có căn bệnh lãng tai rất nặng, chỉ ngoài 50 là đã bộc lộ rồi; sau đó bà kể lại tôi nghe, tôi nhớ chữ “tài xế” mà mẹ tôi cứ nói là “tài xé” mà buồn cười, song không nói ra trước nét tự nhiên của mẹ.

Hiện nay, mẹ tôi già nhiều, tuổi đại thọ, bắt đầu lẩn thẩn, tôi học Phật đủ để kiên trì nghe mẹ hỏi chuyện nhà mình. Mẹ hỏi tôi lương hưu là bao nhiêu, lương hưu vợ tôi..., hỏi có đủ tiêu dùng không; hỏi như vậy hàng chục lần và tôi trả lời mẹ đúng thực chất, không nghi ngờ mẹ không tin nên hỏi nhiều lần. Có lần tôi nói vui rằng, bây giờ mà “má” còn hỏi thiếu đủ, hãy hỏi con “giàu” đến mức nào, bà cười rồi quên đi; nhưng tuần sau lại hỏi như vậy nữa. Đám con cháu tôi nói tôi kiên nhẫn, nhưng thực ra tôi ý thức để mẹ vui không bực bội vì chuyện hỏi hoài của mẹ.

Mẹ tôi đã phải cấp cứu ở bệnh viện huyện nhiều lần và ít nhất 5 lần ở các bệnh viện trên Sài Gòn. Khi nằm bệnh trên Sài Gòn, gia đình tôi chủ công mọi việc, nhất là tôi được dịp gần mẹ, chăm sóc việc ăn uống và được ăn chung bữa nhiều lần để mẹ vui và tôi cũng vui. Mới đây nhất, mẹ tôi vấp ngã khi lần mò thắp nhang nơi “bàn thiên” ngoài nhà. Tôi về ngày khi được tin xấu này, lo cho bà khổ thân nếu phải nằm ụ đến cuối cuộc đời. Cô Út tích cực nhất đưa mẹ đi bệnh viện huyện và tin cho tôi ngay. Hai anh em tôi theo xe cấp cứu về bệnh viện 115 để chẩn trị đúng mực, rất may không gãy xương hông, chỉ mẻ đầu gối phải băng bột, vỡ mặt sưng mắt rất đáng sợ nhưng coi như nhẹ; sau thẩm xét chính xác, chúng tôi (có thêm vợ con tôi) đưa bà về nhà lúc 3 giờ sáng sớm. Nguồn cơn này, tôi tự hứa mỗi tuần về thăm một lần, có việc khẩn cấp tôi về ngay. Gần hai tháng tịnh dưỡng thuốc thang trị liệu, luôn có các con cận kề, bà khôi phục dần và khá nhanh; song tuổi già thêm tai nạn làm bà yếu đi nhiều. Không phải lần đầu, chúng tôi lại nghĩ về ngày mẹ tôi qua đời. Một kiếp người đầy nỗi khổ, lo âu, và trách nhiệm với con, cháu, chắc.

2. Rồi chuyện đến phải đến, mẹ bệnh nặng, hấp hối rồi ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Hình ảnh những ngày sau té nặng vỡ xương mặt và đầu gối hết sức thảm hại, song mẹ tôi chóng lành bệnh, bên ngoài trở lại gần như bình thường, đi lại chậm chạp nhưng ít khi dùng tới gậy, chỉ dùng xe lăn khi đi khám bệnh mà thôi. Một điều hết sức đáng nhớ, bà đi thăm và ở lại hàng tuần các con cháu ở xa như Phước Hải, Long Thành, Sài Gòn..., ở lại nhà Út Tín, Nhơn Phương tại xã nhà, nói là để tiện việc chăm sóc ăn uống, thật tình muốn thật gần con cháu để trò chuyện. Nhiều chuyện thời còn trẻ của người, về cha của chúng tôi được bà kể đi kể lại nhiều lần, các cháu nội ngoại đều biết hết, thậm chí phì cười khi bà “lẩm cẩm”, và “thâu băng” lời bà làm kỷ niệm.

Lần cuối cùng vỡ kế hoạch khi mẹ định sau khi ở Long Thành, bà ra Phước Hải với đứa cháu nội gái lớn nhất. Lý do là bà trông thấy, cháu nó nhớ mẹ mới mất, ngồi tủi thân khóc một mình ở nhà (chồng đi làm, con đi học) bà muốn chia sẻ với đứa cháu gần 50 tuổi đời này. Bà trở mệt thường hơn (bệnh nhồi máu cơ tim), nên về lại xã nhà, dự báo có thể “ra đi”. Chúng tôi, các con cháu luôn xúm xít lo cho bà. Bà thường gọi tôi về vài ba ngày một lần, là đứa con trai làm chỗ dựa khi bà lâm nguy.

Hôm đó, đã sáu bảy giờ tối, bà cho gọi tôi về ngay. Tôi và con trai (cháu nội của bà) vượt gần 20 km về ngay; bấy giờ con cháu quây quần bên bà trên chục người. Bà không muốn lên bệnh viện nữa, có thể chết nên muốn ở nhà. Các cháu hỏi ý kiến tôi, tôi suy nghĩ, rồi đến bên tai bà nói rõ: “Má còn sống, còn cứu chữa, bác sĩ bệnh viện sẽ giúp, tụi con lo; má nên đi cấp cứu ngay”, các cháu nội nói thêm vào; may quá bà đồng ý, mọi chuẩn bị cấp tốc với xe hơi, đồ dùng cần thiết, lên đường vào khoảng 23 giờ.

Cuộc “chiến đấu” trên giường bệnh của bà hơn ba tuần, tuần cuối là bước ngoặt của cuộc đời đến, bà bị tai biến não, không nói được nữa, tay chân bên phải liệt không còn cử động; các anh em tôi cùng các cháu tụ tập về bệnh viện có lúc hơn 20 người, chỉ đứng ngoài phòng cấp cứu lo âu, rồi bàn tính việc làm đám tang sẽ đến trong đau buồn. Kiên nhẫn một tuần không chuyển biến, chúng tôi xin chuyển về nhà để lo “hậu sự”; vị bác sĩ trẻ đắn đo có khuyên chúng tôi giữ bà lại thời gian ngắn để xem chuyển biến gì không, song chúng tôi đã thấu tình máu mủ nên xin chuyển về nhà. Các phương tiện thở máy, ăn sữa bằng ống đưa qua mũi được tiếp tục làm nghiêm túc cho đến ngày bà ra đi, thêm gần một tháng chăm sóc tại nhà. Một tháng tưởng đã quá dài, thực tế có người sống thực vật như vậy cả năm hoặc vài năm mới mất; các anh em chúng tôi có mặt thường xuyên bên bà. Lúc bà hít hơi thở cuối cùng có đủ mặt các con, các cháu nội ngoại hơn chục người, được sinh hoạt trước không ai khóc để bà ra đi thanh thoát. Một kiếp người khốn khó nhiều hơn an lạc. Con cháu, dòng họ và xóm giềng ai cũng quý mến; đó là niềm hạnh phúc lớn của chúng tôi.

Như vậy, năm nay năm đầu tiên tôi cài trên áo bông trắng vì không còn mẹ, chia sẻ này sẽ đến với mọi người, hoặc trước, hoặc sau mà thôi!

Mẹ là nguồn hạnh phúc của chúng ta.

Mùa Vu lan năm 2019

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6797425