NHỚ VỀ NGƯỜI XƯA VÀ NAY
NHỚ VỀ NGƯỜI XƯA VÀ NAY
LIÊN PHƯƠNG
Mặt tiền chùa Xá Lợi
Khoảng bảy giờ tối ngày thứ ba 26/2/2013, tôi bắt đầu vào núi hướng về đỉnh Bảo Quang. Sáng nay, ngồi chung xe với “Ôn” Chùa Xá Lợi thì còn khỏe (đi dự lễ Đàn Dược Sư), bây giờ một mình, đường lên núi thì rất cao và xa… Trời tối. Tiếng động từ rừng với tiếng rì rào lay lắc của cây rừng làm tôi nhớ đến âm vang tụng Chú Lăng Nghiêm ban khuya ở Chùa Xá Lợi… Hình ảnh phết vàng của Thế Tôn Mâu Ni rực sáng! Hình ảnh của thầy Quyền Trụ trì Đồng Bổn với phong thái giản dị, biểu tướng là an tâm và dễ mến.
Nhân cách làm người cảm xúc. Liên tưởng là sự gợi tính của thời gian: Cũng từ Chùa Xá Lợi này mà tôi gặp được cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.
Trong sách “Tiến trình trong thực tại”, tôi có viết: “Rời” Chùa Phước Hậu của Thầy, tôi lên Sài Gòn lần này, tôi chưa định ở đâu cả. Một buổi sáng, tôi đến Chùa Xá Lợi, lên trên lầu, ngồi yên tĩnh trên bàn uống nước trà gần hành lang nhìn xuống phía dưới, tôi chăm chú xem “Truyền-tâm pháp-yếu” của Hoàng Bá (có cuốn Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận của Thiền sư Huệ Hải). Tôi ngồi đó không biết bao lâu. Bỗng phía sau tôi có tiếng nói thật trầm ấm, giọng chững chạc vững vàng: Thầy ở đâu vậy? Tôi nghiêng mình nhìn qua, thấy một người mặc âu phục trang trọng khoảng 60 tuổi, phong cách trọng đại, bình tĩnh mà có uy, mặt hồng, mắt sáng, nhìn thẳng vào tôi như một cột trụ không lay động. Tôi biết đó là cụ Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, một học giả Phật giáo, sự thông thái ngang tầm với Bác sĩ Lê Đình Thám ngày trước. Tôi đứng lên trân trọng chào cụ và nói: “Tôi không ở đâu hết”.
Cụ hỏi: “Thầy từ đâu đến?”
Tôi nói: “Tôi bỏ học ở Lưỡng Xuyên và từ Chùa Phước Hậu của Thầy tôi lên đây”.
Cụ lại hỏi: “Thầy định làm gì?”
“Thưa cụ, tôi đi lang thang”.
Cụ Truyền nói: “Thầy muốn ở đây không?”. Tôi làm thinh, và im lặng một lúc…
Cụ chắp tay, chậm rãi nói từng tiếng: “Tôi mời Thầy ở đây”. Tôi nhìn cụ gật đầu và nói: Vâng, tôi xin ở đây”.
Từ đó, tôi an trụ ở Chùa Xá Lợi. Cụ Mai Thọ Truyền đặc trách tôi làm Tri Khách cho Chùa Xá Lợi (năm 1960). Tôi ở phòng số 6 rộng rãi tiện nghi, tầm nhìn thuận lợi về phía trước và dưới sân Chùa. Chùa Xá Lợi có một thư viện khá đầy đủ (vào thời đó). Tôi thường vào mượn sách để đọc, anh Buông người trông coi thư viện (sau xuất gia là Thầy Đồng Minh) bản chất hiền lành, rất cẩn thận trong công việc và rất thân với tôi, nên việc tôi tra cứu Kinh sách rất thuận lợi dễ dàng. Cụ Hội trưởng Chánh Trí khuyến khích tôi học tiếng Pháp và cụ đích thân dạy tôi mỗi trưa, tại văn phòng của cụ trong tầng trên của tháp. Ở Chùa Xá Lợi, cuộc sống và Phật sự tất cả đều thoải mái. Ngoài các Thầy trụ trì Thiện Thắng, Thiện Phước còn có Thượng tọa Phó trụ trì Hiển Tu, người có âm thanh tụng Kinh truyền cảm nhất. Mỗi khi Thầy xướng lễ, tôi thấy lòng mình như được tẩy rửa thanh lương bằng Pháp mầu của Phật. Tôi biết nhiều Phật tử được tăng tiến phúc thọ, tinh tấn tu hành nhờ giọng xướng âm của Thầy.
Tháp chuông chùa Xá Lợi
Trong thời khóa tối qua (16 tháng giêng – Qúy Tỵ, 2013) thì tôi không còn nghe được âm thanh Đà-ra-ni của Hòa thượng nữa.
Trên đây tôi vừa viết lên rằng: “Nhân cách làm người ta cảm xúc” và liên tưởng đến thời gian tương tác từ ký ức. Trong khi tôi vừa leo núi, trước mắt bóng đêm chập chùng xao động, mà trong đầu tôi không những sáng lên hình ảnh của cụ Truyền mà cả hình ảnh của bà Chánh Hạnh (phu nhân cụ Truyền), ông bà Diệp, ông Nghị (ông Tống Hồ Cầm) đều đưa tôi vào núi. Tôi thật cảm ơn Thượng tọa Đồng Bổn. Nếu Thượng tọa không mời tôi viết bài cho Từ Quang thì tôi đâu có cơ hội nói lên được cảm giác thân thương của mình. Thượng tọa Quyền Trụ trì Đồng Bổn đã làm những việc mà tôi không làm được, để tác thành tri ân đến cụ Hội trưởng Chánh Trí, Hội Phật học và Chùa Xá Lợi.
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Nhan đề của bài viết này là: NHỚ VỀ NGƯỜI XƯA VÀ NAY. Người xưa là cụ Chánh Trí, người nay là Hòa thượng Viện chủ Thích Hiển Tu và Thượng tọa Quyền Trụ trì Đồng Bổn.
Như cái Bình – Bằng – Hư – Không, tôi chẳng có chi, cùng với bài viết và lời thơ Padmasambhava: NHƯ PHÁP CÚNG DƯỜNG, tôi xin gửi đến NGƯỜI XƯA và NGƯỜI NAY với lòng CHÂN-THÀNH và THẬT.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết