Thông tin

NHƯ PHÁP

NHƯ PHÁP

     

TỪ QUANG

 

 

Trong kinh thường thấy câu: Như pháp tu hành… Rồi người ta giải: Theo pháp mà tu hành. Và theo pháp là theo lời Phật dạy.

Nhưng thật nghĩa có đúng như vậy không? Muốn nói đúng cũng được, mà muốn nói không thật đúng cũng không sai.

Theo lời Phật dạy mà tu hành! Nhưng tu hành là gì? Nếu nói tu hành là tu hành thì còn gì đơn giản và tối nghĩa hơn?

Tư duy suy ngẫm đã thủ một vai trò quan trọng trong Phật học, nghĩ đến sâu xét nghĩa của hai chữ tu hành mà vì quá quen tai, ít người chiêm nghiệm.

Tu là sửa, như sửa tà ra chánh, sửa vọng thành chơn, sửa ác thành thiện… Còn hành có hai nghĩa: Một là đi như nói hành lộ, hành thuyền, hai là làm như trong danh từ hành động hay trong từ ngữ hành thiện.

Vậy phải hiểu tu hành là “sửa đi” hay “sửa làm”? Và sửa đi, sửa làm có nghĩa như thế nào?

Ở đây, đi làm tựa hồ đồng một nghĩa, bởi lẽ làm đi đều là những tác động.

Thí dụ câu: “Hành đạo như đăng bá xích can” mà người ta có thể giải hai lối. “Làm đạo khó như leo lên một cây sáo cao trăm thước”, đó là lối hiểu thứ nhất. Nhưng ai dịch, “Đi trên đường chánh, khó như leo sào trăm thước”, người ấy có thể không hiểu sai.

Hai đàng đều không sai vì “làm đạo” hay “đi đường”, xét cho chí lý, không khác gì nhau.

Đạo, người ta đã bỏ công rất nhiều để giải chữ này mà thật nghĩa không quanh co, khúc chiết, như người ta nghĩ đâu. Đạo chỉ có nghĩa là đường đi. Nhưng vì thế sự thì vạn nẻo, có con đường của người tham tài mến lợi, lại có những con đường của kẻ ác người lành, kẻ ngu người trí, của trẻ của già, của nam của nữ, không kể hết, cao thấp bất đồng, vui buồn sướng khổ cũng không nẻo nào giống nẻo nào. Nhiều như thế, ta phải đi đường nào? Nếu là Phật tử xứng danh, ta chỉ có một Đường, một Đạo: Une seule voie, un seul chemin.

Đường ấy, Đạo ấy, Thế Tôn đã vạch trong giáo pháp của Ngài. Nó hướng về ánh sáng giác ngộ và dắt về nơi giải thoát. Vậy đạo ấy là đạo giác ngộ và giải thoát, con đường ấy là con đường duy nhứt của thức tỉnh và cởi mở.

Nhưng giáo pháp của Phật là biểu hiện của Chơn lý, lời nói của Phật là lời nói của sự thật, vậy theo lời Phật dạy (như pháp) còn có thể hiểu là theo chơn lý, theo sự thật, mà tu hành, mà sửa (tu), mà đi mà làm (hành).

Vậy như pháp - hay đúng hơn nên viết “Pháp”- tu hành, nào phải dễ như chúng ta lầm hiểu đâu. Không dễ vì phải rõ thật rõ (liễu giải) thế nào là Chơn lý, là sự thật. Không rõ thật rõ thì dầu có sửa, cái sửa chưa chắc đúng với sự thật; dầu có đi, hướng đi chưa chắc là hướng đúng; dầu có làm, cái làm chưa chắc là đúng với nguyện giải thoát và giác ngộ.

Vì không liễu giải cho nên, trước mắt ta, ngay ở nơi ta, tiếng là tu đạo, hành đạo, mà chúng ta lại đi con đường thế gian vạn nẻo, càng lúc càng kẹt trong rừng tà kiến, ngã chấp, pháp chấp, mỗi lúc thêm nặng nề, miệng tụng niệm lời vàng mà tâm nghĩ điều ma quái, khiến khổ đau chồng chất, vô minh thêm dày, rồi Phật hóa không thiêng mà chánh đạo trở thành tà đạo.

Vậy cần sâu xét thế nào là pháp, thế nào là tu, thế nào là hành, nhiên hậu mới được nói, mới nói được câu “Như pháp tu hành”. Được theo pháp mà tu hành sẽ thấy đó là điều mà ở chỗ khác, Kinh điển gọi “xứng tánh tác Phật sự”. Lại một câu khác rất quen tai quen miệng nhưng không dễ gì thấu đạt.

Như Pháp tu hành, dễ nói mà khó làm thay.

Trích Tạp chí Từ Quang 

Năm thứ XVI - Số 182 Tháng 10 năm 1967 ( P.L. 2.511)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6130507