Thông tin

NHỮNG DANH NHÂN ĐẤT VIỆT TUỔI DẦN

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH tổng hợp

 

Có thể nói năm Dần rất đặc biệt trong Thập nhị chi, vì là năm sinh của nhiều danh nhân kiệt xuất nước Việt Nam. Họ đến từ mọi ngành nghề khác nhau và để lại cho hậu thế những công lao vô cùng to lớn, cũng như giá trị về văn hóa, lịch sử. Trong đó phải kể đến vị lãnh tụ Hồ Chí Minh:

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh

 


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm Canh Dần (19/5/1890 - 2/9/1969), còn được nhân dân gọi tên thân thương là Bác Hồ, quê ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tên lúc nhỏ của Bác là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành. Trong nhiều năm hoạt động cách mạng, Bác lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và cùng nhiều bí danh, bút danh khác.

Công lao to lớn của Người không sao kể xiết. Chính nhờ Người ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, mới có một Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930). Bác đã vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, giúp nhân dân thoát khỏi ách nô lệ của giặc ngoại xâm, xây dựng nên một đất nước, một dân tộc Việt Nam phồn thịnh như hôm nay. Người là anh hùng dân tộc, lãnh tụ kính yêu, bậc thầy quân sự được nhiều quốc gia trên thế giới nể trọng, ngưỡng mộ.

Ngoài sự lãnh đạo tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có nhiều tác phẩm viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung… Các tác phẩm nổi tiếng của Bác: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Nhật ký trong tù...

 

Vua Trần Thái Tông

 


 

Trần Thái Tông sinh năm Mậu Dần (1218-1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần, tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ. Quê quán Trần Thái Tông ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là Mỹ Lộc, Nam Định). Làm vua từ năm 7 tuổi (năm 1225), ở ngôi 32 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm, trước khi truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng (sau là Vua Trần Thánh Tông).

Ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư. Vua Trần Thái Tông để lại cho đời sau một số tác phẩm như: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi...

 

Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ

 

 

Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ sinh năm Canh Dần (1230-1291), tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung), là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyễn Thánh Thiên Cảm, tước hiệu Hưng Ninh Vương. Ông là người hướng dẫn Vua Trần Nhân Tông vào cửa thiền; tham gia cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết Độ Sứ cai quản phủ Thái Bình, nhưng không lâu sau ông lui về ấp Tịnh Bang lập Dưỡng Chân Trang để tu học Pháp Thiền.

Ông được Vua Trần Thánh Tông tôn làm Đạo huynh. Nhiều áng thơ-bài kệ do ông sáng tác được kiết tập trong Thượng Sĩ Ngữ Lục được lưu truyền rất nổi tiếng.

 

Nhà Sử học Lê Văn Hưu

 


 

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230-1322), tại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, Lê Văn Hưu khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh. Khoa thi Đình năm Đinh Mùi (năm 1248) ông đã đỗ Bảng Nhãn (sau Trạng Nguyên) chỉ mới 18 tuổi.

Sau khi thi đỗ, ông được vua giao trọng trách giữ chức Kiểm pháp quan (trông coi việc Hình luật), rồi Hàn lâm Viện học sĩ, kiêm Quốc Sử Việt giám tu. Năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt Sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại những việc cốt yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Đà (từ năm 136 trước Công nguyên đến thời Lý Chiêu Hoàng năm 1225), tất cả gồm 30 quyển và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. Tuy bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

 

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm

 


 

Ngô Thì Nhậm sinh năm Bính Dần (1746-1803), là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ông xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, quê ở Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).

Ông thi đỗ giải Nguyên năm 1768, rồi Tiến sĩ Tam giáp năm 1775, Ngô Thì Nhâm được bổ nhiệm làm quan Bộ Hộ dưới triều Lê -Trịnh. Năm 1790, Vua Quang Trung mất, ông lui về nghiên cứu Phật học. Đến khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, ông và một số viên quan triều Tây Sơn bị đánh bằng roi đến chết tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tác phẩm còn để lại của ông: Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến...

 

Nhà bác học Phan Huy Chú

 


 

Phan Huy Chú sinh năm Nhâm Dần (1782-1840), là nhà thơ, nhà bác học thế kỷ XIX, tự là Lâm Khanh hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là con của Phan Huy Ích, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, thi đỗ Tú tài năm 1821. Vua Minh Mạng biết tiếng, triệu ông vào kinh làm biên tu ở Viện Hàn lâm.

Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam… Đời quan trường của Phan Huy Chú lúc thăng, lúc trầm, nên sinh chán nản, ông từ quan về làng dạy học, viết sách. Bộ sách Lịch triều Hiến chương loại chí, gồm 49 quyển với 10 năm biên soạn là công trình biên khảo đồ sộ của ông. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm.

 

Nhà báo Ngô Đức Kế

 


 

Ngô Đức Kế sinh năm Mậu Dần (1878-1929), là chí sĩ yêu nước, nhà báo, hiệu Tập Xuyên, quê Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một nhà nho yêu nước, đỗ Tiến sĩ năm 1901, nhưng không ra làm quan.

Theo ý của Phan Bội Châu, ông đã cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết với các đồng chí trong phong trào Đông Du. Năm 1908, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo 13 năm. Năm 1922, ông r a Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh đối chọi với tờ tạp chí Nam Phong. Báo bị đóng cửa, ông mở Giác Quần Thư xã (năm 1926), xuất bản một số sách tiến bộ: Phan Tây Hồ di thảo, Đông Tây vĩ nhân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 6
    • Số lượt truy cập : 6131145