Thông tin

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CHƯ TĂNG

TỔ ĐÌNH CHÙA GIÁC LÂM TRONG SỰ HÌNH THÀNH

VÀ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN

LỤC HÒA TĂNG TRONG MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

 

Thượng tọa THÍCH TỪ TÁNH
Trụ trì Tổ đình Giác Lâm - TP.HCM

 

1. Mở đầu

Giác Lâm1 là ngôi chùa cổ có bề dầy lịch sử gần 300 năm, nhiều năm qua đã có không ít công trình đề cập đến ngôi chùa này vì đây là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, là di tích Lịch sử - Văn hóa được Nhà nước công nhận cấp Quốc gia từ ngày 16/11/19882.

Trong quá trình phát triển, mỗi giai đoạn lịch sử, chư Tăng Tổ đình chùa Giác Lâm đã có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Tổ đình chùa Giác Lâm cũng là nơi phát xuất các Tăng sĩ nổi tiếng ở Nam Bộ. Các vị ấy từng được phong tặng là Tiên Giác Tổ sư cho Tổ Tiên Giác Hải Tịnh; Tổ Núi Sam cho Tổ Hoằng Ân Minh Khiêm… Kế thừa các họat động xiển dương cho đạo pháp của chư vị tiền bối Tổ sư, chư Tăng kế thế trụ trì tại đây cũng đã tham gia hoạt động cứu nước trong giai đoạn đất nước có chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tổ đình chùa Giác Lâm còn là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự hình thành một Chi bộ tại chùa vào những năm giữa thế kỷ XX.

Từ những truyền thống quý báu ấy, chư Tăng Tổ đình chùa Giác Lâm giai đoạn này đã góp phần vào việc hình thành một tổ chức Phật giáo mang tính đặc thù, đó là Hội Lục Hòa Tăng, sau này phát triển thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền.

Như vậy, vì sao gọi Lục Hòa Tăng là một tổ chức Phật giáo đặc thù và chư Tăng chùa đã có những đóng góp gì cho sự hình thành và phát triển của tổ chức này? Có thể tóm lược sự ra đời và phát triển của tổ chức Lục Hòa Tăng để từ đó nhận thấy sự đóng góp có hiệu quả của chư vị Tổ sư tiền bối Tổ đình chùa Giác Lâm.

2. Khái quát về tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền

Vào những năm sau cách mạng tháng tám 1945, chính quyền thực dân muốn giành lại thế chủ động trên chính trường, nên đã tiến hành việc đánh chiếm lại Sài Gòn – Gia Định. Trong tình hình đó, phong trào cứu quốc ở miền Nam nổi lên vào những năm 1946 - 1947, với các tổ chức như Thanh niên tiền phong, Phụ nữ cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Cao Đài cứu quốc… Từ đó các Hội Phật giáo cứu quốc từng địa phương cũng được thành lập, như tại Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tiền Giang, Trà Vinh, Long Xuyên… Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên căng thẳng khi chính quyền thực dân nhận thấy sức mạnh của một dân tộc, nên càng tiến hành càn quét các lực lượng yêu nước này, trước tình hình đó, vào năm 1949, Xứ ủy Nam Kỳ buộc phải chỉ đạo cho Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp, vì vậy, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán.

Sau thời gian chuẩn bị, tháng 2/1952, các vị lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã mở hội nghị tại chùa Long An (Sài Gòn) để thành lập Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam (GHPGLHTVN), Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Tăng trưởng, văn phòng trung ương đặt tại chùa Trường Thạnh (nay thuộc quận 1 - TP.HCM). Sau một thời gian hoạt động, trụ sở giáo hội đã dời về chùa Giác Lâm, Hội đã xuất bản tạp chí Phật học và mở trường Phật học Lục Hòa trong khuôn viên chùa Giác Viên (nay thuộc quận 11 -TP.HCM). Theo đó, trụ sở của Giáo hội từng địa phương cũng được thành lập, từ đây, để phù hợp với tình hình hoạt động yêu nước chống Pháp, nên GHPGLHTVN đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, đó là Hội Lục Hòa Tăng (LHT) và Hội Lục Hòa Phật tử (LHPT). Trụ sở Hội LHT lúc đầu đặt tại chùa Phật Ấn (đường Trần Hưng Đạo - Sài Gòn) nhưng sau này, cũng dời về chùa Giác Lâm, cùng địa điểm với GHPGLHTVN. Ban Trị sự của Hội LHPT do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Hội trưởng, Hòa thượng Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định).

Cần thấy rằng, tuy đã được thành lập từ năm 1952, nhưng mãi đến năm 1957, GHPGLHTVN mới chính thức được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa trong Quyết Định do Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957.

Điểm đặc biệt trong giai đoạn này là vào năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt (GHTGNV) được thành lập tại chùa Hưng Long (quận 10) do Hòa thượng Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ) làm Pháp chủ. Như vậy, trong giai đoạn giữa thế kỷ XX, tại Nam Kỳ đã có hai tổ chức Phật giáo song song hoạt động, tuy nhiên, nếu như GHTGNV chuyên ra sức chấn hưng Phật giáo, thì GHPGLHTVN lại tập trung vào việc nhập thế cứu đời trong tình hình đất nước bị thực dân Pháp thống trị. Tiếp đến vào năm 1953, Hội Lục Hòa Phật tử được thành lập, hai khóa đầu trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định)3.

Sau thất bại trong chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân 1968, trước tình hình phức tạp trên, Khu ủy Sài Gòn Gia Định chỉ đạo bằng mọi giá phải bảo vệ một số tổ nòng cốt, trong đó có tổ nòng cốt GHPGCTVN nên “có thể nói GHPGCTVN nhanh chóng trở thành trung tâm tập hợp các cánh tiến bộ trong các tông phái, giáo phái tại thành phố tham gia hình thành mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả”4

Năm 1969, hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN); Giáo hội gồm hai viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Theo thống kê của Hòa thượng Huệ Thông cho biết: “Chỉ trong một thời gian nỗ lực củng cố và phát triển không lâu sau đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã thành lập được 37 Tỉnh, Thành hội và 81 Quận, Huyện hội với trên 2.000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái; có khoảng hơn 10.700 Tăng Ni và trên hai trăm nghìn tín đồ Phật tử”5.

Khi đất nước thống nhất, chư tôn đức đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM vào tháng 8 năm 1975, trong đó có quý hòa thượng đã từng lãnh đạo GHPGCTVN. Đến năm 1980, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, các vị lãnh đạo trong GHPGCTVN cũng đứng ra tham gia gánh vác trọng trách thống nhất Phật giáo, tạo tiền đề tiến đến ngày Đại hội vào năm 1981; khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, hầu hết Chư Tôn đức trong GHPGCTVN đều được cắt cử vào các vị trí trọng yếu của Giáo hội.

3. Chư Tăng chùa Giác Lâm với Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Trải qua 10 thế hệ trụ trì tại Tổ đình chùa Giác Lâm, cho thấy chư Tăng chùa luôn thể hiện tinh thần xiển dương Phật pháp và đồng hành cùng sự thịnh suy của đất nước và dân tộc. Theo lời truyền kể lại, trong giai đoạn 1945 -1948, lúc ấy Hòa thượng Hồng Hưng đang trụ trì Tổ đình Giác Lâm, giặc Pháp thường đi bố, đi càn những nhà cách mạng chạy vào chùa ẩn nấp. Lúc đó Hòa thượng cho các nhà cách mạng mặc áo nhà tu, khi giặc Pháp vào chùa truy xét, giặc Pháp hỏi Hòa thượng “Chùa sao đông người thế?”, Hòa thượng Hồng Hưng nói “Chùa trong giai đoạn trùng tu, sửa chữa, những người này là Phật tử về chùa làm công quả và nghe pháp”, giặc Pháp nghe vậy mới rút lui, lúc đó các nhà cách mạng mới thoát nạn. Năm 1975, dưới sự kêu gọi chư vị Hòa thượng trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền chư Tăng và Phật tử Tổ đình Giác Lâm ra Việt Nam Quốc Tự để giành lại chính quyền lúc đó quý thầy được gọi là Thanh Niên Tăng.

Là một trong “ngũ đại tòng lâm” của đất Gia Định, đặc biệt, dưới thời nhị vị Hòa thượng Nhật Dần Thiện Thuận (1900-1974) và Hòa thượng Lệ Sành Huệ Sanh (1935-1998), Hòa thượng Thiện Thuận đã là một cao Tăng tiền bối trong thành phần lãnh đạo Phật giáo Lục Hòa Tăng. Ngài chính thức trụ trì chùa Giác Lâm từ năm 1949. Khi tổ chức Lục Hòa Tăng được thành lập, ngài đã cùng với Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng để xây dựng Trường Lục Hòa và xuất bản Tạp chí Phật học. Trong thời gian này, Hòa thượng đã chứng kiến cảnh Tăng chúng ngày một đi theo tiếng gọi của Hội Phật giáo cứu quốc, nên từ đó Hòa thượng tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, đưa chùa Giác Lâm trở thành nơi nuôi dấu cán bộ và là nơi hội họp của nhiều cấp ủy một thời6. Được tấn phong là Hòa thượng trong đại giới đàn tại chùa Trường Thạnh, Hòa thượng Thiện Thuận vừa tập trung tu tập, vừa âm thầm tích cực ủng hộ GHPGLHTVN. Năm 1969, khi hai tổ chức LHT và LHPT được hợp nhất, Hòa thượng được suy cử vào thành viên Hội đồng Viện Tăng thống, với chức vụ Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo; đến năm 1972, Hòa thượng Thiện Thuận được suy cử làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo của GHPGCT cho đến ngày viên tịch. Khi đề cập đến ngôi đại già lam Giác Lâm, Hòa thượng Huệ Thông đã nhận định: “Hòa thượng Nhật Dần Thiện Thuận là một cao Tăng tiền bối trong thành phần lãnh đạo của hệ phái Lục Hòa Tăng”7.

Hòa thượng Lệ Sành Huệ Sanh là đệ tử của Hòa thượng Thiện Thuận, lại được cầu pháp với Hòa thượng Bửu Ý (chùa Long Thạnh – Bà Hom), vốn là hai bậc danh Tăng nổi tiếng ở Nam Bộ, nên Hoàn thượng Huệ Sanh đã nhanh chóng trở thành một tu sĩ có đức độ, được sự tín nhiệm của Hòa thượng Thiện Thuận, nên sau khi HTòa thượng Thiện Thuận viên tịch, thì: “theo di chúc đã lập sẵn, giáo thọ Huệ Sanh được cử giữ chức vụ trụ trì Tổ đình Giác Lâm, nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Từ đây, Giáo hội đã có thêm bậc trụ pháp vương gia, Tổ đình đã có người trì Như lai tạng, lúc ấy ngài vừa tròn 39 tuổi8”; từ đó, chư Tăng, Phật tử Tổ đình Giác Lâm đã hết lòng ủng hộ và cùng với Hòa thượng Huệ Sanh sinh hoạt trong GHPGCTVN cho đến ngày Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vào năm 1981. Và “Trong số 9 tổ chức hệ phái thành viên của GHPGVN, đã có đến hai tổ chức của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng được xem là hai thành viên nòng cốt: Một là, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Thiện Hào đứng đầu (thực chất đây là một tổ chức của hệ phái Phật giáo Cổ Truyền Lục Hòa Tăng vừa mới được thành lập vào năm 1975 để phục vụ công cuộc thống nhất Phật giáo) và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Tấn đứng đầu”9.

Về vai trò của ngôi đại tòng lâm trên đất Gia Định, trải qua giai đoạn có sự hình thành và phát triển của tổ chức GHPGCTVN, chùa Giác Lâm là nơi đặt văn phòng, là trụ sở của GHPGCTVN. Vào năm 1977, khi Hòa thượng Thành Đạo, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo GHPGCTVN viên tịch, ngài đã được nhập tháp trong khuôn viên chùa Giác Lâm.

4. Tạm kết

Trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Nam Bộ, chùa Tổ đình Giác Lâm như một trung tâm điểm thu hút và lan tỏa hoạt động của chư Tăng nhiều thế hệ tiếp nối gần hơn 300 năm qua. Từ một Phật học viện đào tạo Tăng tài cho chư Tăng cả vùng đất Nam Bộ vào thế kỷ XVIII, chư Tăng tốt nghiệp đã trở về trú xứ, đảm nhiệm chức vụ trụ trì, góp phần xiển dương Phật pháp. Rồi cũng từ chùa Tổ đình Giác Lâm, trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, ngôi Tổ đình này lại thu hút về đây nhiều vị Tăng tài, tham gia hoạt động cách mạng cứu nước. Chùa được chọn làm văn phòng Hội LHTVN, GHPGCTVN và là cơ sở cho các hoạt động bí mật chống Pháp, chống Mỹ dưới sự chỉ đạo của một Chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi tổ chức Lục Hòa Tăng được thành lập, hai vị trụ trì Tổ đình chùa Giác Lâm là Hòa thượng Nhật Dần Thiện Thuận và Hòa thượng Lệ Sành Huệ Sanh đã tích cực ủng hộ, tham gia, riêng Hòa thượng Thiện Thuận đã là một cao Tăng tiền bối trong thành phần lãnh đạo GHPGCTVN với chức danh Viện trưởng Viện Hoằng đạo.

Ngày nay trong thời đại đất nước đã được hòa bình thống nhất, Ban Trụ trì chúng con bậc trưởng thượng là Hòa thượng Thích Huệ Trung cùng chư Tăng chùa Giác Lâm luôn tự hào và nguyện tiếp tục tri ân và báo ân Thầy Tổ, góp phần xiển dương tinh thần nhập thế đúng với tinh thần lục hòa theo tôn chỉ của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Qua các hoạt động cụ thể như mở khóa tu niệm Phật, tu một ngày an lạc, đạo tràng tu bát quan trai và những kỳ bố tát cho chư Tăng và Phật tử, khóa an cư kiết hạ và lớp Sơ cấp Phật học... Chúng con đã lấy hoạt động từ thiện xã hội đem lại việc cứu khổ ban vui cho những người còn đang sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật. Điển hình là chúng con đã xây dựng một phòng thuốc Nam ở miền Tây trực tiếp bào chế thuốc cho khắp miền đất nước và đem về chùa đặt trong tủ thuốc miễn phí đã góp phần giúp cho những người nghèo khó khăn lại đang bệnh tật. Ngoài ra chúng con còn xây dựng cầu đường, nhà tình nghĩa, nhà tình thương và tổ chức những chuyến từ thiện giúp đỡ cho bà con vùng sâu vùng xa. Chính những hoạt động trên là những hành động cụ thể góp phần vào việc sống tốt đời đẹp đạo của chư Tăng Tổ đình chùa Giác Lâm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Trần Hồng Liên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1995.

2. Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại Tổ đình Giác Lâm, Trần Hồng Liên, Nxb Đồng Nai, năm 2014.

3. Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ - Văn hóa và Xã hội, Trần Hồng Liên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2019.

4. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019.

 


1. Chùa tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP. HCM

2. Trần Hồng Liên (2019) Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ - Văn hóa và xã hội, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội.

3. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr.279.

4. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr. 220.

5. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr.214.

6. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr.285.

7. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr. 263.

8. Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại Tổ đình Giác Lâm, Trần Hồng Liên, Nxb Đồng Nai, năm 2014, tr.101.

9. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ, năm 2019, tr. 419.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6920049