Thông tin

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI

CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

 

THÍCH NỮ CHÚC HÒA

 


 

Chùa Phật học Xá Lợi nằm ở góc đường Sư Thiện Chiếu - Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, được biết đến là ngôi chùa đã có rất nhiều đóng góp thiết thực cho Phật giáo Việt Nam và đất nước, từ giai đoạn chiến tranh cho đến thời bình hiện nay, đã đồng hành cùng dân tộc trên tinh thần hộ quốc an dân và giáo dục tha nhân.

SƠ NÉT VỀ SỰ HÌNH THÀNH CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI

Ngày 25-2-1951, Hội Phật học Nam Việt được thành lập, đặt trụ sở tạm tại chùa Khánh Hưng (390/8, đường Cách Mạng Tháng Tám), sau thì dời về chùa Phước Hòa (khu Bàn Cờ)[1]. Năm 1952, Hội đã tiếp rước phái đoàn Phật giáo Tích Lan đang trên đường đi dự phiên họp lần thứ II của Hội Phật giáo thế giới (World Fellwship of Buddhists) tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), và hoàn thành tốt việc cung nghinh xá lợi lên bờ cho công chúng chiêm bái trong khoảng thời gian tàu ghé lại Sài Gòn[2]. Năm sau, Đại đức Narada Mahathera (tọa chủ chùa Vajirarama, Tích Lan) sang Việt Nam, phụng thỉnh theo ba viên xá lợi và ba cây Bồ đề con, dâng cúng cho ba nơi: Phật giáo Nguyên Thủy (chùa Kỳ Viên), Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Cao Miên (theo lời tuyên bố của Đại đức lúc đến phi trường Tân Sơn Nhất). Do vì chưa nắm rõ tình hình nội bộ Phật giáo Bắc tông Việt Nam và để tránh sự dị nghị, nên sau khi bàn với đạo hữu Chánh Trí, Đại đức Narada đã quyết định trao quyền này cho Hoàng thái hậu Đoan Huy (đức Từ Cung, thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại) để Thái hậu tùy ý giao lại cho đoàn thể PG nào mà bà xét thấy đáng phụng thờ di tích của đức Phật[3]. Khoảng hai năm sau, bà Từ Cung Đoan Huy quyết định giao cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc xá lợi. Tổng hội xét công lao của Hội Phật học Nam Việt nên đã ủy nhiệm cho Hội nhiệm vụ thờ phụng. Lúc ấy trụ sở của hội còn đặt tại chùa Phước Hòa ở khu Bàn Cờ, cũ kỹ và chật hẹp. Đến năm 1955, Hội quyết định xây dựng chùa mới tại một vị trí khác, để có nơi xứng đáng phụng thờ di bảo Đức Thế Tôn và đủ chỗ cho thiện tín đến lễ Phật chiêm bái xá lợi[4].

Được câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với giá một đồng bạc Việt Nam, trên một khuôn viên rộng 2.500 m2 tọa lạc góc đường Lê Văn Thạnh (nay là đường Sư Thiện Chiếu) và đường Bà Huyện Thanh Quan, Hội đã khởi công xây dựng vào ngày 05-08-1956. Theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, kinh phí tốn hơn 05 triệu đồng, được điều khiển xây dựng bởi hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận[5]. Đại lễ khánh thành được tổ chức vào các ngày 02, 03, 04-05-1958[6]. Sau khi thỉnh ý của Hòa thượng Khánh Anh đặt tên hiệu cho chùa Ngài đã dạy rằng: "… Công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người". Đó là duyên cớ có tên là chùa Xá Lợi[7].

ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI CHO ĐẠO PHÁP

Chùa Phật học Xá Lợi là trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, một tổ chức Phật giáo có uy tín hoạt động từ năm 1951 đến 1981, có tất cả 74 chi hội với gần 25.000 hội viên khắp Đông và Tây Nam bộ[8]. Sự quản lý được thiết lập thành hai hệ thống: giới tu sĩ xuất gia giữ vai trò lãnh đạo tinh thần (cấp lãnh đạo là phẩm vị chứng minh đạo sư và cấp điều hành là phẩm vị trụ trì) và giới cư sĩ tại gia giữ nhiệm vụ điều hành Phật sự (cấp lãnh đạo là chức vị Hội trưởng và cấp điều hành là chức vị Tổng thư ký).

Hàng năm, chùa Xá Lợi tổ chức lễ húy kỵ Hòa thượng Thiện Hào vào ngày 16 tháng 06 âm lịch, húy kỵ cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vào ngày 15 tháng 03 âm lịch, tổ chức lễ Vu lan, vía Quan Thế Âm, Đàn Dược sư vào tháng giêng Âm lịch[9], hướng dẫn Phật tử cúng dường trai tăng, tổ chức lễ mừng thọ (Hòa thượng Hiển Tu, cư sĩ Tống Hồ Cầm,…). Sau một năm hoạt động, Ban Phật học tổ chức cuộc họp tổng kết công tác Phật sự đã làm trong năm, đồng thời chúc thọ Hòa thượng Viện chủ và chư Tôn túc Tăng của chùa. Năm 2013, đặc biệt đánh dấu sự đổi mới, trở mình vươn lên của chùa Phật học Xá Lợi, với việc cải tiến và thành lập mới các Ban hoạt động chuyên ngành, thuộc sự chỉ đạo và cố vấn của Hội đồng quản trị và trụ trì chùa Phật học Xá Lợi. Ban Phật học có những buổi nói chuyện về nhiều chuyên đề: khái quát về kinh tạng A Hàm, vi diệu pháp, vài kinh nghiệm điều phục ngũ căn, v.v…để trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Các thời khóa tu học, các buổi pháp thoại, sinh hoạt gia đình Phật tử, các chương trình liên kết đào tạo Tăng ni tu học v.v… tại chùa Xá Lợi nhằm hướng dẫn chư Tăng ni cũng như Phật tử, tu học tốt trong bối cảnh hội nhập phát triển hiện nay.

Chùa từng là trụ sở của Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, là địa điểm diễn ra lễ kỳ siêu và phát động cuộc đấu tranh kỳ thị tôn giáo trong pháp nạn 1963, là trụ sở văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-1994), là nơi hình thành hiến chương Phật giáo Việt Nam đầu tiên. Bên cạnh đó, chùa Phật học Xá Lợi cũng từng là trụ sở của Ủy ban Liên hiệp Phật giáo Hoa Việt. Ủy ban này được thành lập vào tháng 06 năm 1959, đã hợp nhất 23 đoàn thể Phật giáo Hoa - Việt để đón tiếp Pháp sư Diễn Bồi (danh tăng Phật giáo Trung Hoa) và các phái đoàn Phật giáo, tôn giáo khác đến thăm viếng và làm việc tại Việt Nam.

Chùa Phật học Xá Lợi từng là nơi đặt lớp học đầu tiên của Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn khi Viện mới được thành lập vào ngày 13-03-1964, lớp hoạt động đến năm 1966 thì dời về Viện Đại học Vạn Hạnh[10]. Năm 1964, Hội Phật học Nam Việt phản đối Viện Hóa Đạo muốn giải tán Hội và chuyển giao tài sản cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất[11]. Sau này Thượng tọa Đồng Bổn - trụ trì chùa Phật học Xá Lợi đã liên kết với trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo cử nhân Ngữ văn cho Tăng ni, học viện khoa học xã hội đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho các Tăng ni. Lớp cử nhân Ngữ văn học sáng và chiều ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại chùa Xá Lợi, còn Tăng ni theo học thạc sĩ và tiến sĩ thì học tại trường đào tạo của Học viện khoa học xã hội. Cuối năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đã liên kết với trường Đại học Đông Đô (Hà Nội) mở lớp đào tạo cử nhân chính quy chuyên ngành ngôn ngữ Anh[12] cho Tăng ni và Phật tử theo học.

Kể từ khi Hội Phật học Nam Việt hình thành (1951) đã phát hành tạp chí Từ Quang để truyền bá giáo lý[13]. Báo Từ Quang là tiếng nói chính thức của Hội Phật học Nam Việt hoạt động liên tục từ năm 1952 đến 1974[14]. Sau khi hoàn thành trọn bộ Chánh Trí toàn tập, đến năm 2012, Thượng tọa Đồng Bổn cùng các cư sĩ thành viên Ban Phật học Xá Lợi, đã nỗ lực ra mắt tủ sách Phật học Từ Quang tập 1 vào tháng 06 năm 2012. Cứ mỗi quý phát hành một tập, tính đến cuối năm 2018, tủ sách Phật học Từ Quang đã phát hành được 26 tập. Tạp chí Phật học Từ Quang phong phú về nhiều nội dung Phật học; phát triển việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và thư tịch Phật giáo của Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam qua các hội thảo khoa học: Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, v.v… để bảo vệ và phát huy những tinh hoa lịch sử - văn hóa của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay.

Ngoài thời khóa bái sám của chư Tăng và Phật tử, chùa Xá Lợi tổ chức các lớp giáo lý dành cho Phật tử tại gia. Chùa tổ chức lớp giáo lý hàng tuần cho các tín đồ và những ai muốn nghiên cứu tìm hiểu triết lý Phật đà. Vào mỗi sáng chủ nhật, giảng đường mở cửa để mọi người đến nghe thuyết pháp, buổi chiều là lớp giáo lý và sinh hoạt gia đình Phật tử. Cũng có những buổi tu tập Bát quan trai của tín đồ Phật tử. Dù trải qua bao năm tháng thăng trầm lịch sử, chùa Xá Lợi vẫn luôn sinh động phát triển theo định hướng thuở ban đầu[15]. Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức pháp hội uế tích Kim Cang, lớp thiền Vipassana Tứ niệm xứ[16],…

Chùa cũng lập trang website riêng (http://www.chuaxaloi.vn), luôn cập nhật tam tạng kinh điển, các bài giáo lý, các thông báo tu học, các cuộc họp mặt, các lễ hội của chùa và nhiều nơi khác,…

Lễ công bố quyết định và ra mắt nhân sự Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được tổ chức tại chùa Xá Lợi - nơi đặt văn phòng Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam[17]. Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam gồm có 32 thành viên, do Hòa thượng Phước Sơn làm cố vấn, Thượng tọa Tiến sĩ Đồng Bổn làm Giám đốc Điều hành. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, giới thiệu chương trình hoạt động của Trung tâm trong nhiệm kỳ 2012-2017, và cho biết ba lĩnh vực chính sẽ được Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh là: lịch sử, văn hóa và thư tịch Phật giáo Việt Nam[18].

ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI CHO DÂN TỘC

Chùa Phật học Xá Lợi được công nhận là một danh lam ở thành phố Hồ Chí Minh, có kiến trúc hiện đại mà vẫn mang sắc thái văn hóa dân tộc. Đây là lối kiến trúc mang nét đặc thù của đất Sài Gòn, và là một điểm thắng tích mang dấu ấn của cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo đồ, chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo. Tự hào là di sản văn hóa quý báu: có tháp bằng vàng đựng ngọc xá lợi Phật tổ do Ngài Narada mang sang tặng (Phật bảo), có một pho kinh bối diệp bằng chữ Pali (chép trên lá Muôn) cách đây hơn 1.000 năm[19].

Là một chốn yên tĩnh để mọi người tìm đến đọc sách, sinh viên - học sinh chọn làm nơi ôn tập học bài, người già tìm đến văn cảnh trầm tư, với cảnh trí thanh thoát tĩnh lặng, khiến người tìm thấy sự cân bằng tâm hồn giữa cuộc sống nơi chốn phồn hoa đô hội. Sau hơn 40 năm hoạt động, ngôi chùa lịch sử này được trùng tu lại toàn diện trong ba năm từ năm 1999 đến 2001 theo như nguyên mẫu ban đầu, để giữ gìn những giá trị kiến trúc mang phong cách đặc thù của chùa[20]. Chùa Phật học Xá Lợi tự hào là một thắng cảnh văn hóa Phật giáo.

Ban Phật học kết hợp với Ban điều hành chùa tổ chức các khóa tu học như, tổ chức khóa tu một ngày cho đạo tràng ung bướu và khiếm thị, đồng thời tổ chức lễ cầu siêu cho thân nhân các Phật tử tại Tu viện Xá Lợi ở Đồng Nai (ngày 28-08-2016). Mở lớp dạy khí công sáng và tối do hai Võ sư Lâm Đạt và Lâm Toàn giảng dạy vào đầu năm 2017, lớp học thư pháp cho tất cả mọi người yêu thích nghệ thuật, khóa học anh văn Phật pháp, v.v… tạo môi trường lành mạnh giáo dục đạo đức con người về thể chất lẫn tinh thần.

 Năm 1969 - 1970, phòng phát thuốc Xá Lợi đã khám và trị bệnh cho 30.934 người; cùng với Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cứu trợ Việt kiều ở Campuchia hồi hương hàng trăm nghìn đồng[21]. Từ năm 1969 - 1973, Hội Phật học Nam Việt đã giúp các cô nhi viện Diệu Quang, Bạch Vân, làng cô nhi Long Thành hơn ba triệu đồng và nhiều quần áo, chăn màn, sữa, thực phẩm[22]. Và hiện nay, Quỹ từ thiện Sala giúp đỡ cho những đồng bào nghèo trong và ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm lại, với tâm nguyện "phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật", chùa Phật học Xá Lợi đã có nhiều đóng góp thiết thực cho Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần thiết thực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước từ giai đoạn chiến tranh cho đến thời bình hiện nay, mãi là ngọn đèn sáng soi cho cuộc đời, xây dựng tinh thần nhập thế lợi sanh, phát triển xã hội và tô đẹp cho cuộc đời. Trước xu thế công nghệ 4.0, sự phát triển của thiết bị khoa học công nghệ, tinh thần hội nhập quốc tế, chùa Phật học Xá Lợi đẩy mạnh việc tu học của chư Tăng ni và Phật tử trong đời sống hàng ngày, phát triển các chương trình sinh hoạt thiết thực, các buổi họp mặt cũng như hội thảo để thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần tu học giữa cuộc đời này.

 


[1] Nguyễn Quảng Tuấn – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. HCM, tr. 119.

[2] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 6.

 [3] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 10.

[4] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 11-12.

[5] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 13.

[6] Như Quỳnh, Như Hoa (2017), Cẩm nang hướng dẫn du lịch Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 180.

[7] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 14-15.

 [8] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 21.

[9] http://www.chuaxaloi.vn/hinh-anh/chua-xa-loi-khong-gian-tam-linh-co-kinh-ma-hien-dai.

 [10] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 25.

[11] Trần Quang Thuận (2014), Phật giáo Việt Nam đi vào thời đại mới trước những thử thách và văn hóa thời đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 820.

[12] http://www.chuaxaloi.vn/tin-tuc/thong-bao-tuyen-sinh

[13] Thích Thiện Hoa soạn (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam (tập I), Viện Hóa Đạo Sài Gòn, tr. 88.

[14] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 24.

[15] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 25.

[16] http://www.chuaxaloi.vn/tin-tuc.

[17] https://giacngo.vn/thoisu/2013/09/14/1FD409/Bài viết của Thích Tuệ Nhật đăng trên mục Thời sự của GiácNgộ online, với chủ đề: “Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam”, đăng vào ngày 14-09-2013.

[18] https://giacngo.vn/thoisu/2013/09/14/1FD409/Bài viết của Thích Tuệ Nhật đăng trên mục Thời sự của GiácNgộ online, với chủ đề: “Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu PGVN”, đăng vào ngày 14-09-2013.

[19] Bộ kinh này do Giáo hội Tăng già Tích Lan tặng cho Ngài Thích Quảng Liên, sau khi du học hơn 5 năm tại xứ này. Khi về nước, Ngài đem tặng lại cho Hội Phật học Nam Việt, và được làm lễ cung thỉnh về chùa Xá Lợi vào ngày 16-06-1957.

[20] Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 37.

[21] Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng (2012), PGVN từ khởi nguyên đến 1981, Nxb. Văn học, tr. 355.

[22] Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng (2012), PGVN từ khởi nguyên đến 1981, Nxb. Văn học, tr. 355.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115326